Bloomberg: Tính chân thực của số liệu GDP Trung Quốc vẫn luôn bị nghi ngờ
- Huệ Anh
- •
Hôm 21/1, chính phủ Trung Quốc đã công bố về chỉ số GDP quý 4 và cả năm 2018. Hãng tin Reuters cho biết, số liệu GDP mới nhất mà Bắc Kinh công bố là mức thấp nhất trong 28 năm qua của Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn luôn có những nghi ngờ về tính chân thực đối với số liệu được chính phủ Trung Quốc công bố.
Hôm 25/1, tờ Bloomberg News đăng một bài bình luận cho biết, từ lâu, số liệu kinh tế của chính phủ Trung Quốc vẫn luôn thiếu sự chi tiết, và phương pháp thống kê cũng thiếu minh bạch. Tuy nhiên điều khiến người ta kinh ngạc nhất là, sự thay đổi về số liệu lại luôn rất ổn định. Điều này khiến cho người ta thấy hoài nghi rằng nó là kết quả được điều chỉnh xuất phát từ mục đích chính trị của chính phủ Trung Quốc.
Theo số liệu được Cục Thống kê Trung Quốc công bố, 3 tháng cuối năm 2018, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. So với mức 6,5% của quý trước đó (Quý 3) có sự sụt giảm, cũng là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay.
Bài viết nói, sự trùng hợp giữa số liệu được chính phủ Trung Quốc công bố và số liệu được dự báo do Bloomberg economics nghiên cứu đưa ra chỉ là ngẫu nhiên, do đó vẫn còn quá sớm để loại bỏ sự nghi ngờ về dữ liệu kinh tế do Trung Quốc công bố trong nhiều thập kỷ.
Ông Lý Khắc Cường từng phủ nhận số liệu thống kê của chính phủ “có sự can thiệp của con người”, nhưng các tỉnh thành quan trọng của Trung Quốc, bao gồm cả tỉnh Liêu Ninh (nơi ông Lý Khắc Cường từng làm Bí thư tỉnh ủy) đều thừa nhận có hành vi giả dối thống kê trên diện rộng. Ngoài ra, dữ liệu được tổng hợp với tốc độ nhanh và chỉ mất ba tuần để đo lường hiệu suất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – nền kinh tế 13,5 nghìn tỉ USD, cũng đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu.
Bài viết chỉ ra, điều đáng chú ý là GDP của Trung Quốc và các chỉ số kinh tế chung khác luôn thể hiện ra rất ổn định (không có thay đổi lớn) qua các con số, trong khi các nước khác, số liệu GDP luôn có sự biến động qua các quý. Từ năm 2011 đến nay, tỉ lệ tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc mỗi quý chỉ biến động 0,2%, chưa bằng một nửa mức biến động bình quân Mỹ.
Do số liệu của chính phủ Trung Quốc không đáng tin, nên các nhà kinh tế học bên ngoài Trung Quốc đã tự nghiên cứu và đưa ra chỉ tiêu đại diện để đo lường tình hình thực tế của kinh tế Trung Quốc. Ví dụ, Bloomberg economics đã nghiên cứu 3 chỉ tiêu: Theo dõi GDP hàng tháng trung bình dựa trên các chỉ số hoạt động như sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ; Chỉ số điện năng tiêu thụ bởi sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp, chỉ số này được điều chỉnh dựa vào tỉ lệ từng ngành chiếm trong tổng GDP; “Chỉ số Lý Khắc Cường” được ảnh hưởng bởi kiến nghị của Thủ tướng, dữ liệu về điện, vận tải hàng hóa đường sắt và các khoản vay ngân hàng đưa ra một mô tả đáng tin cậy hơn về tăng trưởng kinh tế so với dữ liệu chính thức
Kết quả của dự đoán về chỉ tiêu đại diện này phần lớn đều nhất trí với số liệu GDP của chính phủ Trung Quốc công bố. Ví dụ, năm 2015, số liệu của Bloomberg economics và nhiều số liệu của các nhà kinh tế học độc lập cho thấy, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm xuống đến 5% hoặc thấp hơn, tỉ lệ này không khớp với số liệu mà Trung Quốc công bố. Tuy nhiên, quý 4 năm 2018, số liệu của Trung Quốc công bố và chỉ độc lập lại cho thấy hoặc ít hoặc nhiều có sự ăn khớp.
Nhìn lại lịch sử thống kế kinh tế của Trung Quốc, thay đổi số liệu vẫn luôn là truyền thống của chính quyền. Truy ngược lại thời đại ông Mao Trạch Đông, xung đột lợi ích của các quan chức địa phương chính là nguyên nhân gốc rễ của việc sửa đổi số liệu kinh tế. Tỉnh trưởng phụ trách báo cáo tình hình kinh tế của địa phương mình quản lý, việc họ được thăng chức hay không được quyết định bởi những con số nhìn có đẹp hay không.
Năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á làm các nước láng giềng của Trung Quốc bị tổn thương nặng nề, tác động của cuộc khủng hoảng này tới Trung Quốc cũng rất rõ ràng. Tất cả các con số thống kê từ tiêu hao nguồn năng lượng cho đến du lịch, hàng không đều cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Giáo sư Kinh tế học Thomas Rawski nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế thuộc Đại học Pittsburgh (University of Pittsburgh) dự đoán, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 2,2% hoặc thấp hơn, còn khi đó số liệu của chính phủ Trung Quốc công bố là 7,8%.
Khoảng cách giữ hai con số này đã quá rõ, do đó, tầng lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc không có lựa chọn nào khác, chỉ có thể lựa chọn hành động bù đắp để cứu vãn. Khi đó, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Dung Cơ từng nói về “phong trào tô đẹp và tạo giả” của hệ thống thống kê cuốn chiếu.
Còn mấy năm nay, Trung Quốc đã bắt đầu cải cách về “ép lại” con số thống kê, với hy vọng xóa bỏ ảnh hưởng của việc các địa phương phóng đại con số báo cáo. Trên thực tế, cải cách trong phương diện thống kê này không hề xóa bỏ được xung đột lợi ích của cao tầng của đảng Cộng sản Trung Quốc. Bởi vì lãnh đạo cấp quốc gia của Trung Quốc không lo lắng về thăng chức, nhưng họ lại có mục tiêu cho tăng trưởng GDP.
Có bình luận chỉ ra, nếu không đạt được chỉ tiêu này, thì tiếng nói và danh dự của họ sẽ bị tấn công, thậm chí sự thống trị hợp pháp cũng bị nghi ngờ.
Không có ai có cơ hội hiểu được công việc nội bộ của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, có lẽ số liệu mà tầng lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc công bố đã được sửa đổi để phù hợp với mục tiêu chính trị của họ; dù những con số này có sự tương đồng đến kinh ngạc với dự báo của ngoại giới, nhưng vẫn không thể xóa bỏ những nghi ngờ về tính chân thực đối những số liệu kinh tế mà chính phủ Trung Quốc công bố.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa kinh tế Trung quốc GDP Tăng trưởng kinh tế