Bộ máy chấp pháp Hồng Kông sớm muộn cũng làm “dê thế tội” cho ĐCSTQ
- Giang Phong
- •
Do chính phủ Hồng Kông đứng đầu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) vẫn làm ngơ trước năm yêu cầu chính của người Hồng Kông khiến chiến dịch biểu tình tiếp tục căng thẳng. Thêm nữa, việc Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gán tội “mầm mống chủ nghĩa khủng bố” cho người biểu tình Hồng Kông cũng là một thủ đoạn điển hình thường thấy, là cái cớ để giới chức “xử lý” vấn đề Hồng Kông.
Hôm 12/8, phát ngôn viên Dương Quang của Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao đã lần đầu tổ chức họp báo tạm thời tại khu sân vườn ở nhà. Ngoài tiếp tục bày tỏ ủng hộ hệ thống tư pháp và cảnh sát Hồng Kông, Dương Quang đặc biệt nhấn mạnh: Hồng Kông đã bắt đầu xuất hiện “mầm mống chủ nghĩa khủng bố”, nhiệm vụ trên hết hiện nay là khôi phục trật tự bình thường.
Từ biểu hiện bên ngoài của ĐCSTQ tỏ ra tin tưởng và ủng hộ chính phủ Hồng Kông đàn áp phong trào phản đối Dự luật dẫn độ, thực tế chính là biến tướng nhằm gián tiếp gia tăng sức ép đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và cảnh sát Hồng Kông, để nhanh chóng giải quyết tất cả những vấn đề khiến chính quyền trung ương không vừa ý. Do thấy được Bắc Kinh yểm trợ nên giới chức cấp cao Hồng Kông hiện nay mới mạnh tay đàn áp phong trào biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ.
Nhưng dù kết quả cuối cùng thế nào, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức cảnh sát cấp cao chỉ là “dê thế tội”, thậm chí cả những cảnh sát dùng bạo lực thực thi pháp luật cũng vậy, đây là mánh khóe điển hình của ĐCSTQ để chờ qua mùa thu (qua ngày Quốc khánh của ĐCSTQ) sẽ tính sổ trở lại. Do đó, với những thủ đoạn của ĐCSTQ xử lý tình hình Hồng Kông hiện nay có thể xảy ra ít nhất ba trường hợp như sau:
Thứ nhất, cảnh sát Hồng Kông thành công đàn áp người phản kháng
Đây là kết quả tốt nhất cho ĐCSTQ. Mặc dù dư luận cộng đồng quốc tế lên án việc thực thi pháp luật bạo lực của cảnh sát Hồng Kông, nhưng vấn đề là không phải sử dụng đến thế lực quân đội, nhờ đó có thể ngụy biện nhằm bảo vệ được vị thế của cảng thương mại tự do và trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông, đồng nghĩa giữ được “túi tiền” của giới chức cấp cao ĐCSTQ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ leo thang.
Dĩ nhiên đây cũng là kịch bản bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga hy vọng, vì như vậy bà ta có hy vọng giành được cơ hội hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình Hồng Kông khiến lợi ích và tài sản ở Hồng Kông của giới chức cấp cao của ĐCSTQ bị tổn thất nặng nề, do đó trước sau cũng sẽ trút giận vào bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vì cách xử lý công việc yếu kém. Khi tình hình tương đối ổn định sẽ cho người đáng tin cậy hơn và được các phe phái chấp nhận thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Với tình hình bất mãn nghiêm trọng hiện nay của người dân Hồng Kông với chính phủ và cảnh sát Hồng Kông cũng như chính quyền Bắc Kinh, khả năng xảy ra kịch bản này là không lớn. Vì sau hơn hai tháng biểu tình quy mô lớn và đình công cùng các phong trào bất hợp tác khác, hiện nay lại dùng chiến thuật biến hóa linh hoạt, khiến cảnh sát Hồng Kông cũng mệt mỏi kiệt sức và bội chi. Đặc biệt là giờ đây Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông vẫn đang tiếp tục xây dựng các kế hoạch biểu tình quy mô lớn phản đối Dự luật dẫn độ và buộc nhà cầm quyền đáp ứng 5 yêu cầu chính.
Thứ hai, nếu ĐCSTQ thỏa hiệp ở mức độ nhất định liệu có thể ổn định tình hình?
Nếu điều này khả thi, chắc chắn là sau khi cân nhắc, ĐCSTQ sẽ cho rằng so với cho quân đội đàn áp thì nhượng bộ một chút sẽ có lợi hơn. Những nhượng bộ này bao gồm cách chức bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ và cảnh sát Hồng Kông, bắt giữ và xử tội một số nhân viên cảnh sát thực thi pháp luật bằng bạo lực, và thậm chí trong tình hình bất đắc dĩ sẽ hứa miệng chấp nhận 5 yêu cầu chính của người dân Hồng Kông và trong quá trình này sẽ theo dõi động thái của người Hồng Kông.
Vì ngày 1/10 là ngày kỷ niệm quan trọng của ĐCSTQ, còn phải tổ chức diễu binh quy mô lớn, vì thế để giảm bớt những áp lực bổ sung thêm vào những khó khăn như chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và suy thoái kinh tế, khả năng thỏa hiệp của ĐCSTQ là hoàn toàn có thể.
Nếu nhận thấy việc nhượng bộ trong phạm vi ĐCSTQ có thể chấp nhận mà cũng được người dân Hồng Kông chấp nhận, vậy thì kịch bản này không chỉ giữ được vị trí cảng thương mại tự do và trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông, mà sự ổn định hoặc phát triển của thị trường chứng khoán Hồng Kông sẽ giúp chính quyền Bắc Kinh giảm bớt tổn thất. So với dùng quân đội đàn áp thì con đường này có lợi hơn nhiều cho ĐCSTQ.
Trong phong trào phản đối Dự luật dẫn độ ở Hồng Kông, ĐCSTQ cũng đã áp dụng một số biện pháp “bình ổn” ngăn chặn thị trường chứng khoán Hồng Kông suy thoái, lệnh cho các tổ chức tài chính cũng như quỹ đầu tư đẩy mạnh nắm giữ cổ phiếu Hồng Kông. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trong 17 ngày liên tục giới đầu tư Trung Quốc Đại Lục đã tăng sở hữu cổ phiếu Hồng Kông thông qua kênh Kết nối chứng khoán Thượng Hải-Hồng Kông (kênh đầu tư xuyên biên giới kết nối Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông). Nhưng dù vậy cũng không thể bù đắp được số tiền mà giới đầu tư quốc tế đẩy ra ngoài. Ngày 12/8, chỉ số chuẩn Hồng Kông đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng.
Về vấn đề này, nhìn lại thời gian năm 2014 nổ ra sự kiện “chiếm trung tâm” Hồng Kông, một số người đã mua vào chứng khoán Hồng Kông và họ đã được hưởng lợi rất nhiều sau khi kết thúc chiến dịch “chiếm trung tâm”.
Do đó, từ cân nhắc đến những áp lực của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và dư luận trong cộng đồng quốc tế, khả năng thỏa hiệp của ĐCSTQ cũng không hề nhỏ.
Thứ ba, ĐCSTQ cho quân đến đàn áp để bình ổn Hồng Kông
Nếu sau khi ĐCSTQ chấp nhận một số thỏa hiệp mà người dân Hồng Kông vẫn không hài lòng và không chấp nhận, thậm chí gây đe dọa đối với quyền lực chính trị của ĐCSTQ, vậy thì Bắc Kinh phải miễn cưỡng sử dụng quân đội để đàn áp.
Có lẽ sự kiện ĐCSTQ dùng quân đội đàn áp phong trào đòi dân chủ tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989 để lại ấn tượng quá sâu sắc, nên hiện nay cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm liệu chính quyền Bắc Kinh có dùng lại cách làm này ở Hồng Kông? Nếu có thì vào khi nào? Rất có thể, ĐCSTQ gián tiếp gửi quân đến đàn áp, điều đó có nghĩa là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể trở thành “dê thế tội” cho ĐCSTQ.
1. Vấn đề gián tiếp cho quân đội đàn áp
ĐCSTQ đã bắt đầu sử dụng chính thế lực của mình để tham gia đàn áp, họ đã cải trang trà trộn vào cảnh sát Hồng Kông. Hai tháng qua đã xảy ra nhiều hiện tượng lạ gây nghi ngờ, ví dụ chuyện những cảnh sát che giấu bảng tên, không thể xuất trình giấy chứng minh làm nhiệm vụ, những người mặc đồng phục cảnh sát nhưng không dám nói chuyện, những người mặc đồng phục cảnh sát Hồng Kông nhưng khi hành động đàn áp người biểu tình và thực thi pháp luật hoàn toàn khác lạ so với cảnh sát Hồng Kông đã qua đào tạo tập luyện…
Một số cơ quan truyền thông đã chỉ ra việc ĐCSTQ đã cho lực lượng hùng hậu cảnh sát vũ trang và công an lẻn vào Hồng Kông. Ngày 13/8 đã xảy ra sự cố tại sân bay Hồng Kông bị nghi ngờ là đụng độ giữa cảnh sát phụ trợ (làm bán thời gian) của chi nhánh Công an Phúc Điền tại Thâm Quyến và những người biểu tình…
Để tránh những hậu quả nghiêm trọng nếu cho quân đội can thiệp, có thể ĐCSTQ đã áp dụng cách thức quỷ quyệt này. Điều này cũng có thể giải thích nhiều vụ việc cảnh sát làm nhiệm vụ tấn công bừa bãi người dân Hồng Kông, dùng đòn hiểm đối với người biểu tình và thậm chí phóng hơi cay vào những khu vực không gian kín trong ga tàu điện ngầm. Những thủ đoạn này rất giống kiểu cách mà giới nhân viên an ninh Đại Lục đàn áp người dân.
Đây gọi là cách gián tiếp dùng quân đội đàn áp, với biện pháp này thì cộng đồng quốc tế không thể chính thức xử phạt ĐCSTQ và bãi bỏ địa vị cảng thương mại tự do của Hồng Kông trước khi có thể tìm ra bằng chứng thuyết phục, qua đó ĐCSTQ có thể tranh thủ giải quyết được vấn đề Hồng Kông trong thời gian ngắn.
2. Vấn đề trực tiếp cho quân đội đàn áp
Đây là lựa chọn cuối cùng trong trường hợp ĐCSTQ đánh mất lý trí và bất chấp tất cả vì giữ vững quyền lực chính trị. Nếu kịch bản này xảy ra, chắc chắn ĐCSTQ sẽ sớm suy bại và giải thể, điều này cũng phù hợp với logic thông thường. Nhưng kịch bản này không có nhiều khả năng xảy ra trước ngày 1/10. Vì đó là ngày kỷ niệm quan trọng của ĐCSTQ phải tổ chức diễu hành quân sự quy mô lớn, Bắc Kinh đang phải bận rộn chuẩn bị nên đương nhiên không muốn điều động trực tiếp quân đội để đàn áp Hồng Kông.
Cho dù cảnh sát Hồng Kông lạm dụng thực thi luật pháp bằng bạo lực, họ cũng có thể bị ĐCSTQ tính sổ sau mùa thu. Chiêu trò này của ĐCSTQ đã nhiều lần áp dụng ở Đại Lục. Thêm nữa, khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức chính phủ Hồng Kông ủng hộ ĐCSTQ đàn áp người biểu tình, chắc chắn họ sẽ trở thành con dê thế tội cho ĐCSTQ, tiếng xấu sẽ bị lịch sử ghi lại muôn đời.
Giang Phong
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình ở Hồng Kông ĐCSTQ trấn áp người biểu tình Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga