Canberra Times: Điệp viên Trung Quốc đào tẩu, vạch trần chế độ ở Úc
- Quang Minh
- •
Vào ngày 4 tháng 6 vừa qua, tờ Canberra Times đưa tin, một cựu sĩ quan tình báo Trung Quốc với hóa danh Eric đã vạch trần hoạt động thâm nhập vào các nhóm bất đồng chính kiến trong bài phát biểu tại một sự kiện diễn ra tại Canberra, Úc, nhân kỷ niệm 35 năm thảm sát Thiên An Môn.
“Thế giới vẫn biết rất ít về những nhiệm vụ bí mật này, tôi sẽ tiếp tục tiết lộ nhiều hơn về những nhiệm vụ này trong tương lai”, Eric nói với đám đông thông qua một phiên dịch viên hôm thứ Ba. “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không tính đến việc bạn là người có tôn giáo, có đạo đức hay bạn là tội phạm vô đạo đức. Khi làm việc, đảng chỉ xem xét một điều – bạn có đứng về phía họ hay không.”
Cựu sĩ quan tình báo này cho biết ông đã hoạt động ở Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan trước khi xin tị nạn ở Úc. Lấy ví dụ về một hoạt động của mình, Eric chia sẻ cách ông từng theo dõi một người tập Pháp Luân Công ở Thái Lan như thế nào.
Eric tiết lộ với các nhà báo sau sự kiện rằng khoảng 200 quan chức tình báo bí mật của Trung Quốc đang làm việc ở Úc và khoảng 1.000 “người cung cấp thông tin” làm việc cho hệ thống gián điệp thông qua các thực thể của ĐCSTQ như Mặt trận Thống nhất.
Để giúp duy trì quyền lực độc tài, ĐCSTQ dựa vào việc thao túng và kiểm soát người dân Trung Quốc cả trong và ngoài nước. Thông qua hệ thống gián điệp với người cung cấp thông tin sống giữa những công dân bình thường ở nước ngoài, ĐCSTQ thu thập thông tin tình báo đồng thời xác định và nhắm mục tiêu vào các nhà bất đồng chính kiến và các nhóm thiểu số bị đàn áp. Các nhóm như người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng từ lâu đã trở thành mục tiêu của các hoạt động như vậy và nhiều chính phủ nước ngoài đã biết về những hành động này của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, việc một “kẻ đào tẩu” mới như Eric đã chứng minh thực tế rằng hệ thống gián điệp này vẫn tiếp diễn ở Phương Tây. Nó chứng tỏ các chính phủ cần phải thực thi những biện pháp phòng ngừa lớn hơn để bảo vệ các thành viên của cộng đồng người Hoa hải ngoại.
Đây không phải là lần đầu tiên một điệp viên Trung Quốc lên tiếng phản đối ĐCSTQ và đào tẩu. Năm 2005, Đệ nhất Tham vụ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, ông Trần Dụng Lâm, đã đào thoát khỏi vị trí của mình, và tiết lộ cách ĐCSTQ bố trí gián điệp như một phần trong nỗ lực đàn áp tín ngưỡng ở nước ngoài. Sau đó trong phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng 7 năm 2005, ông Trần Dụng Lâm cũng tiết lộ về việc ĐCSTQ đã bắt đầu bức hại một cách có hệ thống người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc như thế nào và tiết lộ rằng các phái đoàn ở nước ngoài luôn có sự tham gia của “ít nhất một quan chức phụ trách các vấn đề Pháp Luân Công, người đứng đầu và Phó trưởng phái đoàn sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề Pháp Luân Công.”
Quang Minh biên tập
Mời xem video: