Câu chuyện về những người Trung Quốc không thể chung sống với ĐCSTQ
- Giản Dị
- •
Thông tin gây chú ý ở Hồng Kông vào ngày 20/11 vừa qua: 535 nhân viên Chính phủ Hồng Kông “không chịu cúi đầu trước Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Hiện tất cả họ đều đã nghỉ việc. Trong cơ thể của vô số người dân Hồng Kông ngày nay, dòng máu chống ĐCSTQ chuyên chế mà các thế hệ trước để lại vẫn còn đó.
535 người từ chối ký tuyên bố
Truyền thông Hồng Kông hôm 20/11 đưa tin, tính đến ngày 30/6 năm nay, các cơ quan và ban ngành của Chính phủ Hồng Kông đã tuyển dụng tổng cộng 9468 nhân viên hợp đồng toàn thời gian. Về vấn đề này, ông nghị sĩ Chan Chun-ying của Hồng Kông đã hỏi rằng có bao nhiêu nhân viên hợp đồng phi công vụ chưa ký tuyên bố ủng hộ Luật Cơ bản và trung thành với Đặc khu Hành chính Hồng Kông? Cục trưởng Ingrid Yeung Ho Poi-yan Cục Sự vụ Công vụ viên trả lời rằng: Về nhân viên hợp đồng toàn thời gian có 149 người từ chối ký vào tuyên bố, về nhân viên hợp đồng bán thời gian có 386 người từ chối ký, tất cả những nhân viên này đã nghỉ việc. Tổng cộng có 535 người từ chối ký vào bản tuyên bố.
Tin tức này đã làm dấy lên thảo luận của cộng đồng mạng người Hoa trong và ngoài nước. Một số cư dân mạng Đại Lục cũng chia sẻ: “Đầu tiên phải là tình yêu đồng bào”; “Thực hiện 50 năm ‘một nước, hai chế độ’, nhưng được bao lâu?”; “Thời vận tốt đẹp của Hồng Kông đã qua, những ngày gian khổ đã gần”. Một số người nói: “Hồng Kông đã chết. Người dân Hồng Kông đã cố gắng hết sức để chiến đấu, đành tạm thời di dân”…
Dưới sự chuyên chế của ĐCSTQ, không chỉ một số lượng lớn giới tinh hoa đã rời khỏi Hồng Kông, mà các doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng tăng tốc tháo chạy.
Các công ty vốn nước ngoài đang tăng tốc chuyển hướng
Theo một thông tin vào tháng trước từ WSJ, các công ty nước ngoài đang đẩy nhanh việc rời khỏi Hồng Kông. Thực tế ngay từ vài năm trước đã có một số ít công ty đa quốc gia bắt đầu rút khỏi Hồng Kông, nhưng ngày nay đã phát triển thành làn sóng tháo chạy quy mô lớn liên quan đến các ngân hàng, công ty đầu tư và công ty công nghệ.
Thông tin trích dẫn số liệu thống kê chỉ ra, số lượng công ty Mỹ ở Hồng Kông đã giảm trong 4 năm liên tiếp, tính đến tháng 6/2022 còn 1258 công ty – được cho là mức thấp nhất kể từ năm 2004. Có người phụ trách một công ty cho biết, trước đây đến Hồng Kông là chuyện hiếm có rủi ro, nhưng giờ đây nơi này không còn là nơi như vậy nữa.
Những cân nhắc của các công ty đa quốc gia trú ở Hồng Kông đã thay đổ trong bối cảnh Hồng Kông thắt chặt các hạn chế an ninh quốc gia, ĐCSTQ tăng cường chỉnh đốn các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Trung Quốc suy thoái và quan hệ Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng. Một số giám đốc điều hành công ty nước ngoài chỉ ra rằng ranh giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục đã trở nên mờ nhạt.
Theo nguồn tin, Tập đoàn Ngân hàng Westpac của Úc đã đóng cửa các hoạt động ở Hồng Kông, không chỉ vậy Ngân hàng Quốc gia Úc (National Australia Bank) cũng có kế hoạch tương tự. Ngoài ra, công ty quản lý quỹ hưu trí Canada Alberta Investment Management Corp, công ty công nghệ Mỹ Vantage Data Centers, hay Chính phủ Quần đảo Cayman… đều từng cân nhắc việc thành lập trụ sở khu vực tại Hồng Kông, nhưng cuối cùng đã chọn Singapore; Tập đoàn dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế FedEx cũng chuyển một số vị trí trong khu vực từ Hồng Kông đến Singapore…
Báo Mỹ: Lý Gia Siêu là “côn đồ của Bắc Kinh”
Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (USCC) hôm 14/11 đã công bố báo cáo thường niên năm 2023. Báo cáo chỉ ra rằng Hồng Kông hiện nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, đồng thời cho biết chính quyền ĐCSTQ tiếp tục điều chỉnh bộ máy quản trị Hồng Kông theo ý muốn của họ, theo đó dần loại bỏ xã hội dân sự sôi động một thời của Hồng Kông.
Báo cáo cho biết ảnh hưởng độc tài quá mức của Bắc Kinh đang buộc nhiều người Hồng Kông rời khỏi thành phố hơn, trong khi những người chọn ở lại cảm thấy hoang mang trước việc có nên chấp nhận tự kiểm duyệt hay vẫn mạo hiểm liên quan những động thái chính trị mà trước đó họ có được bảo đảm từ luật pháp, nhưng bây giờ nếu tiếp tục sẽ bị trừng phạt.
Báo cáo cho rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khôi phục hình ảnh quốc tế của Hồng Kông chỉ là thủ đoạn nhằm mục đích thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Báo cáo trực tiếp gọi Giám đốc điều hành Hồng Kông Lý Gia Siêu là “côn đồ của Bắc Kinh”.
Tại sao người dân Hồng Kông lại khó bị khuất phục?
Tại sao người dân Hồng Kông lại bất khuất trước chuyên chế của ĐCSTQ? Điều này rõ ràng có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Thế hệ trước của vô số người Hồng Kông ngày nay, là những người đã từng liều mạng chạy trốn sang Hồng Kông để thoát khỏi đàn áp của ĐCSTQ, họ đã liều mạng vì tự do. Vì số lượng người bỏ chạy khỏi Đại Lục đông đảo nên được ví là “làn sóng”.
Một số trường hợp tiêu biểu như Nghê Khuông (Ni Kuang), là người từng bị gán mác “phản cách mạng” sau này trở thành một nhà văn nổi tiếng. Ngoài ra còn có Tư Mã Lộ (Si Malu) là một chuyên gia về lịch sử.
Sau khi đến Hồng Kông, ông Nghê Khuông đã viết tác phẩm tiểu thuyết đầu tiên trong đời: “Chôn sống” (活埋), kể câu chuyện về một địa chủ già và cháu trai của bà bị chôn sống trong cuộc ‘Cải cách Ruộng đất‘ của ĐCSTQ. Một câu trong sách khiến người đọc như chết lặng: “Khi đất vùi lấp qua ngực bà, bà vỗ về cháu trai và nói: ‘Một lát nữa sẽ tốt hơn, không phải buồn chán nữa’”.
Nghê Khuông từng nói: “Điều đáng sợ nhất của ĐCSTQ là chúng muốn tẩy não và kiểm soát suy nghĩ cũng như ý chí của người khác, những người trong hệ thống của ĐCSTQ trở thành những cỗ máy hoàn toàn phục tùng”.
Còn nhà sử học Tư Mã Lộ ở Hồng Kông đã viết rất nhiều trong suốt cuộc đời ông, năm 1952 ông xuất bản cuốn sách gây tiếng vang “Mười tám năm đấu tranh”, viết về hành trình quanh co của mình từ khi gia nhập ĐCSTQ đến khi thức tỉnh lựa chọn tự do. Không khí tự do ở Hồng Kông lúc bấy giờ có thể nhìn vào bài thơ gửi Tư Mã Lộ mà 50 năm sau giáo sư sử học nổi tiếng Từ Anh Thời (Yu Ying-shih) viết: “Tôi đã đọc ‘18 năm đấu tranh’ – cuốn sách đã được quảng bá mạnh trong phong trào chống ĐCSTQ ở Hồng Kông”.
Có thể nói, “làn sóng chạy trốn sang Hồng Kông” đã thúc đẩy và củng cố tư tưởng chống ĐCSTQ của người Hồng Kông.
Từ những năm 1950 – 1978, gần triệu người Đại Lục đã nhập lậu vào Hồng Kông. Đặc biệt trong nạn đói kéo dài 3 năm (1958-1962) do ĐCSTQ gây ra, làn sóng người dân Đại Lục chạy trốn đến Hồng Kông lên đến đỉnh điểm. Đông đảo người dân không có lương thực để sống đã tháo chạy sang Hồng Kông như dòng thác lũ, truyền thông Hồng Kông từng miêu tả cảnh tượng gây sốc này là “Cuộc đào thoát vĩ đại tháng 5”. Sau khi một số người trốn thoát thành công đến Hồng Kông, họ nhanh chóng gửi tiền về nhà, điều này khiến những người Đại Lục khác tràn đầy hy vọng. Nỗi kinh hoàng của ‘Nạn đói Lớn’ và tương lai tươi sáng của Hồng Kông khiến nhiều người liều lĩnh hơn và hướng về Hồng Kông.
Thiếu tướng ĐCSTQ Từ Diệm (Xu Yan) thừa nhận vào năm 2018 rằng những người chạy trốn từ Đại Lục đến Hồng Kông trong khoảng thời gian từ 1949 – 1950 đều có “lòng căm thù sâu sắc” đối với ĐCSTQ. Điều tương tự đối với những người tị nạn chạy sang Hồng Kông trong ‘Nạn đói Lớn’ từ năm 1958 – 1961. Lúc đó Từ Diệm giận dữ nói rằng 2/3 dân số Hồng Kông là “chống cộng”.
Số người tháo chạy ngày nay tăng vọt
Chứng kiến “Hòn ngọc Phương Đông” ngày nay chìm trong không khí u ám, vô số người dân Hồng Kông lại buộc phải lang thang chạy khỏi nơi họ đã “sinh ra và lớn lên”.
Ở Đại Lục ngày càng có nhiều người kiên quyết “bỏ phiếu bằng đôi chân”, cùng gia đình chạy trốn khỏi Trung Quốc để được tự do, để con cái thoát khỏi nanh vuốt của ĐCSTQ và để được sống làm người. Họ cõng trẻ nhỏ trên lưng và dìu đỡ người già tháo chạy, bất chấp nguy hiểm để bằng mọi cách đến được vùng đất tự do: nước Mỹ!
Theo thống kê, trong năm tài chính 2023 kết thúc vào cuối tháng 9, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã chặn tổng cộng 24.080 công dân Trung Quốc tại biên giới Mỹ-Mexico, tăng gấp 10 lần so với con số 1970 người trong năm tài chính 2022, tăng 7000% so với 323 người vào năm 2021 – giai đoạn ĐCSTQ thực hiện các biện pháp kiểm soát đi lại nghiêm ngặt vì dịch bệnh COVID-19.
Từ “làn sóng chạy trốn sang Hồng Kông” trước đây đến “làn sóng bỏ chạy khỏi Hồng Kông” ngày nay, từ những người Hồng Kông không chịu ký hợp đồng đến người dân Đại Lục bất chấp nguy hiểm tính mạng ra đi khỏi đất nước, tất cả họ đều kể cùng một câu chuyện: Không thể chung sống với ĐCSTQ.
Giản Dị, Vision Times
Từ khóa Hồng Kông Người Trung Quốc Đại nhảy vọt Cải cách ruộng đất Người Hồng Kông Dòng sự kiện