Chế độ ĐCSTQ đang mất đi sự ủng hộ của thế hệ trẻ
- Minh Ngọc
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gặp phải một vấn đề không hề nhỏ với thế hệ Millennials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), khi mà họ không hề hành xử theo cách mà Đảng mong muốn hoặc theo truyền thống Trung Hoa.
Những người trẻ tuổi tìm kiếm cơ hội việc làm tại Hội chợ Việc làm tại Đại học Hàng không Vũ trụ Thẩm Dương ngày 13/5/2017 (Ảnh: Getty Images)
Hiện nay, số lượng người Trung Quốc trẻ tuổi quay lưng với những quan điểm sống theo truyền thống Trung Hoa ngày càng gia tăng. Quan điểm của họ có sự khác biệt rõ rệt về nhà cầm quyền, về Đảng, về hôn nhân gia đình cũng như việc họ muốn tự quyết định cuộc sống của mình. Thông thường, những điều này đã đặt họ vào vị trí đối lập trực tiếp với ĐCSTQ.
Bóng ma của chính sách một con
Thách thức cấp bách và lâu dài nhất của ĐCSTQ có thế thấy hiện nay chính là nhân khẩu học của đất nước. Nhiều người trẻ Trung Quốc thuộc thế hệ Millennials thậm chí không muốn sinh con, chứ chưa nói đến việc chỉ sinh một con theo chính sách mà các nhà hoạch định đưa ra 40 năm trước. Chính sách kéo dài suốt 4 thập kỷ này đã khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, tác động của nó đối với mọi mặt của Trung Quốc hoàn toàn vượt xa những dự liệu của chính phủ.
Môt trong những điều đáng chú ý nhất, chính là cùng với việc kiềm chế dân số, chính quyền ĐCSTQ đã thực thi những chính sách vô cùng hà khắc và vô nhân đạo, có thể kể đến như ép phá thai hàng loạt, triệt sản, trừng phạt về kinh tế… với những gia đình nào sinh nhiều hơn một con. Những biện pháp khắc nghiệt này đã đẩy phụ nữ ngày một xa hơn với vai trò truyền thống trong gia đình, bao gồm cả hôn nhân và sinh con.
Một yếu tố liên quan khác chính là giáo dục. Trong hai thập kỷ qua, phụ nữ vẫn luôn chiếm số lượng lớn hơn nam giới tại các trường đại học Trung Quốc. Trẻ đẹp, có trình độ học vấn, làm những công việc được trả lương cao – phụ nữ ngày càng coi trọng sự nghiệp và độc lập tài chính hơn là kết hôn và sinh con.
Do đó, dân số Trung Quốc đang bị thu hẹp và già đi nhanh chóng. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có nhiều người già trên 65 tuổi hơn trẻ em dưới 14 tuổi. Đến năm 2050, khoảng một phần ba dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi. Điều này đặt ra một mối đe dọa sống còn đối với phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Khủng hoảng hôn nhân và kinh tế
Trước thực tế số lượng người trẻ thuộc thế hệ Millennials ngày càng gia tăng, truyền thống và thể chế hôn nhân gia đình cổ đã bên bờ sụp đổ. Chỉ trong năm năm qua, tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc đã giảm 30%. Nhiều phụ nữ thế hệ Millennials chỉ còn coi hôn nhân là một “cổ vật” của quá khứ.
Tác động của sự suy giảm này đặt ra một mối đe dọa cho lối sống của người Trung Quốc. Trớ trêu thay, việc giảm tỷ lệ sinh đã từng được coi là nguy cấp đối với sự phát triển của Trung Quốc; thì đến nay, việc giảm tỷ lệ kết hôn còn gây trở ngại to lớn hơn nữa cho tương lai lâu dài của ĐCSTQ và nền kinh tế của đất nước.
Đó là lý do tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt mong muốn những người trẻ tuổi trong các nhóm thu nhập trung bình và thu nhập cao có ít nhất một con. Khi ĐCSTQ tìm cách chuyển Trung Quốc sang một nền kinh tế sản xuất giá trị cao, nó sẽ cần nhiều công dân có nhu cầu tiêu thụ cao cấp hơn. Nông dân và những người lao động không có tay nghề hoặc không được đào tạo không thể đóng góp vào sức mua của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Và rõ ràng, một nền kinh tế sẽ rất khó phát triển nếu như nền tảng tiêu dùng bị thu hẹp lại.
Tư tưởng mới về bình đẳng nam nữ
Có thể thấy, những phụ nữ trẻ làm việc ở khu vực thành thị Trung Quốc ngày càng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bình đẳng nam nữ. Càng có trình độ học vấn cao và kiếm được nhiều tiền, họ càng rời xa vai trò truyền thống trong gia đình, không muốn kết hôn và làm nhiệm vụ chăm sóc con cái. Sự phát triển về kinh tế và giáo dục đang có xu hướng khiến tỷ lệ sinh giảm đi.
Ngoài ra, với những người phụ nữ thế hệ Millennials từng ra nước ngoài sinh sống thì thậm chí còn mong muốn có một cuộc sống khác biệt hơn. Họ quay lưng với hết thảy tuyên truyền của nhà nước, phớt lờ vai trò truyền thống của phụ nữ trong hôn nhân và con cái. Họ luôn tìm cách trì hoãn hoặc trốn tránh. Lý tưởng về hạnh phúc của họ hoàn toàn khác so với các thế hệ trước đó.
Ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây
Khi các chương trình truyền hình và phim ảnh của Mỹ tiến nhập vào Trung Quốc những năm 1990, chúng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan điểm và lý tưởng của giới trẻ Trung Quốc. Yang Gao, một nhà xã hội học của Đại học Quản lý Singapore, chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của giải trí nước ngoài đối với giới trẻ Trung Quốc, đã quan sát thấy rằng truyền hình Mỹ vô cùng phổ biến đối với thế hệ trẻ Trung Quốc.
Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Những người trẻ tuổi cảm thấy lý tưởng cá nhân về sự tự phát, không gò bó theo lề lối và phát triển năng khiếu bản thân vô cùng hấp dẫn. Đề tài chung về việc đứng lên chống lại chính quyền hay tổ chức đặc biệt lôi cuốn thế hệ Millennials của Trung Quốc.
ĐCSTQ kiên quyết với lập trường, cần phải bổ sung về ý thức hệ cho giới trẻ nhằm tránh khỏi sự “xâm lược” của các giá trị phương Tây vào văn hóa Trung Quốc, hay là những điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “lý niệm sai lầm”. Những lý niệm đó có thể bao gồm dân chủ, pháp trị, cũng như tôn giáo và tín ngưỡng, trong đó có Kitô giáo, Hồi giáo và Pháp Luân Công. Giải pháp của ĐCSTQ là củng cố chính trị và tăng cường truyền bá cũng như giám sát trẻ em bắt đầu từ độ tuổi đi học sớm nhất. Ngay cả giáo viên và giáo sự đại học cũng phải chịu sự giám sát và tẩy não này.
Nhưng bất chấp tuyên truyền và kiểm duyệt mạnh mẽ của ĐCSTQ, rất nhiều sự kiện lịch sử căn bản không thể che giấu được. Thế hệ Millennials của Trung Quốc hiểu biết rất rõ về sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước cộng sản Đông Âu. Họ cũng thấy rõ sự tương phản giữa Trung Quốc với các xã hội phương Tây tự do cởi mở. Thêm nữa, sự tồn tại của Đài Loan tự do dân chủ ở bên kia eo biển hay sự tự do phồn thịnh ở Hồng Kông cũng không ngừng tác động đến suy nghĩ của các Millennials.
Stanley Rosen, giáo sư tại Đại học Nam California, chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa thanh niên Trung Quốc và nhà nước đã nhận định rằng: “Trong một thập kỷ vừa qua… nhiều sinh viên đại học Trung Quốc – có lẽ phần lớn trong số họ – yêu thích các yếu tố của nền dân chủ tự do hơn là hệ thống độc đảng của Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là một mối đe dọa thực sự.”
Cuộc sống theo phong cách “996”
Khi Millennials nhận thức rõ hơn về phần còn lại của thế giới thông qua du lịch, giải trí, Internet và truyền thông xã hội, quan điểm của họ về công việc và cuộc sống đã thay đổi. Thế hệ trẻ nỗ lực làm việc, tìm kiếm những công việc với mức thù lao hấp dẫn để có điều kiện chạy theo hàng hiệu xa xỉ phương Tây, coi đây là phần thưởng cho những khó khăn vất vả của họ. Cuộc sống theo phong cách “996”, chính là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, cứ như thế trong suốt 6 ngày mỗi tuần. “996” là cách mà người trẻ thoát ra khỏi cuộc sống mà cha mẹ họ đã trải qua. Họ từ chối làm việc trong những công xưởng buồn tẻ mà cha mẹ đã cống hiến cả đời, họ cũng từ chối văn hóa tuyên truyền ngột ngạt của Đảng. Họ đánh giá cao sự sang trọng và tự chủ, coi thường sự lặp lại nhàm chán và uy quyền.
Thách thức lớn của ĐCSTQ
Thăng tiến không ngừng đến vị trí cao nhất trong đảng, quyền lực trong tay ông Tập Cận Bình hiện giống như một con dao hai lưỡi. Thời đại tuyên truyền cho quần chúng thông qua kiểm duyệt thông tin toàn trị đã qua từ lâu. Những sai lầm dẫn đến kinh tế khó khăn, lạm phát, ô nhiễm môi trường, đàn áp nhân quyền… mọi lời chỉ trích sẽ đổ lên đầu ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ. Người dân Trung Quốc nói chung và người trẻ nói riêng ngày càng không tin vào những tuyên truyền một phía của chính quyền nữa.
Đối với ông Tập Cận Bình, việc cố gắng kiểm soát năng lực tiềm tàng, sự nghi ngờ và khát vọng của thế hệ trẻ có thể là những thách thức khó khăn nhất mà ông phải đối mặt trong nước. Không giải được bài toán này, ông sẽ càng thiếu đi sức mạnh để chống đỡ trong cuộc chiến cam go với Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa bình đẳng giới Chính sách một con Người dân mất niềm tin vào ĐCSTQ Thách thức của ông Tập Cận Bình