Hôm thứ Hai (21/7), chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) xác nhận một ngân hàng viên của Wells Fargo bị cấm rời khỏi nước này và vụ việc có liên quan đến một vụ án hình sự. Hành động này của chính quyền Bắc Kinh càng làm gia tăng lo ngại của các công ty đa quốc gia đối với việc kinh doanh tại Trung Quốc.

Wells Fargo Bank
(Nguồn: MiosotisJade/ Wikimedia)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Côn, trong buổi họp báo thường kỳ cho biết, các cơ quan thực thi pháp luật đã áp dụng hạn chế xuất cảnh đối với giám đốc điều hành của Wells Fargo, Chenyue Mao, vì bà Mao “bị nghi ngờ liên quan đến một vụ án hình sự” và hiện đang bị điều tra.

Ông Quách không tiết lộ chi tiết của vụ án cũng như không làm rõ tính chất của sự việc liên quan đến bà Chenyue Mao.

Wells Fargo từ chối bình luận. Ngân hàng này trước đó cho biết đang “giúp đỡ bà Mao qua các kênh thích hợp để trở về Mỹ.” Wells Fargo gần đây đã đình chỉ việc cử nhân viên đi công tác đến Trung Quốc. Theo hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, bà Mao sinh ra tại Thượng Hải và Wells Fargo đang chờ đợi thêm thông tin. Vì tính nhạy cảm của tình huống, hai nguồn tin từ chối tiết lộ danh tính.

Tính chất của vụ việc liên quan đến bà Chenyue Mao hiện chưa rõ, nhưng do căng thẳng trong quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, các chuyên gia cho rằng lệnh cấm xuất cảnh sẽ ngăn cản các doanh nhân, đặc biệt là những người mang quốc tịch nước ngoài nhưng sinh ra ở Trung Quốc, không thể đến Trung Quốc công tác. Sự kiện này cũng làm suy yếu thêm sự tin tưởng của các tổ chức nước ngoài trong việc kinh doanh tại Trung Quốc. Trong những năm qua, cùng với việc nền kinh tế chậm lại và tình hình chính trị căng thẳng, các ngân hàng toàn cầu đã rút bớt hoạt động tại Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời ông Sean Stein, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Mỹ–Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc công khai những vụ việc này, để các doanh nghiệp và cá nhân có thể đánh giá được rủi ro họ có thể đối mặt với lệnh cấm xuất cảnh.”

Ông Stein cho biết một số thành viên của Ủy ban đã chủ động liên hệ với Trung Quốc để yêu cầu thêm thông tin về vụ việc. “Nếu Trung Quốc không công khai chuyện này, lo ngại của mọi người sẽ ngày càng gia tăng theo thời gian.”

Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ đã nhắc lại phản hồi mà họ đưa ra vào tuần trước về tình trạng của Chenyue Mao, cho rằng “Trong nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp dụng lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Mỹ và các công dân nước ngoài khác tại Trung Quốc, và thường không có các thủ tục tư pháp rõ ràng và minh bạch để giải quyết vấn đề này.”

Phát ngôn viên này cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các vụ việc về lệnh cấm xuất cảnh và sẽ cung cấp sự hỗ trợ lãnh sự thích hợp.” Vì lý do bảo mật và các lý do khác, cô ấy từ chối bình luận thêm.

Bà Mao phụ trách dẫn dắt hoạt động bao thanh toán quốc tế của Wells Fargo và cung cấp tư vấn chiến lược vốn lưu động xuyên biên giới cho các khách hàng đa quốc gia. Trong 21 năm làm việc trong ngành bao thanh toán, bà từng hơn 10 năm lãnh đạo hoạt động toàn cầu của Wells Fargo, giúp lưu lượng bao thanh toán nhập khẩu hàng năm tăng lên 2,6 tỷ euro, đồng thời thúc đẩy đổi mới các giải pháp tín dụng.

Chenyue Mao cũng là Chủ tịch FCI (trước đây là Factors Chain International), một mạng lưới toàn cầu gồm các công ty tham gia vào lĩnh vực tài chính và tài trợ các khoản phải thu từ thương mại. Bà được bầu làm chủ tịch trong Hội nghị thường niên của FCI tổ chức tại Rio de Janeiro vào cuối tháng Sáu.

Theo trang web của FCI, mạng lưới này có 48 thành viên tại Trung Quốc, chiếm gần 13% tổng số thành viên của họ. FCI hiện có gần 400 công ty thành viên, phân bố tại hơn 90 quốc gia.

Bắc Kinh thực hiện các lệnh cấm xuất cảnh đối với cả công dân Trung Quốc và công dân nước ngoài. Những lệnh cấm này thường nhằm hỗ trợ các cuộc điều tra hình sự, đe dọa những người có quan điểm trái chiều hoặc để lấy lợi thế trong các tranh chấp với các công ty và chính phủ nước ngoài. Do các cuộc điều tra dẫn đến việc áp dụng các hạn chế này kéo dài, lệnh cấm xuất cảnh có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Các quan chức phương Tây và các tổ chức nhân quyền cho biết việc sử dụng lệnh cấm xuất cảnh đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc, khi các nhà chức trách ĐCSTQ áp dụng biện pháp này đối với những người đang bị điều tra hoặc bị yêu cầu hỗ trợ trong các cuộc điều tra của chính phủ. Thông thường, những người bị nhắm đến sẽ chỉ biết mình bị áp dụng lệnh cấm xuất cảnh khi họ cố gắng rời khỏi Trung Quốc.

Vào cuối năm 2023, giám đốc điều hành của Nomura, ông Charles Wang Zhonghe, đã không thể rời khỏi Trung Quốc sau một chuyến công tác. Ông sau đó trở lại Hồng Kông. Theo báo Wall Street Journal, giám đốc điều hành của Kroll, ông Michael Chan, người mang quốc tịch Hồng Kông, cũng bị cấm xuất cảnh vào tháng 9/2023 do một vụ việc xảy ra cách đây vài năm. Đến tháng Năm, ông Chan vẫn còn ở Trung Quốc Đại lục.

Trong những năm gần đây, các biện pháp đối với các giám đốc điều hành nước ngoài đã làm tăng sự lo ngại về việc đi công tác tại Trung Quốc. Một số công ty đã hủy bỏ hoặc hoãn chuyến đi, trong khi một số công ty khác đã tăng cường các biện pháp bảo mật, bao gồm thông báo cho nhân viên biết rằng họ có thể đi theo nhóm, nhưng không được đi một mình.

Theo Reuters, bà Laura Harth, giám đốc nhân quyền Trung Quốc và thế giới của tổ chức phi lợi nhuận “Guardians,” cho biết mặc dù việc sử dụng lệnh cấm xuất cảnh đối với cả công dân nước ngoài và trong nước đang gia tăng, nhưng “doanh nghiệp và các quốc gia thường chọn giữ im lặng, hy vọng cải thiện hoặc thúc đẩy tiến độ giải quyết các vụ án.”

“Thông điệp mà sự việc này nên gửi đi là: không ai an toàn khi đi du lịch Trung Quốc,” bà nói thêm.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhiều lần khuyến nghị công dân xem xét lại việc đi Trung Quốc, với lý do là các biện pháp “thi hành pháp luật tùy tiện, bao gồm các luật liên quan đến lệnh cấm xuất cảnh.