Theo báo cáo, một công dân Mỹ gốc Hoa làm việc tại Bộ Thương mại Mỹ đã bị chính quyền Trung Quốc cấm xuất cảnh khi trở lại thăm thân ở Trung Quốc vài tháng trước và cho đến nay vẫn bị giữ lại tại Trung Quốc. Theo Washington Post, bốn nguồn tin tiết lộ rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cáo buộc người đàn ông này không khai báo làm việc trong Chính phủ Mỹ khi xin thị thực, do đó cấm ông rời khỏi Trung Quốc.

r shutterstock 2544265987
Ảnh minh họa. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Thượng Hải, ảnh chụp ngày 8/5/2024. (Nguồn: NorthSky Films / Shutterstock)

Sự việc xảy ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng. Người đàn ông bị hạn chế xuất cảnh là nhân viên của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (Patent and Trademark Office). Ông đã bị cuốn vào chính sách gây tranh cãi của Chính phủ ĐCSTQ trong việc cấm công dân Trung Quốc và người nước ngoài rời khỏi đất nước khi về thăm thân nhân.

Việc ĐCSTQ áp dụng lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Mỹ từ lâu đã là một điểm nóng trong quan hệ Mỹ – Trung. Các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đã bày tỏ quan ngại với phía Trung Quốc. Một người biết rõ sự việc cho biết: “Phía Mỹ đã truyền đạt thông điệp ở cấp cao nhất, yêu cầu phía Trung Quốc trả tự do cho người này.”

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ trả lời báo chí rằng vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về vụ việc cụ thể này, nhưng cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo an toàn và an ninh cho công dân Mỹ ở nước ngoài.” Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi theo dõi sát những trường hợp như vậy, đã bày tỏ quan ngại với phía Trung Quốc về phúc lợi của công dân Mỹ và tác động của các lệnh cấm xuất cảnh tùy tiện này đối với quan hệ song phương, đồng thời kêu gọi họ ngay lập tức cho phép các công dân Mỹ bị ảnh hưởng được trở về nước.”

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng các lệnh cấm xuất cảnh này “thường thiếu quy trình giải quyết rõ ràng và minh bạch”.

Sự việc diễn ra trong thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang cực kỳ nhạy cảm. Tính chất đặc biệt của vụ việc nằm ở chỗ người liên quan là một nhân viên Chính phủ Mỹ. Theo các nguồn tin, trường hợp như vậy là rất hiếm và có mức độ nhạy cảm, bất thường cao.

Giới chức tại Washington thường xem những vụ việc như thế này là một công cụ chính trị của Bắc Kinh nhằm gây áp lực hoặc cưỡng ép các cá nhân và doanh nghiệp cụ thể, nhằm đạt được các mục tiêu chính trị hoặc ngoại giao.

Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về ĐCSTQ, ông John Moolenaar, nói: “Tôi vô cùng lo ngại về một vụ việc ‘ngoại giao con tin’ khác do ĐCSTQ gây ra. Đây là một chiến lược, không phải sự trùng hợp, và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Việc bảo vệ quyền tự do của mọi công dân Mỹ phải là ưu tiên hàng đầu. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc giam giữ công dân Mỹ một cách bất công.”

Ông Thẩm Minh Thất, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với tờ Epoch Times: “Tổng thể mà nói, Trung Quốc (ĐCSTQ) dù thể hiện xu hướng muốn giảm căng thẳng với Mỹ, nhưng trên thực tế sự đối đầu giữa hai bên vẫn đang gia tăng. Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể đang dùng những biện pháp như vậy để tích lũy các con bài chiến lược đối phó Mỹ trong tương lai. Mục tiêu phía sau có thể vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính chiến thuật.”

Các chuyên gia và cựu quan chức cho biết những người bị hạn chế xuất cảnh ở Trung Quốc trước đây vẫn có thể đi lại trong nước, và đôi khi còn được gặp nhân viên lãnh sự hoặc phóng viên, nhưng các hoạt động của họ bị giám sát chặt chẽ, và có những vụ việc phải mất nhiều năm mới có thể giải quyết.

Hiện tại, có ít nhất hàng chục công dân Mỹ đang bị ĐCSTQ cấm xuất cảnh, trong đó nhiều người là người gốc Hoa. Số lượng chính xác rất khó xác định vì các trường hợp này chỉ được biết đến khi chính đương sự thông báo cho Chính phủ Mỹ, và phần lớn chỉ phát hiện mình bị cấm xuất cảnh khi chuẩn bị rời Trung Quốc, hoặc giữ im lặng để tránh làm tình hình thêm phức tạp.

Chủ tịch kiêm người sáng lập Quỹ Đối thoại (Dui Hua Foundation), ông John Kamm, cho biết ông biết ít nhất 30 trường hợp công dân Mỹ đang bị cấm xuất cảnh. Ông nói thêm rằng con số thực tế có thể lên tới 50 người, và số lượng vụ việc đang gia tăng. Ông cho biết đôi khi ông nhận được tới hai trường hợp mới mỗi tháng, nhiều vụ liên quan đến tranh chấp thương mại của doanh nhân tại Trung Quốc.

Các chuyên gia lưu ý rằng yêu cầu để ban hành lệnh cấm xuất cảnh tại Trung Quốc rất thấp — tòa án địa phương có thể ra lệnh trong các vụ tranh chấp dân sự hoặc thương mại mà không cần cảnh sát tham gia. Theo “Luật An ninh Quốc gia” của ĐCSTQ, vốn có phạm vi rất rộng và lời lẽ mơ hồ, nhiều người bị giam giữ hoặc hạn chế xuất cảnh vì những hành vi mà ở các quốc gia khác được xem là hợp pháp, chẳng hạn như thu thập thông tin cho mục đích thương mại.

Mặc dù căng thẳng giữa hai chính phủ vẫn chưa được giải quyết, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ – Trung vẫn tỏ ra lạc quan thận trọng về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình trong năm nay. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sau cuộc gặp với ông Vương Nghị tại hội nghị thượng đỉnh ở Malaysia đã nói với báo chí rằng khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập là “rất cao”.

Mỹ và Trung Quốc trước đây từng đạt được các thỏa thuận trao đổi tù nhân. Chính quyền Biden năm ngoái đã thúc đẩy thành công một thỏa thuận giúp ba công dân Mỹ được trả tự do. Tuy nhiên, các thỏa thuận như vậy thường không bao gồm những người bị cấm xuất cảnh do thị thực, vì họ thường không bị giam giữ nên không nằm trong định nghĩa “bị giam giữ sai trái” của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong một vụ việc khác gần đây, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng một nhân viên ngân hàng của Wells Fargo cũng đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc. Tờ báo này dẫn lời các nguồn tin cho biết bà Mao Chenyue, Giám đốc điều hành cấp cao của Wells Fargo, sinh ra tại Thượng Hải và hiện đang làm việc tại Atlanta, là một công dân Mỹ gốc Hoa. Trong vài tuần gần đây, sau khi nhập cảnh Trung Quốc, bà đã bị cấm xuất cảnh. Lý do chuyến đi của bà Mao đến Trung Quốc hiện vẫn chưa được làm rõ. Được biết, sau khi bà bị cấm xuất cảnh, Wells Fargo đã đình chỉ tất cả các chuyến công tác đến Trung Quốc.

Trung Quốc không công nhận song tịch, điều này có nghĩa là bất kể người Mỹ gốc Hoa có mang hộ chiếu Mỹ hay không, họ vẫn bị xem là công dân Trung Quốc. Một cựu quan chức Mỹ nhận định: “Đây thực sự là một thách thức lớn đối với người Mỹ gốc Hoa. Họ thường có thân nhân tại Trung Quốc, và chính quyền không ngần ngại lợi dụng điều này để gây áp lực với họ.”

Ông Stephen Biegun, người từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, cho biết phía Trung Quốc có thể từ chối cấp thị thực cho bất kỳ du khách nào mà không cần lý do. “Nhưng việc giữ người lại trong lãnh thổ Trung Quốc vì lý do vi phạm đơn xin visa hoặc vì tranh chấp thương mại không liên quan là hành động sẽ cản trở nỗ lực thúc đẩy đi lại thuận tiện giữa hai nước.”

Trí Đạt (t/h)