Chính sách “sinh đẻ tự do” của Trung Quốc có thực sự vì người dân?
- Tuyết Mai
- •
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang có kế hoạch sẽ hoàn toàn xóa bỏ chính sách hạn chế sinh con vào trước năm 2019. Tuy nhiên, những người cha mẹ cao tuổi là nạn nhân của “chính sách một con” tin rằng điều này không có ý nghĩa gì cả, ngược lại còn tạo ra không ít đả kích về mặt tâm lý cho cả một thế hệ. Hiện nay những cặp vợ chồng trẻ tuổi do chịu gánh gặng về mặt tài chính nên không có ý định sinh nhiều con. Trong suốt mấy chục năm thực thi chính sách con một của ĐCSTQ, hàng trăm triệu sinh mệnh chưa kịp ra đời đã bị giết chết.
Kênh truyền thông của ĐCSTQ đã dẫn lại một bài báo trên Bloomberg ngày 21/5, một nguồn tin thân cận đã tiết lộ với hãng này rằng Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu tiến hành nghiên cứu về việc bỏ chính sách kế hoạch hóa gia đình áp dụng suốt gần 40 năm qua và triển khai trên phạm vi toàn quốc. Thay vào đó, một chính sách mới sẽ được ban hành với tên gọi “tự do sinh đẻ”, cho phép người dân tự quyết định sẽ sinh bao nhiêu con.
Chính quyền ĐCSTQ hy vọng có thể hạn chế tốc độ lão hóa dân số Trung Quốc, đồng thời sẽ giảm bớt những chỉ trích quốc tế về chính sách hạn chế sinh đẻ trước đây. Quyết định có thể được đưa ra vào quý 4 năm nay hoặc thông báo chính thức có thể trì hoãn đến năm 2019. Bài báo cũng cho biết, chính sách một con thực thi suốt 40 năm qua đã để lại không ít hệ lụy cho xã hội Trung Quốc, khiến cho lực lượng lao động thiếu hụt trầm trọng cũng như mất cân bằng về giới tính.
Nhà bình luận chính trị Yokogawa đã chia sẻ với phóng viên The Epoch Times rằng, sau khi ĐCSTQ mở rộng chính sách cho phép đẻ 2 con, tỷ lệ sinh không hề tăng lên và họ đã hiểu được tính nghiêm trọng của vấn đề, do đó mà muốn tiến tới hoàn toàn xóa bỏ kế hoạch hóa gia đình. “Thực tế, hiện nay người ta cho rằng việc xóa bỏ hoàn toàn chính sách hạn chế sinh đẻ là đã quá muộn. Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi 2 năm này, ĐCSTQ nhất định sẽ thiết lập một hệ thống kiểm soát hoàn chỉnh, cho dù là rẽ phải hay rẽ trái, dù chính sách nào đi nữa thì vẫn phải nằm trong sự kiểm soát của đảng.” Với một chế độ như ĐCSTQ, việc khống chế người dân luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
Cho dù kế hoạch sinh đẻ một con hay hai con thì ĐCSTQ đều tính toán triệt để, đều là sản phẩm từ các kế hoạch kinh tế của nó. Đây không chỉ là vấn đề quy hoạch dân số, mà còn là kế hoạch kinh tế. Vì vậy, dễ hiểu được tại sao ĐCSTQ không ngay lập tức cho phép sinh đẻ tự do mà phải chờ đến 2019.
Từ đầu tháng 9/1980 khi ĐCSTQ yêu cầu các đảng viên phải đi đầu trong việc thực hiện chính sách một con, cho đến năm 2015 lại nới rộng cho phép đẻ 2 con. Dư luận không ít lời chỉ trích rằng ĐCSTQ không có bất kỳ lời xin lỗi nào trước những hệ lụy của chính sách một con, như lão hóa dân số hay thiếu hụt lao động.
Trong năm 2017, để thúc đẩy các gia đình sinh thêm con thứ 2, giới chức tuyên bố sẽ miễn phí tháo vòng tránh thai IUD cho khoảng 18 triệu phụ nữ đáp ứng đủ điều kiện. Trước tuyên bố này, không ít phụ nữ đã cảm thấy thật đáng mỉa mai. Trước đó, họ không phải tự nguyện dùng IUD, hơn nữa hầu hết các IUD ở Trung Quốc còn được thiết kế hoặc sửa lại để khó có thể tháo ra, và dĩ nhiên đây đều là chính sách của ĐCSTQ.
Chính sách một con của ĐCSTQ đã dẫn đến nhiều vấn đề nhức nhối. Thứ nhất, do phân biệt giới tính mà nhiều thai nhi là bé gái đã bị bỏ đi và cả một thế hệ nam giới của Trung Quốc hiện nay phải đối mặt với tình trạng khó lấy vợ. Đáng nói hơn, dân số lão hóa sẽ đẩy chi phí lương hưu, chăm sóc y tế gia tăng và vấn đề này hiện Trung Quốc chưa tìm ra lời giải.
Có người còn tức giận bình luận: “Hạn chế chúng ta sinh con, sau khi chúng ta bị hại, họ không bồi thường, còn không giải quyết vấn đề lương hưu, vậy thì cho phép sinh đẻ tự do có ý nghĩa gì? Giờ vấn đề lương hưu không giải quyết, cũng không cho chúng ta chất vấn, vậy thì cho dù bỏ chính sách một con hay gì đó thì cũng không có ích gì cho chúng ta cả, trái lại còn là một sự đả kích! Chẳng phải vậy sao?”
Nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết nghiên cứu sơ bộ ban đầu đã được gửi tới thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng Tư vừa qua và chỉ ra rằng, việc bỏ hạn chế sinh đẻ đem lại những lợi ích “có hạn”. Do đó, ông Lý đã yêu cầu làm rõ thêm những tác động nếu bãi bỏ chính sách kiểm soát dân số và thay bằng sinh đẻ tự do.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg, ông Tom Orlik, lo lắng việc sinh thêm con sẽ khiến vấn đề trên thị trường lao động tồi tệ hơn bởi sẽ có thêm nhiều các bậc cha mẹ nghỉ làm để chăm sóc con cái.
Còn theo nhà phân tích Yokogawa nhận định, việc ĐCSTQ ra chính sách đẻ 2 con cũng không thể làm tăng tỷ lệ sinh, nên cho dù xóa bỏ hoàn toàn việc hạn chế, để người dân tự quyết định số lượng con muốn sinh đẻ cũng sẽ không có nhiều tác dụng ngay lập tức. Ông nói thêm, ở Trung Quốc hiện nay do thuế cao và giá bất động sản bị đẩy lên cao đã trở thành gánh nặng kinh tế khiến mọi người không muốn sinh nhiều con. Do đó, điểm mấu chốt vẫn là bản thân các chính sách của ĐCSTQ, muốn người dân sinh thêm con nhưng không hề đưa ra các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để giảm gánh nặng cho họ thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề.
Trên thực tế, chính sách kế hoạch hóa gia đình còn khiến phúc lợi xã hội ngày một giảm thấp hơn so với trước đây. Số tiền để trả lương hưu và phúc lợi xã hội càng ngày càng ít dần và sớm muộn gì cũng sẽ chuyển sang giai đoạn “nợ nhân khẩu”.
Tuyết Mai
Xem Thêm:
Từ khóa Chính sách một con kế hoạch hóa gia đình