Chủ nghĩa toàn trị cùng trợ thủ công nghệ cao có làm biến chất nhân tính?
- Lâm Bồi Thụy
- •
Theo thống kê, trên đường phố Trung Quốc hiện đã thiết lập ít nhất 700 triệu camera giám sát, trong đó một phần đáng kể có chức năng nhận dạng khuôn mặt. Điều đó có khiến người Trung Quốc cảm thấy “mất tự do”? Câu trả lời lẽ ra phải là có, nhưng cũng có không ít người cảm thấy không đáng lo, trái lại còn nói rằng điều đó giúp họ có cảm giác an toàn. Vấn đề cho thấy bình diện sâu xa hơn về việc biến chất nhân tính: Phải chăng bản chất con người cũng thay đổi khi hàng ngày quen bị giám sát?
Theo nghiên cứu tâm lý, đề phòng bị quan sát là phản ứng bản năng của con người, có liên quan đến lịch sử tiến hóa hàng triệu năm. Các loài thời cổ xưa, dù là người hay các động vật hoang dã đều ở trong môi trường sống buộc phải đề phòng cảnh giác xung quanh, chỉ có được thư thái tương đối khi vào trong hang động trú ẩn của mình. Né tránh bị quan sát là gốc rễ “ham muốn riêng tư” mà loài người quý trọng!
Tôi có thể cảm nhận được phản ứng nguyên thủy đó từ chính bản mẫu của tôi – con người thế kỷ 21. Khi tôi làm những công việc dù chỉ đơn giản, chẳng hạn như cắt táo trong bếp, lúc vợ tôi ghé xem cũng khiến tôi có thể cảm thấy một loại tâm lý từ chối thật không thể lý giải: Tại sao quan sát tôi? Tôi cắt táo không cần ai giám sát! Vợ tôi chắc chắn chỉ có ý tốt: có thể sợ tôi lớn tuổi mắt kém sẽ cắt vào ngón tay, hoặc cô ấy biết cách cắt táo tốt hơn. Ý định ban đầu của cô ấy rất tốt, nhưng tôi vẫn không hoan nghênh sự giám sát của cô ấy, như thể cảm thấy cô ấy vi phạm tự do cá nhân của tôi, hoặc xâm phạm “ham muốn riêng tư” mà gien người thượng cổ lưu truyền lại cho tôi?
Camera Skynet của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không xâm phạm cảm giác “ham muốn riêng tư” của người dân Trung Quốc sao? Điều này từ lâu đã được nhà văn người Anh Orwell đặt vấn đề trong tiểu thuyết 1984: Con người bị giám sát liên tục có ảnh hưởng đến bản chất không? Ví dụ trong thời đại hang động, khi một người tránh được nguy hiểm thì cảm giác sợ hãi cũng giảm theo tỷ lệ tương ứng mức nguy hiểm còn lại (mắt khuất đối tượng nguy hiểm thì người ta cũng bớt lo sợ theo). Nhưng trong 1984, vấn đề giám sát liên tục không khiến cho mọi người tránh được cảm giác “bị theo dõi”, ngay cả khi rời khỏi hoàn cảnh áp lực cao thì công dân năm 1984 vẫn có cảm giác sợ hãi – vấn đề đã trở thành một phần trong tâm trí mọi người.
Các biện pháp của ĐCSTQ ngày nay mặc dù không toàn diện như mô tả trong 1984, nhưng một số khía cạnh thực sự đã kinh khủng hơn. Khả năng khoa học và công nghệ của Trung Quốc đã tinh vi hơn so với 1984, khiến không còn lỗ hổng nào ngoài tầm giám sát, và dù gì 1984 chỉ là tiểu thuyết, còn Trung Quốc là hiện thực. Vì vậy, để trả lời câu hỏi “Chủ nghĩa toàn trị có thể thay đổi bản chất con người không?”, lịch sử của Trung Quốc đương đại là một phòng thí nghiệm tốt hơn trí tưởng tượng của nhà văn Orwell. ĐCSTQ có khiến mọi người mang nỗi sợ bị quan sát vào tâm trí của họ?
Ngay từ năm 1954, trong tiểu thuyết “Tình yêu nơi chết chóc” (Xích địa chi luyến) của nhà văn Trương Ái Linh đã mô tả nhân vật chính Lưu Thuyên, để thoát khỏi áp lực chính trị kinh khủng ở Thượng Hải, anh đã tham gia quân đội “tình nguyện” để chiến đấu ở Triều Tiên. Lưu Thuyên không ngờ ngay cả khi rời khỏi “nồi áp suất chính trị” của Trung Quốc, nhưng tâm trí của anh vẫn không thể thoát khỏi cảm giác bị quan sát. Anh tự nhủ: “Không biết những người từng sống dưới cai trị của ĐCSTQ [và được thoát khỏi] có thể lấy lại được tâm lý không bị giám sát không?” Ngày nay – sau 70 năm “Tình yêu nơi chết chóc” được xuất bản – câu hỏi của Lưu Thuyên càng đáng để suy nghĩ hơn.
Gần đây ở tỉnh Sơn Đông đã xảy ra chuyện rất đáng suy nghĩ. Ngày 10/11 xảy ra vụ hỏa hoạn tại ký túc xá của trường đại học công nghiệp Qilu ở thành phố Tế Nam, chuông báo động vang lên, sinh viên chạy ra ngoài, nhưng gặp phải rào chắn. Do bình thường ra vào ký túc xá phải qua thiết bị kiểm soát dựa vào nhận dạng khuôn mặt, khi chạy trốn khỏi đám cháy, nếu xếp hàng từng người để qua thiết bị nhận dạng liệu có kịp thoát thân không? Khói bốc lên cuồn cuộn khiến ngôi nhà bị bao phủ trong khói mù mịt, như thế có ảnh hưởng nhận dạng khuôn mặt của camera không? May mắn là cuối cùng sinh viên đều ra ngoài được, không ai mất mạng. Nhà trường thì vẫn tuyên bố rằng thực hiện nhận dạng khuôn mặt là đúng, là cần thiết, nếu không như vậy thì không thể “đảm bảo an toàn cá nhân của sinh viên”.
Câu chuyện đã làm dấy lên tranh luận trong cộng đồng mạng. Một cư dân mạng đã chỉ ra rất rõ ràng 2 yếu tố của chủ nghĩa cực quyền: trong tâm trí của họ thì ưu tiên hàng đầu là duy trì ổn định, chứ không phải vấn đề cứu người. Đang cháy vẫn phải thông qua nhận dạng khuôn mặt! Trong tâm trí học sinh, vâng lời trở thành ưu tiên hàng đầu. Cư dân mạng hỏi: Phía sau có ngọn lửa lớn, không một học sinh nào cân nhắc trèo qua hoặc phá cửa để trốn thoát sao? Ai nấy đều ngoan ngoãn chen chúc trước cửa nhận diện từng người một để ra ngoài? Trường này đào tạo loại tài năng gì? Ký túc xá sinh viên ở các nước khác nếu cháy sinh viên có phải cũng ngoan như vậy không?
Bản chất con người là kết quả của hàng triệu năm tiến hóa, tôi không tin rằng chỉ trong 75 năm ĐCSTQ thống trị Trung Quốc (ngay cả khi dùng công nghệ mà xưa nay chưa từng có) lại thực sự có thể thay đổi bản chất con người. Còn về “Tình yêu nơi chết chóc”, bản chất con người cơ bản của Lưu Thuyên không thay đổi, nhưng anh đã quen với việc bị giám sát liên tục nên dần chấp nhận xem như điều kiện sống bình thường, như thế không khác nhiều so với “bản chất con người anh đã thay đổi”.
Câu hỏi của Lưu Thuyên rất phù hợp để nhìn tình hình người Trung Quốc bây giờ. Không khó tìm dẫn chứng trong số các sinh viên Trung Quốc tôi dạy ở Đại học California. 2 năm trước có một sinh viên nam, người học một trong những lớp lớn của tôi (150 sinh viên), gửi email nói rằng cậu ấy đang muốn làm nghiên cứu sinh, hỏi tôi có thể giúp cậu ấy viết thư giới thiệu không? Tôi đồng ý, nhưng yêu cầu tốt nhất là hai chúng tôi gặp nhau trước để tôi hiểu rõ hơn về suy nghĩ và mục tiêu của cậu ấy. Cậu ấy đồng ý và chúng tôi cũng sắp xếp gặp nhau trên zoom. Chỉ vài phút sau khi kết nối zoom, cậu ấy hỏi tôi, “Thầy có thể tắt chức năng ghi âm không?” Kỹ năng công nghệ của tôi tương đối dở, không rõ làm thế nào để tắt chức năng ghi âm của zoom, nên hỏi cậu ấy, “Có cần không? Đây cũng không phải là hội nghị chính thức gì quan trọng”. Cậu ấy nói, “Vâng, thưa thầy… Nhưng…..em vẫn muốn tắt đi”. Trong cuộc trò chuyện chỉ có 2 người, không có người ngoài, nhưng cậu ấy vẫn kiên trì quan điểm việc không tắt ghi âm khiến cậu ấy không thoải mái. Rõ ràng về vấn đề này, cảm giác lo lắng mơ hồ của cậu ấy vượt trội hơn tư duy logic thông thường. Tất nhiên tôi không làm khó cậu ấy, nhưng tôi cũng nhớ lại vấn đề mà Lưu Thuyên đặt ra: Liệu những người từng sống dưới sự cai trị của ĐCSTQ có thể khôi phục lại tâm lý bình thường như không bị giám sát không?
Orwell đặt ra cho nhân loại vấn đề khiến chúng ta rùng mình: Công nghệ + chủ nghĩa toàn trị có thể thay đổi bản chất con người không? Bản thân Orwell không biết. Ông ấy đang thực hiện “thí nghiệm tư tưởng”. Nhưng lập trường của ông ấy rất rõ ràng: Ông không thích tình huống này. Còn Tập Cận Bình thì sao? Ông ta có hoan nghênh hay không? Các giá trị quan của ĐCSTQ rất thế tục: giàu mạnh, quyền lực, uy quyền quốc gia… Còn vấn đề “có làm biến dạng bản chất con người không?” hoàn toàn là một vấn đề ở tầng diện khác, không phải chuyện họ xem trọng.
Dư luận quốc tế thường chỉ trích ĐCSTQ vì ngược đãi các dân tộc thiểu số, hoặc những người có vấn đề văn hóa khác biệt: người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ, Pháp Luân Công, nhà thờ gia đình, Hồng Kông, Đài Loan… Những lời chỉ trích hoàn toàn hợp lý lẽ và đạo lý. Nhưng chúng ta chớ tưởng ngược đãi quá nhiều người thiểu số có nghĩa là đối xử tốt với dòng chính. ĐCSTQ đã bóp méo nhân tính, phần lớn nạn nhân là người Hán – dòng chính của họ.
Lâm Bồi Thụy
(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)
Từ khóa nhận diện khuôn mặt Recommend tác phẩm 1984 Xã hội Trung Quốc Camera giám sát George Orwell Skynet nhân quyền Trung Quốc