Chuyên gia kinh tế phân tích tình hình Trung Quốc: “Núi lửa xã hội” sắp phun trào
- Lý Chính Hâm
- •
Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang được tổ chức tại Bắc Kinh, mặc dù quan điểm của chính quyền là cần chấn hưng nền kinh tế, sự bất công của thể chế đã khiến cho “núi lửa xã hội” sắp bùng nổ. Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng định nghĩa “cải cách” của ông Tập Cận Bình khác với định nghĩa của thế giới bên ngoài, và rất có khả năng sẽ tiếp tục đảo ngược các cải cách.
Thông báo chính thức của Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế 5% là vô nghĩa
Phiên họp toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 3) được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 15/7, phiên họp này đã bị trì hoãn nửa năm. Cùng ngày, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm là 5%. Các nhà phân tích cho rằng điều này là để lấy kết quả kinh tế có vẻ ổn định để tuyên truyền về Hội nghị Trung ương 3, nhưng nó không thể giải thích được thực tế là nhiều khoản đầu tư nước ngoài đang tiếp tục rút khỏi Trung Quốc.
Vào ngày 15/7, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nửa đầu năm là 61.683,6 tỷ nhân dân tệ, tính theo giá cố định thì là tăng 5,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về các ngành công nghiệp, giá trị gia tăng của Khu vực thứ nhất của nền kinh tế là 3.066 tỷ nhân dân tệ, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị gia tăng của Khu vực thứ hai của nền kinh tế là 23.653 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,8%; Khu vực thứ ba của nền kinh tế đạt 34.964,6 tỷ nhân dân tệ, tăng 4,6%. (Thuyết nền kinh tế 3 lĩnh vực gồm: Khu vực một là nguyên liệu thô; khu vực hai là chế tạo; khu vực ba là dịch vụ).
Theo phương pháp tính toán do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, giá cố định là việc sử dụng giá của các sản phẩm tương tự trong một khoảng thời gian cơ sở nhất định làm giá cố định để tính giá trị của sản phẩm trong mỗi năm. Giá sản phẩm tính theo giá cố định loại bỏ yếu tố thay đổi giá, so sánh giữa các thời kỳ có thể phản ánh tốc độ phát triển của sản xuất.
Vào ngày 17/7/2023, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế: GDP nửa đầu năm là 59.303,4 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái theo giá cố định, tăng nhanh hơn 1,0 điểm phần trăm so với quý đầu tiên. Xét về các ngành công nghiệp, giá trị gia tăng của khu vực thứ nhất của nền kinh tế là 3.041,6 tỷ nhân dân tệ, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị gia tăng của khu vực thứ hai của nền kinh tế là 23.068,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 4,3% giá trị gia tăng; khu vực thứ ba đạt 33.193,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,4%.
Nhà nghiên cứu Nhậm Trọng Đạo (Ren Zhongdao) thuộc tổ chức tư vấn “Chính trị và Kinh tế Thiên Quân” ngoài Trung Quốc chỉ ra rằng 2 bộ dữ liệu trên được tính theo giá cố định, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm 2024 sẽ là 4,0% so với cùng kỳ năm trước, giá trị gia tăng của Khu vực thứ nhất của nền kinh tế chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị gia tăng của Khu vực thứ hai của nền kinh tế tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị gia tăng của Khu vực thứ ba của nền kinh tế tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, không có dữ liệu nào có thể chính xác, dữ liệu là một mớ hỗn độn và Cục Thống kê Trung Quốc ngày càng thay đổi số liệu không kiêng nể gì.
Vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế được công bố chính thức là 5% của Trung Quốc không có ý nghĩa thực sự.
Chuyên gia kinh tế phân tích Hội nghị Trung ương 3 của ĐCSTQ
Nhà kinh tế học Mỹ Stephen S. Roach đã viết bài ‘dội một gáo nước lạnh’ vào kỳ vọng của thế giới bên ngoài đối với Hội nghị Trung ương 3 khóa 20, rằng Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 của ĐCSTQ “chưa thể thực hiện được lời hứa lớn nhất, tức là để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc dẫn hướng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Thay vào đó, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, đây là một hệ thống ngày càng do nhà nước chi phối.”
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin hôm 16/7, bà Alicia Garcia-Herrero, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel của Bỉ và là một nhà kinh tế Tây Ban Nha, cho rằng Hội nghị Trung ương 3 lần này của ĐCSTQ đang đối mặt với những thách thức, “Một câu hỏi rất cụ thể: Liệu có biện pháp nào để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc sau nhiều năm biểu hiện không tốt?”
Bà Alicia Garcia-Herrero liệt kê 8 vấn đề chính mà nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt: Bất động sản trì trệ, hạn chế tài chính của chính quyền địa phương, áp lực giảm phát, tiêu dùng chậm chạp, dân số già đi, đầu tư nước ngoài phi sản xuất giảm và chi phí an sinh xã hội như lương hưu và chăm sóc y tế tăng, việc chuyển đổi, nâng cấp ngành sản xuất vẫn chưa được thực hiện.
Ngoài ra, Trung Quốc còn phải đối mặt với vấn đề tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, đặc biệt là những người “tốt nghiệp tức là thất nghiệp”.
Bà Herrero có thái độ thận trọng về các biện pháp cải cách có thể đưa ra. Bà dự đoán: “Mọi biện pháp sẽ nhẹ nhàng và dần dần, giống như y học cổ truyền Trung Quốc, thay vì liệu pháp sốc”.
Bà tin rằng các biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện bao gồm “cung cấp trợ cấp vừa phải cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình” để kích thích tiêu dùng, “các biện pháp mang tính kết cấu nhằm làm chậm quá trình già hóa dân số”, “mở cửa đối ngoại tiếp cận đầu tư (giảm danh sách các điều khoản danh mục hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài) để thu hút đầu tư nước ngoài”, “tăng thuế chính quyền địa phương như thuế tiêu dùng” để đối phó với tình trạng cạn kiệt tài chính mà chính quyền địa phương phải đối mặt do giá đất giảm, “trì hoãn nghỉ hưu” và “giảm chi tiêu chính phủ” theo thứ tự để đạt được cân bằng tài chính.
Dự kiến, việc cải cách hệ thống tài chính và thuế sẽ là trọng tâm của Hội nghị Trung ương 3 lần này. Các biện pháp cụ thể có thể bao gồm việc chuyển nguồn thu từ thuế tiêu dùng và thuế giá trị gia tăng từ trung ương tới chính quyền địa phương. Ông Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh việc phát triển mạnh mẽ “lực lượng sản xuất mới” và thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và “phát triển chất lượng cao” của Trung Quốc.
Ông Alexander Davey, nhà nghiên cứu tại Viện Mercator Trung Quốc của Đức, cho biết điều này báo trước sự tiếp tục của “kiểu cải cách vốn đầu tư nhiều nguồn lực và nhân lực trong quá khứ, để hiện đại hóa hệ thống công nghiệp Trung Quốc và thúc đẩy đổi mới công nghệ”.
Bà Michelle Lam, chuyên gia kinh tế khu vực Đại Trung Hoa tại ngân hàng Societe Generale của Pháp, cho biết tăng trưởng quý 2 của Trung Quốc chậm lại hơn dự kiến. Nền kinh tế đang loạng choạng do bị thúc đẩy bởi nhu cầu bên ngoài và phía cung, trong khi nhu cầu trong nước vẫn rất trì trệ. Trong bối cảnh cầu yếu và thúc đẩy từ phía cung, nguy cơ giảm phát vẫn còn nghiêm trọng.
Bà Lam chỉ ra rằng lập trường chính sách tổng thể của Trung Quốc vẫn mang tính giảm phát cao. Ngân hàng trung ương Trung Quốc dường như quyết tâm đặt ra mức sàn cho lãi suất trái phiếu và hạn chế sự mất giá của đồng nhân dân tệ, đồng thời chính sách tài khóa khuyến khích giảm nợ.
Mối quan tâm lớn nhất là liệu lãnh đạo ĐCSTQ sẽ có những điều chỉnh phương hướng rõ ràng để vun đắp một mô hình kinh tế cân bằng hơn? Hoặc tăng gấp đôi lực đẩy từ phía cung? Bà nói thẳng rằng hiện tại mọi người không mong đợi nhiều ở việc điều chỉnh chính sách để tạo ra mô hình kinh tế cân bằng.
Bà Lam cho rằng nếu Trung Quốc không tăng cường kích thích tài chính trong nửa cuối năm, nước này có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5% mà “lưỡng hội” đặt ra, và điều này dường như ngày càng có khả năng xảy ra.
Ông Barry Naughton, nhà kinh tế tại phân hiệu San Diego của Đại học California, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với RFA rằng định nghĩa về “cải cách” của ông Tập Cận Bình khác với kỳ vọng của thế giới bên ngoài. Điều ông Tập muốn tạo ra là “một nền kinh tế ‘loại bỏ phụ thuộc Mỹ’ và sử dụng lực lượng sản xuất mới để cải thiện mọi yếu tố sản xuất”, tăng trưởng kinh tế không phải là mối quan tâm chính của ông.
Ông Naughton chỉ ra rằng khi ông Tập Cận Bình cố gắng thực hiện một số chính sách cải cách này, ông ấy sẽ luôn gặp phải một số bất ổn kinh tế ngắn hạn, điều này là không thể tránh khỏi, nhưng mỗi khi gặp bất ổn kinh tế, ông ấy sẽ co lại. Vì vậy, rõ ràng là từ logic của cái mà nhiều nhà kinh tế gọi là “sở thích bộc lộ” (Revealed preference, là một khái niệm trong kinh tế học, đề cập đến việc phân tích sở thích và ưu tiên của cá nhân dựa trên hành vi thực tế của họ) để nhìn vào những cải cách của ông Tập Cận Bình. Vì vậy, mô hình này được nhìn thấy trong 3 lĩnh vực cơ bản nhất của kinh tế vĩ mô.
Đầu tiên, chính Tập Cận Bình là người đã mang lại ảnh hưởng lớn hơn cho thị trường chứng khoán, dẫn đến một bong bóng lố bịch, sau đó vỡ tung và ông rút lại các cải cách thị trường chứng khoán.
Thứ hai, nỗ lực mở rộng tài khoản vốn quốc tế đã dẫn đến dòng vốn chảy ra nước ngoài trên quy mô lớn, đặc biệt là từ một số tập đoàn kinh doanh có liên quan đến quyền lực chính trị. Họ chuyển một lượng lớn vốn ra khỏi đất nước, sau đó là các chính sách bị thắt chặt.
Cuối cùng, và thậm chí là khía cạnh bí ẩn nhất là cải cách tài khóa. Trên thực tế, Hội nghị Trung ương 3 năm 2013 không đặc biệt nhấn mạnh đến cải cách tài khóa vì người ta cho rằng cải cách này đã được quyết định và sẽ thực hiện. Kế hoạch ban đầu là thực hiện cải cách tài chính theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên được thực hiện bởi các cố vấn nhân viên kỹ thuật, nhưng giai đoạn thứ hai và thứ ba chưa bao giờ được thực hiện. Bên ngoài không thể biết chính xác tại sao. Vì vậy, 3 điểm thất bại lớn liên quan đến cải cách kinh tế năm 2013 đều có thể dễ dàng thấy được.
“Núi lửa” xã hội sắp phun trào, bất công mang tính hệ thống là nguyên nhân chính
Khi Hội nghị Trung ương 3 được triệu tập trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tiếp tục trì trệ đang gây ra những thay đổi căn bản trong quan điểm của người dân về hệ thống kinh tế đất nước và sự phân hóa giàu nghèo, người ta đang bắt đầu đổ lỗi cho những khó khăn trong cuộc sống là do sự bất công trong cơ hội và thể chế.
Trong vài thập kỷ qua, bất chấp khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng và tình trạng bất công xã hội ngày càng nghiêm trọng, các cuộc khảo sát trước đây cho thấy mọi người luôn tin rằng làm việc chăm chỉ sẽ mang lại thành quả và thành công chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực và sự nỗ lực, phấn đấu và giáo dục, v.v., sự bất công của chế độ không phải là điều quan trọng nhất. Điều này cũng được coi là phần nào giải thích tại sao tình trạng bất ổn xã hội quy mô lớn không bùng phát ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một khảo sát gần đây cho thấy quan điểm của mọi người về sự phân phối của cải xã hội đã bắt đầu thay đổi, gần như là thay đổi 180 độ, và điều này có thể gây ra sự phẫn nộ chưa từng có trong xã hội.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết “ngọn núi lửa” khó có thể phun trào ngay lập tức mà đã bốc hơi thành “bong bóng sủi bọt”.
Báo cáo của CSIS cho biết, một cuộc khảo sát với hàng ngàn công dân Trung Quốc cho thấy cơ hội không bình đẳng, chứ không phải vì thiếu năng lực, đã trở thành nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cuộc sống nghèo đói, còn yếu tố lớn nhất để làm giàu là bối cảnh gia đình và chỗ dựa đằng sau.
Trong một khảo sát tương tự năm 2004, người dân cho rằng nghèo đói chủ yếu là do năng lực hạn chế. Tuy nhiên, trong khảo sát năm ngoái (2023), hầu hết những người được hỏi không còn tự trách mình mà cho rằng “bất bình đẳng về cơ hội” là nguyên nhân lớn nhất.
Không những vậy, một số chỉ số quan trọng khác như nỗ lực cá nhân, tính cách, chế độ kinh tế,… đã có những thay đổi gần như hoàn toàn. Chế độ kinh tế không công bằng xếp thứ tám trong năm 2004, thậm chí xếp sau các yếu tố tính cách, nhưng lại xếp thứ hai trong cuộc khảo sát mới nhất.
Trong các cuộc khảo sát được thực hiện từ năm 2004 đến năm 2014, những người được hỏi tin rằng các yếu tố hàng đầu dẫn đến thành công là năng lực, sự chăm chỉ và trình độ học vấn tốt. Trong khảo sát năm 2023, các yếu tố riêng lẻ này lần lượt tụt xuống vị trí thứ 4, 5 và 7. Trong cuộc khảo sát năm ngoái, giàu có được xếp hạng đầu tiên nhờ quan hệ, thứ hai là do sinh ra trong một gia đình giàu có, xếp thứ bảy là yếu tố học đại học.
Do đó, cuộc khảo sát năm 2023 là lần đầu tiên sau hơn 20 năm thái độ của người dân Trung Quốc đối với sự công bằng trong thể chế đã thay đổi rất lớn.
Từ khóa Xã hội Trung Quốc kinh tế Trung quốc