“Cơn ác mộng lại đến” – Công dân Mỹ nói về việc cha bị bắt cóc phi pháp tại TQ
- Minh Nhật
- •
Hàn Quang Tử choàng mở mắt khi điện thoại sáng lên kèm theo một tiếng bíp vào thời điểm sớm bất thường trong ngày. Khoảnh khắc tiếp theo, cô hoàn toàn tỉnh táo, cố gắng tiếp nhận tin tức mà bản thân sợ hãi nhất. Mẹ nhắn tin: “Bố lại bị bắt rồi.” “Cơn ác mộng lại đến”, Hàn Quang Tử chia sẻ.
Cô Hàn, một công dân Hoa Kỳ, đã từng sống trong “ác mộng” suốt 13 năm đầu đời ở Trung Quốc – chỉ vì gia đình cô có đức tin vào Pháp Luân Công. Kể từ năm 1999 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc, gia đình cô Hàn đã phải sống trong nỗi lo sợ thường trực cho tính mạng của các thành viên gia đình.
Cha của Hàn Quang Tử, ông Hàn Vĩ, từng là giám đốc hệ thống đường cao tốc Hắc Long Giang. Năm 1999, ông bị sa thải sau khi không chịu từ bỏ niềm tin của mình và gia đình ông mất đi nguồn thu nhập chính. Ông Hàn bị bắt giữ lần đầu tiên khi con gái chưa được 1 tháng tuổi.
Kể từ khi Hàn Quang Tử còn nhỏ, cô đã chứng kiến việc cảnh sát mặc đồng phục màu đen vây quanh nhà. Giờ đây, 11 năm sau khi cô tị nạn tại Mỹ, vụ bắt giữ cha cô đã gợi lại những ký ức đau buồn đó.
Vụ bắt giữ ngày 29 tháng 3 năm 2024 đánh dấu lần thứ 5 cha cô bị giam giữ phi pháp chỉ vì đức tin. Ông Hàn Vĩ đã sống ẩn dật trong nhiều năm qua để tránh sự quấy rối của cảnh sát. Tuy nhiên, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn lần ra được nơi ông ở thông qua tin nhắn mà ông gửi tới những người khác để nói lên sự thật về cuộc đàn áp tín ngưỡng phi pháp của chính quyền.
Thông qua công nghệ giám sát, cảnh sát xác định được anh trai của ông Hàn, vốn không phải là một người tập Pháp Luân Công, và đột kích vào nhà của anh trai ông. Bà Lã Quát Vũ, vợ ông Hàn hiện đã tị nạn ở Hoa Kỳ cho biết, một người phụ nữ có mặt tại đó đã hoảng sợ đến mức lên cơn đau tim và phải nhập viện.
Sau khi bắt giữ anh trai ông Hàn, cảnh sát đã truy tìm ông Hàn thông qua các công cụ nhận dạng khuôn mặt và dữ liệu vị trí điện thoại, lần theo dấu vết của ông khi ông đang đi mua hàng tạp hóa.
Cảnh sát đã không thông báo cho gia đình hoặc xuất trình bất kỳ tài liệu nào trong hoặc sau khi bắt giữ ông Hàn.
Bà Lã Quát Vũ cho biết: “Không có thủ tục tố tụng, không có lệnh bắt giữ, không có gì cả.”
Theo thông tin thân nhân ông Hàn tại Trung Quốc thu thập được, cảnh sát đã thẩm vấn ông Hàn, nhưng không rõ chi tiết cuộc thẩm vấn là gì. Điều này cũng làm gia tăng sự lo lắng cho gia đình ông. “Trong nhà tù Trung Quốc, chuyện gì cũng có thể xảy ra,” bà Lã Quát Vũ nói.
Cô Hàn Quang Tử hiện là sinh viên của trường Cao đẳng Phi Thiên ở New York và đã đi lưu diễn cùng đoàn nghệ thuật Shen Yun Performing Arts, một công ty có trụ sở tại New York với sứ mệnh giới thiệu nền văn minh Trung Hoa cổ đại thông qua âm nhạc và múa cổ điển – nền văn minh từng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm mục tiêu phá hủy vào thời Đại Cách mạng Văn hóa.
Cô Hàn chỉ biết được tình hình tại Trung Quốc khoảng 1 tuần sau khi sự việc xảy ra do chính quyền Trung Quốc không tuân theo quy trình pháp lý phù hợp đối với các nhóm tín ngưỡng bị đàn áp.
Cô Hàn chưa từng được nghe thấy giọng cha mình kể từ khi cô cùng mẹ trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2013 và xin tị nạn tại Hoa Kỳ.
Năm 2015, Hoa Kỳ cũng cấp quy chế tị nạn cho ông Hàn. Ông đã đặt chuyến bay đến New York để đoàn tụ với gia đình vào tháng 11 năm đó. Tuy nhiên tại hải quan, một nhân viên nói với ông rằng hộ chiếu của ông không hợp lệ và họ đã thu hồi hộ chiếu đó vì ông “tu Pháp Luân Công”.
Ông Hàn đã trải qua nhiều khổ nạn trong những lần bị bắt trước đây. Năm 2001, công an trói ông vào ghế để đánh, dùng bao ni lông bịt đầu ông cho đến khi ông gần như ngạt thở. Để ép ông Hàn từ bỏ đức tin, họ đã còng tay và treo ông vào khung cửa suốt một đêm. Những vết sẹo trên cổ tay của ông vẫn còn cho đến ngày nay.
Năm 2006, tại một trại giam nơi ông Hàn bị giam 1 năm rưỡi, cảnh sát đã dán băng dính lên miệng ông để ngăn không cho ông phản đối về trường hợp của mình.
Sau khi bị sa thải khỏi chức vụ giám đốc đường cao tốc, ông Hàn Vĩ đã 2 lần kinh doanh đồ uống để kiếm sống. Tuy nhiên khi công việc kinh doanh đang phát đạt thì ông lại bị bắt.
Năm 2016, sau khi ông Hàn bị giam hơn 2 tháng, áp lực quốc tế khiến cảnh sát phải quản thúc ông tại gia. Ông Hàn đã trốn khỏi nơi cư trú và ẩn náu ở vùng nông thôn. Ông không tiết lộ vị trí của mình ngay cả với gia đình. Trong nhiều năm, ông không sử dụng điện thoại hay máy tính.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của Hàn Quang Tử suốt ngần ấy năm là cô có thể không được gặp lại cha mình.
Khi mới 7 tuổi, Hàn Quang Tử từng được đến thăm cha trong tù vào năm 2007. Ông nói rất ít và luôn mỉm cười với cô nhưng cô nhận thấy hàm răng của cha có vẻ bị nghiêng. Gia đình cho biết ông Hàn đã bị mất một chiếc răng cửa trong thời gian bị giam giữ.
Những ngày không có cha, Hàn Quang Tử cảm thấy nhà “rất trống rỗng”, cô nhớ lại. “Tôi sợ các bạn cùng lớp sẽ hỏi cha tôi đã đi đâu. Tôi không biết phải nói gì”.
Ngay cả vào khoảng thời gian gia đình được ở bên nhau, nỗi lo sợ có thể bị bắt vẫn luôn rình rập họ. Mỗi lần điện thoại của ông Hàn không liên lạc được, gia đình đều lo sợ.
Cô Hàn hiện đang nỗ lực làm nổi bật hoàn cảnh của những người bị đàn áp tín ngưỡng ở Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Cô nói chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc “không có quyền bức hại bất cứ ai”.
Theo The Epoch Times
Tác giả: Eva Fu
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- Gia đình tù nhân lương tâm TQ đoàn tụ mừng năm mới đầu tiên tại Mỹ
- Chuyện đời cô gái lớn lên trong gia đình bị bức hại từ năm lên 1 tuổi
- Hồi ức 4 tuổi: Sinh viên đại học Canada kể chuyện mẹ bị bức hại trong nhà tù TQ
- TQ: Bé gái 6 tuổi mồ côi, là nạn nhân bị đàn áp từ trong bụng mẹ
Mời xem video:
Từ khóa cuộc sống sau bức hại