Con đường tăng tốc theo hướng tả khuynh của ông Tập Cận Bình
- Lâm Trung Vũ
- •
Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã từng vận động chống tham nhũng và tuyên bố cải cách, nên ngoại giới không thể nhìn rõ “lối tả khuynh” của ông. Tuy nhiên, sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 19, ông đã tăng tốc theo hướng tả khuynh, nhằm bảo vệ đảng và quyền lực chính trị, đồng thời kiểm soát tư tưởng, đạt đến đỉnh cao chưa từng có. Hệ tư tưởng bị kiểm soát chặt chẽ, các bài diễn văn, tài liệu tả khuynh chính thức phát hành sau khi ông Tập nhậm chức. Một số bí mật nội bộ chưa được công khai cũng đã bị lộ.
Gần đây, kênh truyền thông hải ngoại “Epoch Times” đã vạch trần 3 bí mật nội bộ của ĐCSTQ và 4 bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, được coi là những nút thắt quan trọng cho sự “tả khuynh” của chính quyền Tập.
Ngày 20/8/2013, ông Tập Cận Bình đã phát biểu tại Hội nghị Tuyên truyền và Công tác Tư tưởng Toàn quốc của ĐCSTQ rằng: “Công tác tư tưởng là công việc cực kỳ quan trọng của đảng.”
Ông Tập Cận Bình đã 4 lần có những bài phát biểu mang tính biểu tượng về “hệ tư tưởng” gồm: “Bài phát biểu tại Hội nghị Công tác Tư tưởng và Tuyên truyền Toàn quốc” (ngày 19/8/2013), “Bài phát biểu tại Diễn đàn Công tác Văn học Nghệ thuật” (ngày 15/10/2014), “Tham luận tại Hội nghị công tác Trường Đảng toàn quốc” (ngày 11/12/2015), “Tham luận tại Diễn đàn công tác thông tin, dư luận của Đảng” (ngày 19/02/2016).
Trong 4 bài phát biểu này, ông Tập liên tục nhấn mạnh rằng ĐCSTQ phải kiểm soát lĩnh vực ý thức hệ.
Cuốn “Những yêu cầu cơ bản và việc triển khai chính về công tác tư tưởng của Trung ương” đã đề cập rằng trong 3 năm, gồm năm 2013, năm 2014 và năm 2015, Văn phòng Trung ương đã ban hành Văn kiện số 9, Văn kiện số 30 và Văn kiện số 35, thông báo việc triển khai công tác tư tưởng.
Trong số đó, vào tháng 5/2013, “Thông tư về hiện trạng trong lĩnh vực tư tưởng” do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ ban hành (“Văn phòng Trung ương ban hành‘2013’số 9”, gọi tắt là “Văn kiện số 9”) được công bố trên mạng Internet). Nhưng rất nhanh sau đó đã bị xóa bởi Cơ quan quản lý mạng của ĐCSTQ.
Thời báo “New York Times” của Hoa Kỳ từng đưa tin rằng, trong Văn kiện số 9 này, các cán bộ ĐCSTQ “được thông báo rằng nếu đảng không thể loại bỏ 7 khuynh hướng phản động trong xã hội Trung Quốc, quyền lực sẽ mất khỏi tầm kiểm soát của họ.” Bảy xu hướng nguy hiểm đe dọa quyền lực của ĐCSTQ bao gồm việc thúc đẩy dân chủ hiến định, nhân quyền và xã hội dân sự.
Còn văn kiện số 30 và số 35 của ĐCSTQ nói trên được xếp vào loại bí mật và không thể tìm thấy trên mạng Internet.
Thời báo “New York Times” đưa tin vào năm 2015 rằng, “Văn kiện số 30” bí ẩn này yêu cầu loại bỏ tư tưởng tự do chịu ảnh hưởng của phương Tây khỏi các trường cao đẳng và các khoa văn hóa khác. Một học giả chính trị của trường đại học có tiếng ở Bắc Kinh tiết lộ rằng, để tài liệu này không bị rò rỉ ra ngoài, các lãnh đạo cấp cao chỉ thông báo nội dung của tài liệu cho các nhân sự có liên quan.
Ngày 3/10/2015, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã ban hành “Các biện pháp thực hiện đối với hệ thống trách nhiệm công tác tư tưởng của cấp ủy (Tổ Đảng)” (sau đây gọi là các biện pháp). Trong đó thiết lập chế độ trách nhiệm công tác tư tưởng mạng từ các quy định của đảng và yêu cầu “toàn đảng chấp hành”.
Biện pháp này quy định chi tiết về trách nhiệm giải trình, đánh giá và trách nhiệm của cấp ủy (tổ đảng) ĐCSTQ. Đồng thời quy định tập thể lãnh đạo của cấp ủy (tổ đảng) các cấp chịu trách nhiệm về công tác tư tưởng của các bộ phận, đơn vị mình. Bí thư cấp ủy (tổ đảng) là người chịu trách nhiệm đầu tiên.
Nội dung thứ tư gồm 8 khía cạnh. Trong đó “Ban thường vụ cấp ủy các cấp phải nghiên cứu về công tác tư tưởng ít nhất 2 lần/năm; làm tốt công tác chuyển hóa các nhân vật chủ chốt như dư luận viên, người có ảnh hưởng trên mạng, các nhân vật nhạy cảm, những phần tử bất đồng chính kiến”.
Kể từ đó, ĐCSTQ đã ban hành “Thông tư về tình hình hiện tại trong lĩnh vực tư tưởng” vào năm 2017 (Văn kiện [2017] số 26 của Văn phòng Trung ương ĐCSTQ).
“Thông báo của thành phố Lạc Dương về tình hình hiện tại trong các lĩnh vực tư tưởng của thành phố” cho thấy, tài liệu này bắt nguồn từ chính quyền trung ương và được phân phối đến tỉnh Hà Nam, sau đó đến thành phố Lạc Dương. Trong đó đề cập rằng, cần phải hết sức đề phòng những tiếng nói như “dân chủ hợp hiến phương Tây”, “xã hội dân sự”, “lý luận về giá trị phổ quát”, “can thiệp vào hệ tư tưởng chính thống”.
Các tài liệu cho thấy nhà chức trách theo dõi phong trào của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, Pháp Luân Công, và các hoạt động bảo vệ nhân quyền. Đồng thời tuyên bố rằng, họ phải tập trung ngăn chặn một số “phần tử trí thức cộng đồng”, “luật sư nhân quyền” và “nhà bất đồng chính kiến”, “các thế lực cấu kết ở nước ngoài.”
Ví dụ, một số luật sư chủ chốt của thành phố đã duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Chủ tịch Hiệp hội Hoa Kỳ viện trợ Trung Quốc. Họ đã đến Hồng Kông và Đài Loan để tham gia các hoạt động bảo vệ nhân quyền dưới sự tổ chức của Nhóm Luật sư bảo vệ nhân quyền Hồng Kông, và đã tham gia các hoạt động bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc trong một thời gian dài. Những “nhà bất đồng chính kiến” trong thành phố này duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các lực lượng của phong trào dân chủ ở hải ngoại.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Song Hà, thuộc Sư đoàn 5 của Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, ngày 22/01/2018 tuyên bố rằng công tác tư tưởng không chỉ là việc của ban tuyên giáo. Ban tuyên giáo không được phép “Chiến đấu một mình”, đảng ủy sẽ phụ trách chung… Lồng ghép yêu cầu công tác tư tưởng vào công việc của cấp mình.
Báo cáo cho biết Thành ủy đã ký văn bản quy trách nhiệm với 25 đảng bộ cơ sở và 20 bộ phận chịu trách nhiệm về tư tưởng.
Trong “Bản tóm tắt công tác tư tưởng của Đại học Tarim năm 2017” có đề cập rằng “Quy định cấm hoạt động tôn giáo trong sinh viên” đã được xây dựng.
Việc kiểm soát chặt chẽ hệ tư tưởng của ĐCSTQ là phương pháp tả khuynh của ông Tập Cận Bình. Để kiểm soát chặt chẽ những vụ việc gây dư luận lớn và những tiếng nói bất mãn của người dân, chính quyền Tập đã xây dựng một loạt quy trình xử lý các hoạt động ứng phó với dư luận, nhằm trấn áp dư luận. ĐCSTQ khiến ngoại giới có cảm giác ông đang liên tục đi theo hướng “tả khuynh”.
Tập Cận Bình kiểm soát chặt chẽ toàn đảng, ĐCSTQ bị cáo buộc là “thây ma chính trị”
ĐCSTQ không chỉ đàn áp phát biểu của các tổ chức phi chính phủ mà còn thắt chặt kiểm soát đối phát biểu trực tuyến của các thành viên ĐCSTQ.
Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Cục Quản lý mạng của ĐCSTQ đã phối hợp ban hành “Ý kiến về điều chỉnh hành vi trên mạng của đảng viên, cán bộ” (gọi tắt là “Ý kiến”) vào ngày 27/5/2017, yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.
Các “Ý kiến” đã vẽ ra nhiều “lằn ranh đỏ” đối với các thành viên ĐCSTQ. Chẳng hạn như “thảo luận về Ủy ban Trung ương”, “nói xấu và vu khống các lãnh đạo của ĐCSTQ”, tổ chức và tham gia các hoạt động chống đảng; cấm tiết lộ “bí mật nhà nước”. Nếu đảng viên và cán bộ đăng ký tài khoản trên Weibo, WeChat, Live streaming, các diễn đàn và cộng đồng, cũng như thành lập các nhóm, hết thảy đều phải báo cáo lên trên.
Các tài liệu nội bộ của ĐCSTQ cho thấy rằng, nhà chức trách đã yêu cầu các thành viên ĐCSTQ ký đơn cam kết về hành vi trên mạng Internet, làm ra thứ gọi là “Người người vượt quan”, ngay cả trường học cũng không buông tha.
Ngày 5/5 năm nay, một tài liệu nội bộ nặng ký của ĐCSTQ do các cơ quan trung ương và Quốc vụ viện ban hành đã bị lộ trực tuyến. Văn bản quy định có 20 điều “không được phép” đối với đảng viên của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và các cơ quan nhà nước ngoài giờ làm việc. Những “lệnh cấm” này lặp lại những cáo buộc mà ĐCSTQ đã xử lý các quan chức trong những năm gần đây.
Tài liệu nội bộ này của ĐCSTQ tổng cộng gồm 6 trang, có tựa đề “Thông báo về việc in ấn, phát hành”.
Quy chế thử nghiệm này có một loạt 20 điều “không được phép”, trong “bất kỳ trường hợp nào”, bao gồm tất cả các trường hợp đời tư, không được có ý kiến khác, đặc biệt là “không được phát biểu lệch khỏi ‘hai điều bảo vệ’”, “không được hai mặt”; không được ấn thích; không được lướt các “trang web phản động “; không được “nghe các chương trình phát thanh và truyền hình phản động ở nước ngoài”.
Không được phép tiếp nhận phỏng vấn của các kênh truyền thông, nhất là báo chí hải ngoại khi chưa được phép; không được sử dụng thông tin có được tại nơi làm việc để tung tin “nội bộ”; không được phớt lờ yêu cầu của quần chúng với lý do không có thời gian làm việc; không được tổ chức và tham gia các hội thành lập tự phát, Hội cựu sinh viên, Hội cựu chiến binh, v.v.
Không được phát tán những bài phát biểu vi phạm lý luận, đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng; không được tự ý chỉ trích chính quyền trung ương; không được tạo ra hoặc tung tin đồn chính trị, không được phát ngôn bôi nhọ hình ảnh của đảng và đất nước; không được kết bè kết phái và thành lập băng nhóm; không được hai mặt, hai mang, v.v.
Thời điểm công bố tài liệu này là ngày 20/5/2020. Đơn vị ban hành văn bản là Ban Công tác Trung ương và Nhà nước. Một cuộc tìm kiếm trên Internet cho thấy trang web chính thức của Ủy ban Cải cách và Phát triển ĐCSTQ đã chuyển tiếp tài liệu cùng tên vào ngày 5/6, nhưng không tiết lộ nội dung.
Về vấn đề này, Hàn Liên Triều, một nhà nghiên cứu, từng đến thăm tại Viện Hudson, Hoa Kỳ, cho biết trên Twitter rằng: Quy định rằng trong “bất kỳ trường hợp nào”, 2 chữ từ “bất kỳ” chỉ ra rằng nó bao gồm tất cả các trường hợp đời tư và không được phép đưa ra ý kiến khác.
Đặc biệt là tuyên bố “không được phát biểu lệch khỏi ‘hai điều bảo vệ’”, “không được hai mặt”; không được ấn thích; không được lướt các “trang web phản động “; không được “nghe các chương trình phát thanh và truyền hình phản động ở nước ngoài” … Thế thì toàn đảng ắt phải trở thành một “thây ma chính trị” …
Cư dân mạng cho rằng: “Những người minh bạch, thật thà sao vẫn vào đảng?” “Đảng viên cơ sở là gì? Bình thường thì làm tay sai, thời chiến tranh làm bia đỡ đạn, lúc nguy nan làm quỷ chết thế, lúc chết làm vật mai táng. Đây là bản chất và kết cục của đảng viên cơ sở. Thoát khỏi con tàu trộm cướp mới là cách tự cứu lấy chính mình.”
Trước khi đoạn băng ghi âm của bà Thái Hà, cựu giáo sư của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ bị lộ, bà chỉ ra rằng ĐCSTQ đã là một “thây ma chính trị”.
Ngày 15/6 năm nay là sinh nhật lần thứ 67 của lãnh tụ ĐCSTQ Tập Cận Bình. Tạp chí “Học tập Thời báo” bám sát những diễn biến mới nhất trong lý luận của ĐCSTQ và coi tư tưởng của ông Tập Cận Bình là chủ nghĩa Mác của thế kỷ 21. ĐCSTQ tuyên bố rằng tư duy của ông Tập “sánh ngang với chủ nghĩa Mác-Lênin”.
ĐCSTQ hiện đang đối mặt với những rắc rối bên trong và bên ngoài, hệ tư tưởng của nó đã sụp đổ từ lâu. Vào thời điểm này, các nhà chức trách đã nhiệt tình quảng bá tư tưởng Tập Cận Bình là chủ nghĩa Mác của thế kỷ, ý đồ này đã được đồn đoán rất nhiều.
Nhưng như mọi người đều biết, chủ nghĩa Mác là gốc rễ của bạo lực ở Trung Quốc. Mã Kiến, một nhà văn Trung Quốc sống lưu vong, từng nói trong một bài báo rằng, kể từ khi chủ nghĩa Mác xâm nhập vào Trung Quốc 100 năm trước, ĐCSTQ đã sử dụng hệ tư tưởng và lý thuyết của Marx về đấu tranh giai cấp, cách mạng bạo lực và chuyên chính vô sản, nhằm giết hại hàng ngàn hàng vạn người Trung Quốc.
Ngày 3/5/2018, tờ “National Post” của Canada đã đăng tải một bài đánh giá của ông Tristin Hopper với tựa đề “Karl Marx: Lẽ ra sẽ không có hàng chục triệu linh hồn bị đày đọa.” Karl Marx, một nhà bất đồng chính kiến người Đức, đã dành phần lớn cuộc đời sống lưu vong. Triết lý suốt đời của ông ta là thông qua một cuộc cách mạng, thì cái gọi là “thiên đường tại nhân gian” có thể được hiện thực hóa trên trái đất. Nhưng ông ta lại sinh ra một bi kịch đau khổ dai dẳng nhất và đạt đến đỉnh cao nhất trong lịch sử cận đại.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin, ông Tập hy vọng xây dựng một đảng cầm quyền theo chủ nghĩa Marx vững mạnh. Trước tiên ông ta phải bắt đầu với lý tưởng và niềm tin từ chủ nghĩa cộng sản. Nhưng câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu đảng viên ĐCSTQ vẫn còn tin vào chủ nghĩa cộng sản?
Trong 2 năm qua, các quan chức của ĐCSTQ bị “ngã ngựa“, được công bố với các tội danh về tư tưởng, như “không nhất quán với Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những vấn đề trọng đại”, “công khai phát biểu không thỏa đáng”, “xuyên tạc đạo đức”, v.v.
Ông Tạ Tuyển Tuấn, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cho rằng trên thực tế, phần lớn đảng viên và cán bộ của ĐCSTQ đã mất niềm tin vào lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản từ lâu. Họ gần như rơi vào trạng thái thờ ơ chính trị, và đều đang nhìn Tập Cận Bình một mình vùng vẫy đơn độc.
Lâm Trung Vũ
Xem thêm:
Từ khóa Cánh Tả Dòng sự kiện Tả khuynh Kiểm soát tư tưởng Tập Cận Bình Đảng viên