Công tố viên TQ không từ thủ đoạn để kết tội người tu Pháp Luân Công
- Bình Minh
- •
Để buộc tội và truy tố bất hợp pháp những người tu luyện Pháp Luân Công, các công tố viên và quan chức tư pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng nhiều thủ đoạn hèn hạ khác nhau để khai man, xét xử và kết án họ bên ngoài tòa án, đồng thời bắt cóc và bỏ tù họ để bức hại.
Ví dụ, cảnh sát của ĐCSTQ giả mạo chữ ký của người tu Pháp Luân Công trên “lời thú tội”. Nhân viên tòa án giả mạo chữ ký của luật sư trên các tài liệu.
Cảnh sát an ninh quốc gia Trung Quốc ép người tu Pháp Luân Công chụp ảnh trước tay nắm cửa của một ngôi nhà có đặt một túi đựng đồ. Họ còn ấn tay người đó lên cột đường dây điện thoại, để tạo ra những bức ảnh làm “bằng chứng” về việc truyền bá tài liệu Pháp Luân Công.
Công tố viên còn sử dụng nhiều “đồ vật” không có mặt tại địa điểm đột kích của cảnh sát làm “bằng chứng”, hay đe dọa và buộc người khác khai man với tư cách là “nhân chứng” để vu khống người tu Pháp Luân Công.
Họ còn buộc học sinh “vạch trần” các giáo viên tập luyện Pháp Luân Công, và sử dụng “bằng chứng” này để kết án nặng nề bất hợp pháp nạn nhân. Cảnh sát bỏ những loại ma túy không rõ nguồn gốc vào nước, rồi ép người tu lớn tuổi uống, nhằm buộc họ phải ký tên trong trạng thái mất ý thức.
Có rất nhiều ví dụ như vậy trong các báo cáo của Minghui.org, trang web chuyên báo cáo các tin tức liên quan của Pháp Luân Công. Những trường hợp được liệt kê dưới đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Luật sư tiết lộ tòa sơ thẩm giả chữ ký, vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Tối ngày 7/5/2023, học viên Pháp Luân Công Lưu Diễm Thu và Dương Đông Mai ở thành phố Tiên Đào, tỉnh Hồ Bắc đã bị sách nhiễu vì phân phát tài liệu nói rõ sự thật về Pháp Luân Công. Họ bị cảnh sát ở thị trấn Hồ Trường bắt cóc, và đưa đến trung tâm giam giữ của Tp. Tiên Đào.
Cả hai đã bị Tòa án thành phố Tiên Đào kết án bất hợp pháp vào ngày 29/11/2023. Dương Đông Mai bị kết án oan 2 năm 3 tháng và phải nộp phạt 10.000 nhân dân tệ (~ 34 triệu VNĐ). Lưu Diễm Thu bị kết án oan 1 năm 2 tháng và bị tống tiền 5.000 nhân dân tệ (~ 17 triệu VNĐ). Cả hai đều kháng cáo.
3h chiều ngày 20/3/2024, vụ kháng cáo được xét xử tại Tòa án cấp Trung Hán Giang, tỉnh Hồ Bắc. Luật sư chỉ ra rằng thân chủ của mình không phá hoại việc thực thi pháp luật, không gây hại cho xã hội, và không nên bị trừng phạt với tội danh lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật.
Luật sư cũng tiết lộ, đến khi phiên tòa sơ thẩm bắt đầu, thẩm phán sơ thẩm Tòa án thành phố Tiên Đào mới cho luật sư đọc bản cáo trạng. Hơn nữa, để che đậy sai sót này, tòa sơ thẩm đã giả mạo chữ ký của luật sư, và khai man rằng luật sư đã ký vào cáo trạng. Luật sư chỉ ra rằng đã có những vi phạm nghiêm trọng trong phiên tòa sơ thẩm.
Video đột kích nhà của cảnh sát bị lộ, công tố viên bịa đặt lời khai man
Học viên Pháp Luân Công Lương Diệu Mẫn, 60 tuổi, một kỹ sư đến từ Tp. Hải Dương, tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt cóc và giam giữ trong trại giam hơn một năm.
Việc giam giữ dài hạn khiến sức khỏe của bà bị suy giảm nghiêm trọng. Trong hai lần xét xử ngoài tòa án, bà bị đau thắt ngực và khó thở, khiến các phiên tòa bị gián đoạn. Ngày 20/1/2022, bà bị xét xử bên ngoài tòa án lần thứ ba. Bà yêu cầu tòa án phát video về vụ đột kích nhà trái phép.
Kết quả video cho thấy, ngoại trừ những đồng xu thật, không có “bằng chứng” nào được công tố viên đưa ra trước tòa xuất hiện trong đoạn video đột kích vào nhà bà. Bà đã vạch trần những lời khai man này ngay tại nơi xét xử.
Ngoài ra, công tố viên cũng không cung cấp thông tin ID của bất kỳ người nào trong loạt “nhân chứng” trên, và không có “nhân chứng” nào được triệu tập ra hầu tòa vào ngày hôm đó.
Bà cụ 70 tuổi sống một mình bị cảnh sát, công tố viên và viện kiểm sát buộc tội
Một ngày vào tháng 5/2023, khoảng 10:30 sáng, bà Vu Thái Vân, học viên Pháp Luân Công 76 tuổi sống một mình ở làng Tây Đồn, thị trấn Cao Lăng, quận Mâu Bình, Tp. Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, đã bị cảnh sát bắt cóc.
Bà bị buộc tội vì nói với mọi người sự thật về Pháp Luân Công. Công an yêu cầu con trai bà đang ở xa phải đến đồn công an để ký, sau đó mới thả bà “tại ngoại chờ xét xử”.
9h sáng ngày 20/7/2023, bà Vu Thái Vân lại bị bắt cóc khi đang nói sự thật về Pháp Luân Công, và bị giám sát trái phép tại khu dân cư. Sau đó bà bị viện kiểm sát truy tố trái pháp luật.
6h sáng ngày 30/10/2023, bà bị công an bắt cóc và bị xét xử ngoài tòa án. Cảnh sát thả bà về nhà vào buổi chiều. Một quan chức tòa án cho biết, bà sẽ bị kết án từ 3 – 4 năm tù, hiện đang thu thập bằng chứng.
Sau đó, bà đến gặp hai “nhân chứng” và hỏi họ vì sao lại tố cáo bà. Cả hai đều cho biết, họ chưa hề trình báo hay ký tên gì với đồn cảnh sát. Hóa ra những “bằng chứng” mà cảnh sát cung cấp để buộc tội bà là bịa đặt.
Học sinh bị buộc phải “vạch mặt” cô giáo, khiến cô bị tù oan 12 năm
Sáng ngày 4/12/2018, tổng cộng 8 cảnh sát từ Văn phòng Công an quận Tây Tú, Đội An ninh Quốc gia và Đồn Công an Thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu đã đột nhập vào nhà của học viên Pháp Luân Công Phong Bồi Dung, lục soát nhà, và bắt cóc gia đình 3 người nhà cô. Con trai và chồng cô được thả vào ngày hôm sau.
Sau khi cô bị buộc tội, viện kiểm sát đã trả lại hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung. Cô làm giáo viên tại một trường đào tạo do gia đình cô điều hành.
Công an quận Tây Tú đã bức cung 26 học sinh của cô, yêu cầu các em phải “vạch trần” giáo viên của mình, và làm tài liệu khai man, nhằm vu khống cô điều hành một “trường luyện thi” cho học sinh, để nhồi nhét niềm tin vào Pháp Luân Công.
Tháng 11/2019, cô Phong Bồi Dung bị xét xử ngoài tòa án và bị kết án oan 12 năm vào tháng 12.
Công an giả mạo hồ sơ, chữ ký và được cấp trên bảo vệ
Ngày 15/9/2013, ông Lưu Dũng, đội trưởng Đội An ninh Nội địa của Văn phòng Công an huyện Trung Ninh ở Ninh Hạ, cùng với một số cảnh sát từ Văn phòng Công an Thành phố Trung Vệ đã đột nhập vào nhà của học viên Pháp Luân Công Vưu Hải Quân ở huyện Trung Ninh, và bắt cóc ông khi ông đang đến thăm học viên Pháp Luân Công Đinh Càn.
Ngày 18/9, cảnh sát Lưu Dũng và Dương Lâm đã thẩm vấn trái phép Đinh Càn nhưng ông từ chối hợp tác. Hai cảnh sát này đã giả mạo nội dung biên bản, thay mặt ông Đinh Càn ký và giao “vụ án” cho viện kiểm sát. Viện kiểm sát đã hai lần bác bỏ vụ án do không đủ chứng cứ và yêu cầu điều tra bổ sung.
Cảnh sát ép bà lão uống nước có pha ma túy, buộc bà phải ký “nhận tội”
Ngày 25/6/2010, Đội An ninh Quốc gia của Văn phòng Công an quận Vụ Thành ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang đã bắt cóc 3 học viên Pháp Luân Công lớn tuổi là Bào Tiểu Muội, Trương Vạn Phi, Kim Bội Trân, và bịa đặt lời khai man. Cả 3 học viên này đều bị xét xử 2 lần ngoài tòa án, và bị kết án bất hợp pháp, với mức án tù từ 3-7 năm.
Bà Kim Bội Trân, 72 tuổi, đã bị hơn 10 cảnh sát bắt cóc và lục soát nhà. Sau đó bà bị đưa đến Sở cảnh sát Thành Bắc để thẩm vấn phi pháp. Hơn 10 người thay nhau bao vây, hăm dọa, dụ dỗ, đe dọa bà suốt 15 giờ, bắt đầu từ 3h sáng. Họ còn bỏ những loại thuốc không rõ nguồn gốc vào nước sôi và ép bà uống.
Sau đó, bà Kim Bội Trân cảm thấy chóng mặt và yếu ớt. Cảnh sát ép bà uống nhiều nước hơn, nhưng bà từ chối cho đến khi cơ thể yếu đi, không thể tiếp tục chống đỡ. Trong lúc tâm trí bất minh, bà bị buộc phải ký vào “bản thú tội”.
Sau đó, cảnh sát đã thẩm vấn trái phép bà Kim Bội Trân nhiều lần. Họ dùng “lời thú tội” và biên bản làm “bằng chứng” này để truy tố bà, và cuối cùng kết án phi pháp bà 3 năm tù.
Cuộc đàn áp tàn ác kéo dài hơn 2 thập kỷ của ĐCSTQ vấp phải nhiều sự chỉ trích và lên án từ cộng đồng quốc tế. Người tu Pháp Luân Công tại khắp nơi trên thế giới đã đệ trình danh sách những kẻ bức hại Pháp Luân Công lên chính phủ nước sở tại của họ và yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc những người này.
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. |
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Pháp Luân Công