COVID-19 trường hợp mới: Xét nghiệm đờm âm tính, nước tiểu dương tính
- Trí Đạt
- •
Trong khi dịch bệnh “viêm phổi Vũ Hán” vẫn đang vô cùng gay go, Trung Quốc Đại Lục lại xuất hiện một trường hợp bệnh đặc biệt: Một người đàn ông Chiết Giang qua 3 lần xét nghiệm đờm đều hiện kết quả âm tính, nhưng phân và nước tiểu lại cho kết quả dương tính, cuối cùng được xác nhận chẩn đoán là người bệnh không có triệu chứng và được tiến hành cách ly điều trị.
Lại thêm một trường hợp “viêm phổi Vũ Hán” đặc biệt
Trang tin trực tuyến The Paper tại Đại Lục đưa tin hôm 20/2, Văn phòng Tiểu ban Lãnh đạo Công tác Phòng chống Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế Sức khỏe thành phố Chu Sơn tỉnh Chiết Giang cho biết, một người đàn ông họ Thích cùng vợ họ Lưu và con gái ở thành phố Chu Sơn, trong dịp Tết âm lịch đã trở về Sơn Đông đón Tết. Ngày 2/2, gia đình họ trở lại Chu Sơn. Ngày 3/2 không hề ra ngoài. Ngày 4/2, gia đình nhận được thông báo của khu dân cư rằng tất cả những người ở ngoài trở về Chu Sơn cần phải ở nhà tiến hành quan sát y tế trong 14 ngày. Gia đình này cũng tự thuật rằng trong thời gian 14 ngày, họ không ra ngoài, và 2 lần nhờ nhân viên khu dân cư mua rau đưa đến cửa.
Ngày 14/2, người vợ họ Lưu xuất hiện triệu chứng ho, được cho phép tự lái xe đi đến bệnh viện Chu Sơn để khám, do là người thuộc diện ở nhà quan sát, nên ngay lập tức được đưa đến phòng bệnh khoa truyền nhiễm. Chiều cùng ngày, người chồng họ Thích nhận được tin cha mẹ ở Sơn Đông được chẩn đoán nghi lây nhiễm “viêm phổi Vũ Hán”. Ngày 15/2, kết quả xét nghiệm mẫu đờm của người vợ cho kết quả âm tính, chồng và con gái cũng cho kết quả âm tính.
Ngày 16/2, người vợ tiếp tục được xét nghiệm đờm, kết quả cho thấy âm tính, phân và nước tiểu của con gái cũng thể hiện âm tính. Tuy nhiên, mẫu phân và nước tiểu của người chồng lại cho phản ứng dương tính, còn trong xét nghiệm mẫu đờm thì lại thể hiện âm tính, cũng không có triệu chứng lâm sàng của “viêm phổi Vũ Hán”. Người chồng được đưa đến bệnh viện chỉ định tại địa phương để tiến hành cách ly và điều trị, vợ và con gái được cách ly để quan sát.
Ngày 18/2, người chồng tiếp tục được xét nghiệm, kết quả xét nghiệm mẫu đờm thể hiện vẫn là âm tính, nhưng mẫu phân và nước tiểu vẫn là dương tính.
“Viêm phổi Vũ Hán” khác thường
Từ khi “Viêm phổi Vũ Hán” bùng phát vào tháng 12/2019 đến nay, nguồn gốc và con đường lây truyền vẫn chưa được tra ra rõ ràng.
Ngày 3/1, Ủy ban Y tế Sức khỏe Vũ Hán phát thông báo cho biết, tính đến 8:00 ngày 3/1, thành phố Vũ Hán xuất hiện tổng cộng 44 trường hợp mắc bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân, 11 người bệnh tình nghiêm trọng; tất cả người bệnh đều được bố trí đến cơ quan y tế liên quan ở Vũ Hán để tiến hành cách ly và điều trị, trong đó có một bộ phận người bệnh là người buôn bán ở chợ Hoa Nam. Ủy ban Y tế Vũ Hán cũng đã hoàn thành công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường xung quanh chợ hải sản này. Điều tra bước đầu cho thấy, chưa phát hiện một cách tương đối rõ ràng hiện tượng lây nhiễm từ người sang người, cũng không phát hiện trường hợp nhân viên y tế bị lây nhiễm.
Tờ Tân Kinh báo tại Đại Lục đưa tin, ngày 31/12/2019, tất cả những người bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân đều được chuyển đến một bệnh viện chuyên khoa bệnh truyền nhiễm – Bệnh viện Kim Ngân Đàm để tiến hành cách ly điều trị, đồng thời cấm người nhà của bệnh nhân và người ngoài đến bệnh viện thăm, dò hỏi thông tin. Ở Vũ Hán, Bệnh viện Kim Ngân Đàm cũng là bệnh viện chỉ định điều trị các sự kiện y tế công cộng đột phát tại địa phương. Trong đó, một bệnh nhân viêm phổi từng trải qua 10 xét nghiệm virus khác nhau, nhưng cuối cùng đều không chẩn đoán ra nguyên nhân thực sự của bệnh.
Theo trang tin trực tuyến Caixin tại Đại Lục đưa tin, ngày 20/1, trả lời phỏng vấn trong chương trình “Tin tức 1+1” của Đài truyền hình CCTV, ông Chung Nam Sơn cho biết, theo các tài liệu và thông tin liên quan đến “viêm phổi Vũ Hán” hiện có, “hiện nay có thể nói, chắc chắn có hiện tượng lây truyền từ người sang người”. Ông Chung Nam Sơn nói, ví dụ như: Tỉnh Quảng Đông có 2 người nhiễm bệnh chưa từng đến thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, do người nhà của họ từng đến Hồ Bắc, kết quả cũng lây nhiễm loại virus corona mới này. Do đó, có thể xác nhận rằng “viêm phổi Vũ Hán” có năng lực lây truyền từ người sang người.
Ông Chung Nam Sơn còn nói, so với SARS, tính lây nhiễm của “viêm phổi Vũ Hán” không mạnh, ít độc hại hơn. Vẫn cần phải quan sát tình hình phát triển sau đó.
Ngày 28/1, Caixin đưa tin, trả lời phỏng vấn trong chương trình “Tin tức 1+1” của CCTV, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc Phùng Tử Kiến thừa nhận, số trường hợp nhiễm bệnh “viêm phổi Vũ Hán” tăng gấp đôi với thời gian ngắn hơn SARS, dịch SARS trong thời gian 9 ngày sẽ tăng gấp đôi, còn virus “viêm phổi Vũ Hán” thì khoảng 6 – 7 ngày số trường hợp nhiễm bệnh tăng gấp đôi.
Hôm 1/2, trang Dịch vụ Tin tức Trung Quốc (China News Service) đăng thông tin trên Weibo cho biết, bệnh viện trực thuộc Đại học Vũ Hán và Trung tâm Nghiên cứu Virus Vũ Hán thuộc Viện Khoa học Trung Quốc phối hợp nghiên cứu phát hiện, trong phân của người bệnh “viêm phổi Vũ Hán” cũng phát hiện axit nucleic của virus corona mới. Do đó, “viêm phổi Vũ Hán” ngoài phương thức lây truyền qua giọt bắn và tiếp xúc, còn tồn tại khả năng lây truyền qua đường phân.
Tờ Báo đô thị Phương Nam tại Đại Lục đưa tin hôm 3/2, gần đây, tay nắm cửa trong gia đình của một người bệnh “viêm phổi Vũ Hán” được kiểm tra phát hiện có virus corona mới 2019. Do đó, “viêm phổi Vũ Hán” có thể có nhiều con đường lây nhiễm gián tiếp, bao gồm cả việc sử dụng vòi nước, điện thoại di động, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại bàn, v.v, cần chú ý đến vệ sinh hằng ngày nơi ở.
Chiều ngày 3/2, chính quyền Bắc Kinh thông báo tình hình mới nhất về dịch “viêm phổi Vũ Hán”. Số liệu cho thấy, số người tử vong do “viêm phổi Vũ Hán” không những vượt quá cả dịch SARS, mà số người lây nhiễm trên phạm vi toàn cầu cũng vượt quá cả dịch SARS.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa lây nhiễm bệnh dịch virus corona viêm phổi Vũ Hán COVID-19