Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc thấp kỷ lục, Bắc Kinh “mất bò mới lo làm chuồng”
- Thiên Thanh
- •
Trong tình hình địa chính trị toàn cầu bất ổn hiện nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc rớt xuống thấp kỷ lục, đồng thời đầu tư trong nước và thúc đẩy nhu cầu trong nước cũng đang phải đối mặt với áp lực rất lớn. Cùng với việc ông Trump trở lại Nhà Trắng, xu hướng này có thể tiếp tục một khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu lại.
Thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc thấp kỷ lục
Theo Tân Hoa Xã, dữ liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố cho thấy, vào tháng 12/2024 các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư 173 tỷ USD ra nước ngoài trong khi Trung Quốc thu hút 17,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng. FDI ròng cả năm 2024 chỉ là 4,5 tỷ USD. FDI ròng là giá trị đầu tư trực tiếp vào trong nước trừ đi giá trị đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Hiện tượng này cho thấy, trong khi các công ty nội địa Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển vốn ra nước ngoài thì các công ty đa quốc gia cũng đang rút vốn khỏi Trung Quốc.
Ông Đổng Chấn Nguyên (Chen-yuan Tung), Đại sứ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tại Singapore, viết trên trang “Tuần báo Hôm nay (Business Today) của Đài Loan rằng theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước của ĐCSTQ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng của Trung Quốc vào năm 2024 chỉ là 4,5 tỷ USD, “lập kỷ lục thấp nhất kể từ khi có dữ liệu liên quan vào năm 1998, chỉ bằng 1/10 năm 1998 và chỉ bằng 1,3% so với mức đỉnh điểm vào năm 2021”.
Bài báo viết rằng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh vào quý 2 năm 2022, và kể từ đó tiếp tục giảm. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc lại không ngừng gia tăng đầu tư ra nước ngoài, đạt mức cao kỷ lục trong quý 2 năm 2024. Điều này cho thấy đến nay, giới đầu tư nước ngoài vẫn chưa khôi phục niềm tin vào môi trường đầu tư dưới sự quản lý của chính quyền Bắc Kinh.
Bloomberg đưa tin, vào năm 2024 các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư khoảng 173 tỷ USD ra nước ngoài, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư 4,5 tỷ USD vào Trung Quốc, mức đầu tư nước ngoài thấp nhất kể từ năm 1992. So với năm 2023, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm 168 tỷ USD, đánh dấu đợt rút vốn lớn nhất kể từ năm 1990.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt mức thuế 10% đối với tất cả các hàng hóa của Trung Quốc và Bắc Kinh đã trả đũa trên nhiều mặt, bao gồm mở cuộc điều tra đối với ‘gã khổng lồ’ công nghệ Google và đưa chủ sở hữu Calvin Klein là PVH Corp vào danh sách đen. Tuy nhiên, nếu Mỹ và Trung Quốc bắt đầu lại cuộc chiến thương mại, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể bị liên lụy. Do đó, việc ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài đã trở thành một thách thức đối với chính quyền Bắc Kinh.
Căng thẳng địa chính trị toàn cầu và khó khăn kinh tế của Trung Quốc
Suy thoái kinh tế của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến một số công ty giảm đầu tư. Đồng thời, việc Bắc Kinh đột ngột chuyển hướng tập trung vào xe điện cũng khiến các nhà sản xuất ô tô nước ngoài trở tay không kịp, khiến một số nhà đầu tư nước ngoài rút lui hoặc giảm đầu tư.
Dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc theo dõi dòng vốn ròng, có thể phản ánh xu hướng lợi nhuận của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, và những thay đổi về quy mô kinh doanh của họ ở Trung Quốc. Để kích thích nền kinh tế, Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất ở hầu hết các nước phát triển, giúp các công ty đa quốc gia có thêm lý do để giữ tiền mặt bên ngoài Trung Quốc.
Để đối phó với sự suy giảm trong vài năm qua, Bắc Kinh đã cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm hứa hẹn đối xử tốt hơn, gia hạn miễn giảm thuế và miễn thị thực. Tờ Wall Street Journal đưa tin, Bắc Kinh đã cam kết mở rộng chi tiêu trong năm nay để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đồng thời cam kết ổn định đầu tư nước ngoài, vốn rất quan trọng để tạo việc làm.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khi chủ trì cuộc họp hàng tuần của Quốc vụ viện, cho biết sẽ nỗ lực tăng thu nhập của người dân, thúc đẩy tăng trưởng thu nhập bền vững, mở rộng các kênh thu nhập liên quan đến bất động sản. Tất cả các biện pháp này đều nhằm kích thích tiêu dùng trong nước của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc họp này không cung cấp chi tiết cụ thể về cách cải thiện thu nhập của người dân. Các nhà bình luận và phân tích dự đoán rằng Bắc Kinh có thể đề xuất tăng cường bao phủ lương hưu và bảo hiểm y tế tại kỳ họp “lưỡng hội” (Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc) sắp tới vào tháng 3 năm nay, đồng thời có thể công bố các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các chính sách khác do chính quyền Bắc Kinh đặt ra.
Cùng với tranh chấp thương mại với chính quyền Mỹ do Tổng thống Trump đứng đầu ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc giảm sự phụ thuộc nặng nề vào thương mại xuất khẩu và tăng chi tiêu trong nước. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu ở Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 kết thúc đã khiến thách thức này trở nên trầm trọng hơn đối với Bắc Kinh.
Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh nhắc lại quyết tâm thu hút thêm đầu tư nước ngoài, cho rằng đây là yếu tố then chốt trong việc tạo việc làm, ổn định xuất khẩu và nâng cấp các ngành công nghiệp. Bắc Kinh cho biết họ có kế hoạch thúc đẩy gia tăng tái đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc, khuyến khích đầu tư cổ phần và mở rộng danh mục ngành nghề chào đón vốn đầu tư nước ngoài.
Bloomberg đưa tin, Nhật Bản là trường hợp rõ ràng nhất trong số những vấn đề mà Bắc Kinh gặp phải trong việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Các công ty Nhật Bản là một trong những công ty có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên thâm nhập thị trường Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc thực hiện cái gọi là “cải cách và mở cửa” vào cuối những năm 1970, và họ vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Ngày nay, các công ty Nhật Bản ngày càng thận trọng trong việc bơm vốn mới vào Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát gần đây do Phòng Thương mại Nhật Bản tại Trung Quốc (China Japan Chamber Of Commerce) công bố cho thấy, gần một nửa số công ty Nhật Bản tại Trung Quốc cho biết họ sẽ giảm đầu tư hoặc không giới thiệu nguồn vốn mới trong năm nay. Xu hướng này trái ngược với sự háo hức đầu tư vào Mỹ của các công ty Nhật Bản. Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố, lượng đầu tư mới của các công ty Nhật Bản vào Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục 11.700 tỷ Yên (khoảng 75,6 tỷ USD) vào năm 2024.
Thiên Thanh, Vision Times
Từ khóa Dòng sự kiện kinh tế Trung quốc
