Hôm thứ Sáu (29/11), một tòa án ở Bắc Kinh đã kết án ông Đổng Uất Ngọc (Dong Yuyu), cựu biên tập viên cấp cao của Nhật báo Quang Minh, 7 năm tù vì tội gián điệp. Gia đình ông bác bỏ cáo buộc, nói rằng bản án này “rõ ràng rất vô lý”. Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc cũng đăng bài lên án Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Dong Uat Ngoc
Hôm thứ Sáu (29/11), một tòa án ở Bắc Kinh đã kết án ông Đổng Uất Ngọc (Dong Yuyu), cựu biên tập viên cấp cao của Nhật báo Quang Minh, 7 năm tù vì tội gián điệp. Gia đình ông bác bỏ cáo buộc. (Ảnh: MXH)

Phán quyết đối với ông Đổng Uất Ngọc được công bố trong phiên điều trần kín tại Tòa án Nhân dân cấp Trung số 2 Bắc Kinh. Các nhà báo có mặt tại hiện trường đưa tin, truyền thông nước ngoài và các nhà ngoại giao bị cấm vào.

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (29/11), gia đình ông Đổng cho biết, tòa án không cung cấp bằng chứng, nhưng lại tuyên bố nhà ngoại giao Nhật Bản mà ông gặp là một đặc vụ nước ngoài.

Tuyên bố cho biết: “Những cáo buộc này rõ ràng rất vô lý”. “Chúng tôi bị sốc khi chính quyền Trung Quốc ngang nhiên coi các đại sứ quán nước ngoài là ‘tổ chức gián điệp’.”

Gia đình ông Đổng cho biết thêm: “Ông ấy bị bức hại vì tính độc lập mà ông ấy thể hiện trong suốt sự nghiệp làm nhà báo.

Gia đình ông cũng trích dẫn bản án được thẩm phán đọc nhưng chưa chia sẻ với luật sư của ông Đổng.

Bộ Ngoại giao Mỹ lên án ĐCSTQ

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Sáu (29/11), lên án việc ĐCSTQ kết án nặng nề đối với ông Đổng Uất Ngọc. Tuyên bố có đoạn, Hoa Kỳ lên án sự bất công khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) kết án 7 năm tù giam dành cho nhà báo Đổng Uất Ngọc vì nghi ngờ ông là gián điệp.

Việc bắt giữ và tuyên án ông làm nổi bật việc ĐCSTQ đã không tuân thủ các cam kết của mình theo luật pháp quốc tế, cũng như không bảo đảm về hiến pháp cho mọi công dân, bao gồm các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Tuyên bố nói rằng Hoa Kỳ khen ngợi ông Đổng Uất Ngọc vì công việc của ông với tư cách là phóng viên và biên tập viên cấp cao, cũng như đóng góp của ông cho quan hệ nhân dân Trung-Mỹ với tư cách là Nghiên cứu sinh Nieman tại Đại học Harvard. Hoa Kỳ ủng hộ ông và gia đình ông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, ông R. Nicholas Burns, đăng trên nền tảng X, rằng ông lên án ĐCSTQ kết án nhà báo Trung Quốc Đông Uất Ngọc 7 năm tù vì tội gián điệp. Hiến pháp của Trung Quốc đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dân. Thật không công bằng khi ông bị trừng phạt vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Cộng đồng quốc tế lên án

Tháng 2/2022, cựu biên tập viên và phóng viên Nhật báo Quang Minh 62 tuổi Đổng Uất Ngọc đã bị cảnh sát Bắc Kinh giam giữ khi đang ăn trưa với một nhà ngoại giao Nhật Bản, người sau đó bị buộc tội là gián điệp.

Ông Đổng Uất Ngọc thường viết những bài bình luận theo chủ nghĩa tự do. Nhiều năm qua, ông thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các nhà ngoại giao và nhà báo từ nhiều đại sứ quán khác nhau.

Nhà ngoại giao Nhật Bản ông gặp cũng bị ĐCSTQ giam giữ trong vài giờ, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Sau đó, nhà ngoại giao này đã được thả.

Năm 2010, ông Đổng Uất Ngọc từng là nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Đại học Keio ở Nhật Bản, kiêm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Hokkaido năm 2014. Theo người nhà ông cho biết, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hideo Tarumi là bạn của ông Đổng trong nhiều năm.

Việc giam giữ và tuyên án ông làm nổi bật không gian ngày càng thu hẹp đối với giới trí thức có tư tưởng tự do ở Trung Quốc. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, lãnh đạo ĐCSTQ ông Tập Cận Bình bắt đầu đàn áp xã hội dân sự và những người bất đồng chính kiến.

Phán quyết này cũng cho thấy sự nghi ngờ ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc đối với những người có quan hệ nước ngoài. Bắc Kinh đang tìm cách hạn chế những hoạt động trao đổi quốc tế thường lệ.

Đại sứ quán Nhật Bản nói với AFP rằng họ không bình luận về vụ việc. Một phát ngôn viên của đại sứ quán cho biết trong email, rằng các hoạt động ngoại giao của các cơ quan ngoại giao Nhật Bản ở nước ngoài là hợp pháp.

Nhà văn Ian Johnson, một người bạn của ông Đổng Uất Ngọc, nói bản án cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng gửi thông điệp, rằng việc tiếp xúc bình thường với thế giới bên ngoài không được hoan nghênh.

Chính phủ không đưa ra bằng chứng nào cho thấy ông phạm tội gián điệp. Thay vào đó, họ đưa ra lập luận đáng nghi vấn, rằng bản thân việc gặp gỡ một nhà ngoại giao đã là một hành vi đáng ngờ.

Ông Đổng bị giam giữ kể từ khi kết thúc phiên tòa vào tháng Bảy năm ngoái. Ông chưa từng gặp hay nói chuyện với gia đình kể từ khi bị bắt từ hơn 2 năm trước.

Bản án là một sự nhạo báng công lý

Vụ việc đã thu hút sự chú ý và phản đối của quốc tế. Sau khi ông Đổng bị giam giữ, hàng chục nhà báo nổi tiếng và học giả Trung Quốc, gồm cả phóng viên Bob Woodward của Washington Post, đã ký đơn thỉnh cầu kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho ông.

Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng trở thành một nơi khó đưa tin cho các nhà báo Trung Quốc và nước ngoài. ĐCSTQ áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với các tổ chức truyền thông trong nước. Những công dân Trung Quốc hợp tác với truyền thông nước ngoài thường bị quấy rối.

Theo bảng xếp hạng của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo” (CPJ), Trung Quốc là quốc gia bỏ tù nhiều nhân viên truyền thông nhất, với tổng số 44 nhà báo phải ngồi tù tính đến tháng 12 năm ngoái.

Bà Mã Lệ Di (Beh Lih Yi), điều phối viên chương trình châu Á của CPJ, cho biết: “Giao tiếp với các nhà ngoại giao là một phần công việc của nhà báo. Việc bỏ tù các nhà báo với những cáo buộc sai trái và bất công như tội gián điệp là một sự nhạo báng công lý.

“Chúng tôi lên án phán quyết bất công này, và kêu gọi chính quyền Trung Quốc bảo vệ quyền của các nhà báo được làm việc tự do và an toàn ở Trung Quốc. Ông Đổng Uất Ngọc nên được đoàn tụ với gia đình ngay lập tức”, bà viết.

Năm 2020, chính quyền ĐCSTQ đã bắt giữ nhà báo Úc, bà Thành Lỗi (Cheng Lei), từ kênh quốc tế CGTN của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và phóng viên Phạm Nhược Y (Haze Fan) của Bloomberg, với cáo buộc an ninh quốc gia. Sau đó cả hai đều được thả. Bắc Kinh cũng trục xuất hàng chục nhà báo quốc tế

Nhà báo công dân Trương Triển lại bị bắt

Truong Trien
Trương Triển, một người đưa tin tự do tại Trung Quốc bị kết án nặng vì đưa tin về dịch bệnh COVID-19 (Nguồn: MXH)

Mạng lưới Bảo vệ Quyền đưa tin, với sự chấp thuận của Viện Kiểm sát Khu vực Mới Phố Đông, Chi nhánh Phố Đông của Văn phòng Công an Thượng Hải đã bắt giữ cô Trương Triển vào ngày 18/11 vì nghi ngờ gây gổ và gây rối.

Báo cáo cho biết cô Trương Triển, sinh năm 1983, quê ở thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây và cư trú tại Khu vực Mới Phố Đông, Thượng Hải. Cô từng là giám đốc điều hành của một công ty chứng khoán ở Thượng Hải và hành nghề luật sư, nhà báo công dân. Vào tháng 2/2020, Trương Triển đi từ Thượng Hải đến Vũ Hán, Hồ Bắc để tiết lộ sự thật về dịch bệnh COVID-19 tại địa phương. Cô bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vào tháng 5 cùng năm và bị kết án 4 năm tù vì “gây gổ và gây rối”. Cô được thả vào ngày 13/5 năm nay.

Bình Minh (t/h)