Dưới bóng đen của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, “thắt lưng buộc bụng” trở thành xu hướng
- Can Lãng
- •
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, người dân Trung Quốc ở tầng lớp cơ sở bắt đầu sống tiết kiệm để tự bảo vệ bản thân. Bất kể là người lớn tuổi hay giới trẻ, họ đều đang sống theo phương châm “tiết kiệm được chừng nào hay chừng đó”. Một cư dân Thượng Hải cho biết, gần đây khi ra đường đột nhiên nhận thấy các cửa hàng bán rau củ ngày càng nhiều, trong khi các cửa hàng quần áo và hàng tiêu dùng lâu bền lại giảm hẳn. Nhiều bạn trẻ than thở: “Kiếm tiền ngày càng khó hơn”. Từ căn bếp gia đình đến các nền tảng thương mại điện tử đồ cũ, “tiết kiệm” đã trở thành phong cách sống nổi bật của xã hội Trung Quốc hiện nay.
“Chiến tranh thuế quan, người bình thường phải có 6 nguyên tắc sinh tồn. Chiến tranh thương mại nổ ra, tôi đã đưa ra 3 quyết định: đầu tiên là tiết kiệm đến mức tối đa.”
“Chiến tranh thương mại bắt đầu, người bình thường như chúng ta nên làm gì? Tôi có 3 quyết định… Đừng khởi nghiệp, đừng mở tiệm nhỏ, đừng làm người nổi tiếng mạng; hãy bán hết những gì có giá trị mà bạn đang sở hữu.”
Đó là những “hướng dẫn sinh tồn” từ nhiều blogger trên nền tảng Douyin, nhằm cảnh tỉnh giới trẻ về tình hình kinh tế hiện tại và chuẩn bị tâm lý đối phó với môi trường sống có thể trở nên khắc nghiệt trong tương lai.
Từ đầu tháng Ba, Mỹ và Trung Quốc liên tục áp thuế cao lên hàng hóa của nhau, có mặt hàng mức thuế quan vượt quá 100%. Điều này khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc ùn ứ, doanh nghiệp ngừng hoạt động, công nhân bị buộc nghỉ việc. Khu vực Hoa Đông và Hoa Nam lập tức bị bao trùm bởi bóng đen suy thoái sản xuất. Ngày càng nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, bắt đầu sống cuộc sống “có thể tiết kiệm thì tiết kiệm”.
Chợ thực phẩm nhộn nhịp, cửa hàng quần áo vắng vẻ
Vào ngày 23/4, bà Hà Tú Trân, một cư dân Thượng Hải, chia sẻ với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA), mỗi ngày ra ngoài bà đều nhìn thấy toàn người bán rau và cửa hàng rau củ, trong khi các cửa hàng quần áo thì đột nhiên giảm đi rất nhiều. Bà nói: “Bạn xem đi, ngoài mấy hàng bán rau vẫn còn buôn bán được một chút, nhưng cũng chẳng ăn thua. Khu dân cư của tôi, cứ đi ra ngoài là thấy đầy hàng bán rau, cứ 30 mét, 50 mét hay 100 mét lại có một tiệm, nhiều đến mức cạnh tranh rất gay gắt. Còn quần áo thì chẳng ai mua nữa, tôi mặc lại đồ cũ thôi. Thế hệ 7X như chúng tôi chắc chắn không còn tiêu xài hoang phí được nữa, vì kiếm tiền giờ khó lắm.”
Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ, các doanh nghiệp liên tục phá sản, thị trường việc làm không có dấu hiệu khởi sắc, ngày càng nhiều người bắt đầu thắt lưng buộc bụng như bà Hà Tú Trân. Bà Trần, một cư dân quận Tĩnh An (Thượng Hải), nói với RFA, nhiều người lo sợ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan nên bắt đầu tiết kiệm chi tiêu để chuẩn bị cho những ngày tháng khó khăn phía trước: “Chắc chắn là có lo lắng rồi, nên phải tính toán lâu dài. Không biết đến năm nào tháng nào mới khá hơn. Bây giờ siêu thị hầu như rất ít người vào, trước kia người trẻ tiêu xài mạnh lắm, giờ thì họ không tìm được việc, không tiêu tiền nữa, rất tiết kiệm. Quán ăn cũng ít người đi. Những người đi làm thì mang cơm từ nhà theo.”
Ngành ẩm thực tại Bắc Kinh ảm đạm
Tại thủ đô Bắc Kinh, bà Dã Tĩnh Hoàn chia sẻ với RFA, nhiều quán ăn nhỏ tại địa phương đã buộc phải đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động vì không có khách đến tiêu dùng: “Giờ ở Bắc Kinh, nhiều nhà hàng thật sự đã phải đóng cửa rồi. Vài quán ăn gần nhà tôi rất ít người đến, có những quán chỉ có một hai bàn có người, thậm chí đôi khi chỉ có gia đình tôi – vài người gồm con trai, cháu trai đi ăn. Thật sự có thể dùng từ ‘kinh doanh ảm đạm’ để mô tả. Cũng có vài quán đông hơn một chút, nhưng không còn cảnh đông đúc như trước kia nữa.”
Hiện tượng “hạ cấp tiêu dùng” đang lan rộng từ các khu vực duyên hải đông nam Trung Quốc đến các tỉnh nội địa như Tứ Xuyên, Quý Châu. Ông Quảng Phong ở Lan Châu nói với phóng viên RFA, người dân địa phương cũng bắt đầu thắt lưng buộc bụng, gửi tiền vào ngân hàng để phòng khi cần thiết: “Nhìn tình hình bây giờ, ai cũng muốn tiết kiệm thêm chút tiền hoặc đổi sang ngoại tệ. Ai có điều kiện thì mua vàng để tích trữ lâu dài. Vì gửi tiền trong ngân hàng giờ cũng không yên tâm, biết đâu một ngày nào đó khoản tiết kiệm biến mất, hoặc nếu có chiến tranh, muốn rút tiền cũng không được.”
Kỳ vọng phục hồi sau đại dịch bất thành, cuộc sống ngày càng khó khăn
Trước những gì đang diễn ra, ông Trần Tử Cường, một cư dân Tp. Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, chia sẻ, sau đại dịch ông từng nghĩ kinh tế Trung Quốc sẽ nhanh chóng phục hồi. Thế nhưng đã 3 năm trôi qua, không những kinh tế không khá lên mà còn bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, khiến đời sống người dân vô cùng khốn khó.
Ông nói: “Lần này chơi cái trò này với Mỹ (đánh thuế lẫn nhau), kinh tế mấy năm nay đã sụp rồi. Đừng nhìn mấy cái tuyên truyền nói rằng Tập Cận Bình lãnh đạo tốt, cái gì cũng phát triển, quân đội mạnh cái này cái kia. Dân đen tụi tui sống còn khổ hơn nhiều. Nào là ‘thu nhập bình quân tăng’, nhưng là mấy người thu nhập cao kéo mức bình quân lên thôi, chứ người nghèo thì ngày càng nghèo.”
Một số học giả cho rằng trong hoàn cảnh thực tế hiện nay ở Trung Quốc, việc “thắt lưng buộc bụng” không còn là sự lựa chọn tiết kiệm cá nhân đơn lẻ, mà đã trở thành một hiện tượng mang tính xã hội. Đối mặt với áp lực suy thoái kinh tế, tác động từ chiến tranh thương mại và sự bất định trong việc làm, ngày càng nhiều người Trung Quốc chủ động cắt giảm chi tiêu để phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Xu hướng này phản ánh sự bất an sâu sắc của người dân Trung Quốc hiện nay.
Theo Can Lãng, RFA
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung Dòng sự kiện Recommend Thuế quan Mỹ kinh tế Trung quốc
