Hệ thống công an và tòa án tỉnh Sơn Đông bị tố liên quan đến mổ cướp nội tạng
- Kiều Kỳ
- •
Bà Vương Phương (hóa danh), một người tập Pháp Luân Công đã đến Mỹ hơn một năm, nguyên là một nhân viên y tế chuyên nghiệp có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Gần đây, bà Vương đã tiết lộ với tờ Epoch Times về việc các tòa án, công an và trại giam tại tỉnh Sơn Đông tham gia vào hoạt động mổ cướp nội tạng sống và chia chác số tiền thu được.
Sau khi nghỉ hưu tại một bệnh viện ở thành phố Thanh Đảo, bà Vương Phương làm việc tại một phòng khám trực thuộc Thanh Đảo. Bà kể lại một trải nghiệm của mình: Vào tháng 7/2019, trang Minghui.org đưa tin người tập Pháp Luân Công Hà Lập Phương, chỉ mới 45 tuổi, bị bức hại đến chết và rất có khả năng đã bị mổ cướp nội tạng. Bà đã kể với một đồng nghiệp sự thật về Pháp Luân Công và đề cập đến trường hợp của ông Hà Lập Phương.
Đồng nghiệp đó không tin và chất vấn: “Làm gì có chuyện như vậy?”
Sau khi về nhà, người đồng nghiệp kể chuyện đó với chồng mình, người này là một cảnh sát trại giam, trước đó từng làm cảnh sát hình sự 9 năm. Người chồng nói với vợ: “Cô biết cái gì? Cô hiểu cái gì? Một nội tạng giá 300.000 tệ, trại giam được 100.000, tòa án 100.000, công an 100.000, đều như vậy cả đấy…”
Về trải nghiệm kể trên của bà Vương Phương, ông Uông Chí Viễn, Chủ tịch tổ chức “Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công” (WOIPFG), nói với tờ Epoch Times rằng những thông tin được viên cảnh sát trại giam tiết lộ “phù hợp với cách vận hành nội bộ của hệ thống ĐCSTQ. ĐCSTQ chính là vận hành một dây chuyền gồm cơ quan chính phủ, cảnh sát và nhà tù để buôn bán nội tạng của người tập Pháp Luân Công.”
Vào ngày 10/4/2007, WOIPFG đã điều tra qua điện thoại đối với Trần Cường – người liên lạc về nguồn thận tại khoa cấy ghép của Bệnh viện 307 quân đội ở Phong Đài, Bắc Kinh (đường link báo cáo điều tra tại đây). Trần Cường không chỉ thừa nhận rằng họ đang vận hành một chuỗi buôn bán nội tạng người tập Pháp Luân Công, mà còn có thể cung cấp tài liệu chứng minh thân phận của người hiến tạng là người tập Pháp Luân Công.

Cái chết của ông Hà Lập Phương đầy nghi vấn.
Bà Vương Phương nói: “Bệnh viện Thành Dương (Bệnh viện Nhân dân số 3) nằm rất xa, là bệnh viện hạng hai, không có thiết bị cấp cứu, hoàn toàn không đủ điều kiện và năng lực để cấp cứu.”
“Nhất là với bệnh nhân nguy kịch, bệnh viện này không có khả năng cứu chữa.”
“Bệnh viện Nhân dân thành phố Tức Mặc là bệnh viện cấp thành phố, gần trại giam Thanh Đảo hơn. Nếu cấp cứu thì nên đưa tới bệnh viện lớn gần nhất, lẽ ra nên đưa đến bệnh viện Nhân dân Tức Mặc. Vậy mà lại đưa đi xa, nên nghi vấn là rất lớn.”
Bà cho biết, trong thời gian ông Hà Lập Phương “được cấp cứu” tại bệnh viện, đã bị cảnh sát bao vây chặt chẽ.
“Không cho người nhà ở bên cạnh, cũng không cho nhìn mặt. Cả bệnh viện bị bao vây, họ nhất quyết không cho người nhà vào. Do đó nghi vấn là rất lớn.”
Theo báo cáo từ Minghui.org, vào ngày 2/7/2019, cảnh sát thuộc đồn cảnh sát Bắc An, quận Tức Mặc, thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã đuổi toàn bộ thân nhân của ông Hà Lập Phương ra khỏi bệnh viện. Bên cạnh ông không có một người thân nào, toàn bộ bệnh viện đều do cảnh sát kiểm soát. Từ ngày 30/6 đến 3/7, chính quyền đã điều động hơn 20 xe cảnh sát và hơn 200 cảnh sát.
Vào khoảng 10:00 sáng ngày 3/7, gia đình của ông Hà Lập Phương nhận được điện thoại báo tin ông đã qua đời.
Thi thể của ông Hà Lập Phương có vết mổ khâu ở trước ngực, sau lưng cũng có vết mổ, gương mặt thể hiện rõ sự đau đớn, miệng há ra, mũi và miệng có vết máu, máu rỉ ra từ kẽ răng, toàn thân đầy vết thương, bầm tím khắp chân tay, có cả vết kim tiêm.
Thi thể sau đó đã bị cưỡng chế hỏa táng. Đồn cảnh sát Bắc An cử người giám sát nghiêm ngặt toàn bộ quá trình. Trong và ngoài nhà tang lễ đều đầy cảnh sát vũ trang và thường phục, cùng hơn 30 quan chức lớn nhỏ của Văn phòng khu phố Bắc An. Sau khi hỏa táng xong còn điều thêm bốn xe cảnh sát để giám sát chặt chẽ.
Cái chết của ông Hà Lập Phương được xem là một trường hợp nghi ngờ bị mổ cướp nội tạng sống và đã được ghi nhận trong ‘Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2019′ do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào năm 2020.
Ông Hà Lập Phương không phải là trường hợp duy nhất. Bóng đen về việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng đã bị vạch trần lần đầu tiên vào năm 2006. Cộng đồng quốc tế đã công bố nhiều báo cáo điều tra cáo buộc ĐCSTQ thực hiện hành vi này.
Ngày 22/6/2016, ba nhân vật gồm: luật sư nhân quyền người Canada David Matas, nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ Ethan Gutmann, và cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour (hiện đã qua đời), đã công bố báo cáo điều tra mới nhất về nạn mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Mỹ ở Washington – “Thu hoạch đẫm máu / Đại thảm sát: Bản cập nhật” (Bloody Harvest/The Slaughter: An Update). Ba người cho biết, trong 15 năm qua, tại Trung Quốc đại lục ước tính đã thực hiện khoảng 1,5 triệu ca cấy ghép nội tạng. Nguồn tạng chủ yếu đến từ học viên Pháp Luân Công.
Một trải nghiệm khác của bà Vương Phương cũng gián tiếp chỉ ra rằng ĐCSTQ đã bắt đầu việc mổ cướp nội tạng sống từ lâu và kéo dài trong nhiều năm.
Mẹ của đồng nghiệp thay gan sau 3 ngày
Bà Vương tiết lộ, mẹ của một đồng nghiệp bị bệnh gan mãn tính, sau nhiều năm phát triển thành xơ gan và suy gan. Bà được đưa vào điều trị tại bệnh viện trực thuộc Đại học Thanh Đảo. Bác sĩ nói với gia đình rằng bệnh nhân không còn giá trị điều trị, nhưng nếu sẵn sàng chi số tiền lớn thì có thể tiến hành phẫu thuật ghép gan trong vòng một tuần.
“Đồng nghiệp tôi đưa ra 400.000 tệ, và chỉ trong 3 ngày, mẹ cô ấy đã được thay gan.” “Chuyện này xảy ra khoảng trước năm 2008.”
“Đồng nghiệp trong bệnh viện bàn tán rất nhiều, cảm thấy nguồn gan sao lại có thể dễ dàng như vậy? Nói thay là thay ngay, trong 3 ngày là xong ca ghép gan. Đây là chuyện không thể tưởng tượng nổi.”
Tốc độ thay gan chỉ trong 3 ngày là điều không thể tin nổi.
Ông Uông Chí Viễn nói với Epoch Times rằng thay gan trong vòng 3 ngày là hiện tượng bất thường. Bởi vì “trong điều kiện bình thường, việc ghép nội tạng lớn dị thể (từ người khác) có tỷ lệ tương thích rất thấp. Ngoại trừ sinh đôi cùng trứng hoặc một số anh chị em ruột, thì giữa 2 người không có quan hệ huyết thống rất khó để hoàn toàn tương thích. Đặc biệt là khi không có quan hệ thân thiết, thì tỷ lệ tương thích kháng nguyên HLA (tương thích mô bạch cầu) là cực thấp, chỉ khoảng 1/100.000. Đó là lý do tại sao ở nhiều nước tiên tiến (như Mỹ), người bệnh phải chờ tạng (ghép theo hướng thuận), và thời gian chờ thường kéo dài 2–3 năm.”
“Nhưng ở Trung Quốc Đại Lục, sau khi bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công từ tháng 7/1999, lại xuất hiện hiện tượng tạng chờ người bệnh (ghép theo hướng ngược), thời gian chờ chỉ 1–2 tuần, thậm chí chỉ vài giờ. Điều đó có nghĩa họ có sẵn một kho nội tạng người sống để lựa chọn. Khi có bệnh nhân, lập tức tìm được người cho phù hợp,” ông nói.
Tân Hoa Xã của ĐCSTQ từng đưa tin vào ngày 24/3/2012 rằng cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Dick Cheney phải chờ gần 2 năm trong danh sách chờ ghép tim mới có được tạng hiến để phẫu thuật.
Bệnh nhân ghép thận của thanh niên 20 tuổi cách đây 20 năm
Bà Vương Phương còn tiết lộ rằng trong thời gian đại dịch từ năm 2020 đến 2022, bà từng gặp một bệnh nhân nam đã từng trải qua ca ghép tạng. “Vừa nhìn là biết người đó là bệnh nhân.”
Người vợ đi cùng bệnh nhân đã nói với bà Vương rằng chồng mình đã được ghép thận cách đây 20 năm, và khi đó dùng thận của một chàng trai mới 20 tuổi.
Trước năm 2000, số ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc còn hạn chế; nhưng sau năm 2000, con số này tăng vọt. Tuy nhiên, ĐCSTQ lại không thể đưa ra lời giải thích hợp lý về nguồn gốc của các cơ quan nội tạng.
Ông Hà Hiểu Thuận – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung Sơn – khi trả lời phỏng vấn của báo “Phương Nam Cuối tuần” từng cho biết: “Năm 2000 là cột mốc của ngành ghép tạng Trung Quốc. Số ca ghép gan toàn quốc trong năm 2000 tăng gấp 10 lần so với năm 1999, đến năm 2005 lại tăng gấp 3 lần nữa.”
Thời điểm số ca ghép tạng tại Trung Quốc tăng vọt trùng hợp với thời điểm ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công.
Sau khi tập đoàn Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp toàn diện vào tháng 7/1999, năm 2000 trở thành đỉnh điểm khi người tập Pháp Luân Công từ khắp nơi đổ về Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Khi đó có hàng triệu học viên lên tiếng, và rất nhiều người đã không bao giờ trở về.
Vì sao lại tuyển dụng nhân viên y tế yêu cầu tính bảo mật cao?
Bà Vương Phương cũng kể rằng từ năm 2004 đến 2006, mỗi ngày khi đi làm bằng xe buýt, bà thường xuyên nhìn thấy quảng cáo video chạy liên tục trên xe, tuyển dụng các bác sĩ, y tá “có tính bảo mật cao”, yêu cầu “tính bảo mật cao, giác ngộ tư tưởng tốt”. Bà cảm thấy rất khó hiểu: “Lúc đó tôi thấy rất thắc mắc. Tại sao lại cần tuyển nhân viên y tế có tính bảo mật cao?”
Bà nói rằng nếu là để phục vụ cho các cán bộ cấp cao của ĐCSTQ, thì “họ đều đã có nhân sự riêng được phân công, cũng không cần công khai tuyển dụng như vậy”.
Bà Vương Phương bày tỏ nghi ngờ rằng việc tuyển dụng này có liên quan đến hoạt động mổ cướp nội tạng.
Từ khóa Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng WOIPFG Cấy ghép nội tạng Thu hoạch nội tạng sống
