Hôm thứ Tư (ngày 7/5), Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật Chấm dứt Nạn Cưỡng Bức Mổ Cướp Nội Tạng năm 2025 (H.R.1503) với số phiếu áp đảo, nhằm trừng phạt nghiêm khắc hành vi thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện. Đây là lần thứ hai Hạ viện Hoa Kỳ sử dụng hình thức lập pháp để xử lý vấn đề nhân quyền nghiêm trọng này.

mo cuop noi tang 1
Ngày 22/4/2018, học viên Pháp Luân Công tại Đài Loan tổ chức một sự kiện tại Đài Bắc mô phỏng lại ĐCSTQ mổ cướp và buôn bán nội tạng học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: Trần Bách Châu / Epoch Times)

Dự luật được thông qua với 406 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống này nêu rõ Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy việc thiết lập một hệ thống hiến tạng minh bạch và công bằng trong lĩnh vực ngoại giao song phương và y tế quốc tế, đồng thời thiết lập một “cơ chế thực thi mạnh mẽ”, trừng phạt các cá nhân và tổ chức thực hiện hoặc hỗ trợ việc thu hoạch nội tạng bất hợp pháp, trong đó bao gồm đảng viên ĐCSTQ.

Theo nội dung dự luật, Hoa Kỳ sẽ tiến hành điều tra có hệ thống về tình trạng cưỡng bức thu hoạch nội tạng trên toàn cầu. Các phương thức bao gồm bắt cóc, lừa gạt, cưỡng ép, lạm quyền hoặc giao dịch tài chính, trong đó nạn nhân bị dùng làm nguồn nội tạng cấy ghép.

Dự luật áp dụng cho tất cả các chủ thể liên quan đến việc thu hoạch nội tạng bất hợp pháp, bao gồm cả bệnh nhân tiếp nhận nội tạng. Người vi phạm có thể bị phạt hành chính lên đến 250.000 USD và chịu mức phạt hình sự lên đến 1 triệu USD cùng án tù lên đến 20 năm.

Dân biểu Chris Smith, người khởi xướng chính của dự luật, nhấn mạnh rằng chính quyền ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho một trong “những tội ác nhân quyền kinh hoàng nhất hiện nay”, đó là việc buôn người và giết người để lấy nội tạng.

Giới quan sát cho rằng nhóm học viên Pháp Luân Công là đối tượng chính bị chính quyền ĐCSTQ cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Ông Trình Bội Minh, một học viên Pháp Luân Công tại Hắc Long Giang, là người duy nhất được biết vẫn sống sót sau khi bị mổ cướp nội tạng. Năm 2004, ông bị đưa đến Bệnh viện số 4 Đại Khánh mà không có sự đồng ý, và bị phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi trái và gan trái.

Hai năm sau, ông lại bị đưa vào bệnh viện chuẩn bị cho ca mổ thứ 2, nhưng may mắn trốn thoát giữa chừng. Kể từ đó, ông bị Bộ Công an ĐCSTQ truy nã, đến năm 2015 mới trốn thoát và được Hoa Kỳ giải cứu, cho nhập cảnh vào năm 2020.

Tối ngày 23/4, trong một hội thảo được tổ chức tại Trung tâm sinh viên Đại học George Washington (GWU) ở Washington, ông đã công khai cho thấy vết sẹo dài 35 cm do phẫu thuật để lại, đồng thời thực hiện chụp ảnh y khoa để xác minh rằng nội tạng trong cơ thể ông đã bị cắt bỏ một phần.

Các chuyên gia y tế xác nhận rằng phổi và gan của ông có vết tích phẫu thuật rõ ràng. Trong hội thảo, ông Trình cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ đã cứu giúp ông, và tiết lộ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đe dọa ông, nhằm ngăn cản việc ông vạch trần sự thật về nạn mổ cướp nội tạng.

Trên thực tế, trong tuần này Hạ viện Hoa Kỳ đã lần lượt thông qua 2 dự luật trừng phạt liên quan đến việc vi phạm nhân quyền đối với Pháp Luân Công. Ngày 5/5, toàn thể Hạ viện đã thông qua Dự luật Bảo vệ Pháp Luân Công, yêu cầu Hoa Kỳ áp dụng biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với các cá nhân Trung Quốc tham gia bức hại Pháp Luân Công và hỗ trợ thu hoạch nội tạng bất hợp pháp.

Pháp Luân Công là một môn khí công truyền thống của Trung Quốc, lấy nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” làm nền tảng tu luyện, kết hợp với 5 bài công pháp nhẹ nhàng.

Trong những năm 1990, môn này từng được truyền bá rộng rãi tại Trung Quốc, với số người tu luyện ước tính từ 70 triệu đến 100 triệu người. Chính quyền ĐCSTQ coi đây là mối đe dọa với sự kiểm soát của Đảng, nên từ năm 1999 đã phát động cuộc đàn áp quy mô lớn, khiến hàng triệu học viên bị giam giữ, tra tấn và thậm chí mất mạng.

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới như Israel, Đài Loan, Ý và Tây Ban Nha đã có các đạo luật ngăn chặn du lịch cấy ghép nội tạng. Đồng thời, Nghị viện Châu Âu và các cơ quan lập pháp Hoa Kỳ cũng liên tục lên án hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.

Cao Vân / Vision Times