Học viên Pháp Luân Công bị cảnh sát Trung Quốc đẩy khỏi cửa sổ ngã tử vong
- Bình Minh
- •
Gần đây, trang Minghui.org đưa tin, ông Doãn Chí Ba, một học viên Pháp Luân Công (44 tuổi, đến từ thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm) đã bị cảnh sát Trung Quốc đẩy ra khỏi cửa sổ rơi xuống đất tử vong vào ngày 16/3/2021. Hung thủ hiện vẫn đang sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Ông Doãn Chí Ba sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bẩm sinh đã thông minh và thành lập công ty từ con số 0. Ông là một người hào phóng và rộng lượng. Ông Doãn bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3/1999. Pháp môn này dạy mọi người tu luyện tâm tính theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” và luyện 5 bài công pháp, khiến người dân được thọ ích cả thân lẫn tâm. Vào tháng 7/1999, ông Giang Trạch Dân và thuộc hạ đã phát động cuộc đàn áp đẫm máu đối với Pháp Luân Công kéo dài cho đến ngày nay. Giống như hàng ngàn học viên Pháp Luân Công khác, ông Doãn Chí Ba bất chấp an nguy về tính mạng của bản thân, đã nói với mọi người sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Ngày 16/3/2021, những người bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tẩy não đã tố cáo ông Doãn Chí Ba với chính quyền. Cảnh sát đến lục soát nhà ông và tìm được tài liệu “Cửu Bình” (9 bài bình luận về ĐCSTQ).
Vì bảo vệ những tài liệu này, ông đã giằng co với cảnh sát Phu Đông Kiệt và cảnh sát hỗ trợ Tôn Hải Đào. Cảnh sát đã đánh và đẩy ông đến sát cửa sổ. Trong cuộc giằng co, ông bị 2 người này đẩy ra ngoài cửa sổ và ngã xuống đất tử vong.
Theo báo cáo, vợ của ông Doãn Chí Ba là bà Vương Tú Hoa, khi chứng kiến quá trình chồng bị cảnh sát đẩy ra ngoài cửa sổ tử vong, đã đau lòng đến ngất xỉu nhiều lần. Cậu con trai nhỏ nhào lên người bố và gào khóc thảm thiết. Hàng xóm tố cáo cảnh sát đánh và giết người, đồng thời yêu cầu chính quyền trừng trị hung thủ.
Các thành viên trong gia đình và hàng xóm đã làm chứng vụ việc. Trước những bằng chứng xác thực, Cục Công an Diên Cát đã cấp giấy chứng tử, rằng ông Doãn Chí Ba rơi từ trên cao xuống, nhằm che đậy sự thật về vụ giết người của họ.
Gia đình đã kêu oan cho ông Doãn. Anh trai của ông đi kiến nghị nhiều lần, nhưng đều bị áp giải về nhà. Chính quyền Trung Quốc đã đe dọa ông ấy không được kêu oan, bằng cách tịch thu đất của anh trai ông Doãn Chí Ba.
Em gái ông ở nước ngoài là bà Doãn Chí Bình, đã giơ biểu ngữ kháng nghị trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles. Cháu trai của ông là Từ Tiểu Cương cũng bị giam giữ 15 ngày vì bị nghi ngờ là học viên Pháp Luân Công. Trong khi đó, kẻ giết người thực sự vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Hơn 20 năm qua, trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của cảnh sát ĐCSTQ, như bắt cóc, quấy rối và lục soát nhà của họ, rất nhiều nạn nhân đã bị sở công an tuyên bố là “rơi khỏi tòa nhà” hoặc “nhảy lầu tự tử”, ví dụ:
- Ngày 26/11/2004, Cảnh sát An ninh Quốc gia Trung Quốc đã đến nhà của học viên Pháp Luân Công Ngưu Mộng Linh (tại thành phố Thạch Hà Tử, Tân Cương) để khám xét và bắt người. Cô buộc phải chạy từ nhà mình ở tầng 1, lên nhà em trai cô ở tầng 6. Cảnh sát lại đuổi tới nhà em trai cô, ép cô ngã từ cửa sổ xuống tử vong. Sau đó, cảnh sát gây ra vụ tai nạn đã lan truyền tin đồn khắp nơi rằng Ngưu Mộng Linh nhảy lầu tự tử vì tu luyện Pháp Luân Công.
- Ngày 2/8/2010, học viên Pháp Luân Công tên Viên Bình Quân (ngụ tại Thạch Gia Trang, Hà Bắc) đã bị bắt cóc và đưa đến một trung tâm tẩy não. Ngày 11/8, trung tâm tẩy não nói dối rằng cô đã nhảy lầu tự tử. Họ định bịt miệng người nhà cô bằng 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.187 USD), ngăn gia đình cô tiếp cận với thi thể và buộc hỏa táng.
- Tháng 9/1999, học viên Pháp Luân Công Trùng Khánh, cô Hà Vệ Dục đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện kêu oan cho Pháp Luân Công và bị bắt vào đầu tháng Mười Một. Trong khi bị giam giữ tại Văn phòng Trùng Khánh tại Bắc Kinh, cô đã tử vong do “ngã từ một tòa nhà” trên đường về. Cảnh sát yêu cầu chồng cô không được kể chuyện này ra ngoài.
Ngoài ra, một số học viên Pháp Luân Công khác đã chết vì bị cảnh sát quấy rối và bắt cóc như:
- Khoảng 11:00 đêm ngày 8/4/2019, 8 cảnh sát từ huyện Văn An, Lang Phường, Hà Bắc đã đến phá cửa nhà học viên Pháp Luân Công Dương Hiểu Huy, khiến người nhà vô cùng sợ hãi. Để tránh bị bắt cóc lần nữa, Dương Hiểu Huy đã trèo qua ban công tầng 3 của nhà mình, nhưng không may bị ngã và qua đời một cách oan khuất.
- Khoảng 11:00 sáng ngày 18/11/2015, 2 cảnh sát và 1 nhân viên khu dân cư tại Thanh Đảo, Hà Bắc đã đột nhập vào tòa nhà của một khu dân cư, nhằm bắt cóc các học viên Pháp Luân Công ở đó. Lúc này, có 4 học viên đang ở trong nhà. Trong đó, học viên Trương Trị Thủy đã rơi xuống tầng 5 và tử vong trong quá trình bị bắt cóc, 3 người còn lại đã bị đưa đi.
- Cô Sử Ngọc Anh, một học viên Pháp Luân Công đến từ thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, từng giành chức vô địch đấu kiếm khi còn trẻ, và được chọn làm việc tại Liên đoàn Công đoàn Tế Nam. Lãnh đạo đơn vị đã nhiều lần đe dọa cô rằng cấp trên sẽ không thưởng cho cô, vì cô khăng khăng muốn tu luyện Pháp Luân Công. Vì vậy đơn vị sẽ trừ lương của cô. Một ngày vào tháng 9/2009, cảnh sát bất ngờ ập vào nhà cô Sử Ngọc Anh khiến cô ngã khỏi tòa nhà. Sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu không thành, cô đã qua đời oan khuất.
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Lại Kiến Bình, cựu thạc sĩ luật quốc tế từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, hiện sống ở Canada, từng nói: “Các học viên Pháp Luân Công, thứ nhất không ăn trộm, thứ hai không cướp của, hay phóng hỏa giết người, nhưng lại bị bức hại vì tín ngưỡng của họ.”
“Tự do tín ngưỡng tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, được quy định rõ ràng trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, và trong hiến pháp của ĐCSTQ.” “Cảm giác lớn nhất của tôi là chính phủ này hoàn toàn vô nhân đạo.”
Cựu cảnh sát Đại Liên, ông Lưu Hiểu Bân, từng nói với Epoch Times rằng: “Trong cuộc bức hại diệt chủng của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, có thể nói các Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cùng Văn phòng ‘610’ (tổ chức bất hợp pháp chuyên bức hại Pháp Luân Công), Công an, Viện Kiểm sát và Bộ Tư pháp đều là đồng phạm.
Tôi cho rằng về sau tất cả bọn họ đều sẽ bị truy cứu đến cùng và bị trừng trị. Công lý có thể đến muộn, nhưng sẽ không vắng mặt, nghĩa là công lý sẽ được thực thi. Chúng tôi cũng mong chờ ngày này đến càng sớm càng tốt.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Sam Brownback, cựu Đại sứ Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo, cho biết: “Điều này quá đáng sợ, đây là là tội ác diệt chủng đối với Pháp Luân Công. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm.”
Ông kêu gọi Mỹ và toàn bộ cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với ĐCSTQ để ngăn hành vi bức hại này và ngăn chặn hành vi thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc.
Từ khóa Pháp Luân Công Cuộc đàn áp Pháp Luân Công Dòng sự kiện