Hội nghị Bắc Đới Hà do ông Tập Cận Bình làm chủ khó có thể dậy sóng
- Lý Tường Vũ
- •
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Hội nghị Bắc Đới Hà hàng năm đã bắt đầu. Vấn đề sắp xếp nhân sự cấp cao và “tư tưởng chỉ đạo” mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời trở thành tiêu điểm của giới quan sát. Dư luận ngoài Trung Quốc đa số đều cho rằng, dưới sự trải thảm mạnh mẽ trước khi hội nghị này diễn ra, ông Tập Cận Bình đã nắm quyền chủ đạo trong Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay.
Diễn tập quân sự ổn định tình hình
Ngày 8/8, trang Dwnews dẫn nguồn tin cho biết Hội nghị Bắc Đới Hà đã diễn ra từ 2/8.
Trước đó, nhiều kênh truyền thông ngoài Trung Quốc cũng thông qua quan sát động thái ở thượng tầng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà đưa ra dự đoán rằng Hội nghị Bắc Đới Hà đã bắt đầu. Ví dụ như việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sau khi xuất hiện trên truyền thông hôm 1/8 thì đến nay không thấy xuất hiện nữa và hôm 2/8, sau khi tiếp đón quan khách nước ngoài, Phó Thủ tướng Uông Dương cũng không thấy xuất hiện nữa.
Theo thông cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc, từ 5 – 8/8, hải quân Trung Quốc sẽ diễn tập quân sự bắn đạn thật trên khu vực biển Hoa Đông, từ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đến cảng Liên Vân tỉnh Giang Tô. Ngày 27 – 29/7, hải quân Trung Quốc cũng đã diễn tập bắn đạn thật ở gần khu vực này.
Mấy năm trở lại đây, trong thời gian diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà, quân đội đều diễn tập tại khu vực biển Hoàng Hải (nằm ở phía bắc biển Hoa Đông). Phía bắc khu vực biển Hoàng Hải là con đường giao thông huyết mạch trên biển của Bắc Kinh và Tần Hoàng Đảo.
Hồi hộp về vấn đề nhân sự cấp cao
Trong vấn đề nhân sự, việc ông Vương Kỳ Sơn, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, có thể phá vỡ quy tắc “7 lên 8 xuống” để tiếp tục ở lại sau Đại hội 19 hay không đang thu hút sự chú ý của giới quan sát.
Trang tin Epoch Times hôm 4/8 dẫn nguồn từ nhân sĩ thân cận với Trung Nam Hải tiết lộ, trong số 7 người thì đã xác định được 4 người trong Ban Thường ủy tại Đại hội 19 bao gồm ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương và Lật Chiến Thư. Hiện tại, tiêu điểm của nước cờ nhân sự là việc ông Vương Kỳ Sơn ở lại hay về hưu, và ông Hồ Xuân Hoa có vào được Ban Thường vụ hay không. Còn người thuộc phe ông Giang Trạch Dân trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị như Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ và Trương Đức Giang chắc chắn sẽ nghỉ hưu.
Trước đó, chuyên gia về kinh tế chính trị Trung Quốc Victor Shih (Mỹ) có nói với đài phát thanh Đức rằng ông Vương Kỳ Sơn có thể sẽ phá lệ tiếp tục ở lại Ban Thường vụ, bởi vì “ông Vương Kỳ Sơn đã giúp ông Tập Cận Bình điều tra nhiều quan chức, mà những người bị điều tra này đều là những quan chức có sức ảnh hưởng nhất định. Nếu cho ông Vương Kỳ Sơn nghỉ hưu, đối với cá nhân ông ấy mà nói, nguy hiểm cũng tương đối lớn. Cách duy nhất có thể đảm bảo an toàn cá nhân của ông ấy là để ông ấy tiếp tục đảm nhiệm chức vụ người lãnh đạo của quốc gia.”
Tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) số ra đầu tháng 8 tiết lộ, cuộc dự tuyển thành viên Bộ Chính trị tại Đại hội 19 trong nội bộ ĐCSTQ hôm 14/7, ông Vương Kỳ Sơn đạt được số phiếu cao thứ 3, chỉ đứng sau ông Tập Cận Bình và chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương Vương Hỗ Ninh. Có phân tích cho rằng, điều này cho thấy ông Vương Kỳ Sơn sẽ ở lại Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
- Xem thêm: Đạt 90% số phiếu bầu tại Đại hội trù bị, Vương Kỳ Sơn chắc chắn sẽ ở lại Ủy ban Thường vụ?
“Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được xác lập
Ngoài vấn đề sắp xếp nhân sự cấp cao, Hội nghị Bắc Đới Hà còn xác định vị trí “lý luận trị quốc” của ông Tập Cận Bình.
Ngày 4/8, bài viết trên Liên Hợp Tảo báo (Zaobao, Singapore) cho biết, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung Quốc Tưởng Kiến Quốc trong một cuộc gặp trên phạm vi nhỏ với khoảng 10 hãng truyền thông hôm 3/7 như Reuters, Bloomberg, Liên Hợp Tảo báo, v.v… đã nói, lý niệm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới về quản trị đất nước của ông Tập Cận Bình đã hình thành nên một “hệ tư tưởng”. Khi phóng viên hỏi về việc “Tư tưởng Tập Cận Bình” sắp được đưa ra có phải không, ông Tưởng Kiến Quốc không phủ nhận vấn đề này.
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, Bí thư thành phố Bắc Kinh Thái Kỳ đã nói trong một cuộc họp ngày 8/3, tư tưởng quản trị đất nước của ông Tập Cận Bình là một “hệ lý luận khoa học”, “tư tưởng quan trọng của Tập Cận Bình”, là “cương lĩnh hành động” trong thời kỳ mới.
Ngày 8/8, tờ Minh Báo (Hồng Kông) đưa tin, Bí thư Bắc Kinh Thái Kỳ, thân tín của ông Tập Cận Bình nhấn mạnh về “Tư tưởng Tập Cận Bình”, phải chăng là kéo bức màn hưởng ứng của quan chức địa phương. Hồi tháng 3, Minh Báo từng tiết lộ, tại Đại hội 19 “Tư tưởng Tập Cận Bình” sẽ được ghi vào điều lệ ĐCSTQ.
Dư luận đều cho rằng, việc đưa ra “Tư tưởng Tập Cận Bình” cho thấy địa vị của ông Tập trong nội bộ Đảng sẽ vượt qua cả ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và sánh ngang với ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
Truyền thông Hồng Kông từng đưa tin, tại một cuộc họp cấp cao hồi tháng 5, ông Hồ Cẩm Đào lấy lý do “sửa chữa sai lầm” để kiến nghị xóa bỏ thuyết “Ba đại điện” của ông Giang Trạch Dân và “Quan điểm về phát triển khoa học” của chính ông Hồ trong Điều lệ Đảng.
“Nghi thức hóa” Hội nghị Bắc Đới Hà
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, vai trò “tham dự chính trị” của Hội nghị Bắc Đới Hà có xu hướng dần bị xóa bỏ. Đối với hội nghị năm nay, chuyên gia Học viện Chính Pháp Thượng Hải Trần Đạo Ngân nói với tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng hôm 4/8 rằng, về vấn đề sắp xếp nhân sự, không ai có thể thách thức quyền uy của ông Tập Cận Bình, và họ cũng phải cân nhắc tới hậu quả. Hiện nay, Hội nghị Bắc Đới Hà giống như một nghi thức để thể hiện sự “hài hòa”.
Chủ biên danh dự của tạp chí chính luận Mùa Xuân Bắc Kinh, ông Hồ Bình cũng có cách nhìn tương tự. Ông cho rằng, về vấn đề bố cục nhân sự tại Đại hội 19, Hội nghị Bắc Đới Hà sẽ không khởi tác dụng dịch chuyển ngược.
Ngày 8/8, nhân sĩ bình luận chính trị Thôi Sĩ Phương có bài viết cho rằng vì ĐCSTQ không có chế độ dân chủ để thay mới lãnh đạo cấp cao, nên cần phải có một hội nghị kín để thương lượng vấn đề này, do đó ông Tập Cận Bình không cách nào tránh né được Hội nghị Bắc Đới Hà.
Bài viết còn nói, dù không tránh được, và ông Tập Cận Bình muốn chiếm thế chủ động hoàn toàn trong hội nghị, thì ắt phải làm một số công việc trước đó để “trải thảm” cho hội nghị, ví dụ như xác lập địa vị “thống soái tối cao”, đài truyền hình trung ương CCTV phát sóng 10 tập phim chuyên đề “Sẽ tiến hành cải cách đến cùng” mà ông Tập Cận Bình là vai chính duy nhất, xử lý “người kế nhiệm” Tôn Chính Tài, mở hội nghị cấp cao không cho phép ghi chép, v.v…
Tái chấn chỉnh ngành công an – Mục tiêu nhắm vào thủ hạ của Tăng Khánh Hồng
Trước Đại hội 19, ông Tập Cận Bình không ngừng nỗ lực chấn chỉnh hệ thống chính trị và pháp luật. Sau khi nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Dương Hoán Ninh, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Hà Đĩnh bị điều tra, gần đây còn có tin rằng hai quan chức cấp bộ là Trưởng Ban Chính trị Bộ Công an Hạ Tùng Nguyên và Cục trưởng Cục Cảnh vệ thuộc Bộ Công an Trương Trí Văn đã bị bắt giữ. Kênh truyền thông Hồng Kông bình luận, điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đã bắt đầu thanh trừ ông Tăng Khánh Hồng, cội nguồn độc hại của ông Chu Vĩnh Khang.
Thanh trừ nguồn gốc gieo mầm độc lên Chu Vĩnh Khang
Liên quan đến vấn đề hàng loạt quan chức cao cấp trong Bộ Công an bị bắt giữ, Đông Phương Nhật báo (Oriental Daily) của Hồng Kông ngày 5/8 đã đăng tải bài bình luận, từ tình huống trước mắt mà xét, những nhân vật đang bị thanh lý trong Bộ Công an không chỉ là những tàn dư độc hại còn sót lại của Chu Vĩnh Khang, mà còn bắt đầu thanh trừ những mầm họa độc hại tiềm ẩn của Chu.
Bài báo viết, ai cũng biết rằng Chu Vĩnh Khang đã sắp xếp “tay chân” ở khắp nơi, mà khi đó ông Tăng Khánh Hồng là “sếp lớn” của Chu. Ông Chu ban đầu làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Đất đai, sau đó đến Bộ Công an thì con đường thăng tiến mở rộng nhờ sự giúp đỡ của ông Tăng. Ngược lại, ông Tăng cũng thông qua ông Chu để kiểm soát chặt chẽ hệ thống chính trị pháp luật.
Ngoại giới đều công nhận, ông Tăng Khánh Hồng chính là “quân sư” của ông Giang Trạch Dân, còn Chu Vĩnh Khang lại chính là thủ hạ đắc lực của hai ông Giang – Tăng, khống chế hệ thống chính trị pháp luật dưới thời của Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào, hình thành một nhóm nắm “quyền lực trung ương ngầm thứ hai” đằng sau Hồ – Ôn.
Trước đó, ngày 2/8, trang Caixin tại Đại Lục đưa tin, trang web chính thức của Bộ Công an đã gỡ bỏ thông tin lý lịch về Ủy viên Đảng ủy, Trưởng Ban Chính trị Hạ Sùng Nguyên.
Tội trạng của Hạ Sùng Nguyên không rõ ràng, nhưng tờ Đông Phương Nhật báo chỉ ra rằng ông Hạ Sùng Nguyên là người Giang Tây, nhậm chức suốt thời gian dài trong Ban Tổ chức Trung ương, đến năm 2013 thì thuyên chuyển sang làm Trưởng Ban Chính trị Bộ Công an. Ông Tăng Khánh Hồng từng làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, là cấp trên của ông Hạ Sùng Nguyên, quê quán cũng ở Cát An, Giang Tây gần nhà nhau. Mà Bộ trưởng Bộ Công an hiện nay là Quách Thanh Côn cũng là người Hưng Quốc, Giang Tây, cả ba người này đều là đồng hương, nên khó tránh khỏi người ngoài cho rằng có mối liên hệ nhất định.
Thanh trừng những “mầm họa tiềm ẩn” trong Cục Cảnh vệ
Ngày 2/8, tờ Tinh Đảo Nhật báo (SingTao daily) cũng thông báo rằng Cục trưởng Cục Cảnh vệ thuộc Bộ Công an Trương Trí Văn đã bị điều tra. Ông Trương Trí Văn từng là Bí thư Cảnh vệ của nguyên lão ĐCSTQ Lý Tiên Niệm, đến 2007 nhậm chức Cục phó Cục Cảnh vệ Bộ Công an, đến 2009 được thăng cấp bậc thiếu tướng trong ngành công an, và từ năm 2014 được thăng chức làm Cục trưởng Cục Cảnh vệ Bộ Công an.
Cục Cảnh vệ thuộc Bộ Công An chuyên phục trách công tác bảo vệ an ninh cho giới lãnh đạo ĐCSTQ cũng như những nguyên thủ đến thăm Trung Quốc, còn gọi là Tổng cục 8 Bộ Công an, một đơn vị trực thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang.
Apple Daily tiết lộ, ông Trương Trí Văn từng làm chủ quản Cục 12 Bộ Công an (Cục Kỹ thuật Trinh sát), do đó ông Vương Kỳ Sơn và nhiều quan chức cao cấp khác đều nghi ngờ bị nghe lén trong thời gian ông Chu Vĩnh Khang nắm quyền. Trước Trương Trí Văn, Tham mưu trưởng Cục Cảnh vệ Bộ Công an, Bí thư Cảnh vệ của Chu Vĩnh Khang là Đàm Hồng từ tháng 12/2013 cũng bị cách chức điều tra.
Một số kênh truyền thông hải ngoại đưa tin rằng, tháng 8/2012 trước sau hội nghị Bắc Đới Hà, Chu Vĩnh Khang ít nhất đã 2 lần mưu đồ ám sát ông Tập Cận Bình. Một lần là đặt một quả bom hẹn giờ trong phòng họp ở Bắc Đới Hà, một lần khác là định lợi dụng cơ hội ông Tập đến kiểm tra sức khỏe tại Viện 301 mà tiêm thuốc độc. Lúc đó do tình hình rất nguy cấp, nên Tập Cận Bình phải di chuyển sang Trung tâm Chỉ huy Quân sự ở Tây Sơn để đề phòng bất trắc. Những vụ ám sát này đều do trợ lý của Chu Vĩnh Khang và Đàm Hồng tiến hành.
Liên quan đến việc ba người này “ngã ngựa”, Đông Phương Nhật báo bình luận, ông Tập Cận Bình nhất định phải nắm toàn bộ sức mạnh của quân đội, công an và truyền thông trong tay thì Dương Hoán Ninh mới bị thanh lý, đồng hương Hạ Sùng Nguyên của Tăng Khánh Hồng bị đưa ra điều tra và Trương Trí Văn cũng bị thay thế.
Lệnh Kế Hoạch trong tù phát bệnh tâm thần và la hét tên hai ủy viên thường vụ
Tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) gần đây tiết lộ, nguyên Chánh Văn phòng Trung ương ĐCSTQ kiêm Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc khoá 12 Lệnh Kế Hoạch trong nhà tù Tần Thành mới đây đã phát bệnh tâm thần, phải đưa vào Bệnh viện Cảnh sát Vũ trang để điều trị.
Bài báo viết, Lệnh Kế Hoạch ban ngày thì hát các bài tình ca, sau đó la hét kêu tên con trai đã chết là Lệnh Cốc. Đến đêm, ông ta lại hát một đoạn trong vở kịch “Đấu trí núi Uy Hổ”, sau đó la hét gọi tên của Chu Vĩnh Khang và Lưu Vân Sơn.
Trước đây, đã không ít lần xuất hiện tin đồn ông này bị “phát điên”. Ví dụ như hồi tháng 6/2015, Reuters trích dẫn một nguồn tin tiết lộ rằng, Lệch Kế Hoạch dường như có dấu hiệu tinh thần bất ổn. Một người không tiết lộ danh tính cũng cho hay: “Lệnh Kế Hoạch đang phải chịu đựng một áp lực quá lớn. Ông ta bị đổ lỗi cho cái chết của con trai mình và đẩy gia thế vào thảm cảnh như hiện nay.”
Hiện ông Lệnh đã 61 tuổi, là người huyện Bình Lục, Sơn Tây, bị “ngã ngựa” vào ngày 22/12/2014, đến 4/7/2016 thì nhận bản án tù chung thân. Trước đây Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch được mệnh dang là “Tân tứ nhân bang”.
Sau khi Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa”, trang Caixin đã từng ám chỉ rằng, ngày 18/3/2012, con trai Lệnh Cốc của ông này bị tai nạn xe Ferrari tử vong, vì để che đậy nguyên nhân thực sự của cái chết nên ông đã liên minh với Chu Vĩnh Khang.
Ngày 11/6/2015, Chu Vĩnh Khang vì tội nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền mà bị phán tù chung tân. Sau này kênh truyền thông Hồng Kông tiết lộ, vụ xét xử Chu Vĩnh Khang không xử công khai, nguyên nhân là bởi Ủy viên Thường vụ Lưu Vân Sơn cũng có liên quan.
Báo cáo kinh tế 30.000 chữ của Hoàng Kỳ Phàm bị xóa
Ngày 11/ 7, cựu Thị trưởng Trùng Khánh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chính Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Hoàng Kỳ Phàm đến thành phố Nam Thông của Giang Tô để khảo sát. Ông đã công bố báo cáo chuyên đề về hình thế kinh tế, tất cả 33.000 chữ, nội dung được tiết lộ rõ ràng trên internet vào đầu tháng 8 và lại nhanh chóng bị xóa bỏ. Việc này khiến cho dư luận có nhiều đồn đoán.
Ngày 7/8, trang mạng Liên hiệp Kinh tế Đài Loan đã đăng một bài viết với tiêu đề “Những liên tưởng đến cuốn sách vạn lời của Hoàng Kỳ Phàm”. Bài viết chỉ ra rằng ở Trung Quốc Đại Lục những ai đề cập đến cuốn sách vạn lời, “thì không phải là gặp vận lớn, mà là gặp chuyện quá đen đủi.”
Bài viết nói, việc này có hai điểm “mẫn cảm”, một là ông Hoàng ở Trùng Khánh 16 năm, hai người cùng phe với ông là Bạc Hy Lai và Tôn Chính Tài đều đã bị bắt. Còn một mặt khác là báo cáo của ông Hoàng là “lời lẽ chống đối vẫn là nhịp nhàng ăn khớp” đối với chủ trương của ông Tập và ông Lý. Như vậy rất khó nói. Tháng 12 năm ngoái, ông Hoàng bị miễn chức Thị trưởng Thành phố Trùng Khánh, tháng 2 năm nay được điều động đi làm chức quan nhàn của đại hội. Tháng 7 năm ngoái, báo cáo của ông Hoàng tại hội nghị Tiểu tổ lãnh đạo kinh tế tài chính trung ương dài 25.000 chữ cũng bị gỡ bỏ trên các trang mạng ở Đại Lục.
Ông Hoàng Kỳ Phàm từng nhiều lần công khai bày tỏ rằng phối hợp ăn ý với Bạc Hy Lai, “như cá gặp nước”, sau khi ông Bạc bị rớt đài thì lại “kiên quyết ủng hộ việc điều chỉnh lãnh đạo chủ yếu của trung ương đối với thành ủy Trùng Khánh”. Trong giới quan trường, ông này bị nhận định là “con tắc kè hoa”.
Cựu nhà báo của Wenhui News (một tờ báo của Thượng Hải), ông Khương Duy Bình đã nhiều lần viết bài tiết lộ, ông Hoàng khiến cho các xí nghiệp nhà nước của Trùng Khánh trở thành hai bàn tay trắng. Nhưng con trai và anh em của ông lại kiếm được hời béo bở trong đó. Sau khi Bạc Hy Lai bị rớt đài, ông Hoàng vẫn cấu kết bao che với “dư đảng” ở Trùng Khánh, đối kháng với điều tra của chính phủ Trung Quốc.
Theo tạp chí Tranh Minh, sau khi ông Hoàng Kỳ Phàm bị miễn chức vào tháng 12 năm ngoái, vào tháng 4/2017, ông đã tiếp nhận sự thẩm tra của Ủy ban Kỷ luật Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương. Ông Hoàng cũng khai về việc bản thân mình ca tụng công đức cho Bạc Hy Lai năm đó, cho đến việc lợi dụng chức quyền, và cuộc sống trụy lạc.
Lý Tường Vũ
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Hội nghị Bắc Đới Hà