Hội nghị Bắc Đới Hà: Lại rộ tin đồn Trung Quốc sẽ hủy bỏ Ban Thường vụ
- Trí Đạt
- •
Một năm trước từng có tin đồn ông Tập Cận Bình sẽ hủy bỏ cơ chế Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Gần đây, trước khi diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà và Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, tin đồn này lại xuất hiện và trở thành chủ đề nóng.
Ngày 5/8, trả lời phỏng vấn của truyền thông ngoài Trung Quốc, cựu Trưởng tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Chiến lược Trung Quốc Lý Vĩ Đông đã dự đoán, có khả năng rất lớn ông Tập Cận Bình không thiết lập Ban Thường ủy Bộ Chính trị tại Đại hội 19. Đại hội 19 có thể chỉ có 25 hoặc 26 người trong Bộ Chính trị, làm như vậy ông Tập Cận Bình có thể lôi kéo thân tín của mình vào hết trong Bộ Chính trị.
Ông Lý Vĩ Đông cho rằng trong lúc duyệt binh tại khu tự trị Nội Mông vào ngày 30/7, quân nhân duyệt binh đều hô “chào Chủ tịch”, đây có thể là bước trải thảm cho việc thiết lập lại vị trí Chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Đại hội 19.
Trước đó, ngày 30/6, ông Tập Cận Bình cũng tham gia kiểm quân đang đóng tại Hồng Kông, quan binh cũng đều hô khẩu hiệu “chào Chủ tịch”.
Đài phát thanh Pháp RFI hôm 6/8 có phân tích về vấn đề này, nếu các thông tin liên quan là thật, sắp xếp cấp cao nhất của Bắc Kinh sẽ không thiết lập lại chế độ Ban Thường ủy của Bộ Chính trị ĐCSTQ.
Từ hơn một năm trước, vấn đề có hủy bỏ Ban Thường vụ hay không, thiết lập Chủ tịch Đảng và hủy bỏ chế độ người kế nhiệm đã bắt đầu trở thành chủ đề nóng được quan tâm, trong đó hướng đi của ông Tập Cận Bình như thế nào trở thành tiêu điểm chú ý.
Ngày 6/10/2015, một bài viết có tiêu đề “Tử Kinh Lai Hồng: hành động khác thường” cho biết có tin từ nội bộ ĐCSTQ cho biết, tương lai chỉ cần điều kiện chín muồi, hoặc điều kiện cho phép thì ông Tập Cận Bình sẽ có hành động khác thường.
Đầu tháng 5/2016, Tuần báo Á châu (Yazhou Zhoukan) tiết lộ, tại hội nghị Bắc Đới Hà năm 2016, chính quyền của ông Tập Cận Bình có thể sẽ nghiên cứu bàn bạc vấn đề “hủy bỏ Ban Thường ủy”, “xóa bỏ 7 lên 8 xuống” (tức 67 tuổi có thể vẫn được ở lại Ban thường ủy, còn 68 tuổi phải về hưu).
Sau đó, đến ngày 16/6/2016, tờ Nhân Dân Nhật Báo đăng bài viết có tựa đề “Diễn giảng về lịch sử cơ cấu lãnh đạo chủ yếu của trung ương”, bài viết nhìn lại lịch sử quá trình phát triển của cơ cấu Ủy ban Thường ủy Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Quân ủy Trung ương, đồng thời chỉ ra cơ cấu lãnh đạo chủ yếu của trung ương không phải thành lập xong là không thay đổi, mà thuận theo hình thế phát triển mà cải cách hoàn thiện.
Đài RFI dẫn lời phân tích nói, bài viết không đáng để tâm này lại ẩn chứa hàm ý sâu xa, đây có lẽ là sự báo trước rằng có thể sẽ tiến hành cải cách trên diện rộng về cơ cấu lãnh đạo tại Đại hội 19.
Cùng với việc xóa bỏ Ban Thường ủy, việc thiết lập chức vụ của ông Tập Cận Bình cũng rất được chú ý.
Cuối tháng 3/2016, giáo sư Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc Uông Ngọc Khải có nói với truyền thông hải ngoại rằng tương lai của Trung Quốc có thể từ chế độ chủ tịch nước chuyển thành chế độ tổng thống. Tuy nhiên, từ hình thái chính trị Trung Quốc hiện nay cần phải là “cải cách có tính hệ thống”.
Một nguồn tin khác lại nói không phải là chế độ tổng thống, mà ông Tập Cận Bình có thể sẽ khôi phục và thiết lập Chủ tịch Đảng.
Tạp chí Tranh Minh số ra tháng 12/2016 từng tiết lộ một bản thảo nội bộ của tổ trù bị Đại hội 19, theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc mô phỏng theo chế độ Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ trước đây, sẽ có 2 Phó chủ tịch, chế độ Thường ủy Bộ Chính trị sẽ bị phá bỏ. Nói cách khác, trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông Tập Cận Bình, ông sẽ không làm tổng bí thư nữa, mà làm chủ tịch Đảng.
Tuy nhiên, từ lâu đã có quan điểm chỉ ra, liên quan đến tin đồn ông Tập Cận Bình sẽ xóa bỏ Ban Thường vụ Bộ Chính trị, có thể chỉ là phe ông Tập Cận Bình vì để giành thắng lợi trong cuộc đấu đá nội bộ mà cố ý tung tin ra.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà hồi tháng 8 năm ngoái, cũng là lúc giới quan sát rộ lên tin đồn ông Tập Cận Bình muốn xóa bỏ Ban Thường ủy. Một thành viên của Đoàn chuyên gia cố vấn thời ông Triệu Tử Dương, hiện là giáo sư tại Đại học Victoria (Canada), ông Ngô Quốc Quang nói với Đài VOA, bước ngoặt cuối cùng và cấp bách nhất trong vấn đề phân chia lại quyền lực trước khi Trung Nam Hải bước vào Đại hội 19, nước cờ quyền lực cấp cao sẽ rất hồi hộp và kịch liệt. Tin đồn hủy bỏ Ban Thường vụ không ngoại trừ do phe ông Tập Cận Bình đang cố ý tiết lộ ra bên ngoài, mục đích là “thương lượng” trong ván cờ quyền lực.
Ông Ngô Quốc Quang cho rằng ông Tập Cận Bình có hai mục tiêu: “thứ nhất, có thể là không muốn tiếp nhận Ủy viên Bộ Chính trị trẻ hơn đã được sắp xếp từ khóa trước làm người kế nhiệm khóa sau; thứ hai, ông hy vọng nhân sự trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa tiếp sẽ có đa số người của mình – ông muốn chọn người vào Thường ủy Bộ Chính trị”.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Hội nghị Bắc Đới Hà Đại hội 19