Hơn 1000 bức ảnh sự kiện Lục Tứ cách đây 30 năm được công bố (P3)
- Trí Đạt
- •
Khoảng thời gian cuối Xuân và đầu Hạ năm 1989, bắt đầu từ Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã bùng phát “phong trào tự do dân chủ” của sinh viên yêu nước đã gây chấn động thế giới, một sinh viên tại Bắc Kinh đã tham gia toàn bộ quá trình này và dùng máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, đồng thời cũng chứng kiến lòng yêu nước nhiệt tình của sinh viên và người dân Bắc Kinh, và sau đó là cuộc thảm sát “Lục Tứ” tàn nhẫn của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đến nay, đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn che giấu sự thật, gán tội cho cuộc kháng nghị hòa bình của sinh viên thành “bạo loạn phản cách mạng”, đồng thời cũng phủ nhận việc quân đội nổ súng giết người.
Sống ở nước ngoài nhiều năm, Lưu Kiến đã hiểu được mình bị ĐCSTQ tẩy não, nên quyết tâm vạch trần sự dối trá và bức hại của ĐCSTQ. “Là người Trung Quốc, là người đích thân trải qua thời khắc đó, chúng ta có nghĩa vụ nói sự thật cho mọi người, để cho thế hệ sau biết được chân tướng.”; “Không thể xóa sạch lịch sử! Không có chính phủ nào có thể xóa sạch lịch sử được.”, Lưu Kiến (Liu Jian, một sinh viên tham gia vào phong trào năm 1989 khi mới 19 tuổi) chia sẻ.
Lưu Kiến hiện lưu giữ 2000 bức ảnh về sự kiện “Lục Tứ”, gần đây ông đã trao quyền công bố những bức ảnh này cho tờ Epoch Times và Đài Truyền hình NTD (New Tang Dynasty Television).
Toàn bộ quá trình sự kiện “Lục Tứ”, có tự thuật của Lưu Kiến, cũng có trích dẫn nội dung trong cuốn sách “Đại sự ký Sự kiện Thiên An Môn” của Ngô Nhân Hoa (Wu Renhua, một người đích thân trải qua sự kiện thảm sát đẫm máu này).
Dưới đây là một số bức ảnh về phong trào sinh viên năm 1989: Phần 1, Phần 2.
Kháng nghị bài xã luận ngày 26/4, sinh viên phát động diễu hành lớn ngày 27/4 và được người dân ủng hộ
Sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang qua đời ngày 15/4/1989, sinh viên các trường tại Bắc Kinh nhiều lần tập trung và tổ chức diễu hành; ngày 23/4, Hội Liên hiệp sinh viên tự trị các trường cao đẳng đại học tại Bắc Kinh được thành lập và đề xuất 7 yêu cầu “cần tự do dân chủ”, khẩu hiệu của họ là “yêu nước không có tội”, “trừ bỏ nạn mua quan bán tước”, “tự do báo chí”, “phản đối chuyên chế, phản đối độc tài”, v.v.
Ngày 20/4, có sinh viên xảy ra xung đột với cảnh sát tại Tân Hoa Môn và bị đánh bị thương, khiến cho nhiều sinh viên tức giận và kháng nghị, làm bùng nổ diễu hành và biểu tình quy mô lớn, lúc nhiều nhất có đến hàng trăm nghìn người.
Ngày 26/4, sau khi tờ Nhân dân Nhật báo xuất bản bài xã luận có tựa đề “Cần phải giương lá cờ đầu phản đối gây rối một cách rõ ràng”, Hội Liên hiệp sinh viên tự trị các trường cao đẳng đại học tại Bắc Kinh chuẩn bị diễu hành, yêu cầu sửa đổi 2 điểm: (1) Gỡ bỏ vu khống phản loạn; (2) Đối thoại bình đẳng. Tuy nhiên, sinh viên đã bị lãnh đạo các trường ngăn trở. Hiệu trưởng trường Đại học Chính trị Pháp luật Giang Bình nói: “Các bạn hôm nay xuống đường diễu hành, nếu bị thương chảy máu, làm sao ăn nói với cha mẹ và người nhà đây”.
Dù vậy, sáng ngày 27/4, hàng chục nghìn sinh viên của 38 trường cao đẳng đại học tại Bắc Kinh (có thông tin nói là 54 trường) đã xông phá trở lực, xuống đường diễu hành dọc theo các con đường chính của Bắc Kinh, có hàng trăm nghìn người dân đứng theo dõi.
Sau khi đội ngũ sinh viên tập hợp lại, họ chuyển hướng sang Đông Trường An và Tây Trường An thuộc nội thành Bắc Kinh. Khi tiếp cận gần đến khu vực Trung Nam Hải, cảnh sát Bắc Kinh bố trí hơn 1000 binh lính tạo thành mấy chục bức tường người, để ngăn cản và cắt đứt đoàn diễu hành trên phố, tuy nhiên, khoảng sau 1 tiếng đồng hồ, những bức tường người này đã bị xung phá, hàng chục nghìn người dân xung quanh cùng với sinh viên đi đến Thiên An Môn.
Sinh viên trong đội ngũ diễu hành giơ biểu ngữ, nhiều biểu ngữ viết: “Y pháp trị quốc, phản đối đặc quyền”, “Nhân dân không thể bị bưng bít”, “Làm quan mà không đứng ra phân xử cho người dân, chi bằng về nhà đi bán khoai lang”, “Ổn định vật giá”, “Tham nhũng cần phải trừ sạch từ tận gốc”.
Sinh viên các ngả đường và người dân cùng tràn về Quảng trường Thiên An Môn, khiến quảng trường trở thành biển người.
Chính quyền chuẩn bị không kịp, có quá nhiều người dân ủng hộ sinh viên. Người phát ngôn Quốc vụ viện Viên Mộc phải công khai lên tiếng, nói hoan nghênh yêu cầu sinh viên đối thoại với chính phủ. Đây được cho thái độ của chính quyền do áp lực cuộc diễu hành lớn ngày 27/4.
Trong cùng ngày 27/4/1989, các sinh viên đi từ trường học của mình, đại đa số ra khỏi trường lúc 8 giờ sáng, đến khoảng 10 – 11 giờ tối mới quay trở về trường, tuyệt đại đa số sinh viên kiên trì đi bộ hoàn thành toàn bộ lộ trình diễu hành. Có nhiều sinh viên không thể nhấc chân được nữa, đi được một đoạn lại cùng nhau ngồi xuống nghỉ ngơi một lát. Ven đường cũng có nhiều người dân cùng hô lớn để cổ vũ: Sinh viên, cố gắng! Sinh viên, cố gắng!
Cuộc diễu hành ngày 27/4 được coi là một cuộc diễu hành có thời gian lâu nhất, đoạn đường diễu hành dài nhất, bi tráng nhất trong các cuộc diễu hành năm 1989. Rất nhiều sinh viên thậm chí đã viết di thư. Cùng với đó, nhiều người dân thành phố cũng bị sinh viên làm cảm động, được biết có khoảng 1 triệu người dân xuống đường ủng hộ sinh viên.
Theo Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Thiên An Môn Thảm sát Thiên An Môn Lục Tứ phong trào sinh viên