Năng lực vắc-xin của Trung Quốc mang đến hy vọng hay gây lo ngại?
- Lê Vy
- •
Trung Quốc đang nổi lên như một trong những quốc gia đi đầu trong việc sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19, mà nếu thành công sẽ nâng cao vị thế nước này trên thế giới trong bối cảnh Bắc Kinh đang hứng chịu hàng loạt chỉ trích liên quan đến đại dịch. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại về sự an toàn của loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất, cũng như việc Bắc Kinh có thể tận dụng vị thế này của mình để đẩy mạnh các yêu sách lãnh thổ.
Trung Quốc cho biết nước này hiện có 9 loại vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có 5 loại vắc-xin đã ở Giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng của quá trình trước khi được chính thức phê duyệt.
Tuần trước, nhà sản xuất thuốc CanSino Biologics của Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 tại Ả Rập Xê Út với 5.000 tình nguyện viên.
Trong số 29 loại vắc-xin mới đang được thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới, có 9 loại ở Trung Quốc, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Trong số 7 công ty đang thử nghiệm ở Giai đoạn 3, Trung Quốc có tới 5 công ty. Các loại vắc xin của Trung Quốc dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng thực tế sớm nhất là trong vài tháng tới.
Tiến bộ đáng kể nêu trên được cho là thành quả của mối quan hệ mật thiết giữa các công ty dược phẩm và các viện nghiên cứu do nhà nước tài trợ.
CanSino là một công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, nhưng các nghiên cứu của công ty có sự hỗ trợ của quân đội. Một nhà sản xuất thuốc khác hiện đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng là Sinopharm – một công ty nhà nước; trong khi đó Sinovac Biotech là liên doanh giữa Đại học Bắc Kinh và các công ty ở Hồng Kông. Tất cả đều có mối quan hệ gần với chính quyền trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ được xem là đầu tàu trong chiến lược vắc xin của đất nước.
Trong một sách trắng về các biện pháp đối phó với virus corona vào tháng 6, Bộ này đã nhấn mạnh rằng việc phát triển vắc xin sẽ được tiến hành đồng thời bằng cách sử dụng 5 cách tiếp cận khác nhau. Trong khi chưa biết loại vắc xin nào có thể được đưa vào sử dụng trong thực tế, Trung Quốc đã chọn thử tất cả để nước này có nguồn dự trữ quốc gia.
Theo truyền thông Trung Quốc, CanSino và Sinovac đã chuẩn bị công suất sản xuất hàng năm từ 100 đến 200 triệu liều với sự hỗ trợ của chính phủ.
> COVID-19: Sau “ngoại giao sói”, Trung Quốc đẩy mạnh “ngoại giao vắc-xin”
Thế mạnh của Trung Quốc là vắc-xin bất hoạt (inactivated vaccine), là loại vắc-xin sử dụng các hạt virus, vi khuẩn hoặc mầm bệnh khác đã được nuôi cấy và sau đó mất khả năng tạo ra bệnh. Ba trong số các vắc-xin hiện đang trong giai đoạn 3 của Trung Quốc là loại này, và trong số năm nhóm trên thế giới đang phát triển vắc-xin bất hoạt cho COVID-19, bốn là của Trung Quốc.
Năng lực của Trung Quốc trong việc phát triển vắc-xin bất hoạt một phần là nhờ kinh nghiệm trong quá khứ đối với các bệnh truyền nhiễm như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và cúm gia cầm.
Chỉ trong năm ngoái, Trung Quốc đã có 106 đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến việc ngăn ngừa nhiễm trùng do virus RNA như chủng virus corona mới và virus gây bệnh cúm; trong khi đó Mỹ chỉ có 61, theo tờ Nikkei.
Trung Quốc đã liên tục dẫn đầu thế giới kể từ năm 2008 vì công nghệ bất hoạt là cốt lõi trong các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vắc-xin Trung Quốc hiếm khi được phân phối ra nước ngoài, nên chưa thể biết hiệu quả thực sự của chúng. Các thử nghiệm lâm sàng tập trung vào tốc độ, nhưng có rất ít thông tin về hiệu quả và tác dụng phụ. Một nhà nghiên cứu Nhật Bản cho tờ Nikkei biết ngay cả sau khi hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng, vẫn còn những lo lắng về độ an toàn của vắc-xin do Trung Quốc sản xuất.
Ngoài ra, chiến lược “ngoại giao vắc-xin” của Bắc Kinh để đẩy mạnh ảnh hưởng trên thế giới cũng là mối bận tâm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố hồi tháng 5 trong cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới rằng vắc-xin của Trung Quốc sau khi hoàn tất việc phát triển và sản xuất sẽ là một loại hàng hoá “toàn cầu”. Ông Tập hứa hẹn sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận và chi trả của các nước đang phát triển.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã thúc giục Trung Quốc dành ưu tiên cho nước mình với việc cung cấp vắc-xin, bất chấp các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trên Biển Đông. Nhiều nhà phân tích nhận định có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vắc-xin như một công cụ để gia tăng ảnh hưởng.
Lê Vy (theo Nikkei)
Xem thêm:
Từ khóa vắc-xin Trung Quốc Dòng sự kiện Vắc xin COVID-19 cuộc đua vac-xin