Người Duy Ngô Nhĩ lưu vong tại New Zealand vẫn bị ĐCSTQ quấy rối
- Như Ngọc
- •
Ông Shawudun Abdughupur – người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đã trốn chảy khỏi cuộc xung đột đẫm máu 10 năm trước tại Tân Cương để hy vọng tìm cuộc sống an toàn hơn ở New Zealand. Tuy nhiên, trong khi vật lộn với cuộc sống mới tại một nơi xa lạ cách quê nhà tới 12.500km, ông Abdughupur vẫn tiếp tục phải trải nghiệm sự quấy rối từ giới chức chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo AFP đưa tin.
10 năm trước khi Tân Cương xảy ra bạo động khiến khoảng 200 người thiệt mạng, ông Shawudun Abdughupur ở tuổi 33 và đang làm nghề quay phim, chụp ảnh. Người đàn ông Duy Ngô Nhĩ này đã phải đưa ra lựa chọn đau lòng là trốn chạy khỏi quê nhà và tìm kiếm một cuộc sống mới tại New Zealand xa xôi.
Chia sẻ với AFP về lý do ra đi, ông Abdughupur nói: “Sau cuộc bạo động, tôi thấy rằng có điều gì đó khác. Tôi cảm thấy vô vọng.”
Phần lớn lãnh thổ Tân Cương bị sáp nhập vào Trung Quốc từ cuối thế kỷ 19. Sau cuộc nội chiến Trung Quốc và nhiều cuộc chiến tranh vũ trang khác, quân đội ĐCSTQ đã chính thức kiểm soát toàn bộ Tân Cương vào đầu những năm 1950.
Ông Abdughupur không biết về sự kiện ĐCSTQ chiếm Tân Cương, nhưng ông được chứng kiến cuộc xung đột năm 2009 và sau đó dẫn tới cuộc đàn áp kéo dài hàng thập kỷ, hiện ước tính có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại tập trung và ở Tân Cương đang bị ĐCSTQ áp dụng công nghệ giám sát tiên tiến chưa từng thấy ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Dù đã xa nhà hàng chục nghìn cây số, trong suốt 10 năm qua, ông Abdughupur vẫn cố gắng trong vô vọng để gìn giữ cội nguồn dân tộc mình, đồng thời nỗ lực tự tháo bỏ xiềng xích đi kèm với nó.
Cũng giống như nhiều người Duy Ngô Nhĩ lưu vong khác, ông Abdughupur tiếp tục phải trải nghiệm sự quấy rối thường xuyên của giới chức ĐCSTQ khi ông cố gắng thiết lập một cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ.
Kể cả biên giới, đại dương, hay tấm hộ chiếu New Zealand cũng không thể ngăn chặn được nhà nước cộng sản Trung Quốc bám đuổi người Duy Ngô Nhĩ lưu vong.
Trả lời AFP bằng giọng tiếng Anh chưa thông thạo, ông Abdughupur hiện đang làm nghề sửa ống nước, giải thích về việc những nỗ lực giữ liên lạc với gia đình ông đã đang kéo ông chìm sâu thêm vào sự phụ thuộc bộ máy quan liêu độc đoán của Trung Quốc.
Ông Abdughupur nói rằng ban đầu an ninh Trung Quốc gọi cho ông yêu cầu dừng sử dụng Skype và phải liên lạc với người thân vào một số điện thoại duy nhất tại Tân Cương. Làm như vậy giới chức ĐCSTQ có thể dễ dàng kiểm soát thông tin giữa ông Abdughupur và gia đình.
Sau khi đã liên lạc được với mẹ tại Tân Cương, ông Abdughupur lại tiếp tục gặp khó khi hỏi thăm thông tin về những người anh, em trai và họ hàng của ông tại quê nhà.
“Tôi đã hỏi mẹ tôi rất nhiều lần ‘cậu ấy ở đâu?’, nhiều lần như thế mẹ chỉ khóc mà không nói bất cứ điều gì,” ông Abdughupur nói.
Sau đó, trong các cuộc gọi tiếp theo mẹ của ông Abdughupur, năm nay đã 78 tuổi, bắt đầu hỏi ông những câu hỏi lạ lùng về cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại New Zealand.
“Ai đó đã buộc bà ấy phải hỏi như vậy,” ông Abdughupur nói. Thậm chí mật vụ Trung Quốc đã trực tiếp thẩm vấn ông Abdughupur qua tin nhắn và đàm thoại về tình hình cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở New Zealand.
Trong các cuộc thẩm vấn qua điện thoại đó, ông Abdughupur được thông tin rằng gia đình ông vẫn an toàn, nhưng ông cần phải nói cho người xử lý trường hợp của ông xem điều gì đã diễn ra tại một bữa tiệc của người Duy Ngô Nhĩ [ở New Zealand] gần đây?
Khi gặp những trường hợp thẩm vấn nêu trên, ông Abdughupur đã cúp máy. Sau đó, lập tức ông bị đe dọa từ những cuộc gọi bằng điện thoại di động hoặc cố định ngay tại New Zealand. Những người đe dọa nói: “Chúng tôi có thể tìm thấy ông. Chúng tôi đang ở New Zealand.” Luôn luôn là những thông điệp lạnh lùng như thế.
Tiếp đó, ông Abdughupur bị trừng phạt không được liên lạc với gia đình. Lần cuối cùng người Duy Ngô nhĩ lưu vong tại New Zealand này được nói chuyện với mẹ là vào năm 2016. Khi đó, bà yêu cầu ông “không gọi lại nữa”. Điện thoại của bà đã bị chặn và bà đã biến mất.
Tuyệt vọng vì không có tin tức từ quê nhà, ông Abdughupur đã trả tiền cho một người bạn Trung Quốc (người Hán) để ông này quay về Tân Cương tìm kiếm thông tin về mẹ và những người thân, trong đó có cô cháu gái tàn tật.
“Tôi yêu quý cô bé. Cô ấy tật nguyền… nhưng cô mạnh mẽ. Tôi nhớ gương mặt hạnh phúc của cô bé,” ông Abdughupur nói.
Người bạn của ông Abdughupur sau khi trở về từ Tân Cương thông tin lại rằng mẹ và hai người em trai của ông Abdughupur đang ở trong trại tập trung và người anh cả bị bỏ tù.
Những người anh em trai có thể vẫn sống, nhưng tin tức về mẹ của ông Abdughupur rất không rõ ràng.
“Hiện nay bà ấy đã 78 tuổi, bà phải ở trong tại tập trung,” ông Abdughupur nói mà không cầm được nước mắt. “Bà ấy là một người dọn dẹp, chỉ có vậy thôi... Tôi muốn biết liệu bà còn sống hay đã chết.”
Trong khi đợi để xác minh thông tin về mẹ mình, ông Abdughupur – người Duy Ngô Nhĩ lưu vong New Zealand vẫn phải sống trong thế giới tồi tệ nhất khi các mối liên hệ với quá khứ của ông đã biến mất, mà xiềng xích vẫn còn.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Tân Cương ĐCSTQ Duy Ngô Nhĩ