Người tu Pháp Luân Công Hồng Kông kiên trì đức tin, bất chấp nghịch cảnh
- Epoch Times
- •
Ngày 13/5 năm nay đánh dấu kỷ niệm 29 năm Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) được giới thiệu ra công chúng, và cũng là sinh nhật lần thứ 70 của Nhà sáng lập môn tu luyện, ông Lý Hồng Chí. Tuy nhiên, nhằm khiến người dân Trung Quốc từ bỏ tu luyện “Chân, Thiện, Nhẫn”, ĐCSTQ không chỉ bôi nhọ Pháp Luân Công mà còn sử dụng nhiều hình thức tra tấn khác nhau, bao gồm bỏ tù, cải tạo lao động, tẩy não, và thậm chí là mổ cướp nội tạng sống để buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ tu luyện. Chi phí duy trì sự ổn định đã vượt quá chi tiêu quân sự. Vậy nhưng, trong 22 năm trời đằng đẵng đối mặt với sự áp bức tà ác, Pháp Luân Công không hề bị đánh bại mà còn được khen ngợi và truyền bá rộng rãi ở nhiều quốc gia hơn trên thế giới. Chính xác thì điều gì đã khiến việc đàn áp của ĐCSTQ trở nên vô hiệu? Phóng viên của Epoch Times đã phỏng vấn 4 học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông về vấn đề này.
Học viên mới: Pháp Luân Công cho tôi một hy vọng
“Khi chưa biết Pháp Luân Công, lúc nghe đến việc “thoái đảng (ĐCSTQ), tôi sẽ cười “xì” một tiếng, tỏ vẻ không tin” – Cô Winnie chia sẻ.
Đã có những điểm nói sự thật về Pháp Luân Công (còn gọi là “điểm giảng chân tướng”) trên những con phố ở Hồng Kông trong nhiều năm qua, nhưng Winnie chưa bao giờ đến gần điểm nào để tìm hiểu về Pháp Luân Công. Vào năm 2014, sau khi “Phong trào Dù vàng” kết thúc mà không có kết quả, cô cảm thấy vô vọng và chán nản, cũng đã dự định rời khỏi Hồng Kông. Ngoài ra, việc trải qua hai cuộc phẫu thuật lớn đã khiến cô kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong cuộc gặp gỡ với nhân viên kinh doanh quảng cáo của báo Epoch Times tại nơi làm việc, cô cũng có duyên được nghe giới thiệu về cuốn Chuyển Pháp Luân (tác phẩm chính của Pháp Luân Công, nói về “Chân, Thiện, Nhẫn”, về những bí ẩn về cuộc sống và vũ trụ, đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và xuất bản trên khắp thế giới). Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2016.
“Trước đây tôi đã từng nghĩ, làm thế nào để tiêu diệt đám ‘yêu ma quỷ quái’ này (ĐCSTQ)? Làm thế nào có thể đánh bại chế độ tà ác này? Thực ra không thể có cách gì, chúng tôi không có bất cứ thứ gì. Không có súng, không có pháo, không có công lý, không có cảnh sát, nói đúng ra là không có ai giúp đỡ.” Winnie nói. Cho đến khi biết về Pháp Luân Công, cô thấy rằng các học viên Pháp Luân Công đã dùng một cách thức rất đặc biệt, đó là dựa vào ba chữ “Chân, Thiện, Nhẫn”, để cảm hóa mọi người, nói rõ sự thật và thức tỉnh lương tri trên toàn thế giới. Cô cũng hiểu ý nghĩa của việc các học viên Pháp Luân Công giúp mọi người thoái khỏi ĐSCTQ, thoái đảng là một phong trào thức tỉnh người dân.
“Pháp Luân Công đã cho tôi hy vọng,” cô Winnie nói.
Sau phong trào Dù vàng, cô Winnie cảm thấy đau đớn vì sự hỗn loạn của xã hội. Cô tự nhận mình là “ruy băng vàng” (biểu tượng của khát vọng dân chủ của người dân Hồng Kông) và không nói chuyện với hội người “ruy băng xanh” (phe đối lập), ngoại trừ công việc. Nhưng sau khi bắt đầu tu luyện, cô cảm thấy mình đã có một cái nhìn khác về mọi người, “khi đối xử với bất kỳ ai, tôi cũng sẽ không nhìn vào ‘màu’ của họ nữa.”
Winnie nói rằng cô cũng từng gặp “ruy băng xanh” trong phong trào chống dẫn độ sang Trung Quốc Đại Lục. Có lần cô gặp một khách hàng nói rằng “Trung Quốc thật cường mạnh”, “Nếu không có Đảng Cộng sản, Trung Quốc đã chết rồi”.
Đối mặt với khách hàng đã bị tẩy não bởi ĐCSTQ, cô Winnie hỏi, “Tại sao bạn nghĩ rằng quốc gia có sức mạnh như vậy? Thế vì sao bạn muốn mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe của nước ngoài? Không phải sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Đại Lục sẽ tốt hơn sao?”, khách hàng đã không bác bỏ điều này. Cô tiếp tục nói, việc mọi người không quay lại Đại Lục để mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe là điều bình thường, ĐCSTQ dạy thuyết vô thần khiến mọi người tin rằng làm điều xấu sẽ không có hậu quả gì. Đại Lục vì lợi ích cá nhân mà làm sữa độc và thực phẩm độc, thậm chí còn mổ cướp nội tạng sống. Dù không biết vị khách “ruy băng xanh” này có thể nghe hiểu được bao nhiêu, nhưng Winnie vẫn kiên trì nói rõ sự thật cho những người mà cô gặp.
Winnie thú nhận rằng gia đình lo lắng cho sự an toàn của cô, và họ cũng đã khuyên cô đừng nên học Pháp Luân Công mà nên chuyển sang một môn nào đó khác. Winnie nói rằng cô biết nhiều tôn giáo, nhưng đều cảm thấy không phù hợp, chỉ có những bài giảng của Pháp Luân Công mới cảm động được trái tim cô.
Ở Hồng Kông ngày nay, đôi khi cô cảm thấy ghê sợ khi đối mặt với sự đe dọa của chế độ chuyên chế. Cô nói rằng mình đã từng xem bộ phim “Phù dao trực thương” (Bay lên trời cao), kể về câu chuyện của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục, mặc dù bị giam trong các trại lao động và bị đánh đập tàn nhẫn, nhưng họ vẫn gìn giữ được thiện tâm của mình. Cô nói: “Tu luyện là gì? Bất luận là thuận lợi hay nghịch cảnh (đều là tu luyện), trong thuận lợi cuộc sống thật dễ dàng, nhưng khi gặp nghịch cảnh lớn thế này, làm sao để kiên trì đức tin của mình và để mọi người biết được sự tốt đẹp của đức tin này là rất quan trọng.”
Winnie cũng nói rằng mọi người ít nhiều trong sâu thẳm đều có thiện niệm, “Đối mặt với bạo quyền, chỉ bằng cách đánh thức thiện niệm của mọi người thì bức tường (tường máu của ĐCSTQ) mới có thể sụp đổ. Điều này bao gồm cả những cảnh sát. Giống như mẹ của Phù Dao (nhân vật trong bộ phim), người thường lấy ân báo oán ngay cả khi ở trong tù. Khi cô ấy được ra tù, một cai ngục đã đến xin lỗi cô ấy. Tôi tin rằng mỗi người đều có vai diễn của riêng mình, dùng thiện niệm để hoàn thành tốt vai diễn của mình và cảm hóa nhiều người mới là điều căn bản nhất.” Winnie nói, hoàn cảnh ở Hồng Kông khiến người ta không ngừng lo lắng, và mỗi người đều sẽ có những lựa chọn cho riêng mình, nhưng bất luận là chọn điều gì, điều quan trọng nhất nhất vẫn là “lựa chọn Thiện lương để làm mọi việc”.
Học viên lớn tuổi: nói rõ sự thật cho mọi người ngay cả trong nhà tù
Bà Hồ, một học viên Pháp Luân Công hơn 80 tuổi, là tình nguyện viên đưa báo của thời báo Epoch Times. Khi những người bạn học cũ đang tận hưởng cuộc sống nhàn hạ về hưu, thì bà Hồ mỗi ngày đều chăm chỉ đưa những tờ báo, tạp chí đến các quầy bán báo và nhà sách. Bà hy vọng rằng sẽ có nhiều người dân nhìn thấy những tin tức chân thực của Epoch Times và không bị lừa dối bởi những lời dối trá của ĐCSTQ.
Bà Hồ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Trước khi tập, bà bị bệnh phì đại cột sống cổ rất nặng, cơ thể đau nhức, không chịu nổi sức nặng và điều đáng sợ nhất là đôi lúc mắt bà bỗng chốc tối đen lại, nhiều lần suýt chút nữa bị xe tông. Con trai của bà đã tìm kiếm lời khuyên y tế khắp nơi, nhưng bệnh của bà không được chữa khỏi, tuy nhiên bà đã nhanh chóng hồi phục sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Con gái bà nói, “Kể từ khi mẹ tu luyện Pháp Luân Công, tôi chưa bao giờ thấy mẹ lại phải tập vật lý trị liệu, và tôi cũng không còn phải lo lắng về việc mẹ sẽ bị ngã nữa.”
Năm 2002, chồng bà đổ bệnh và phải đến Bắc Kinh nhập viện, bà đã từ Hồng Kông đến Bắc Kinh để chăm sóc chồng. Trước sự tuyên truyền rợp trời rợp đất của ĐCSTQ, bà Hồ cảm thấy không thể tiếp tục thờ ơ, vì vậy, khi mọi người trong gia đình đã đi ngủ, bà dùng phần mềm vượt tường lửa để tải xuống một số nội dung sự thật trên trang web của Pháp Luân Công và in chúng ra, sau đó gửi những nội dung sự thật này vào hộp thư của các ngôi nhà.
Bà Hồ thừa nhận rằng bà là một người nhút nhát và thận trọng, nhưng bà cần phải làm điều đó để làm rõ sự thật, thậm chí cả những lúc sợ hãi, bà đã phải cố gắng tự trấn tĩnh mình. Vào một ngày năm 2006, khi đang trên đường đi gửi những nội dung sự thật này, bà đã bị bảy, tám người đàn ông cao lớn bất ngờ lao đến bao vây và đuổi bắt.
Bà Hồ bị đưa về đồn cảnh sát và bị giam giữ qua đêm. Cảnh sát tỏ ra rất hung dữ, họ còn không cho phép bà ngồi trên ghế, mà chỉ một mực yêu cầu bà ký tên vào một tờ giấy, trên đó có dòng chữ “giam giữ theo luật”. Bà Hồ tất nhiên đã không ký. Bà hỏi cảnh sát: “Các anh dựa theo luật nào? Hãy cho tôi xem văn bản pháp luật đó. Nếu không có, thì việc các anh bắt tôi chính là phạm pháp, là phi pháp”.
Sáng hôm sau, cảnh sát mang đến đưa cho bà một tài liệu và bảo bà xem, trên đó viết “Thông báo chống tà giáo”. Bà Hồ cười nói: “Không có chữ ‘Pháp Luân Công’ trên đó thì liên quan gì đến tôi? Các anh cứ tùy tiện dùng một cái hồ sơ đến để đánh lừa tôi thế này sao? Tôi biết chữ.”
Mặc dù từ chối ký giấy giam giữ, nhưng bà Hồ vẫn bị đưa đến trại tạm giam. Những người bị bắt trong trại giam đều biết rằng các học viên Pháp Luân Công là những người tốt và đã đối xử rất lễ độ với bà. Một người đã chỉ cho bà về một dòng chữ được khắc bằng móng tay trên tường: “Pháp Luân Đại Pháp hảo” (Pháp Luân Đại Pháp là tốt), và nói với bà rằng đây là do học viên Pháp Luân Công từng bị nhốt ở đây viết ra.
Có hàng chục người bị giam trong cùng một phòng, bao gồm cả những người hút ma túy, trộm cắp và những người bảo vệ nhân quyền. Họ đều rất tò mò về Pháp Luân Công, vì vậy bà Hồ đã kiên nhẫn giải thích cho họ về các nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” của môn tu luyện, và họ cũng đồng ý với bà.
Bà Hồ đã thản đãng xem việc không may bị bắt vào trại giam như một cơ hội để nói rõ sự thật với những người ở trong đó. Cảnh sát đã nhiều lần thẩm vấn bà, mỗi lần như vậy, họ đều được bà nói về điều tốt đẹp của Pháp Luân Công và vạch trần những tin đồn và tuyên truyền dối trá của ĐCSTQ. Có lần, nhìn thấy một nữ cảnh sát thường vận động vai cổ, bà Hồ biết rằng cô bị thoái hóa đốt sống cổ nên đã kể cho cô nghe về trải nghiệm khỏi bệnh thoái hóa đốt sống cổ của mình sau khi tập Pháp Luân Công và đề nghị cô cùng tập. Cảm nhận được lòng tốt từ bà, nữ cảnh sát đã hỏi: “Thật sự rất hữu ích sao?”
Bà Hồ kể lại chuyện thời trẻ, anh chị của bà đều bị lừa dối bởi sự tuyên truyền của ĐCSTQ, đã rời Hồng Kông đến Trung Quốc Đại Lục, cuối cùng bị ĐCSTQ bức hại. Bà xúc động nói: “ĐCSTQ dựa vào dối trá để thành lập chính quyền và dựa vào dối trá để củng cố quyền lực của mình.” Những người trẻ tuổi bây giờ từ nhỏ đã bị ĐCSTQ tẩy não, không cách nào để so sánh lịch sử chân thực, trong khi các thế hệ cũ đã trở nên tê liệt và không dám lên tiếng trước sự hỗn loạn xã hội. Bà nói, “Nếu không có Pháp Luân Công kiên kiên trì nói rõ sự thật, nếu cứ để mọi thứ vẫn tiếp tục như vậy thì Trung Quốc sẽ thực sự kết thúc.”
Các học viên Hồng Kông kể lại rằng Sư phụ Lý Hồng Chí đã nhiều lần đến Hồng Kông để giảng Pháp
Vào ngày 13/5/1995, người sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí, đã đến đảo Lantau của Hồng Kông để giảng Pháp lần đầu tiên. Sau đó, ông đã lần lượt giảng Pháp ở Hồng Kông vào năm 1996 và 1997, điều này đã giúp môn tu luyện phát triển hơn nữa ở đặc khu này.
Bà Đổng ở tuổi 70 vẫn thường đến đảo Lantau tìm theo bước chân Sư phụ giảng Pháp. Mặc dù năm nay tượng Phật Thiên Đàn đang được sửa chữa và không thể nhìn thấy từ xa, bà vẫn luôn nhớ về ân đức của Sư phụ mình.
Bà Đổng kể lại, “(Năm 1995) chỉ có hơn 20 học viên vinh dự được nghe Sư phụ giảng Pháp. Cũng không biết Sư phụ làm sao có thể thông thuộc các con đường như vậy. Ngài đã chọn một con đường nhỏ và đưa mọi người đi đến nơi giảng Pháp. Mỗi khi các học viên có vấn đề muốn hỏi Sư phụ, ngài đều kiên nhẫn trả lời tất cả mọi người.”
Bà nói rằng sau khi Sư phụ Lý đến Hồng Kông để giảng Pháp, Pháp Luân Công đã lan truyền nhanh chóng ở nơi này, “Năm 1999, chúng tôi giới thiệu về Đại Pháp trong một công viên ở Tây Hoàn. Ngày đầu tiên có 30 người, sang ngày thứ hai có 50 người, và 100 người đã đến ngày thứ ba. Đã có rất nhiều người đến học Pháp.” Nhưng không lâu sau, vào tháng 7/1999, ĐCSTQ đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công.
Ông Nhâm bảy mươi tuổi, đã ba lần cho mượn sân trường trung học nơi ông làm việc để Sư phụ Lý giảng Pháp.
Ông Nhậm nói: “Năm 1996, khi tôi đang đợi ở cửa, nhìn thấy Sư phụ xuống xe, tôi tiến đến bắt tay Sư phụ. Bàn tay của Sư phụ rất mềm và rất ân cần.”
Theo báo cáo, hiện có mấy trăm đến một nghìn người ở Hồng Kông đang tu luyện Pháp Luân Công.
Theo Trương Hiểu Tuệ, Lương Trân, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Lý Hồng Chí Ngày Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông