Nhân vật “bí ẩn” đã theo Kim Jong-un trong suốt hành trình tại Trung Quốc
- Trí Đạt
- •
Ngày 20/6, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc. Về phía chính quyền Trung Quốc, một nhân vật gây chú ý trong sự kiện là vai trò của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh. Có phát hiện, ông Vương Hộ Ninh đã tham gia trong cả ba lần Hội đàm Tập – Kim, tất cả đều được truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên tiết lộ đầy đủ chi tiết. Điều này cho thấy Vương Hộ Ninh có mối quan hệ công việc đặc biệt với Kim Jong-un và Bắc Triều Tiên.
Đồng hành cùng Kim Jong-un trong suốt hành trình tại Trung Quốc
Kể từ sau khi vào Ban Thường vụ tại Đại hội 19 Cộng sản Trung Quốc, quyền lực thực sự của Vương không chỉ trong phạm vi trong Đảng mà còn bao gồm một số quyền hành kín đáo khác, được giới quan sát xem là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị bí ẩn nhất.
Tổng hợp thông tin truyền thông Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cho thấy, về chuyến thăm của Kim Jong-un tới Trung Quốc lần thứ ba, ngày 20/6 tờ Thông tin Lao Động (Rodong Sinmun) của Bắc Triều Tiên công bố 10 bài viết, ngày 21/6 công bố 5 bài viết kể chi tiết về chuyến thăm của Kim Jong-un, còn truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ công bố hai thông cáo báo chí liên quan chuyến thăm lần thứ ba này của Kim Jong-un.
Nhìn từ phía thông tin của Bắc Triều Tiên thì ông Vương Hộ Ninh đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động tiếp đón Kim Jong-un. Vương ra sân bay đón Kim Jong-un, tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Kim Jong-un với Tập Cận Bình, tham dự bữa ăn tối cùng Kim Jong-un và Tập Cận Bình, đi cùng Kim Jong-un đến thăm Viện Khoa học Nông nghiệp Quốc gia và Trung tâm Quản lý giao thông Bắc Kinh…
Hai thông tin ông Vương Hộ Ninh tham gia hội đàm cùng ông Tập Cận Bình với ông Kim Jong-un và tham dự bữa ăn tối cũng có trong thông tin chính thức của Trung Quốc vào ngày 19. Nhưng những thông tin mà truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin như ông Vương Hộ Ninh đi cùng ông Kim Jong-un thăm Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc và Trung tâm Kiểm soát Giao thông Bắc Kinh thì truyền thông Trung Quốc đã không đưa tin. Trong hoạt động đi thăm quan của Kim Jong-un, phía Trung Quốc chỉ đề cập đến Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Cơ (Cai Qi) đi cùng.
Còn trong lần đầu Kim Jong-un tới Trung Quốc hồi tháng Ba năm nay cũng như lần thứ hai sang Trung Quốc hồi tháng Năm năm nay, ông Vương Hộ Ninh đều đến ga xe lửa đón ông Kim Jong-un và cùng ông Tập Cận Bình tham dự bữa ăn tối với ông Kim Jong-un. Ví dụ trong lần thăm vào tháng Ba, khi kết thúc chuyến thăm và ông Kim Jong-un rời khỏi Bắc Kinh, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) của Bắc Triều Tiên đưa tin ông Vương Hộ Ninh, Đinh Tiết Tường, và Tống Đào đi tiễn Kim Jong-un tận nhà ga xe lửa Bắc Kinh. Còn những người đi cùng ông Kim Jong-un đến tận Đan Đông có Tống Đào, Trần Đông Phúc, Lý Tiến Quân. Từ nguồn tin của KCNA cho thấy ông Vương Hộ Ninh đã tham gia vào toàn bộ hành trình tiếp đón Kim Jong-un.
Tuy nhiên truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin thì không đưa thông tin chi tiết, chỉ nhắc qua loa Vương Hộ Ninh có tham gia vào các hoạt động liên quan.
Có tờ Duowei News (trụ sở tại Mỹ) chỉ ra, theo thông lệ truyền thông nhà nước Trung Quốc, những hoạt động liên quan đến ngoại giao của nhân vật cấp bậc cao như Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị thì truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn đưa tin bình thường. Nhưng trong việc xử lý thông tin ông Vương Hộ Ninh đi cùng Kim Jong-un lần này, rõ ràng phía Trung Quốc đã cố ý giữ thái độ kín tiếng.
Theo như nhận định, do thân phận quan trọng của ông Vương Hộ Ninh, việc ông Vương đi cùng Kim Jong-un trong toàn hành trình cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên không phải mối quan hệ giữa hai nước bình thường. Còn truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin cũng đặc biệt chỉ ra việc ông Vương Hộ Ninh đưa đón này là một ngoại lệ. Bởi vì Vương Hộ Ninh phụ trách ý thức hệ nên ở đây ẩn ý “ngoại giao Đảng” là con đường chính trong mối quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên.
Theo thông tin công khai, năm 1949, sau khi Cộng sản Trung Quốc xây dựng chính quyền, đối tượng ngoại giao Đảng chủ yếu là Liên Xô, quốc gia đầu tiên Cộng sản Trung Quốc đến thăm sau khi thành lập chính quyền là Liên Xô, lần duy nhất trong cuộc đời cố lãnh đạo Đảng Cộng sản (ĐCSTQ) Trung Quốc Mao Trạch Đông thăm nước ngoài chính là đến Liên Xô, ĐCSTQ gọi Liên Xô là “anh cả”. Còn trong nội bộ phe cộng sản, do Trung Quốc chỉ đứng sau Liên Xô nên Bắc Triều Tiên xem ĐCSTQ là “anh hai”.
Nhưng sau năm 1956 quan hệ Trung-Xô chia rẽ, mối quan hệ giữa đảng Cộng sản Trung Quốc với nhiều đảng Cộng sản bị gián đoạn. Quan hệ “anh em xã hội đen” này cũng rơi vào khủng hoảng.
Điều thú vị là ĐCSTQ trong vai trò là “anh hai” của phe cộng sản, nhưng thời lãnh đạo Giang Trạch Dân, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau 9 tháng kể từ khi nhậm chức của Giang là đến thẳng Bắc Triều Tiên để thăm “quỷ ăn thịt người” Kim Nhật Thành.
Quyền lực ngút trời và những cuộc hôn nhân ly kỳ
Vương Hộ Ninh có mệnh danh “Quốc sư ba thế hệ”, từ năm 1995 sau khi được cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân thu nhận đã làm việc thường trực tại Phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, sau đó lại phục vụ thời ông Hồ Cẩm Đào 10 năm, sau Đại hội 18 lại theo ông Tập Cận Bình. Vương được giới quan sát mô tả như “bậc thầy” chế biến lý luận cho ĐCSTQ, lần đầu là cái gọi là “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân, sau đó là “Quan điểm về phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào. Đối với ông Tập Cận Bình hiện nay là “Giấc mơ Trung Hoa” và “Tư tưởng Tập Cận Bình”.
Đến Đại hội 19 Cộng sản Trung Quốc, “quản bút” trường kỳ Vương Hộ Ninh bước lên sân khấu, vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, thay Ủy viên Ban Thường vụ Lưu Vân Sơn phái Giang, trở thành “Sa hoàng” ý thức hệ đỏ của ĐCSTQ. Nhìn qua thông tin nhân sự của Cộng sản Trung Quốc thì thấy, ngoài vị trí Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương bị thân tín Trần Hy của ông Tập Cận Bình thay thế, ông Vương Hộ Ninh không những kiêm nhiệm nhiều chức vụ mà trước đây do ông Lưu Vân Sơn nắm giữ, đồng thời can thiệp vào nhiều lĩnh vực.
Ngày 05/2/2018, ông Vương Hộ Ninh chủ trì hội nghị với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Văn minh Trung ương. Sau cải cách tổ chức hồi tháng Ba, cả 4 “tổ lãnh đạo” được đổi thành cơ cấu “Ủy ban”: Ủy ban Trung ương về cải cách sâu sắc toàn diện, Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, Ủy ban Trung ương về Thông tin và An ninh mạng internet, Ủy ban Trung ương về Ngoại giao, tất cả đều có vị trí cho ông Vương Hộ Ninh.
Hiên nay Vương Hộ Ninh cũng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trung ương về cải cách sâu sắc toàn diện, ủy viên của Ủy ban Trung ương về Tài chính và Kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trung ương về Thông tin và An ninh internet, và vai trò dự thính tại Ủy ban Trung ương về Ngoại giao.
Theo chương trình cải cách công bố vào cuối tháng Ba, Ban Tuyên truyền Trung ương được mở rộng quyền lực thống nhất quản lý xuất bản thông tin và phim ảnh toàn quốc. Có thể thấy quyền lực của ông Vương bao trùm trên nhiều lĩnh vực.
Ngày 08/6, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trao tặng vinh dự cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “Huân chương Hữu nghị” cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi đó ông Vương Hộ Ninh trong vai trò là Chủ nhiệm “Ủy ban Công tác Biểu dương khen thưởng công trạng của Đảng và Chính phủ” được giới thiệu lên đọc “Lệnh Trao tặng”. Trước đây vai trò này do Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn (phái Giang) đảm nhiệm.
Thông tin chính thức mới nhất cho thấy hiện nay ông Vương Hộ Ninh vẫn là Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương. Vương đã được bổ nhiệm chức vụ này từ tháng 11/2002, tính đến nay đã giữ chức hơn 15 năm.
Các hoạt động của ông Vương Hộ Ninh còn liên quan đến các vấn đề phi đảng phái.
Ngày 6/3, ông Vương bất ngờ xuất hiện tại Hội nghị đại biểu Nhân đại khu vực Hồng Kông, cho thấy ông ta cũng có tiếng nói đối với các vấn đề Hồng Kông và Macao.
Ngày 13/4, chính quyền Hải Nam công bố kế hoạch xây dựng khu vực thương mại tự do thử nghiệm tại đảo Hải Nam, chia giai đoạn thành lập một cảng thương mại tự do. Tại Đại hội công bố xây dựng khu thương mại tự do Hải Nam cũng bất ngờ xuất hiện ông Vương Hộ Ninh. Minh báo (Ming Pao) tại Hồng Kông có phân tích rằng nhiều khả năng chương trình của Hải Nam cũng do ông Vương Hộ Ninh soạn thảo.
Bên cạnh đó, trong một số động thái nhỏ hơn liên quan đến ý thức hệ của Cộng sản Trung Quốc cũng được cho là bắt nguồn từ kế hoạch của Vương Hộ Ninh.
Ví dụ, ngày 11/2 năm nay hai cơ quan ngôn luận chính của Cộng sản Trung Quốc là Nhân dân Nhật báo và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đồng sản xuất phim tài liệu về sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình, trong đó có cảnh ông Tập Cận Bình cầm cuốc làm ruộng và đi kiểm tra hệ thống nhà vệ sinh trong vai trò là lãnh đạo quốc gia. Trên truyền thông ngoài nhà nước, nhà sử học Trương Lập Phàm (Zhang Lifan) cho biết kịch bản phim này liên quan đến ông Vương Hộ Ninh.
Trong tháng Năm, nhà cầm quyền Bắc Kinh bất ngờ cao giọng tung hô chủ nghĩa Mác, gây ra tranh luận rộng khắp.
Nhà bình luận Trần Phá Không (Chen Pokong) cho rằng, trên thực tế Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh phụ trách vấn đề tư tưởng ý thức hệ, là nguồn gốc của tư tưởng cánh tả và là bộ não của nhà cầm quyền ĐCSTQ hiện nay. Trong Cách mạng Văn hóa, người cha của ông Vương Hộ Ninh sợ ba người con trai ra ngoài sinh chuyện không hay, thường xuyên bắt ba anh em Vương Hộ Ninh ở trong nhà, bắt ngồi viết lại “Tuyển tập Mao Trạch Đông”, hoặc đọc sách Mác-Lênin. Khi đó, tác phẩm Vương Hộ Ninh ưa thích chủ yếu là các tác phẩm của Lê-nin, đây chính là cơ sở khoa học chính trị của ông Vương Hộ Ninh. Do đó tư tưởng của Vương trở thành hạn chế đối với sự phát triển của Trung Quốc.
Ông Vương Hộ Ninh còn một số quyền hạn bí mật, ngày 14/11 năm ngoái, tờ New York Times đưa tin, trước khi trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách công tác tuyên truyền, ông Vương Hộ Ninh từ lâu đã phụ trách quản lý hình ảnh của ông Tập Cận Bình. Đây là điểm khác biệt do với nhiệm vụ của Vương trong hai thời lãnh đạo ĐCSTQ trước đó.
Một dẫn chứng được chỉ ra, năm 2013 khi ông Tập Cận Bình thăm Kazakhstan, ông Vương Hộ Ninh cũng tháp tùng. Khi đó Tân Hoa xã Trung Quốc muốn công bố hình ảnh của ông Tập Cận Bình đã phải thông qua sự chấp thuận của Vương.
Không chỉ vậy, cuộc hôn nhân của Vương Hộ Ninh cũng đã trở thành tâm điểm chú ý.
Tờ Vision Times tại Mỹ từng chia sẻ câu chuyện liên quan vấn đề này. Theo đó chuyện hôn nhân của ông Vương Hộ Ninh có thể nói rất ly kỳ, đã trải qua ba cuộc hôn nhân. Người vợ đầu tiên là Chu Kỳ (Zhou Qi), một sinh viên xuất sắc tại Đại học Phúc Đán, hai người không có con, họ kết hôn bí mật vào đầu những năm 1990. Người vợ thứ hai là cô gái Hồ Nam Tiêu Giai Linh (Xiao Jialing), cũng là một sinh viên tại Đại học Phúc Đán, là sinh viên của Vương Hộ Ninh, sinh năm 1967, kém Vương 12 tuổi, cũng bí mật kết hôn vào năm 1998, cuối cùng chia tay do không có nhiều thời gian gặp gỡ. Người vợ thứ ba là một mỹ nữ Thanh Đảo sinh năm 1985, nhỏ hơn Vương Hộ Ninh 30 tuổi. Danh tính cụ thể của cô gái này cũng trở thành bí mật. Người vợ thứ ba này của Vương ban đầu là nhân viên phục vụ tại Cục Cảnh vệ Trung ương, kết hôn với Vương tháng 5/2014.
Thời điểm ông Vương Hộ Ninh kết hôn lần thứ ba năm 2014 đã có cư dân mạng hỏi châm biếm: Làm quan chức là để dễ dàng thay vợ mới trẻ đẹp nhằm giải tỏa sinh lý?
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Vương Hỗ Ninh