Biến thể Omicron của COVID-19 đã lan ra nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc, đặc biệt tại các trung tâm quan trọng như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân… Mới đây, cơ quan chức năng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết, Omicron xâm nhập Bắc Kinh qua hàng hóa gửi về từ Canada, nên đã kêu gọi người dân không đặt mua hàng từ nước ngoài. Có chuyên gia phản bác rằng động thái của ĐCSTQ mang tính chính trị hơn là khoa học.

Embed from Getty Images

Ngày 12/1/2022, người dân Thiên Tân xếp hàng xét nghiệm COVID-19 (Nguồn: STR / AFP/Getty Images). 

Trong thời điểm còn chưa đầy 3 tuần là đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, biến thể Omicron lại đang lan rộng tại 14 tỉnh thành ở Trung Quốc. Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (17/1), giới chức Trung Quốc cho biết, nguồn nhiễm của trường hợp nhiễm Omicron ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy (15/1) không đến từ một tỉnh khác, mà đến từ một gói hàng được gửi từ Toronto qua Mỹ và Hồng Kông.

Vì lý do này, Phó Cục trưởng Cục Bưu điện Bắc Kinh Liao Lingzhu kêu gọi mọi người “không mua các sản phẩm ở nước ngoài”. Ông Pang Xinghuo, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Bắc Kinh, cũng kêu gọi người dân tránh mua đồ từ nước ngoài, và trường hợp khó tránh thì khi nhận hàng hãy dùng cồn khử trùng bao bì và rửa tay.

Đây là lần mới nhất Trung Quốc đổ lỗi cho các gói hàng nước ngoài trong việc lây truyền virus. Trước đây, đã không ít lần giới chức ĐCSTQ đổ lỗi cho các sản phẩm nhập khẩu (thường là thực phẩm đông lạnh). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cơ sở khoa học cho loại tuyên bố này là rất yếu.

Giới chuyên gia phản bác

Chuyên gia về virus tại Đại học Queensland ở Úc, ông Ian Mackay nói với tờ The Guardian (Anh) rằng tuyên bố của phía Trung Quốc là “cường điệu”. Việc thúc giục mọi người hạn chế nhận hàng hóa và vệ sinh bao bì hàng là “lãng phí công sức”.

Ông cho biết phần lớn việc lây nhiễm virus này là từ tiếp xúc giữa con người, cáo buộc liên quan đến hàng hóa này mang tính chính trị hơn là khoa học.

Ông nói: “Tất cả chúng ta đều biết, nhiều trường hợp người không có triệu chứng trong khi cơ thể vẫn mang virus này, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của bệnh”; “Đó là loại virus lây lan trong không khí, không phải từ bề mặt đồ vật. Về mặt kỹ thuật có thể xảy ra, tất nhiên là không phải rủi ro bằng 0. Nhưng liệu có xảy ra lặp đi lặp lại không? Không có”; “Đừng phức tạp hóa những điều đơn giản”

Tiến sĩ Anna Banerji, phó giáo sư nhi khoa và bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế công Dalla Lana thuộc Đại học Toronto, cho biết: “Tôi không nghĩ điều này dựa trên cơ sở khoa học”. Bà nói rằng biến thể Omicron “sẽ không bao giờ tồn tại” trong một bì thư được vận chuyển khắp thế giới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên các bề mặt như giấy thì virus không thể tồn tại đến hàng giờ.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào tháng 4/2020 đã kết luận, “virus không thể phục hồi truyền nhiễm sau 3 giờ lưu trú trên bản in và giấy“.

Nhà dịch tễ học là giáo sư tiến sĩ Donald Vinh tại Khoa Y học Thực nghiệm Đại học McGill ở Canada, cho biết xác suất lây nhiễm từ bao bì là rất thấp. “Điều này có đáng tin không? Câu trả lời là không”, ông nói.

Thất bại với chính sách “zero COVID” nên mới đổ lỗi

Chính phủ của ĐCSTQ đã thực hiện nhiều biện pháp cực đoan khác nhau để ngăn chặn COVID-19: thường xuyên phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt và cách ly. Hôm thứ Hai (17/1), cơ quan chức năng ĐCSTQ tuyên bố sẽ không bán vé Olympic cho công chúng do lo ngại về virus.

Colin Robertson, một cựu quan chức ngoại giao Canada hiện là Viện phó Viện Các vấn đề Toàn cầu Canada, nói với CBC News rằng có thể ĐCSTQ đang chuẩn bị một cái cớ phòng trường hợp bùng phát dịch khi tổ chức Thế vận hội.

“Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ thì họ có thể cho rằng nó (virus) đến từ bên ngoài chứ không phải từ bên trong Trung Quốc, bởi vì họ đã làm mọi cách để cố gắng ngăn chặn qua chính sách “zero COVID” cho đóng cửa hoàn toàn thành phố”, ông nói.

Cựu Đại sứ Guy St-Jacques của Canada tại Trung Quốc, nói với CBC News rằng nếu dịch bệnh nghiêm trọng trong thời gian diễn ra Thế vận hội thì sẽ thấy nhiều chỉ trích hơn. Ông nói: “Thật dễ dàng để ĐCSTQ đổ lỗi cho Canada vì không có cách nào để điều tra xem điều này có đúng không… Khi Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn với chính sách “zero COVID”, họ đổ lỗi cho nước ngoài”.

Lãnh đạo Đảng Bảo thủ của Canada: Thông tin về dịch bệnh của ĐCSTQ là không đáng tin cậy

“Tôi nghĩ đây là một quan điểm bất thường”, Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai (17/1). “Tất nhiên (quan điểm này) không phù hợp với những gì chúng tôi đang làm ở quốc tế và trong nước”.

Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Erin O’Toole của Canada gọi các bản tin từ ĐCSTQ là “nực cười”. Ông nói: “Những câu chuyện như thế này nhắc nhở chúng tôi rằng một số tin tức và báo cáo từ Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch là không thể tin được”.

Trung Quốc từng bác bỏ khả năng lây nhiễm virus từ vật phẩm

Chính ĐCSTQ cũng từng xác nhận, khó có khả năng lây nhiễm virus qua các sản phẩm xuất khẩu trong một bài viết trên China.com vào ngày 21/3 năm ngoái. Bài viết có tiêu đề “Sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc có virus corona không? Tuyên bố này thiếu kiến thức khoa học”.

Bài viết phản bác việc nước ngoài tẩy chay các sản phẩm từ Trung Quốc với lý do nó có thể nhiễm virus “là không có cơ sở khoa học”. Vì virus corona mới là một loại virus RNA (axit ribonucleic) sợi đơn, nên chỉ có thể tồn tại trong vật chủ. Virus corona mới sau khi rời khỏi cơ thể người nhiễm (giọt bắn…) có thể tồn tại trên các đồ vật, nhưng thời gian tồn tại và để có thể lây lan là rất ngắn.

Bài viết trích dẫn một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học New England của Mỹ chỉ ra rằng virus tồn tại trên bề mặt các loại vật chất khác nhau với thời gian dài ngắn khác nhau: thời gian tồn tại lâu nhất là trên nhựa và thép lên đến 72 giờ, nhưng số lượng virus giảm mạnh; trong khi virus chỉ tồn tại được 4 giờ trên đồng, trên bìa cứng có thể tồn tại được 24 giờ. Có nghĩa là cho dù sản phẩm của Trung Quốc bị nhiễm virus thì khi sản phẩm này đến các nước khác cũng không còn virus. Vì vậy tẩy chay hàng Trung Quốc vì lý do virus là không hợp lý.

Mộc Vệ (t/h)

Xem thêm: