“Rủi ro tài chính mang tính hệ thống” và khả năng tái nhiệm của ông Tập
- Thiên Vận
- •
Từ sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không ngừng chỉ đạo tại các cuộc họp, nhấn mạnh “giữ ranh giới không để rủi ro tài chính mang tính hệ thống”. Liệu “ranh giới” này có trụ được trước thềm Đại hội 20 khi ông Tập dường như muốn phá vỡ thông lệ trong Đảng để tiếp tục quyền lực nhiệm kỳ thứ 3?
Những năm gần đây, nhiều người nhận thấy có một quy tắc để hiểu diễn ngôn của nhà cầm quyền ĐCSTQ là cần phải hiểu ngược lại những gì họ nói. Khẩu hiệu nào mà họ hay nhấn mạnh nhất là chỗ đó có vấn đề nhất. Báo cáo của Đại hội 19 đã nêu rõ “giữ ranh giới không để rủi ro tài chính mang tính hệ thống”. Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nêu vấn đề này tại các cuộc họp, khiến nó trở thành “chỉ thị cao nhất” cho các bộ và ủy ban đối phó với rủi ro tài chính.
Bây giờ ranh giới này đã bị chạm vào và sắp bị phá vỡ. Dễ thấy giới quan sát vẫn chỉ ra tại Đại hội 20 của ĐCSTQ tổ chức vào mùa thu năm nay, ông Tập Cận Bình đang cố gắng đạt được nhiệm kỳ thứ ba và hơn thế nữa, dù các phe phái phản đối có lẽ không đủ sức để lật đổ quyền lực của ông, nhưng họ có uy quyền chi phối trong hệ thống tài chính đủ làm nổi lên cơn bão. Đối với hệ thống tài chính Trung Quốc vốn đã có nhiều lỗ hổng, bất kỳ tia lửa nhỏ nào cũng có thể đủ kích thích gây ra một vụ nổ lớn.
Nhìn lại những biến động trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc vài năm gần đây, có thể thấy khoảng năm 2015 khi nền tảng quyền lực của ông Tập Cận Bình chưa ổn định là lúc hệ thống tài chính gặp nhiều xáo trộn nhất. Ví dụ trong suy sụp thị trường chứng khoán năm 2015, từng có lúc khả năng thanh khoản gần như cạn kiệt. Với sự hỗ trợ thanh khoản không hạn chế của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và cuộc giải cứu thị trường đầy cưỡng bức của ông Thủ tướng Lý Khắc Cường, cuộc hỗn loạn vốn được thế giới bên ngoài gọi là “cuộc đảo chính tài chính” đã từ từ được dập tắt. Chủ tịch Tiêu Cương của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán ĐCSTQ lúc đó đã bị tống đi ở tuổi 58, kết thúc cuộc đời chính trị của ông ta.
Ví dụ khác là trong năm 2014-2016, Trung Quốc thu được (tổng xuất khẩu trừ tổng nhập khẩu) 1485,36 tỷ USD từ hoạt động ngoại thương hàng hóa. Sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là gần 4000 tỷ USD vào tháng 6/2014, đến tháng 12/2016 số liệu của họ chỉ ra đã giảm gần 1000 tỷ USD. Con số 1485,36 tỷ USD kiếm được từ hoạt động ngoại thương không được bổ sung vào dữ liệu dự trữ ngoại hối chính thức, có nghĩa là Trung Quốc đã mất ít nhất 2000 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Sau đó ông Tập Cận Bình tăng cường tập trung quyền lực để xử lý. Từ ngày 14 – 15/7/2017, Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia đã được tổ chức tại Bắc Kinh, tại đó ông Tập nhấn mạnh “An ninh tài chính là một phần quan trọng của an ninh quốc gia”, qua đó đề xuất thành lập Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính (Ủy ban Tài chính), và sau đó bố trí thân tín Lưu Hạc làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính để phối hợp với Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương (Hội đồng An ninh Quốc gia) đã được thành lập trước đây để cùng kiểm soát hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, hệ thống tài chính của Trung Quốc đang mang bệnh trầm kha khó chữa, nhiều thế lực và nhóm lợi ích đan xen nhau bám vào cơ thể nền kinh tế Trung Quốc hút dưỡng chất không ngừng với lòng tham vô đáy.
Vào đầu năm 2022, nhóm kinh tế – tài chính Thiên Vận chúng tôi đã viết bài “Năm 2022 là bước ngoặt quan trọng: Tập Cận Bình trên miệng núi lửa”, dự đoán những gì sẽ xảy ra trong năm nay như: ĐCSTQ phải đối mặt với nhiều thách thức, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, cuộc khủng hoảng nợ bất động sản làm bùng phát rủi ro tài chính, và đe dọa bùng phát COVID-19… Tình hình tài chính không khả quan, thậm chí không đảm bảo được ổn định, vụ việc người dân đồng loạt cùng nhau lên tiếng bảo vệ quyền lợi sẽ ngày càng nhiều, thậm chí có thể có cả cán bộ công chức tham gia. Trong hoàn cảnh đó mà ông Tập vẫn muốn tái nhiệm tại Đại hội 20 thì tương đương với việc ngồi trên miệng núi lửa.
Trong 2 tháng qua đã nổ ra một số vụ việc nhiều người đứng ra bảo vệ quyền lợi liên quan đến tài chính, có thể nói bất bình của công chúng đã tích tụ đến mức độ nhạy cảm, cũng có thể có những yếu tố được tiếp sức từ các phe phái chống đối Tập Cận Bình.
Việc 40 tỷ NDT tiền gửi biến mất khiến 400.000 người gửi tiền phải khốn khó để bảo vệ quyền lợi, nhưng họ bị cơ quan chức năng dùng “mã sức khỏe” để hạn chế đi lại, cũng đã bị những “kẻ xa lạ” được đào tạo bài bản đánh đập. Số tòa nhà xây dựng dở dang vì không còn nguồn vốn đang lan rộng ở nhiều nơi, hàng loạt chủ sở hữu đã ra thông cáo tập thể ngừng trả nợ ngân hàng cho đến khi các dự án liên quan hoạt động trở lại hoàn toàn.
- TQ: Dùng mã sức khỏe để ngăn người dân biểu tình đòi rút tiền ngân hàng
- Sự giống nhau giữa côn đồ đánh người biểu tình ở Hà Nam và ở Hồng Kông
- TQ: Hơn 100 dự án xây dựng dở dang bị bên mua “cưỡng chế dừng cho vay”
Vấn đề những sự cố tòa nhà xây dựng dở dang bỏ hoang hiện vẫn là tâm điểm chú ý, lý do từ các ngân hàng cho vay vi phạm quy định và sơ hở trong việc giám sát nguồn vốn, đồng thời vấn đề cũng có trách nhiệm ở bộ phận giám sát xây dựng nhà ở và bộ phận giám sát tài chính tại các chính quyền địa phương.
Ngoài ra, việc nhà cầm quyền lạm dụng dùng đòn bẩy phát triển bất động sản khiến đứt gãy dây chuyền vốn cũng là một trong những nguyên nhân gây vấn đề của hàng loạt dự án bỏ hoang. Dù ĐCSTQ đã học được kinh nghiệm của Hồng Kông để thay đổi mô hình xây dựng trước rồi mới bán bằng cách thúc đẩy cách trả góp mua nhà (khởi đầu từ năm 1953 bởi doanh nhân Hoắc Anh Đông/Henry Fok Ying-tung), nhưng Hồng Kông không xảy ra tình trạng hàng loạt tòa nhà xây dựng dang dở phải bỏ hoang, điều đó cho thấy có vấn đề quan trọng từ nội bộ hệ thống chính trị ĐCSTQ.
Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã thu được rất nhiều tiền nhờ bán đất, nhưng họ đã không hoàn thành trách nhiệm để đến cuối cùng họ phải dùng đến bạo lực chống lại những người bảo vệ quyền lợi, đây là thủ đoạn “duy trì ổn định” trong truyền thống của ĐCSTQ. Thực tế, chính quyền địa phương cũng sử dụng các công ty đầu tư đô thị do họ kiểm soát để đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản, không hiếm các công ty đầu tư đô thị này tích trữ đất với quy mô lớn và gây trầm trọng thêm rủi ro tài chính.
Rủi ro của ngành ngân hàng Trung Quốc ngày càng lớn, việc gia tăng nợ xấu cũng có thể gây rủi ro tài chính mang tính hệ thống. Đây là điều mà ĐCSTQ lo lắng nhất, theo đó Đại hội 20 vào mùa thu này sẽ chú trọng cái gọi là “ổn định” trong chính trị không chỉ là vấn đề của chính trị mà còn là vấn đề của kinh tế.
Đại hội 20 của ĐCSTQ tổ chức tại Bắc Kinh vào mùa thu năm 2022 dự kiến thường vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, số đại biểu tham gia được bầu bởi 40 đơn vị bầu cử.
Ông Tập Cận Bình xuất thân vốn là “thái tử Đảng”, hiểu rõ cuộc tranh giành quyền lực trong ĐCSTQ là con đường không có đường lui, đã dựa vào “chống tham nhũng” và làm sạch bộ máy để thanh trừng đối thủ. Ông Tập không bao giờ có thể chắc chắn được nội bộ có bao nhiêu kẻ thù, họ đến từ đâu và đến khi nào, cũng như mưu tính gì để hạ thủ nhắm vào ông ta, thậm chí ám sát ông, hệ thống tranh giành quyền lực một mất một còn của ĐCSTQ khiến những kẻ trong cuộc như đã cưỡi lên lưng cọp.
Từ khóa Tập Cận Bình kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện