Thanh trừng Mạnh Hồng Vĩ, nước cờ cuối “nắm cán dao” của Tập Cận Bình?
- Trí Đạt
- •
Sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố ông Mạnh Hồng Vĩ (Meng Hongwei), Thứ trưởng Bộ Công an TQ kiêm Chủ tịch của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) bị “ngã ngựa”, giới truyền thông quốc tế đã tập trung phân tích sự kiện này. Nhiều hãng truyền thông Hồng Kông cho rằng đây là nước cờ cuối của Tập Cận Bình trong kế hoạch kiểm soát “cán dao”. Nhưng cũng có quan điểm chỉ ra vụ án này có thể liên quan đến nhiều quan chức cấp cao khác.
Thanh trừng Mạnh Hồng Vĩ là bước “chốt hạ” của Tập Cận Bình?
Ngày 14/10, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) Hồng Kông có nhận định, về cơ bản việc thanh trừng Mạnh Hồng Vĩ là bước đi cuối trong quá trình chỉnh đốn hai triệu thành viên hệ thống công an sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Thông tin dẫn phân tích chỉ ra, về cấu thành và vị thế của các bộ trưởng và thứ trưởng của Bộ Công an phản ánh tầm quan trọng của bộ này đối với trách nhiệm bảo vệ chế độ.
Ngày 08/10, tên tuổi và chức tước của Mạnh Hồng Vĩ đã biến mất trên trang web chính thức của Bộ Công an, trước đó một ngày quan chức này bị thông báo điều tra và tước bỏ tư cách là Chủ tịch Interpol. Bộ Công an TQ thông báo Mạnh Hồng Vĩ bị bắt vì bị cáo buộc tham nhũng. Vợ của Mạnh ở Pháp đã mở họp báo phủ nhận cáo buộc này.
Kể từ thời ông Mao Trạch Đông, giới lãnh đạo TQ luôn nhấn mạnh quân đội giống như khẩu súng của chính quyền, hệ thống Chính trị và Pháp luật (Chính pháp) giống như con dao.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền phải đối mặt với hệ thống công an mà hầu hết giới chóp bu là thân tín của những nguyên lão đã nghỉ hưu, trong đó đáng kể là Chu Vĩnh Khang, từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, sau đó lên làm Bí thư Ban Chính pháp, đã cai quản hệ thống công an trong 10 năm.
Theo phân tích trên tờ SCMP, Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Quách Thanh Côn (Guo Shengkun) cách đây 5 năm đã là Bộ trưởng Công an, được xem là thân tín của cựu Phó Chủ tịch nước TQ Tăng Khánh Hồng, khi đó các Thứ trưởng Bộ công an có Dương Hoán Ninh (Yang Huanning), Lý Đông Sinh (Li Dongsheng), Lưu Kim Quốc (Liu Jinguo), Mạnh Hồng Vĩ (Meng Hongwei), Trương Tân Phong (Zhang Xinfeng), Trần Trí Mẫn (Chen Zhimin) và Hoàng Minh (Huang Ming).
Thứ trưởng Bộ Công an đầu tiên bị thanh trừng là Lý Đông Sinh, thân tín của Chu Vĩnh Khang, vào năm 2013 Lý Đông Sinh bị kết án 15 năm tù. Chu Vĩnh Khang sau khi nghỉ hưu đến tháng 07/2014 mới chính thức “ngã ngựa”, tháng 5/2015 Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và làm lộ bí mật quốc gia.
Sau một vài năm, hầu hết số Thứ trưởng Bộ Công an này đã bị chuyển công tác, một số bị nghỉ hưu sớm hoặc bị giáng chức, cũng có người bị điều tra.
Dương Hoán Ninh lên thay vị trí Thứ trưởng thường trực của Lý Đông Sinh, nhưng tháng 10/2015 bị chuyển giao làm Cục trưởng Cục Giám sát An ninh Quốc gia, năm 2017 đã bị giáng chức, nhưng không bị truy tố. Lưu Kim Quốc được chuyển làm Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, và Hoàng Minh được chuyển đến là Phó ban Ban Quản lý Ứng phó Khẩn cấp Quốc gia mới được thành lập.
Trần Chí Mẫn bị cách chức vào tháng 06/2017, nhà chức trách không giải thích nguyên nhân.
Trương Tân Phong từ năm 2013 – 2015 làm Trưởng Ban chấp hành của Tổ chức chống khủng bố Khu vực tổ chức hợp tác Thượng Hải. Vào tháng 01/2016 nhậm chức Chuyên viên an ninh chống khủng bố quốc gia. Trương sinh năm 1952, nhưng đã cho về hưu.
Bộ trưởng Quách Thanh Côn làm hết nhiệm kỳ rồi vào Ủy viên Bộ Chính trị, hiện làm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương.
Mạnh Hồng Vĩ lên Thứ trưởng Bộ Công an trong năm 2013, nằm trong số ít ỏi còn được giữ lại Bộ Công an, thậm chí còn được thăng chức. Mạnh từng chịu trách nhiệm đội bảo vệ bờ biển của Trung Quốc, và đồng thời được thăng chức lên Thứ trưởng, đến cuối năm 2016 trở thành Chủ tịch Interpol đầu tiên của Trung Quốc.
Đa số những lãnh đạo chủ chốt hiện tại của Bộ Công an đều do ông Tập Cận Bình xây dựng nên. Bộ trưởng Triệu Khắc Chí được coi là thuộc cấp cũ trung thành với ông Tập, hai thuộc cấp cũ như Triệu Khắc Chí và Ủy viên trưởng Nhân đại Lật Chiến Thư được coi là người đáng tin cậy của ông Tập. Thứ trưởng thường trực Vương Tiểu Hồng và Thứ trưởng phụ trách chống tham nhũng Đặng Vệ Bình cũng là những thuộc cấp cũ của ông Tập ở Phúc Kiến, còn Mạnh Khánh Phong (Meng Qingfeng) là thuộc cấp cũ của Tập ở Chiết Giang, Hứa Cam Lộ (Xu Ganlu) cũng là thân tín cũ của Tập ở Phúc Kiến. Ngoài ra còn có hai Thứ trưởng là Tôn Lực Quân (Sun Lijun) và Đỗ Hàng Vĩ (Du Hangwei) cũng tương tự. Tất cả những nhân vật nêu trên đều là thân tín của ông Tập Cận Bình.
SCMP dẫn chia sẻ của giáo sư Tăng Nhuệ Sinh (Zeng Ruisheng) tại Đại học SOAS London cho rằng, tư tưởng cơ bản nhất của ông Tập Cận Bình là tăng cường sự kiểm soát đối với Đảng, “Để đạt được mục tiêu này, Tập Cận Bình tìm cách kiểm soát vững chắc hệ thống an ninh, vì thế việc Tập Cận Bình đưa những thuộc cấp cũ thân thiết xưa kia đứng đầu hệ thống này không đáng ngạc nhiên”.
Nhiều quan chức cấp cao sẽ bị liên quan?
Sau khi công khai thông tin bắt Chủ tịch Interpol kiêm Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hồng Vĩ, lập tức Bộ Công an ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp thâu đêm và công bố sẽ điều tra những đối tượng liên quan đến Mạnh Hồng Vĩ. Sau đó hàng loạt thông tin chia sẻ rằng có thể sẽ xảy ra vụ xung đột dữ dội trong hệ thống công an và thậm chí toàn bộ hệ thống Chính trị Pháp luật.
Sáng ngày 08/10, khi Bộ Công an ĐCSTQ thông báo sự kiện bắt Chủ tịch Interpol đã cho biết: “Kiên quyết loại bỏ triệt để những ảnh hưởng nguy hại của Chu Vĩnh Khang”. Đồng thời công bố thành lập tổ công tác để điều tra những quan chức nhận hối lộ cùng Mạnh Hồng Vĩ.
Bộ Công an ĐCSTQ qua 20 năm trở lại đây nằm trong kiểm soát của phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, các thế hệ Bộ trưởng như Chu Vĩnh Khang, Mạnh Kiến Trụ, Quách Thanh Côn đều là người phe ông Giang Trạch Dân .
Ngoài Chu Vĩnh Khang, con đường tiến thân của Mạnh Hồng Vĩ có liên hệ chặt chẽ với Bí thư Ban Chính trị Pháp luật hiện tại là Quách Thanh Côn. Quách và Mạnh là bạn học cùng Đại học Công nghiệp Trung Nam ở Hồ Nam, cả hai đều đã là Thứ trưởng Bộ Công an. Vào năm 2013 Cục Cảnh sát biển Trung Quốc được thành lập, Mạnh Hồng Vĩ nhậm chức Cục trưởng đầu tiên, trở thành quan chức đứng đầu một bộ phận cấp trung ương, khi đó Quách Thanh Côn là Bộ trưởng Công an.
Có dấu hiệu cho thấy, sau khi Mạnh Hồng Vĩ “ngã ngựa”, nhiều quan chức cấp cao công an đã ẩn thân.
Minh Báo (Ming Pao) Hồng Kông công bố bài bình luận ký tên Tôn Gia Nghiệp (Sun Jia Ye) cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tuần lễ vàng (kỳ nghỉ quốc gia 7 ngày, bắt đầu vào khoảng ngày 1/10) trong ngày đi làm đầu tiên Bộ Công an đã có cuộc họp Đảng ủy thâu đêm, qua thông báo vụ án cho thấy vụ án này do trực tiếp Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương vào cuộc, Bộ Công an chỉ gióng trống theo.
Tại cuộc họp thâu đêm này, trong số 11 Ủy viên Đảng ủy chỉ vắng trợ lý Bộ trưởng mới đề bạt là ông Lâm Nhuệ Nhất (Lin Ruiyi), Cục trưởng an ninh mạng, còn lại 10 người tham dự đủ, cho thấy những người này nằm trong vòng an toàn.
Nhưng Minh Báo đề cập đến những nhân vật “ẩn thân” trong thời gian này như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), Thứ trưởng Bộ Mặt trận Thống nhất Thị Tuấn (Shi Jun), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Nhà nước Lưu Kim Quốc (Liu Jinguo). Ngày 10/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức một cuộc họp, chủ trì là Bí thư Đảng ủy của Bộ này Viên Thự Hồng (Yuan Xiaohong), ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua) đã không tham dự. Ngoài ra giới quan sát cũng chỉ ra hiện tượng lạ là Bí thư Ban Chính pháp Quách Thanh Côn đến nay vẫn hoàn toàn im lặng về vụ việc Mạnh Hồng Vĩ.
Minh Báo có nhận định, sau khi cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hồng Vĩ bị bắt giữ điều tra, do người vợ của Mạnh ở Pháp thường xuyên lên tiếng khiến vụ việc thu hút truyền thông quốc tế, làm tình hình phát triển lớn dần. Từ thông báo của cơ quan chức năng có ám chỉ vụ án có liên quan đến cựu lãnh đạo “ngã ngựa” Chu Vĩnh Khang, nhưng liệu có liên quan đến những cấp trên gần nhất là Mạnh Kiến Trụ và Quách Thanh Côn hay không thì phải chờ theo dõi diễn biến tình hình.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Chu Vĩnh Khang Giang Trạch Dân Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Hồng Vĩ Tập Cận Bình