Tin đồn: Việc thoái vị của ông Tập Cận Bình chỉ còn chờ thông báo chính thức
- Ninh Hải Chung
- •
Từ năm ngoái đến nay đã có nhiều tin đồn nói rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã không còn thực quyền, quyền lực quân sự của ông đã rơi vào tay người khác. Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) lúc đó khá kín tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên gần đây, ông xác thực tin này qua nguồn tin từ người có ảnh hưởng nhất định tại Trung Quốc cho ông biết. Theo đó, quyền lực của ĐCSTQ hiện đã trở lại tay 3 cựu lãnh đạo sinh năm 1942, trong đó quyền lực quân sự do Phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương là Trương Hựu Hiệp nắm giữ.
Tin nội bộ của nhà bình luận Thái Thận Khôn
Trên chương trình tự truyền thông của ông Thái Thận Khôn (người Hoa tại Mỹ) hôm 23/2, ông cho biết vào ngày 22/2 ông nhận được cuộc gọi từ một người bạn ở Trung Quốc và họ đã nói chuyện trong một tiếng rưỡi. Người bạn này có ảnh hưởng nhất định trong nước và có mối quan hệ rất thân thiết với một số nhà lãnh đạo vẫn đang tại vị, đặc biệt là người thân gia đình của một số nhà lãnh đạo trước đây.
Kể từ Hội nghị toàn thể lần 3 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20 vào tháng 7 năm ngoái, khi đó đã có nhiều tin đồn rằng ông Tập Cận Bình gặp vấn đề về sức khỏe nên quyền lực quân sự đã rơi vào tay người khác, quyền lực của ông Tập trong đảng đã bị suy yếu, và tại cuộc họp Bắc Đới Hà ông đã bị các cựu lãnh đạo khiển trách. Thời điểm đó, ông Thái luôn tin rằng ông Tập Cận Bình vẫn nắm giữ thực quyền.
Nhưng theo tuyên bố mới nhất của Thái Thận Khôn, người bạn này nói với ông rằng quyền lực của ông Tập đã suy yếu rất nhiều kể từ Hội nghị công tác chính trị toàn quân của ĐCSTQ, được tổ chức năm ngoái tại Diên An. Hiện tại thì việc ông Tập từ chức chỉ là vấn đề chờ thông báo chính thức, và thời gian thông báo chính thức sẽ không bị trì hoãn quá lâu. Giống như nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin, có khả năng [ông Tập Cận Bình sẽ ‘hạ cánh’] tại Hội nghị toàn thể lần 4 ĐCSTQ khóa 20 – hội nghị này sẽ không bị trì hoãn cho đến tận năm sau.
Người bạn của ông Thái cho biết, theo thông tin nhận được từ các nhà lãnh đạo cấp cao, “Quyền lực của quân đội ĐCSTQ hiện đã nằm trong tay ông Trương Hựu Hiệp, những người khác không còn quan trọng nữa, còn chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ông Tập hiện chỉ là hư danh”.
Người bạn này cũng cho biết, quyền lực của ĐCSTQ hiện đã trở lại tay 3 cựu lãnh đạo, tất cả đều sinh năm 1942.
Trong các cựu lãnh đạo cao nhất thì những người sinh năm 1942 là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Nhưng ông Thái Thần Khôn cho biết: “Tôi sẽ không nói 3 người này là ai, vì tôi sợ sẽ ảnh hưởng đến họ”.
Bạn của ông Thái chỉ ra, trong hơn thập kỷ qua, ông Tập Cận Bình đã gây thù chuốc oán với mọi thế lực chính trị: từ thế hệ thứ 2, thứ 3 của ĐCSTQ cũng như các nhóm lợi ích của ĐCSTQ trước đây đều bị đe dọa. Tại Hội nghị toàn thể lần 3 khóa 20 vào năm ngoái, đã có thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng rằng nếu ông Tập tiếp tục hành động tự tung tự tác thì mọi người [quan chức ĐCSTQ] sẽ chết không đất chôn thân, do đó phải ngăn cản ông ta duy trì quyền lực. Vì vậy, mọi người đều đề cử 3 cựu lãnh đạo này nắm quyền điều hành tình hình chính trị của Trung Quốc trong thời kỳ chuyển tiếp.
Người bạn này cũng đề cập rằng ĐCSTQ hiện đang lo lắng về các nhóm lợi ích cố hữu hiện tại, sợ rằng các nhóm lợi ích này sẽ kiểm soát tình hình chính trị của Trung Quốc trong thời hậu Tập Cận Bình. Vì sau nhiều thập kỷ cải cách và mở cửa, những tập đoàn quyền lực này đã chuyển tài sản ra khỏi Trung Quốc lên tới 30.000 tỷ đô la Mỹ. Nhiều năm qua họ đã tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau ở nước ngoài, đặc biệt là hợp tác chặt chẽ với một số lượng lớn các nhà tài phiệt tài chính ở Phố Wall, giúp tăng tài sản của họ lên hơn 60.000 tỷ đô la Mỹ.
Tờ Epoch Times không thể xác minh độc lập những tin tức và dữ liệu này. Thái Thận Khôn cũng nhấn mạnh rằng ông chỉ nêu ra tình hình chung mà ông nghe được, bản thân ông cũng không có căn cứ gì để xác minh.
Năm ngoái, tờ báo quân sự của quân đội ĐCSTQ (PLA) đã đăng một số bài viết nhấn mạnh vào vấn đề lãnh đạo tập thể, nhưng gần đây PLA đã ra thông báo rằng “tiếp tục đoàn kết xung quanh Tập Cận Bình và thực hiện tư tưởng quân sự của ông Tập”. Vấn đề này được người bạn của ông Thái Thận Khôn cho biết: “Đừng nghe những lời tuyên truyền bề nổi này, những thứ đó không thể nói thẳng được vấn đề”.
Thái Thận Khôn cũng đề cập rằng vì ông thường xuyên nói về Tập Cận Bình trên mạng xã hội, gây ra rất nhiều rắc rối cho bản thân và gia đình ông. Các cơ quan an ninh công cộng và an ninh quốc gia của ĐCSTQ đã dùng nhiều thủ đoạn gây áp lực rất lớn cho gia đình ông, đe dọa rằng “không được nói về Tập Cận Bình nữa, ngay cả khi tuyên bố là vị trí của Tập Cận Bình rất ổn định”.
Tình hình chính trị khác thường của ĐCSTQ
Từ năm 2023 đến nay, một số lượng lớn các quan chức cấp cao của Đảng, Chính phủ và quân đội do chính ông Tập Cận Bình đề bạt đã bị hạ bệ, bao gồm cả ông Tần Cương khi mới lên chức Ngoại trưởng, và ông Miêu Hoa là Trưởng ban Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương. Giới quan sát bên ngoài đã bàn tán sôi nổi rằng Tập yếu kém trong việc nhìn người, tin rằng quyền lực của ông có thể bị ảnh hưởng.
Trong thời gian Hội nghị toàn thể lần 3 khóa 20 vào tháng 7/2024 và Hội nghị Bắc Đới Hà sau đó vào tháng 8/2024, giáo sư (đã nghỉ hưu) Lãnh Kiệt Phủ (Leng Jiefu), tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã công bố bức thư ngỏ kêu gọi ĐCSTQ tự nguyện giải thể, và theo hiến pháp dân chủ thành lập nước Cộng hòa Liên bang Trung Hoa. Giáo sư Lãnh Kiệt Phu cũng cho biết, ông biết được thông qua WeChat rằng ông Tập Cận Bình đang bị bệnh nặng, không thể làm việc, công tác chung của Đảng, chính quyền và quân đội đều do hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp và Hà Vệ Đông đảm nhiệm, nên ông hy vọng nhận được sự ủng hộ của họ.
Năm ngoái sau cuộc họp ở Bắc Đới Hà, ngày 19/8 Tập Cận Bình đã lần đầu tiên xuất hiện để đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đến thăm. Tuy nhiên, không có cảnh quay cận cảnh nào của ông Tập trong các video về lễ đón vào cuộc họp sáng hôm đó. Hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ là Tân Hoa Xã không công bố hình ảnh cận cảnh của ông Tập Cận Bình cho đến khoảng 4h chiều ngày hôm đó, và CCTV cũng không công bố hình ảnh cận cảnh cho đến 6h chiều. Trong khi đó phía Việt Nam vẫn công bố bức ảnh chung như thường lệ, làm dấy lên nhiều đồn đoán. Cộng đồng mạng cũng sôi động bàn luận về hình ảnh cho thấy phần sau đầu ông Tập có vùng trống tóc được cho là dấu vết phẫu thuật.
Ngoài ra, một vấn đề nữa là Hội nghị toàn thể lần 4 của ĐCSTQ khóa 20 dự kiến ban đầu được tổ chức vào mùa thu năm 2024, nhưng đã bị hoãn lại và hiện vẫn chưa được tổ chức. Vấn đề này trước đây đã được cựu Trung tá trong Hải quân ĐCSTQ, ông Diêu Thành (Yao Cheng) nói với Epoch Times rằng đến khi Hội nghị toàn thể 4 khóa 20 thì chắc chắn vị trí của ông Tập Cận Bình sẽ không còn, khi đó ông Tập chỉ còn chức vụ trên danh nghĩa. Ông Tập Cận Bình sẽ phải rời chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng vẫn được cho giữ chức hữu danh vô thực là Chủ tịch nước. Để ngăn chặn tình trạng bất ổn lớn leo thang nên tạm bảo lưu chức vụ Chủ tịch nước cho ông Tập, để sau đó rút hoàn toàn tại Đại hội 21.
Vào ngày 16/1 năm nay, cây bút kỳ cựu Katsuji Nakazawa của Nikkei đã phân tích rằng các cuộc đấu tranh phe phái trong ĐCSTQ gần đây đã gia tăng đáng kể, vì về đại thể năm nay là năm quyết định đội ngũ lãnh đạo khóa tiếp theo của Trung Quốc nên cũng là năm tiềm ẩn khả năng bùng nổ sóng gió chính trị gay cấn ở Bắc Kinh.
Từ khóa Tập Cận Bình Recommend
