TQ: 18 nhân viên nhà tang lễ bị điều tra
- Thái Tư Vân
- •
Tuần trước, vụ trộm và bán thi thể quy mô lớn tại Trung Quốc bị vạch trần khiến cả thế giới chấn động, dư luận dậy sóng, nhưng tin tức về vụ án đã biến mất khỏi Internet nước này kể từ tối ngày 8/8. Tuy nhiên trước sức ép của dư luận, nhiều nơi đã triển khai chuyên án trấn áp nạn tham nhũng trong nhà tang lễ, ít nhất 18 nhân viên nhà tang lễ đã bị điều tra kể từ đầu năm.
Ngày 8/8, luật sư Bắc Kinh Dịch Thắng Hoa tiết lộ vụ trộm cắp, lăng mạ và cố ý tiêu hủy thi thể trên Sina Weibo. Ông cho biết, một ngày trước đó ông mới biết đến vụ án chấn động này khi trò chuyện với một luật sư ở ngoại thành.
Luật sư Dịch cho rằng đối với vụ án nguy hiểm này, luật hiện hành có thể kết án người phạm tội tối đa 3 năm tù mà không bị phạt tiền. Ông lo lắng rằng dưới sự cám dỗ của lợi nhuận khổng lồ và mức án quá nhẹ trong ngành công nghiệp đen này, ngày càng nhiều người sẽ bất chấp pháp luật để kiếm tiền nhanh chóng.
Từ tháng 1/2015 – 7/2023, Công ty TNHH Vật liệu sinh học Osteorad Sơn Tây đã hợp tác với các nhà tang lễ ở Tứ Xuyên, Quảng Tây, Vân Nam, Sơn Đông và những nơi khác, mua trái phép thi thể của những người từ 20 đến 60 tuổi chết không bệnh tật và xử lý một cách vô nhân đạo. Những thi thể này bị phân xác, phần xương được sử dụng làm vật liệu mô sinh học, bán cho các bệnh viện.
Doanh thu trong thời gian này đạt 380 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.329 tỷ VNĐ). Tính đến thời điểm xảy ra sự việc, công ty này vẫn còn tồn kho nguyên liệu xương người lớn, với hơn 18 tấn bán thành phẩm và 34.077 thành phẩm. Vụ án liên quan đến việc trộm cắp và bán lại trái phép hàng ngàn thi thể, với 75 người liên quan.
Trong chuỗi công nghiệp ở hạ lưu của công ty Osteorad Sơn Tây, nghi phạm đã kiểm soát 4 nhà tang lễ và lò hỏa táng ở Vân Nam, Trùng Khánh, Quý Châu và Tứ Xuyên, đồng thời ra lệnh cho nhân viên lấy trộm thi thể ở đó.
Họ chặt xác một cách dã man trong xưởng hỏa táng và vận chuyển về công ty này để xử lý tiếp. Bốn lò hỏa táng này đã cung cấp xương của tổng cộng 4.000 thi thể cho Osteorad Sơn Tây.
Ít nhất 18 nhân viên nhà tang lễ bị điều tra
Mới đây, tờ China Newsweek đưa tin, kể từ đầu năm, An Huy, Quảng Đông, Cát Lâm và các tỉnh khác đã tung tin liên quan đến việc điều tra nhân viên tại nhà tang lễ và văn phòng quản lý tang lễ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ít nhất 12 giám đốc nhà tang lễ, phó giám đốc hoặc cựu giám đốc đã bị điều tra. Ít nhất 6 giám đốc quản lý tang lễ cấp quận, phó giám đốc hoặc cựu giám đốc có liên quan đến vụ án.
Theo báo cáo, ông Dương Đào, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Kangrong (Khang Dung) ở huyện Cự, thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã bị điều tra vào tháng 5 năm nay. Ông hành nghề trong lĩnh vực tang lễ hơn 30 năm, từng giữ chức vụ Giám đốc Văn phòng Quản lý Tang lễ huyện Cự, kiêm Giám đốc Nhà tang lễ. Năm 2021, ông Dương Đào mới chuyển sang lĩnh vực doanh nghiệp.
Trước khi gia nhập Công ty Công nghiệp Kangrong, ông từng là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Dịch vụ Tang lễ An Thụy huyện Cự.
Hệ thống truy vấn thông tin doanh nghiệp “Tianyancha” cho thấy, công ty này là một doanh nghiệp nhà nước. Phạm vi kinh doanh của nó bao gồm dịch vụ tang lễ, vận hành cơ sở tang lễ, bán vật tư tang lễ. Người kiểm soát thực tế đằng sau là Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thành phố Đạt Châu.
Quan chức ĐCSTQ tham nhũng, thông đồng với doanh nhân là nguyên nhân chính của tội ác
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do, ông Quan Nghiêu, thành viên ban giám đốc của tổ chức “Dialogue China” (Đối thoại Trung Quốc) của Hoa Kỳ, cho biết: “Khi nhìn thấy vụ trộm cắp, bán xác này, cần nghĩ đến cuộc tranh cãi về nguồn gốc thi thể của Công ty Von Hagens dưới thời Bạc Hy Lai. Ngoài ra còn có nhiều đơn vị công quyền và bệnh viện cũng liên quan đến vụ việc này.
Lần đầu tiên vụ trộm và bán thi thể phơi bày sự thiếu giám sát của Chính phủ Trung Quốc trong các vấn đề liên quan, đồng thời cũng phản ánh tình trạng tham nhũng và thông đồng lâu dài giữa các quan chức và doanh nhân ở Trung Quốc.”
Ông chỉ trích: “Những hài cốt bị đánh cắp này chỉ là công cụ kiếm lợi nhuận khổng lồ cho những doanh nhân hoặc quan chức đó. Nó không chỉ làm tổn thương tình cảm của thân nhân người đã khuất, mà còn chà đạp lên nhân phẩm của người đã khuất. Vì vậy, ở Trung Quốc ngày nay, không có thứ gì là không thể bán để kiếm lời.”
- Video: Bí mật đen tối phía sau triển lãm cơ thể người tại Việt Nam
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Ngô Lỗi, một luật sư nhân quyền người Trung Quốc hiện đang sống ở Nhật Bản, cho biết toàn bộ chuỗi ngành tội phạm trộm cắp và bán xác không thể tách rời khỏi quyền lực của ĐCSTQ. Ông nói rằng ở một đất nước không có nhân quyền, hài cốt của con người cũng không được bảo vệ.
Ông cho biết: “Xét từ góc độ Đại Lục, nhiều lực lượng quản lý hơn được sử dụng để giám sát công dân. Ngoài ra, các kênh truyền thông, phóng viên điều tra và tổ chức phi chính phủ đều không còn nữa.
Vốn dĩ các lực lượng này có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giám sát thị trường. Vì vậy chắc chắn không thể trông cậy vào sự giám sát của chính phủ. Trong tình hình hiện tại của Trung Quốc, vẫn sẽ có những vụ việc gây chấn động.”
Trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng cho biết, họ sẽ chú ý đến luật sư Dịch Thắng Hoa, vì không muốn ông trở thành “Lý Văn Lượng” thứ 2, người cảnh cáo sớm dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) sau đó bị cảnh cáo và qua đời trong đại dịch.
Mời xem các bài liên quan:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc Buôn bán thi thể Thi thể người