Một người dân huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đi xe máy không đội mũ bảo hiểm đã bị 2 cảnh sát giao thông truy đuổi đến tận cửa nhà và đánh chết. Người dân phẫn nộ đã vây chặt 2 cảnh sát này, sau đó lực lượng công an đông đảo kéo đến áp giải 2 người đi. Ngày hôm sau, dân làng đến huyện thành giương băng rôn biểu tình, đòi công lý cho người đã khuất.

p3671581a509334759
Người dân huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam giương băng rôn biểu tình tại huyện thành để đòi công lý cho người đã khuất. (Ảnh: MXH)

Ngày 14/7, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền thông tin: Vào buổi chiều cùng ngày một người dân tại đội 10, trấn Thao Quân, huyện Hoa Dung, thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, vì điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm gần làng đã bị 2 cảnh sát giao thông đội 4 huyện Hoa Dung truy đuổi đến tận cửa nhà, xịt hơi cay và dùng dùi cui đánh đập, tử vong ngay tại chỗ.

Một người dân địa phương tên Lý Lâm (tên giả) nói với phóng viên báo Epoch Times rằng nạn nhân tên là Diêu Cương Tài, 52 tuổi, trong nhà có một con gái khoảng hơn 20 tuổi.

Chiều 14/7, ông Diêu chơi bài về, gặp cảnh sát giao thông đang chốt kiểm tra. Vì không đội mũ bảo hiểm và không mang giấy tờ, nên ông quay về nhà lấy giấy tờ. Có thể trong lúc đó đã có lời qua tiếng lại với cảnh sát nên bị 6 người rượt đến tận nhà và dùng dùi cui điện đánh.

Ông nói mình bị bệnh tim nhưng cảnh sát không tin, vừa đánh cú đầu tiên đã khiến ông gục xuống, họ nói ông “giả chết” rồi tiếp tục đánh cú thứ hai. Lúc ấy ông không còn động đậy, họ mới phát hiện ông đã chết.

Người dân phẫn nộ đã vây giữ hai cảnh sát khiến họ không thể thoát thân. Sau đó, nhà chức trách điều động lực lượng công an đông đảo đến hiện trường và cưỡng chế đưa hai người đi.

Ngày hôm sau, trang “Ghi chép các sự kiện phản kháng tập thể tại Trung Quốc” đưa tin về diễn biến vụ việc cảnh sát giao thông Hoa Dung đánh chết dân làng như sau:

  1. Suốt ngày 15/7, có rất đông dân làng tụ tập bên ngoài nhà nạn nhân.
  2. Chính quyền địa phương thông báo rằng “không có tình huống đánh người”, nhưng không công bố video ghi hình thi hành công vụ. Theo cách hành xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nếu thật sự không đánh người, họ đã sớm công bố video làm bằng chứng.
  3. Chính quyền nói họ đang thực hiện chiến dịch “Trăm ngày công phá”, khiến dân liên tưởng đến chiến dịch “Trăm ngày không trẻ em” trước đây. Chiến dịch này khởi xướng vào năm 1991 ở khu vực Liêu Thành, Sơn Đông, khi chính quyền địa phương ra lệnh từ ngày 1/5 – 10/8, bất kể sinh con lần đầu hay thứ hai, hợp pháp hay không, tất cả đều bị ép phá thai để giảm tỷ lệ sinh.
  1. Đính chính: Khi đó không phải chỉ có 2 cảnh sát giao thông, mà có 6 người, trong đó 2 người là cảnh sát chính quy, 4 người là cảnh sát phụ.

Video lan truyền trên mạng cho thấy một người đàn ông nằm bất động dưới đất, nhân viên y tế đến cấp cứu nhưng sau đó bỏ đi. Một số cảnh sát có mặt, xung quanh là đám đông dân làng, có người phẫn nộ tranh luận với cảnh sát.

Người dân địa phương liên tiếp lên mạng đăng bài đòi công lý cho người đã khuất, trong đó có cả cháu gái họ của nạn nhân. Ngày hôm sau, dân làng giương băng rôn biểu tình tại huyện thành để hỗ trợ gia đình nạn nhân đấu tranh đòi quyền lợi.

  • Nội dung bài đăng trên nền tảng X:Ngày 15/7/2025, tại huyện Hoa Dung, thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, một người đàn ông bị cảnh sát giao thông đội 4 huyện Hoa Dung truy đuổi đến tận nhà vì điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, sau đó bị xịt hơi cay và đánh đập bằng dùi cui chết ngay tại chỗ!

Xem ra, ở Trung Quốc, đi xe không đội mũ bảo hiểm là phạm vào luật trời’, vìsự an toàn của bạn, nên người ta có thể đánh bạn đến chết!

Một người dân có tên Triệu Tuấn (tên giả) nói với Epoch Times rằng cảnh sát giao thông bắt lỗi không đội mũ bảo hiểm để phạt tiền, nhằm kiếm thu nhập chứ không hề vì sự an toàn của người dân.

Ông Diêu gặp chuyện ngay trước cửa nhà, ông nói mình bị bệnh mà họ không tin, lại nói ông đang giả vờ, rồi dùng dùi cui đánh chết ông. Hiện tại toàn bộ video ghi lại hiện trường đã bị gỡ xuống. Người dân bao vây nhóm cảnh sát là vì họ đã đánh chết người ngay trước cửa nhà, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Lúc đó, dân làng đã bao vây cảnh sát, sau đó lực lượng đặc nhiệm đến đàn áp sự việc. Theo ông Triệu, không có dân làng nào bị bắt, bởi nếu bắt dân thì vụ việc sẽ còn bùng nổ dữ dội hơn. Người dân đã vây nhóm cảnh sát đánh người trong nhà của một người dân làng bên kia đường, kéo dài đến tận đêm muộn ngày 15/7.

Ông Triệu còn tiết lộ, linh đường của nạn nhân được lập ngay tại nhà. Nghe nói chính quyền vì sợ sự việc lan rộng nên đã bồi thường, vợ của nạn nhân là người ký tên đồng ý dàn xếp. Tuy nhiên, người thân bên nhà chồng không hề biết việc này, dân làng đều trách người vợ không nên làm vậy. Vì bà ấy đã ký tên nên những người khác không thể làm gì hơn, chỉ biết cảm thấy tiếc nuối.

Thông tin liên quan lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc, gây phẫn nộ trong dư luận. Cư dân mạng bảy tỏ sự tức giận:

“Rượt đến tận nhà đánh chết người, đây là cố ý giết người.”

“Đây là lưu manh, xã hội đen rồi!”

“Giờ cảnh sát giao thông cũng dám đuổi đến nhà người ta đánh nữa.”

“Ghê gớm thật, kẻ giết người còn được bảo vệ.”

Cư dân mạng trên nền tảng X ở nước ngoài cũng chỉ trích:

Khác gì thổ phỉ?”

“Còn có pháp luật không? Còn có thiên lý không? Căm thù đám thổ phỉ mặc đồng phục này! Anh ấy là trụ cột gia đình, cả nhà anh ấy sẽ sống sao đây?”

“Họ nói ép đội mũ bảo hiểm là ‘vì bạn’, đánh chết người thì lại nói là do bạn ‘gây rối trật tự công cộng’.”

“ĐCSTQ cho phép luật ác tồn tại, khuyến khích luật ác phổ biến, dung túng người thi hành luật đàn áp dân chúng.”

“Đây là dấu hiệu cho thấy cảnh sát bình thường của ĐCSTQ cũng có thể tùy ý giết người, lạm dụng thi hành công vụ và hành vi trái pháp luật. Tương lai dân chúng sẽ không còn cảm giác an toàn! Chỉ làm tăng thêm khổ đau và khủng hoảng của người dân! Ở một quốc gia không có pháp trị, ai cũng là nạn nhân. Cách duy nhất để thay đổi tình hình là lật đổ ĐCSTQ!”

Về nguyên nhân cái chết của nạn nhân, chính quyền đưa ra nhiều phiên bản khác nhau:

“Bị cảnh sát giao thông chặn lại kiểm tra rồi tử vong.”

“Vượt chốt nên bị truy đuổi đến tận nhà rồi tử vong.”

“Người chết có bệnh nền, hôm đó trời lại nóng.”

“Không có tình huống đánh người.”

Nhưng phần lớn cư dân mạng không tin vào những tuyên bố “tẩy trắng này.

Một công chức ở Hồ Nam tên Lý Hoa (tên giả) nói với Epoch Times rằng chỉ vì không đội mũ bảo hiểm mà bị đánh chết, điều đó cho thấy rõ sự tàn bạo của ĐCSTQ, một chế độ không coi trọng sinh mạng con người. Dưới chế độ độc tài này, không ai có thể tránh khỏi trở thành nạn nhân, chỉ là chưa đến lượt mà thôi.

Ông Lý cho rằng sự tàn bạo này bắt nguồn từ cấp trên xuống dưới, vì bản chất của chủ nghĩa cộng sản là đấu tranh giai cấp, cách mạng bạo lực, đấu tranh vũ trang.

Khi áp dụng tư tưởng ấy vào quản lý xã hội, nó tất yếu sẽ dùng bạo lực để duy trì quyền lực. Điều đó khiến xã hội ngày càng trở nên hung tợn, nhiều người không còn cách nào để sống tiếp. Mâu thuẫn xã hội đã lên đến đỉnh điểm, chỉ cần một mồi lửa cũng đủ để bùng nổ.

Cuối cùng, ông Lý cảm thán rằng người dân ở quốc gia này có vấn đề về tín ngưỡng. ĐCSTQ cổ xúy thuyết vô thần, khiến nhiều người nghĩ rằng làm việc xấu sẽ không có báo ứng, vì vậy không chuyện ác nào họ không dám làm.

ĐCSTQ sùng bái chủ nghĩa cộng sản, nên tất yếu sẽ sùng bái bạo lực cách mạng và đàn áp. Vì thế, thay đổi tín ngưỡng và thay đổi thể chế là con đường duy nhất để cứu Trung Quốc.

Bình Minh (t/h)