Một lời nói của cha mẹ có thể khiến con cái tự ti suốt 20 năm
- Triệu Lượng Hiên
- •
“Sao con mình lại nhút nhát, trong khi con người khác luôn tự tin và dạn dĩ?” Tôi tin rằng nhiều bậc cha mẹ từng thầm nghĩ như vậy. Tuy nhiên, một đứa trẻ có trở nên tự tin, mạnh dạn và thoải mái trong các tình huống hay không phụ thuộc rất lớn vào cách chúng ta giáo dục con cái.
Từ khi còn nhỏ, mẹ của Dĩnh Thần đã cho cô tham gia nhiều lớp học năng khiếu như vẽ tranh và múa. Nhưng mỗi lần cô háo hức khoe với bố mẹ bức tranh mới vẽ hay một điệu múa vừa học, họ lại lạnh lùng buông lời so sánh: “Không ai giỏi bằng người kia cả”.
Dĩnh Thần nói rằng cha mẹ chưa bao giờ khen ngợi cô, dù cô cố gắng đến mức nào. Suốt hơn 20 năm, cô sống trong cảm giác tự ti chỉ vì thiếu đi sự công nhận từ gia đình. Đến nỗi, khi trưởng thành và được người khác khen, cô cũng không tin – trong lòng cô luôn nghi ngờ đó chỉ là những lời khen sáo rỗng.
Một vài năm trước, cô được nhận vào công việc mới với mức lương lý tưởng. Trong buổi họp tổng kết cuối năm của công ty, lãnh đạo khuyến khích nhân viên mới tham gia biểu diễn văn nghệ để tạo không khí vui vẻ. Với tư cách là nhân viên mới trong phòng Hành chính – Nhân sự, cô biết đây là cơ hội tốt để tạo ấn tượng với mọi người.
Nhưng vì những lời ngăn cản từ nhỏ – “đừng phô trương”, “đừng thể hiện” – cô chần chừ, rồi cuối cùng không đăng ký. Cô vẫn nhớ cảm giác đấu tranh nội tâm ấy – cô muốn bước lên sân khấu, nhưng sự kìm nén đã thắng.
Vài ngày trước kỳ nghỉ Tết, cấp trên của cô đã mời cô vào nói chuyện. Họ chia sẻ rằng, qua quan sát, cả giám đốc và vợ ông đều cảm thấy tính cách của cô không phù hợp với vị trí hiện tại và muốn cô nghỉ việc trong thời gian thử việc. Họ không đề cập đến năng lực công việc, mà chỉ nhấn mạnh cô quá hướng nội, thiếu linh hoạt và không thể hòa nhập.
Dĩnh Thần cảm thấy vô cùng bất công. Cô biết mình làm việc nghiêm túc, không mắc sai sót. Nhưng điều khiến cô bị loại lại chỉ là tính cách – thứ vốn bị ảnh hưởng từ cách giáo dục khắt khe của cha mẹ. Sau đó, cô mất hẳn sự tự tin, không dám ứng tuyển vào nơi khác, lo sợ sẽ lại bị từ chối.
Câu chuyện của Dĩnh Thần cho thấy: cách cha mẹ cư xử và những lời họ nói mỗi ngày có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của trẻ. Những bậc cha mẹ biết cách động viên, khen ngợi con sẽ nuôi dưỡng được những đứa trẻ tự tin.
Ngược lại, cha mẹ hay so sánh, trách mắng sẽ khiến con cái dễ trở thành người tự ti, thu mình.
Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng một đứa trẻ tự tin? Dưới đây là bốn nguyên tắc quan trọng:
1. Biết cách khen con đúng lúc, đúng cách
Nhà tâm lý học William James từng nói: “Một trong những nhu cầu sâu sắc nhất của con người là được công nhận và khẳng định”.
Khi trẻ được cha mẹ khen ngợi, chúng sẽ cảm thấy được thấu hiểu và ghi nhận. Tuy nhiên, khen sao cho hiệu quả lại là điều không đơn giản. Những lời khen sáo rỗng như “Con giỏi lắm”, “Tuyệt vời quá” nếu lặp đi lặp lại sẽ mất tác dụng. Trẻ có thể trở nên “nhờn” với lời khen, hoặc nghĩ rằng mình chỉ tốt khi được tâng bốc.
Thay vào đó, hãy khen vào hành động cụ thể. Ví dụ, thay vì nói “Con thật tuyệt”, hãy nói: “Mẹ rất vui vì con đã tự dọn dẹp phòng mà không cần nhắc”. Cách khen này vừa chân thành, vừa giúp trẻ hiểu được giá trị của việc mình làm.
2. Trau dồi kỹ năng để trẻ có nền tảng vững vàng
Sự tự tin chân chính không đến từ lời khen, mà từ năng lực thật sự – tức là khi trẻ có kỹ năng và cảm thấy mình làm được việc.
Một người bạn của tôi đã dạy con bơi từ nhỏ, và luôn đồng hành cùng con trong các hoạt động thể thao. Đến nay, cậu bé không chỉ có sức khỏe tốt, mà còn tự tin và chủ động nhờ những trải nghiệm thành công qua các cuộc thi.
Vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ thử nhiều môn học, hoạt động và các môn thể thao khác nhau. Khi trẻ tìm thấy điều mình yêu thích và kiên trì theo đuổi, kỹ năng sẽ dần hình thành – và sự tự tin sẽ tự nhiên xuất hiện.
3. Yêu thương vô điều kiện
Tình yêu vô điều kiện nghĩa là yêu con không phụ thuộc vào thành tích hay hành vi của con.
Tuy nhiên, thực tế nhiều cha mẹ thường đặt điều kiện: “Nếu con hư, mẹ sẽ không thương nữa”, hoặc “Học giỏi thì bố sẽ mua đồ chơi”. Điều này khiến trẻ cảm thấy tình yêu là thứ có thể bị tước đi bất cứ lúc nào, từ đó hình thành cảm giác bất an và sợ hãi.
Một đứa trẻ cảm nhận được rằng dù mình đúng hay sai, vẫn luôn có nơi để quay về – sẽ có xu hướng sống tích cực, không ngại thử thách. Cha mẹ hãy thể hiện tình yêu qua hành động bao dung khi trẻ mắc lỗi, lắng nghe khi trẻ khóc, và đồng hành thay vì trừng phạt.
4. Trao quyền quyết định cho con
Nhiều bậc cha mẹ có xu hướng quyết định mọi thứ thay con: học gì, chơi gì, kết bạn với ai. Điều này vô tình khiến trẻ trở nên thụ động, thiếu chủ động và kém tự tin.
Trẻ cần được trải nghiệm việc tự đưa ra quyết định, dù đôi khi là quyết định sai. Miễn là không đụng đến vấn đề an toàn hay đạo đức, những lựa chọn sai lầm sẽ là bài học quý giá giúp trẻ trưởng thành.
Nhà giáo dục Trần Hạc Cần từng nói: “Khi trẻ tiến một bước, người lớn nên lùi một bước.” Chỉ khi được tự do làm chủ những việc thuộc về mình, trẻ mới phát triển tinh thần trách nhiệm và sự tự tin vào khả năng cá nhân.
Sự tự tin của trẻ không phải là điều chúng ta dạy, mà là điều chúng ta nuôi dưỡng. Nó được hình thành từ những lời động viên chân thành, từ môi trường gia đình ấm áp, từ những trải nghiệm được quyết định và được yêu thương đúng cách.
Một đứa trẻ biết tin vào chính mình và dám chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình sẽ dễ dàng thích nghi, học hỏi và phát triển trong tương lai.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang
