Báo cáo: ĐCSTQ gia tăng đàn áp Pháp Luân Công, đặc biệt là người cao tuổi
- Minh Nhật
- •
Ngày 10 tháng 7 vừa qua, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, một tổ chức có đăng ký của người tập Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ, đã đăng tải một báo cáo mới cho thấy việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang leo thang cuộc đàn áp Pháp Luân Công với các hình thức mới. Theo đó, dựa trên các số liệu không đầy đủ thu thập được, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2025, báo cáo ghi nhận hàng loạt vụ bắt giữ có hệ thống, đặc biệt nhắm vào người cao tuổi và những người tập Pháp Luân Công từng thoát khỏi sự truy bắt của ĐCSTQ hơn một thập kỷ trước. Phân tích chỉ ra việc chính quyền Trung Quốc đang sử dụng công nghệ giám sát, mạng lưới dân phòng và các chiến dịch phối hợp để bắt giữ cả những người đơn thuần chỉ đọc sách của Pháp Luân Công tại nhà.
Suốt hơn 25 năm qua, ĐCSTQ đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào người tập Pháp Luân Công. Trong những năm đầu của cuộc đàn áp, ít ai có thể tưởng tượng rằng Pháp Luân Công có thể tồn tại và chiến dịch bạo lực của ĐCSTQ vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, đó chính là thực tế ngày nay. Trong những năm gần đây, chế độ Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực để theo dõi, giam giữ, kết án và “chuyển hóa” người tập Pháp Luân Công trong nước, cũng như giám sát, quấy rối, bịt miệng và bôi nhọ nhóm tín ngưỡng này ở khắp nơi trên thế giới.
Mức độ, phạm vi và trọng tâm của cuộc đàn áp có lúc tăng lúc giảm. Cụ thể, lực lượng an ninh ĐCSTQ định kỳ phát động các chiến dịch mới để quấy rối và bắt giữ người tập nhằm buộc họ từ bỏ đức tin và ngăn chặn việc họ truyền bá thông tin vạch trần tuyên truyền của chế độ, vạch trần các hành vi vi phạm nhân quyền và lịch sử bạo lực của ĐCSTQ, hoặc hướng dẫn người dân Trung Quốc cách vượt qua tường lửa kiểm duyệt internet.
Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, nhiều khu vực tại Trung Quốc ghi nhận sự gia tăng số người tập Pháp Luân Công bị bắt giữ. Đồng thời, trong những năm đầu ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ, một số khu vực ghi nhận mức độ truy đuổi người tập của lực lượng an ninh giảm đi. Một báo cáo năm 2017 của tổ chức Freedom House nhận định có “lỗ hổng trong cuộc đàn áp”, trong đó nêu rõ:
“Chủ tịch Tập Cận Bình chưa đưa ra chỉ dấu rõ ràng nào về việc đảo ngược chính sách của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Tuy nhiên, việc thanh trừng và bỏ tù cựu ‘sa hoàng an ninh’ Chu Vĩnh Khang cùng các quan chức khác liên quan đến chiến dịch đàn áp này trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, cùng với nỗ lực bền bỉ của người tập Pháp Luân Công nhằm nâng cao nhận thức và thuyết phục cảnh sát không đàn áp họ, đã tạo ra tác động nhất định.”
FDIC (Ủy ban Tự do Tín ngưỡng Quốc tế Hoa Kỳ) hiện đang theo dõi sát các báo cáo đàn áp từ Trung Quốc. Và vào đầu năm 2025, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự gia tăng các vụ bắt giữ nhắm vào những người tập Pháp Luân Công lớn tuổi hoặc những người từng tránh khỏi bị bắt trong hơn một thập kỷ, nay lại bị giam giữ và kết án.
Phân tích của họ dựa trên các vụ việc được ghi nhận bởi Minghui.org (một trang web chuyên thu thập thông tin về đàn áp Pháp Luân Công từ nguồn tin sơ cấp trực tiếp từ mạng lưới trong và ngoài Trung Quốc) và Weiquanwang (một website tổng hợp các báo cáo vi phạm nhân quyền từ các nhà hoạt động khắp Trung Quốc). Các vụ việc này được công bố từ ngày 5 tháng 2 đến 5 tháng 4 năm 2025. Mẫu phân tích này được so sánh với các vụ việc tương tự trong cùng thời gian từ năm 2022 đến 2024. Do sự kiểm duyệt chặt chẽ của ĐCSTQ đối với thông tin liên quan đến vi phạm nhân quyền — đặc biệt là đối với người tập Pháp Luân Công — dữ liệu thu thập được không thể đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn có thể rút ra các nhận định và khuynh hướng từ các thông tin và mẫu vụ việc hiện có.
Các xu hướng rút ra từ mẫu này cho thấy lực lượng an ninh Trung Quốc ngày càng chủ động dựa vào dữ liệu cũ về tên tuổi và địa điểm của người tập Pháp Luân Công để bắt giữ họ. Sự leo thang này trùng hợp với sự gia tăng các vụ đàn áp xuyên quốc gia từ năm 2023 nhắm vào người tập Pháp Luân Công ở ngoài Trung Quốc. Diễn biến đó xảy ra sau bài phát biểu năm 2022 của ông Tập Cận Bình, trong đó ông tỏ ra bất mãn vì thất bại trong việc xóa sổ Pháp Luân Công và kêu gọi lực lượng an ninh “xóa bỏ hoàn toàn” Pháp Luân Công trên toàn cầu.
Báo cáo của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp tổng hợp 10 xu hướng nổi bật từ các mẫu nghiên cứu:
1. Hơn 50 người tập Pháp Luân Công bị bắt sau 10 năm không bị giam giữ
Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2025, ít nhất 53 trường hợp người tập từng bị bắt giam đầu những năm 2000 nhưng đã tránh bị giam giữ trong hơn một thập kỷ nay lại bị bắt. Họ bị bắt lại sau trung bình 16 năm. Hơn một nửa trong số này (28 người) đã bị kết án tù tới 9 năm, và 2 người được báo cáo đã chết vì bị bức hại. Việc lực lượng an ninh chuyển từ theo dõi và quấy rối sang bắt giữ và kết án là dấu hiệu rõ rệt cho thấy mức độ đàn áp gia tăng.
2. Số lượng người tập bị bắt sau hơn 10 năm đang tăng từ năm 2022
Việc theo dõi và bắt giữ người tập từng bị tù giam đã xảy ra trước đây. Tuy nhiên, phân tích trong cùng khung thời gian cho thấy xu hướng gia tăng đều đặn từ năm 2022, với số vụ gần như gấp đôi vào năm 2023 và tiếp tục duy trì ở mức cao.
3. Hàng chục người tập khác bị bắt lần đầu trong vòng hai tháng
Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2025, ít nhất 49 người tập đã bị bắt lần đầu, dù đã tu Pháp Luân Công trong nhiều năm. Hai phần ba trong số này (37 người) đã bị kết án tù tới 8 năm với quy trình tố tụng bị nghi vấn. Ít nhất một người đã chết.
4. Công an Trung Quốc thực hiện các vụ bắt giữ có phối hợp quy mô lớn
Có 39 trường hợp (hơn một phần ba tổng số) bị bắt giữ khi lực lượng công an bắt cùng lúc nhiều người tại địa phương. Ví dụ, vào tháng 6/2024 tại tỉnh Vân Nam, 30 người tập bị bắt chỉ trong vài ngày, 9 người bị kết án tù. Những cuộc bố ráp này thường nhắm vào những người tập phân phát tài liệu về Pháp Luân Công hoặc phân phát tài liệu về vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
5. Công nghệ giám sát và người dân tố giác dẫn đến các vụ bắt giữ
Có 11 trường hợp bị bắt vì camera giám sát phát hiện họ nói chuyện hoặc phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Trong 19 trường hợp khác, họ bị người dân tố cáo vì phân phát tờ rơi hoặc chia sẻ công nghệ vượt kiểm duyệt. Một số báo cáo đề cập đến hệ thống ngầm cấp cơ sở của ĐCSTQ. Đây là mạng lưới theo dõi người dân qua công nghệ và mạng lưới người báo cáo.
6. Công an Trung Quốc bắt giữ người tập chỉ vì đọc sách tại nhà
Trong 59 trên 102 trường hợp, lý do bị bắt là vì người tập đang đọc sách Pháp Luân Công tại nhà riêng hoặc nhà bạn bè — một quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng. Trong 32 trường hợp khác, người tập bị bắt vì nói chuyện hoặc chia sẻ tài liệu về Pháp Luân Công, về ĐCSTQ hoặc chia sẻ công nghệ vượt tường lửa.
7. Phần lớn người tập bị bắt là phụ nữ
Trong 102 vụ, 72% (73 người) là nữ. Ngoài việc có nguy cơ bị tra tấn, các phụ nữ tập Pháp Luân Công còn đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao hơn trong thời gian bị giam giữ.
8. Người tập cao tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Tuổi trung bình của 102 người bị bắt là 64, trong đó ít nhất 74% (65 người) trên 60 tuổi và 7 người trên 80. Tuổi cao làm tăng nguy cơ tử vong trong tù hoặc tử vong do bị lạm dụng.
9. Các vụ bắt giữ diễn ra trên khắp Trung Quốc
19 trên 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương xảy ra ít nhất 1 vụ bắt giữ. Việc bắt giữ xảy ra nhiều nhất tại Cát Lâm, Liêu Ninh, Sơn Đông — nơi Pháp Luân Công lần đầu được truyền ra công chúng.
10. Gần một nửa các vụ bắt giữ được ghi nhận bởi ít nhất hai nguồn tin
Toàn bộ 102 vụ đều được trang Minghui.org ghi nhận; 49 trong số đó cũng xuất hiện trên Weiquanwang. Sự trùng khớp từ hai nguồn giúp kiểm chứng và tăng độ tin cậy.
Gần 26 năm kể từ khi ĐCSTQ phát động chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công bằng bạo lực, môn này vẫn tồn tại tại Trung Quốc, với hàng triệu người tiếp tục thực hành. Cảnh sát và lực lượng an ninh của ĐCSTQ tiếp tục bắt giam và kết án hàng loạt người tập. Việc theo dõi và phân tích các vụ việc như vậy đem lại cái nhìn sâu sắc về quy mô và xu hướng của cuộc đàn áp.
Xem toàn văn báo cáo (bản tiếng Anh) tại đây
Theo Faluninfo.net
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- TQ: Tù nhân lương tâm 60 tuổi bị tra tấn đến chết sau 5 ngày tù giam
- Nửa đầu năm 2024, 33 người tập Pháp Luân Công bị bức hại đến chết
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công
