TQ: Chứng kiến mẹ bị bức hại từ khi lên 6, vẫn kiên định đức tin, bị kết án phi pháp
- Minh Nhật
- •
Ngày 31/8/2023 vừa qua, theo thông tin công bố từ Minghui, một cổng thông tin của Pháp Luân Công ở hải ngoại, cô Trương Hỷ Duy, một người tập Pháp Luân Công 30 tuổi sống ở Thiểm Tây, đã bị đưa tới Nhà tù Nữ Tỉnh Thiểm Tây vào ngày 29/6/2023. Được biết cô Trương Hỷ Duy theo mẹ tập Pháp Luân Công từ trước năm 1999. Năm lên 6 tuổi, cô từng chứng kiến và trải qua thời điểm khó khăn khi mẹ cô bị bức hại chỉ vì tín ngưỡng. Trường hợp của cô Trương cho thấy một thực tế về cuộc đời của những đứa trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc đàn áp tín ngưỡng lớn nhất tại Trung Quốc trong suốt hơn 2 thập kỷ qua.
Cổn thông tin Minghui cho biết cô Trương Hỷ Duy đã bị đưa tới Nhà tù Nữ Tỉnh Thiểm Tây thi hành án sau khi việc kháng cáo chống lại bản án 4,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công của cô bị bác bỏ.
Gia đình cô đã đến nhà tù ở thành phố Tây An vào các ngày 25/7 và ngày 25/8, nhưng cả hai lần nhà tù đều từ chối yêu cầu thăm thân của họ. Họ được thông báo rằng họ không thể gặp cô, “vì cô ấy vẫn chưa từ bỏ Pháp Luân Công”. Gia đình hiện đang rất lo lắng cho cô vì biết về sự tra tấn tàn bạo mà người tập Pháp Luân Công phải đối mặt trong các nhà tù ở Trung Quốc.
Cô Trương bị bắt tại nhà riêng vào ngày 21/7/2021 chỉ vì tập Pháp Luân Công. Vào 10 giờ tối hôm đó, hơn 10 cảnh sát đã đột nhập trái phép vào nhà cô, tịch thu sách của Pháp Luân Công, máy tính và các thiết bị khác.
Cô Trương bị đưa tới Đồn Công an đường Côn Minh và bị giam ở đó đến sáng ngày 23/7. Cảnh sát đưa cô đi kiểm tra sức khỏe và sau đó đưa vào trại tạm giam địa phương.
Khi biết gia đình cô Trương đã thuê luật sư cho cô, cảnh sát đã đi đến nhà mẹ đẻ của cô ở huyện Lễ Tuyền vào ngày 18/8/2021. Họ tra hỏi bà, người đã thuê luật sư và gửi thông tin trường hợp của con gái mình cho cổng thông tin Minghui. Họ đe dọa sẽ bắt giữ bà nếu bà không hợp tác. Bà từ chối cung cấp mọi thông tin và lên án cảnh sát đã vi phạm pháp luật khi đe dọa bà.
Cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của cô Trương tới Viện Kiểm sát quận Nhạn Tháp. Tòa án quận Nhạn Tháp đã xét xử cô Trương từ xa qua video vào ngày 30/5/2022. Bởi không đủ bằng chứng buộc tội, thẩm phán đã trả lại vụ án cho công tố viên.
Tuy nhiên, đến ngày 16/8/2022, thẩm phán đã mở phiên xét xử thứ 2 qua video và công tố viên lại đưa ra chính những bằng chứng cũ kia và xem đó như bằng chứng mới. Thẩm phán kết án cô Trương 4,5 năm tù giam và phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 22/11/2022.
Trong suốt 24 năm sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra vào năm 1999, cô Trương đã từ đứa trẻ 6 tuổi trở thành một người phụ nữ 30 tuổi. Cô là nhân chứng sống chứng kiến sự bức hại đối với mẹ, và sau đó là đối với bản thân.
Cô Trương từng kể lại những bức hại mà bản thân đã trải qua trong giai đoạn khó khăn của tuổi thơ:
Từ khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã dạy tôi chiểu theo các Pháp lý của Pháp Luân Công để làm một người trung thực, thiện lương và biết nghĩ cho người khác. Tôi luôn tâm niệm rằng tôi là một học viên Pháp Luân Công và sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi được nhiều giáo viên và bạn cùng lớp yêu quý.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, gia đình tôi đã sống trong bóng tối bao phủ và liên tục bị sách nhiễu, khủng bố.
Năm 2000, mẹ tôi bị cảnh sát của Công an huyện Lễ Tuyền bắt giữ. Sau đó, bà bị kết án 18 tháng lao động khổ sai ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Thành phố Tây An. Trong thời gian đó, ông bà nội tôi đã ngoài 70 tuổi, họ vừa phải chăm sóc cho tôi và hai anh chị em của tôi, vừa phải canh tác trên mảnh ruộng của gia đình. Ngoài sự suy kiệt về thể chất, họ còn thường xuyên lo lắng cho sự an nguy của mẹ tôi, điều này khiến họ vô cùng đau khổ về tinh thần.
Năm 2002, sau khi mẹ tôi được trả tự do, tôi nhận thấy có nhiều vết bầm tím lớn ở chân của bà. Tôi hỏi mẹ đã có chuyện gì đã xảy ra với bà, nhưng mẹ không nói với tôi bất kỳ điều gì. Sau này tôi mới biết là mẹ đã bị tra tấn ở trong trại lao động. Tôi cũng đọc trên Minghui.org về các hình thức tra tấn mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu trong khi bị giam giữ, bao gồm đánh đập, sốc điện, bức thực và thậm chí là mổ cướp nội tạng.
Vào một ngày của năm 2007, khi tôi đi học về thì thấy có nhiều người đang cố gắng bắt giữ mẹ tôi một lần nữa. Lo sợ cảnh sát có thể làm hại chúng tôi, dì tôi đã bảo tôi và các anh chị em tôi rời khỏi nhà. Ba chúng tôi chạy ra vườn trái cây trước nhà. Khi chúng tôi trở về thì mẹ chúng tôi đã không còn ở nhà nữa. Đây là một đòn nặng giáng vào ông nội tôi, khi đó ông đã ngoài 80 tuổi. Ông qua đời vài ngày sau khi mẹ tôi được thả.
Vào một buổi tối năm 2008, khi tôi và em trai 13 tuổi đang ở nhà một mình thì có người tới gõ cửa. Tôi mở cửa và người đó hỏi tôi: ‘Mẹ cháu đâu?’ Tôi nói tôi không biết. Họ bảo một người ở lại nhà để theo dõi còn những người còn lại lái xe đến nhà chú tôi để tìm mẹ tôi.
Khi họ quay lại nhà tôi vào khoảng 10 giờ đêm, tôi chạy ra ô tô. Người tài xế cười nhạo tôi và thản nhiên nói: ‘Mẹ cô không có trong xe đâu’. Anh ta có thể cho rằng vẻ mặt lo lắng của tôi thật buồn cười, nhưng anh ta không biết là họ đã gây ra bao nhiêu tổn thương cho gia đình chúng tôi mỗi lần họ bắt giữ mẹ tôi và việc đó đã gây ra những tổn thương gì cho tôi lúc 15 tuổi.
Giống như nhiều trường hợp bị bức hại khác, trường hợp của cô Trương đã được công bố trên Minghui.org, một cổng thông tin thường xuyên đăng tải bằng chứng trực tiếp từ nguồn tin sơ cấp (nhân chứng trực tiếp) tại Đại lục về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Số liệu từ Minghui đã được nhiều tổ chức nhân quyền công nhận, được trích dẫn trong các phát biểu và các báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Theo Minghui.org
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- TQ: Bé gái 6 tuổi mồ côi, là nạn nhân bị đàn áp từ trong bụng mẹ
- Chuyện đời nữ du học sinh Canada muốn giải cứu mẹ bị bức hại tại TQ
Mời xem video:
Từ khóa Dòng sự kiện cuộc sống sau bức hại đàn áp Pháp Luân Công