Ngày 3/4/2023, học viên Pháp Luân Công Vương Kiến ở Tp. Tuân Hoa, trực thuộc Tp. Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã bị tra tấn đến chết tại Nhà tù Ký Đông. Nhưng nhà tù này đã che đậy sự thật. Người nhà ông Vương đã đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của ông. Ngày 30/7, họ buộc phải nhận tiền bồi thường 150.000 nhân dân tệ (khoảng 524 triệu VNĐ) và hỏa táng thi thể ngay hôm sau.

Vuong Kien 2
Ông Vương Kiến, một học viên Pháp Luân Công 73 tuổi ở Tp. Tuân Hóa trực thuộc Tp. Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, bị bắt cóc và bị kết án oan 7 năm. Ông bị tra tấn đến chết tại nhà tù Ký Đông vào ngày 3/4/2023. (Ảnh: Minghui.org)

Ông Vương Kiến, 73 tuổi, là một nông dân ở làng Hưng Vượng Trại, thị trấn Hưng Vượng Trại, Tp. Tuân Hóa. Ông từng mắc nhiều bệnh như bệnh tim mạch vành và đau thắt ngực.

Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 và khỏi bệnh trong một thời gian ngắn. Ông chăm sóc người vợ nằm liệt giường nhiều năm rất chu đáo, được dân làng đánh giá là một người tốt.

Pháp Luân Công hướng dẫn mọi người tu luyện theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, có tác dụng thần kỳ trong việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe, mang lại lợi ích cho con người cả về thể chất lẫn tinh thần.

Năm 1999, chế độ Giang Trạch Dân bắt đầu cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công. Đến nay đã có 5.099 học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã bị bức hại đến chết.

Vì kiên trì với đức tin của mình, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhiều lần lục soát nhà của ông Vương, bắt cóc và bỏ tù ông. Ông Vương Kiến bị đưa đi lao động cưỡng bức bất hợp pháp, bị kết án và tống tiền.

Khoảng 3h sáng ngày 6/7/2019, ông bị bắt cóc khỏi nhà. Tháng 11/2020, ông bị kết án oan 7 năm và đưa đến Nhà tù số 2 (Khu trại giam số 5) của chi nhánh Ký Đông, thành phố Đường Sơn.

Cái chết bất ngờ khiến người nhà nghi vấn

Trưa ngày 3/4/2023, gia đình ông Vương Kiến bất ngờ nhận được cuộc gọi từ nhà tù, thông báo rằng ông đang hôn mê. Một giờ sau, người nhà ông vội vàng đến bệnh viện. Họ bàng hoàng và bối rối phát hiện rằng ông đã qua đời trong tư thế ngẩng đầu lên, mắt hơi mở và miệng hơi hé.

Một tháng trước, ngày 2/3, nhà tù đã xét xử ông Vương Kiến, và cho biết ông có sức khỏe tốt. Sau vụ việc, các quan chức nhà tù khẳng định ông chết vì bệnh tật hoặc đột tử.

Gia đình đã hỏi bác sĩ cấp cứu 120 về nguyên nhân cái chết của ông. Bác sĩ cho biết không thể chắc chắn và rất khó để suy đoán, nhưng ông nhiều lần nhấn mạnh rằng khi xe cấp cứu 120 đến nhà tù, đồng tử của ông Vương Kiến đã giãn ra và không có máu lưu thông.

Gần 7h tối, ông Vương Kiến tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi cho biết, phần thi thể phía dưới mặt, kể cả tai và lưng, đều có màu tím đen. Trên ngực ông có vết tròn, mu bàn tay phải bầm tím, thắt lưng có vết xước. Khi lật người lại để kiểm tra, thì thấy một chất lỏng không xác định rỉ ra từ tai trái.

Người nhà được biết, vào trưa ngày 3/4, sau khi xong việc, ông Vương Kiến trở về phòng giam chuẩn bị ăn trưa, nhưng bị đội trưởng cai ngục gọi đến nói chuyện. Sau khi trở về phòng giam, ông đi ăn trưa nhưng ngã xuống đất và bất tỉnh khi đang ăn. Không biết đội trưởng nhà tù đã nói chuyện gì với ông.

Giám đốc nhà tù nói với con gái ông rằng đội trưởng cai ngục đã hỏi ông Vương Kiến rằng ông ấy có cảm thấy không khỏe không, và có cần chữa trị không. Gia đình tỏ ra nghi ngờ về điều này.

Trong video cấp cứu, người nhà thấy các tù nhân đều đang cấp cứu kiểu đối phó. Lúc đầu họ không mặc áo khoác trắng, sau đó có lúc họ đều mặc áo khoác trắng.

Gia đình hỏi trại giam có máy khử rung tim (thiết bị sơ cứu) không. Quản giáo nói rằng ở bệnh xá trại giam có một cái. Người nhà ông rất thắc mắc tại sao họ không dùng nó cho ông.

Video cũng cho thấy, khi xe cứu thương 120 đến nhà tù, bác sĩ thăm khám là một phụ nữ, còn bác sĩ cấp cứu mà gia đình ông nhìn thấy lại là một người đàn ông.

Ngày 6/4/2023, người nhà ông đến Viện kiểm sát địa phương để khám nghiệm tử thi của ông, thì được nói là phải mổ thi thể từ cổ đến bụng dưới, cho nội tạng và não vào thùng chứa, lấy mẫu sau khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, sau đó may thi thể gửi lại cho người nhà. Sau khi nghe tin, người nhà ông sợ tới mức không dám tiến hành khám nghiệm tử thi.

Chính quyền nhà tù và các công tố viên cố tình chậm trễ trong việc điều tra nguyên nhân cái chết của ông Vương Kiến. Nhà tù cho biết ông chết vì bệnh tật.

Nhưng họ lại yêu cầu người nhà đến thôn xin cấp giấy xác nhận gia cảnh khó khăn, và nói rằng họ sẽ được trợ cấp khó khăn. Nhiều dấu hiệu khác nhau khiến gia đình nghi ngờ nguyên nhân cái chết của Vương Kiến có nhiều bất thường.

Người trong cuộc tiết lộ: Ông Vương Kiến bị tra tấn đến chết trong tù

Tháng 8/2023, trang Minghui.org tiết lộ, một người trong cuộc nói rằng khi đến nhà tù, ông Vương Kiến có sức khỏe tốt và sắc mặt hồng hào. Vì ông không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, cai ngục khu vực nhà tù số 5 có tên Lý Tráng đã tra tấn ông bằng dùi cui điện và bình xịt hơi cay.

Sau đó, ông Vương Kiến bị giam trong đội quản lý nghiêm ngặt và bị bức hại. Sau khi ông bị chuyển trở lại Khu số 5, cai ngục Lý Tráng và những người khác lại tiếp tục ép ông từ bỏ đức tin của mình. Dưới sự bức hại áp lực cao, sức khỏe của ông ngày càng xấu đi. Chừng 2, 3 tháng sau ông qua đời.

Người nhà theo đuổi công lý, nhà tù ngăn cản, đe dọa

18 ngày sau cái chết của ông Vương Kiến, con gái ông đã đến Viện Kiểm sát Đường Sơn, chính quyền quận Tào Phi Điện, chính quyền Tp. Đường Sơn và nhà tù, để nêu lên vô số nghi vấn, nhằm tìm ra nguyên nhân cái chết của cha cô.

Gia đình yêu cầu tiết lộ thông tin liên quan, nhưng quan chức nhà tù từ chối. Khi họ tiếp cận viện kiểm sát, các công tố viên cũng đùn đẩy trách nhiệm. Họ nói rằng việc này liên quan đến vấn đề bí mật quốc gia của nhà tù, và quyền hình ảnh của những người liên quan.

Người nhà ông đã gọi cho Cục Bí mật Đường Sơn và Cục Bí mật Nhà nước về cách nộp đơn xin tiết lộ thông tin bí mật. Cả 2 cơ quan này đều đùn đẩy trách nhiệm và nói rằng họ “chỉ làm việc với các đơn vị, không làm việc với cá nhân”.

Trong hơn 300 ngày tiếp theo, gia đình đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao tỉnh Hà Bắc. Cuối cùng, nhà tù hứa với Tòa án tối cao sẽ cấp cho gia đình ông Vương Kiến 150.000 nhân dân tệ (khoảng 524 triệu VNĐ) như một khoản “trợ cấp khó khăn”. Lúc đó, gia đình ông không đồng ý và muốn biết sự thật.

Trong quá trình này, nhà tù đã dùng nhiều thủ đoạn để trốn tránh trách nhiệm, và lợi dụng mối quan hệ với các bên để gây áp lực lên gia đình ông Vương Kiến. Họ đe dọa rằng công việc của người nhà ông sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời gây áp lực lên lãnh đạo đơn vị công tác của con trai ông. Gia đình ông rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ.

Ngày 29/7 năm nay, nhà tù đã gọi lại cho con trai của ông và yêu cầu thương lượng với anh vào sáng ngày 30/7.

Nhà tù đã trả 150.000 nhân dân tệ để hỏa táng thi thể ông Vương Kiến ngay lập tức. Sau khi đạt được thỏa thuận, họ rút tiền mặt đưa cho con trai của ông, nhưng không đưa chứng từ kèm theo, cũng không cho phép anh chụp ảnh để lưu vào hồ sơ.

Ngày 31/7, thi thể của ông Vương Kiến được hỏa táng tại Nhà tang lễ Tào Phi Điện ở Đường Sơn, nơi có Nhà tù Ký Đông. Con gái ông lái xe đến cổng Sở Công an thành phố Tuân Hóa, Đường Sơn. Với bình tro cốt trên tay, cô quỳ xuống than khóc về nỗi oan khuất của cha mình. Cô yêu cầu được gặp người phụ trách vụ án nhưng bị từ chối.

Ngày 1/8, gia đình tổ chức tang lễ cho ông Vương Kiến tại quê nhà.

Tính đến năm 2023, ông Vương Kiến là một trong 36 học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết tại Nhà tù Ký Đông. Độ tuổi trung bình của những nạn nhân đã khuất là khoảng 60 tuổi.

Ngày 25/6/2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông quaDự luật bảo vệ Pháp Luân Công(H.R.4132). Dự luật yêu cầu “ĐCSTQ phải ngay lập tức chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công”, chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ đối với các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.

Screenshot 2024 07 02 at 7.08.33 AM
Dự luật bảo vệ Pháp Luân Công. (Ảnh chụp màn hình)

Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe.

Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.

Bình Minh (t/h)