TQ: Người phụ nữ khỏa thân bị trói trên thành cầu, chính quyền bác tin đồn
- Lê Tiểu Quỳ
- •
Mạng Trung Quốc lan truyền tin, một người phụ nữ lõa thể đã “bị trói tay chân trong một khu công nghiệp ở Tô Châu và đầu bị bầm tím”. Mặc dù chính quyền đã bác bỏ tin đồn, nhưng dư luận yêu cầu phải công bố chi tiết vụ việc.
Theo NetEase, một người trong cuộc cho biết, vụ việc xảy ra tại Khu công nghiệp Tô Châu, có người đi làm vào sáng sớm phát hiện một phụ nữ khỏa thân bị trói vào thành cầu không thể di chuyển, nên đã gọi cảnh sát. Một người dân tốt bụng đi qua đã cởi áo che cho người này. Khi cảnh sát đến, họ thấy trên đầu người phụ nữ có máu nên đã gọi cấp cứu 120. Lúc này, cô ấy vẫn đang rên rỉ đau đớn.
Theo những hình ảnh và video liên quan, lúc đó tay chân của người phụ nữ bị trói vào thành cầu, thân thể nằm trên mặt cầu thành hình chữ U và không thể cử động. Vì không rõ tình hình cụ thể nên hầu hết mọi người đều không dám ra tay giải cứu. Trong video, người phụ nữ với vẻ mặt đau đớn và tuyệt vọng, liên tục lặp đi lặp lại “Tôi đau quá, đau quá!”.
Nhiều cư dân mạng thắc mắc, rốt cuộc thù oán thế nào mới có thể đối xử với một người phụ nữ như thế. Một người được cho là người trong cuộc tiết lộ, người phụ nữ này bị bắt quả tang ngoại tình với đồng nghiệp nam, sau khi vợ của nam đồng nghiệp phát hiện, đã ngồi canh ở một khách sạn gần hết đêm, khi người phụ nữ ra ngoài thì kéo cô ta lên xe rồi trói trên cầu.
Có cư dân mạng cảm thán, ở Trung Quốc Đại Lục suy đồi về mặt đạo đức ngày nay, một số nơi thường xuyên có người thứ 3 bị bắt và ‘hiện nguyên hình’, vì để trừng trị những người này, có người đã nghĩ đến việc hạ nhục họ bằng cách lột trần, có người còn bị trói vào cột điện.
Những tiết lộ này hiện không thể xác thực được.
Nền tảng bác bỏ tin đồn chung của thành phố Tô Châu gần đây đã viết bài nói đây là tin tức cũ được “xào lại” và không đúng sự thật, “Mong cư dân mạng đừng tin hay lan truyền tin đồn!”
Tuy vậy, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: “Là tin cũ nhưng có thực sự xảy ra không? Xảy ra ở đâu? Yêu cầu công bố chi tiết vụ việc.”
Một số người phàn nàn: “Bác bỏ tin đồn kiểu đặc sắc Trung Quốc”.
Từ khóa Xã hội Trung Quốc đánh ghen