Tranh minh họa xấu xí và khiêu dâm trong sách giáo khoa Trung Quốc
- Lý Tịnh
- •
Ngày 28/5, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu thanh tra toàn diện các sách giáo khoa tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc sau khi nổ ra tranh cãi về những hình ảnh minh họa xấu xí và khiêu dâm trong sách của học sinh.
Mới đây, chủ đề “Sách giáo khoa Toán phiên bản Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân” Trung Quốc đã gây tranh cãi trong dư luận. Nhiều cư dân mạng cho rằng, các nhân vật trong tranh minh họa của sách giáo khoa có ánh mắt kỳ lạ, không hợp thẩm mỹ, có bức nhếch mép, lè lưỡi, liếc xéo, tư thế đứng ngồi đều khó coi, thậm chí lộ cả nội y và vùng kín, em trai kéo váy em gái, có bức còn có những hình xăm nhỏ…
Đối với ấn bản minh họa sách giáo khoa toán tiểu học này, cư dân mạng nhìn chung thường phàn nàn về 3 điểm: xấu xí, khiêu dâm và định hướng có vấn đề.
Một số cư dân mạng cho rằng những đứa trẻ trong hình minh họa có đôi mắt rất nhỏ, không có thần thái và khoảng cách mắt rộng sẽ khiến mọi người liên tưởng chúng với những đứa trẻ mắc bệnh “down”.
Có những ảnh minh họa lộ cả vùng kín trẻ em hoặc bé gái bị tốc váy lộ nội y, trẻ em trai bóp ngực, kéo váy trẻ em gái…
Những hình minh họa xuất hiện trong sách giáo khoa Toán tiểu học của Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân không chỉ bị mọi người chê xấu, mà còn bị cáo buộc có vấn đề về việc định hướng giá trị.
Một số ý kiến cho rằng sách giáo khoa chuẩn trong giai đoạn giáo dục phổ thông bắt buộc, từ soạn thảo nội dung, thiết kế bố cục đến vẽ minh họa đều phải được lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng ở từng khâu, sau nhiều lần rà soát, hiệu đính mới được xuất bản và đưa vào lớp học.
Tuy nhiên, vấn đề minh họa trong sách giáo khoa trên đã quá rõ ràng, làm thế nào mà sách giáo khoa có đề tài này lại được phê duyệt, được xuất bản và phân phối vào trường học?
Kỳ thực, ngay từ năm 2014, một số giáo viên ở Trung Quốc Đại Lục đã phàn nàn rằng “nhân vật minh họa xấu xí và cứng nhắc, khiến người ta không thể chấp nhận được.”
Một số cư dân mạng phát hiện ra rằng bộ sách đọc ngoại khóa “Đại ngữ văn” do nhà văn Trung Quốc Tào Văn Hiên (Cao Wenxuan) viết có nội dung tục tĩu. Theo công ty JD.com giới thiệu, bộ 10 cuốn sách ngoại khóa dành cho học sinh tiểu học này là sách cần phải đọc cho học sinh từ 8-15 tuổi. Trọn bộ có giá 160 nhân dân tệ (NDT, tương đương 550.000 VNĐ).
Theo Baidu Baike, ông Tào Văn Hiên hiện là giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, kiêm thành viên Ủy ban Quốc gia thuộc Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc, kiêm giám đốc Ủy ban Văn học Thiếu nhi của Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc. Theo báo cáo của giới truyền thông Đại Lục, ông Tào từng đứng thứ 3 trong danh sách sách thiếu nhi với 27 triệu NDT (khoảng 94 tỷ VNĐ) tiền bản quyền.
Theo báo cáo của “Southern Metropolis Daily” (Báo Đô thị Phương Nam), vào tháng 4/2019, ông Trịnh Uyên Khiết (Zheng Yuanjie), một nhà văn Trung Quốc được mệnh danh là “Vua của truyện cổ tích”, đã chỉ trích ông Tào Văn Hiên trên Weibo, rằng ông này dùng hình thức thuyết giảng biến tướng, nhằm xâm nhập trái phép vào khuôn viên trường để bán sách. Trước đó, ông Tào Văn Hiên đã hợp tác với một số cơ sở liên quan như Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân để xuất bản sách cá nhân.
Được biết, điều gây tranh cãi lần này là hình minh họa trong bộ sách giáo khoa toán tiểu học của Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân có liên quan đến bộ sách giáo khoa tiểu học và trung học cơ sở số 11.
Điều đáng nói là, sự cố tài liệu dạy học có vấn đề nêu trên không phải là trường hợp cá biệt.
Trong khi ấn bản tranh minh họa sách giáo khoa tiểu học của Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân gây tranh cãi, một số cư dân mạng đã phát hiện ra cuốn sách có tựa đề “Đổ mồ hôi rồi!” do Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng Phượng Hoàng Giang Tô xuất bản cũng xuất hiện hình ảnh cậu bé hoạt hình kéo tay cô gái để liếm mồ hôi, khiến người xem phản cảm.
Cuốn “Đổ mồ hôi rồi!” được tạp chí “Búp bê phương Đông” xuất bản vào tháng 7/2012, hiện vẫn được kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Cuốn sách ảnh này chủ yếu giới thiệu cho trẻ nhỏ mồ hôi đến từ đâu, và vì sao chúng ta lại đổ mồ hôi, v.v.
Theo Red Star News, ban biên tập của “Búp bê phương Đông” đã ra thông cáo cho biết, hiện đã gỡ cuốn sách ảnh “Đổ mồ hôi rồi!” này.
Trong những năm gần đây, việc sách giáo khoa học sinh gây tranh cãi không hề hiếm gặp. Ví dụ, ảnh bìa của cuốn sách ngữ văn lớp 4 (quyển 2) của Nhà xuất bản Giáo dục Giang Tô, phiên bản 2012, có in dòng chữ “Bệnh viện Bác ái”, cũng giống như cuốn“Đổ mồ hôi rồi!”, đều thuộc về Tập đoàn Truyền thông và Xuất bản Phượng Hoàng. Nhưng “Bệnh viện Bác ái” là một cơ sở y tế tư nhân điều trị các bệnh phụ khoa và nam khoa.
Bên cạnh tranh cãi về những bức tranh minh họa trong sách giáo khoa tiểu học kể trên, một số cư dân mạng còn phát hiện ra, trong một cuốn sách ảnh dành cho trẻ em có tựa đề “Chị Vạn có cách giải quyết: 3 bác Sĩ”, có chuyện “Biển Thước trị bệnh” với hình minh họa phản cảm.
Mặc dù đây là câu chuyện về một thầy thuốc và một bệnh nhân, nhưng nhân vật nam và nữ trong hình minh họa đều mặc rất kiệm vải, đặc biệt là bệnh nhân nữ thì quá mức lộ liễu. Hơn nữa biểu cảm, tư thế, khoảng cách và động tác với thầy thuốc đều rất khêu gợi, khó có thể tin được đây lại là một cuốn sách dành cho thiếu nhi.
Bình Minh
Từ khóa sách giáo khoa trẻ em Sách giáo khoa Trung Quốc