Trung Quốc gây sức ép với nhiều tập đoàn xuất bản hàng đầu thế giới
- Tuyết Mai
- •
Nhà xuất bản Springer của Đức, một trong những cơ quan xuất bản sách học thuật lớn nhất toàn cầu, gần đây dưới đề nghị của chính quyền Trung Quốc, đã áp dụng biện pháp ngăn chặn độc giả Trung Quốc tiếp cận hơn 1000 văn phẩm công bố học thuật trên mạng tiếng Trung của nhà xuất bản này.
Tập đoàn Nature – Springer, nơi xuất bản các tập san học thuật đầy uy tín như Nature, Scientific American, gần đây đã gỡ bỏ những văn phẩm công bố trên trang mạng Trung Quốc của nhà xuất bản thuộc các chi nhánh Tập san Chính trị học Trung Quốc (Journal of Chinese Political Science) và Chính trị học Quốc tế (International Politics).
Theo “Tiếng nói nước Đức” (Deutsche Welle), Tập đoàn Nature – Springer lên tiếng cho biết, “cách làm này thật quá đáng tiếc, nhưng làm như thế để phòng ngừa những tác động còn mạnh hơn từ tác giả và khách hàng đối với chúng tôi… Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ bị phong tỏa toàn bộ nội dung… Chúng tôi cho rằng, nếu những nội dung của chúng tôi bị cấm tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ không phù hợp lợi ích của đại đa số các tác giả, khách hàng, giới khoa học, học thuật, cũng gây bất lợi cho sự tiến bộ của nghiên cứu.”
Cũng theo công bố, “đây không phải kiểm duyệt từ góc độ biên tập, không gây ảnh hưởng đối với nội dung công bố, hoặc ảnh hưởng đến những khu vực khác trên thế giới ghé thăm nội dung này. Đây là quyết định hạn chế mang tính khu vực, vì phải phù hợp với đặc thù địa phương.”
Thời báo Tài chính (Financial Times) đưa tin, đây là công ty quốc tế mới nhất khuất phục chế độ kiểm duyệt ngày càng mạnh của chính quyền Trung Quốc.
Theo thông tin, tất cả những sản phẩm bị gỡ bỏ đều bị chính quyền Trung Quốc nhận định có từ khóa mang tính nhạy cảm chính trị, như “Đài Loan”, “Tây Tạng”, và “Đại Cách mạng Văn hóa”. Có những tác phẩm vô tình mang họa chỉ dựa trên căn cứ vào hệ thống kiểm duyệt tìm kiếm từ khoá, ví dụ trường hợp một tác phẩm trung lập về chính trị của một học giả Trung Quốc xuất bản cách đây vài năm trên Tập san Chính trị học Trung Quốc.
Hiện nay, tìm kiếm từ khóa “Tây Tạng” trên trang mạng Tập san Chính trị học Trung Quốc sẽ không cho ra bất cứ kết quả nào, trong khi nếu ở bên ngoài Trung Quốc Đại lục sẽ tìm được 66 văn phẩm công bố. Tương tự, nếu ở bên trong lãnh thổ Trung Quốc Đại lục sẽ không thể tìm được bất cứ văn phẩm công bố nào liên quan “Đại Cách mạng Văn hóa”, trong khi nếu ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc Đại lục có thể tìm được 110 văn phẩm công bố.
“Điều này cho thấy, cộng đồng Tây phương thiếu sự chuẩn bị đối với sức ảnh hưởng của Trung Quốc ra bên ngoài”, nhà nghiên cứu chính sách Trung Quốc Jonathan Sullivan thuộc Đại học Nottingham nói, “chuyện này quan hệ đến chúng ta sẽ phải ứng xử như thế nào với Trung Quốc, và so sánh tương quan với việc lấy lòng chính quyền Trung Quốc, chúng ta xem trọng nguyên tắc được bao nhiêu.”
Nhà nghiên cứu Kevin Carrico là giảng viên Trung Quốc học Đại học Macquarie cho biết, quyết định của Tập đoàn Springer cho thấy “câu chuyện không hay ho gì, họ chịu thao túng của kiểm duyệt để đổi lấy thị trường tiêu thụ.” Kevin Carrico thúc giục giới học giả Trung Quốc có hành động ngăn chặn kiểm duyệt của giới chức Trung Quốc.
Theo VOA (Mỹ) đưa tin, Tập đoàn Nature – Springer có trụ sở chính nằm ở Đức, sở hữu hơn 60 Nhà xuất bản, hàng năm xuất bản 1900 loại tạp chí, bao gồm tập san học thuật Nature uy tín hàng đầu trong giới khoa học tự nhiên.
Tập đoàn Nature – Springer không phải hãng xuất bản nước ngoài đầu tiên chịu áp lực của chính phủ Trung Quốc, trước đó Nhà xuất bản Đại học Cambridge cũng từng khuất phục trước sức ép của Bắc Kinh, đã từng gỡ bỏ hơn 300 văn phẩm liên quan đến sự kiện Thiên An Môn, Cách mạng Văn hóa và Tây Tạng trên trang mạng tiếng Trung của “Tập san Trung Quốc”. Hành động vứt bỏ tự do học thuật này đã bị giới học thuật phản ứng mạnh mẽ, vì thế sau đó Nhà xuất bản Đại học Cambridge đã thay đổi thái độ, cho đăng lại những sản phẩm đã gỡ bỏ
Cách đây chưa lâu, một tập san học thuật là “Tập san Nghiên cứu châu Á” (The Journal of Asian Studies) trực thuộc Nhà xuất bản Đại học Cambridge lại bị chính quyền Trung Quốc gây áp lực yêu cầu gỡ bỏ hơn 100 luận văn “nhạy cảm”. Tại trang web chính thức, Hội nghiên cứu châu Á của Mỹ đã lên tiếng về việc này, “Chúng tôi phản đối mọi hình thức kiểm duyêt và sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do trao đổi nghiên cứu học thuật giữa các học giả trên khắp thế giới”.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Kiểm duyệt Thiên An Môn Cách mạng Văn hóa Springer Nature Nhà xuất bản