Trung Quốc mở thêm nhiều trung tâm chuyên nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình
- Ngân Hà
- •
Trung Quốc đã khai trương thêm một trung tâm nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình nhằm đưa hệ tư tưởng này trở thành trung tâm quản trị của đất nước.
Trung tâm mới bổ sung dành cho việc nghiên cứu tư tưởng của ông Tập về sinh thái học, đưa tổng số các trung tâm nghiên cứu như vậy lên tới 18, theo Tân hoa xã.
Trung Quốc đã công bố việc khai trương 10 trung tâm như vậy vào năm 2017, trong số đó nhiều trung tâm liên kết với các cơ sở giáo dục hàng đầu như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc và Trường Đảng Trung ương. Các trung tâm khác liên kết với chính quyền địa phương ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Bốn tỉnh ven biển – Sơn Đông, Chiết Giang, Giang Tô và Phúc Kiến – cũng thành lập những trung tâm tương tự, trong khi một trung tâm chuyên về chính sách cũng đã được thiết lập.
Một trung tâm chuyên nghiên cứu về tư tưởng của ông Tập trong lĩnh vực ngoại giao được Bộ Ngoại giao thành lập vào năm ngoái. Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng có một trung tâm chuyên về chính sách kinh tế và trung tâm do Uỷ ban Pháp luật lãnh đạo được dành riêng nghiên cứu quan điểm của ông Tập về pháp quyền.
Trung tâm mới nhất, do Bộ Sinh thái và Môi trường điều hành, dành cho Tư tưởng Tập Cận Bình về Văn minh Sinh thái.
Năm ngoái, ông Tập ra tín hiệu ông muốn Trung Quốc đóng vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nói với Liên Hợp Quốc rằng đất nước đặt mục tiêu trở thành nước các-bon trung tính vào năm 2060
Alfred Wu, một phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng những trung tâm nghiên cứu như vậy sẽ phục vụ cho việc củng cố quyền lực của Tập.
“Trong quá khứ, các lĩnh vực chính sách như kinh tế thường nằm trong phạm vi hoạt động của thủ tướng. Nhưng hiện nay, Tập đang nắm hầu như tất cả các lĩnh vực và phải thể hiện rằng ông là một lãnh tụ với vô số tư tưởng ở tất cả mọi lĩnh vực,” ông Wu nói.
“Theo truyền thống Trung Quốc, một lãnh tụ vĩ đại cũng phải là một nhà tư tưởng vĩ đại. Những gì đang xảy ra là sự kết hợp của Chủ nghĩa cộng sản và tư tưởng Nho giáo.”
Thông báo thành lập trung tâm về tư tưởng Tập Cận Bình diễn ra sau bài phát biểu của ông này hồi tuần trước ca ngợi thành công của Đảng cộng sản trong một trăm năm đầu tiên và trước thềm Đại hội Toàn quốc lần thứ 20.
Xie Maosong, nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược Phát triển và Đổi mới tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết trọng tâm của các trung tâm nghiên cứu mới đã được lựa chọn kỹ lưỡng và đảng muốn bảo đảm họ thực hiện việc nghiên cứu có ý nghĩa.
“Họ muốn đảm bảo những trung tâm này… đủ năng lực để diễn giải và tư vấn cách áp dụng các tư tưởng này,” ông nói.
Ông cho rằng Phúc Kiến và Triết Giang được chọn vì trước kia Tập làm việc ở đó và cho rằng Sơn Đông được chọn vì đó là nơi ra đời của đạo Khổng.
“Khi Tập thăm Khúc Phụ ở Sơn Đông 13 năm trước, ông ta đã phát biểu ủng hộ văn hóa truyền thống Trung Quốc. Thành lập một trung tâm nghiên cứu ở Sơn Đông có nghĩa là họ muốn có một kiểu kết hợp nào đó giữa đạo Khổng, Tư tưởng Tập Cận Bình và 5.000 năm văn minh Trung Hoa,” ông nói.
Ông cho rằng việc xác định thời điểm cũng rất đáng chú ý: “Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản sẽ được tổ chức vào năm sau và chúng ta sẽ thấy nhiều công trình nghiên cứu hơn về cách đưa tư tưởng của Tập vào thực tiễn.”
Ông cho biết các trung tâm nghiên cứu liên kết với các bộ của chính phủ sẽ tư vấn về cách biến tư tưởng của Tập thành chính sách. “Từ nay tới đại hội đảng, tất cả sẽ là về các hoạt động của Tập.”
Ngân Hà (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Tư tưởng Tập Cận Bình Dòng sự kiện