Trung Quốc yêu cầu các trường đại học hàng đầu dạy về tư tưởng Tập Cận Bình
- Nicole Hao
- •
Bộ Giáo dục Trung Quốc gần đây đã lệnh cho 37 trường đại học hàng đầu của đất nước đưa vào chương trình giảng dạy khóa học nghiên cứu về các lý thuyết chính trị của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình từ học kỳ mùa thu này. Tất cả học sinh được yêu cầu phải tham gia khóa học.
Chương trình sẽ được mở rộng cho tất cả các trường đại học Trung Quốc trong vòng 5 năm tới.
Khóa học tư tưởng Tập Cận Bình được cho là phỏng theo mô hình của Đảng trong việc truyền dạy cho sinh viên đại học các lớp học về hệ tư tưởng cộng sản.
Trong những năm 1980, ĐCSTQ đã yêu cầu nghiên cứu về lý luận của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông về Chủ nghĩa Mác. Trong những năm 2000, đảng tổ chức các khóa học “tu dưỡng tư tưởng và đạo đức” với những lời dạy của cộng sản.
Một số chuyên gia về Trung Quốc tin rằng chỉ thị mới nhất là dấu hiệu cho thấy ý định củng cố hơn nữa quyền lực của ông Tập trước thềm một cuộc họp chính trị quan trọng.
Vào tháng 9, Qiushi, tạp chí nhà nước về lý thuyết cộng sản được xuất bản hai tháng một lần, đã đăng một bài báo do ông Tập viết, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho học sinh từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến đại học phải học về tư tưởng triết học của ông.
Sau đó, tạp chí đã công bố một quyết định mới của Bộ Giáo dục về việc yêu cầu các trường đại học giảng dạy khóa học nhập môn về “Tư tưởng của Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới của Tập Cận Bình” – tên học thuyết chính trị của ông Tập. Mỗi nhà lãnh đạo ĐCSTQ đều đưa ra một hệ tư tưởng được ghi trong hiến pháp Đảng.
Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nam Đài và 34 trường đại học hàng đầu khác có các trường cao đẳng chuyên nghiên cứu chủ nghĩa Mác đã ra mắt khóa học vào mùa thu năm 2020.
Đại học Nam Đài đã xuất bản một bài báo vào ngày 6/9, trong đó giới thiệu nội dung của lớp “Tư tưởng Tập,” chẳng hạn như giải thích mối quan hệ giữa các lý thuyết của ông Tập và chủ nghĩa Mác, tư tưởng của ông Tập về nghiên cứu lịch sử, mục tiêu của ông Tập đối với sự phát triển của Trung Quốc, v.v.
Đại học Thanh Hoa đã giới thiệu trên trang web của mình rằng khóa học này kéo dài 12 tuần và tất cả tài liệu trong khóa học đều dựa trên các bài phát biểu của ông Tập.
Bitter Winter, một tạp chí trực tuyến tập trung vào tự do tôn giáo và nhân quyền của Trung Quốc, đã báo cáo vào tháng 6 rằng các trường trung học và đại học Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu học sinh của họ học các bài phát biểu của ông Tập.
Báo cáo dẫn lời một sinh viên đại học từ tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc: “Nếu chúng tôi không thể vượt qua bài kiểm tra về tư tưởng của ông Tập, chúng tôi sẽ không nhận được bằng tốt nghiệp đại học. Do đó, chúng tôi sẽ rất khó để gia nhập Đảng, tìm được công việc tốt hoặc được thăng chức trong tương lai”.
ĐCSTQ tới đây sẽ tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ V từ ngày 26/10 đến ngày 29/10 tại Bắc Kinh, với chương trình nghị sự vạch ra kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc và thảo luận về các ứng viên tiềm năng cho vị trí lãnh đạo Đảng tiếp theo. Nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc hiện đang ở Mỹ Tang Jingyuan nói với The Epoch Times rằng ông Tập muốn nhìn thấy các quan chức khẳng định sự trung thành đối với mình.
Ông nói: “Tôi nghĩ Tập Cận Bình muốn củng cố vị trí lãnh đạo hàng đầu của mình.”
Trong cuộc họp cuối cùng của Đảng được tổ chức vào năm 2017, ông Tập đã không nêu tên người kế nhiệm. Vào tháng 3 năm 2018, ĐCSTQ đã chính thức sửa đổi hiến pháp của mình để xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với nguyên thủ quốc gia, cho phép ông Tập cầm quyền vô thời hạn.
Do vẫn chưa có kế hoạch đề cử người kế nhiệm, ông Tập muốn duy trì vị trí lãnh đạo Đảng, ông Tang phân tích.
Ông cũng lưu ý rằng với tỷ lệ thất nghiệp cao của sinh viên mới tốt nghiệp đại học, ông Tập muốn đảm bảo rằng họ tuân theo đường lối của Đảng. “Tôi nghĩ ông Tập muốn sinh viên học tư tưởng của mình, vì vậy họ sẽ không phản đối nếu họ không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp,” ông Tang nói thêm.
Ông Tập cũng đã có những động thái gần đây để củng cố quyền lực của mình.
Vào ngày 28/9, ông Tập đã chủ trì một cuộc họp tại Bắc Kinh để đưa ra “Quy chế làm việc của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ”. Đây là văn kiện cũng quan trọng như hiến pháp của Đảng. Ủy ban Trung ương là cơ quan bao gồm các tầng lớp ưu tú của Đảng.
Truyền thông nhà nước Tân Hoa xã đưa tin rằng quy chế làm việc mô tả rõ ràng: “Tập Cận Bình là nòng cốt của Ban Chấp hành Trung ương” và Đảng phải tuân theo quy chế làm việc.
“Bằng cách tạo ra các quy chế làm việc này, ông Tập đang tuyên bố rằng ông ấy sẽ là lãnh đạo Đảng miễn là các quy định còn hiệu lực,” ông Tang nhận xét.
Nicole Hao/ The Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Tư tưởng Tập Cận Bình Dòng sự kiện