Tỉnh Sơn Tây Trung Quốc xảy ra mưa lớn, không chỉ có hàng chục ngàn người dân phải sơ tán và bố trí nơi ở khẩn cấp, mà còn có 60 mỏ than ngừng sản xuất, trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất than ở vùng có than tự nhiên lớn nhất Trung Quốc.

p3020281a663121477
Mưa lớn ở Sơn Tây, tỉnh sản xuất than lớn nhất Trung Quốc, đã khiến 60 mỏ than phải ngừng sản xuất (Nguồn ảnh: Weibo)

Theo trang Bloomberg đưa tin, do mưa lớn nhiều ngày gây ra thảm họa, 60 trong số 682 mỏ than ở tỉnh Sơn Tây đã phải đóng cửa. Bản tin cho biết, tỉnh Sơn Tây sản xuất 30% nhiên liệu của Trung Quốc, và lũ lụt dự kiến ​​sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của nước này. Sau khi thị trường mở cửa vào thứ Hai, giá than nhiệt giao sau của Trung Quốc đã tăng lên mức cao mới.

Theo dữ liệu từ Sở giao dịch hàng hóa Trịnh Châu, giá than nhiệt đã tăng 11,6% vào thứ Hai (ngày 11/10) và tính đến cuối giờ trưa, giá đã tăng lên mức 1408,2 NDT / tấn, mức cao kỷ lục trong ngày giao dịch.

Bản tin chỉ ra rằng việc đóng cửa các mỏ than đã làm phức tạp thêm nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc tăng sản lượng than để đảm bảo cung cấp điện sưởi ấm mùa đông. Hôm 8/10, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, sẽ cho phép tăng giá điện để thúc đẩy sản xuất điện trong bối cảnh chi phí tăng.

Chính quyền đã yêu cầu nhiều mỏ than ở Nội Mông, Vân Nam và Thiểm Tây khẩn cấp tăng nguồn cung cấp than và cho phép họ tiếp tục khai thác hết công suất sau khi đạt hạn ngạch hàng năm.

Bản tin trích dẫn nhận xét của nhà phân tích CITIC Securities trong một báo cáo ngày 8/10 rằng ngay cả với các biện pháp này, Trung Quốc vẫn có thể đối mặt với lỗ hổng cung cấp than lên tới 30 – 40 triệu tấn trong quý IV.

Theo báo cáo nghiên cứu của Công ty Cổ phần Tài chính quốc tế Trung Quốc (China International Capital Corporatio), từ đầu năm đến nay, tình hình cung cấp than liên tục đối mặt với khó khăn, lượng tồn kho đã giảm xuống mức thấp lịch sử, lỗ hổng trong cung – cầu có nguyên nhân ở nhiều mặt, trong đó, sản lượng bị ảnh hưởng có thể là nguyên nhân hàng đầu, đồng thời chi phí nhập khẩu cũng tăng cao.

CICC nhấn mạnh rằng trong tình hình hiện tại, dưới tiền đề đảm bảo an toàn, tiếp tục khai thác năng lực sản xuất hiện có, đồng thời thúc đẩy khai thác năng lực sản xuất hiện có, thúc đẩy toàn diện hợp tác trung và dài hạn trong lĩnh vực phát điện và nhiệt điện, là cốt lõi của việc cung cấp than, đồng thời nó cũng giúp ổn định kỳ vọng của thị trường và ngăn chặn than tăng giá.

Theo ngân hàng UBS Thụy Sĩ, tình trạng thiếu nhiên liệu có thể làm giảm mức tiêu thụ điện công nghiệp trong tháng 11 và tháng 12 từ 10% đến 15%. Điều này có thể dẫn đến giảm 30% hoạt động trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất thép, hóa chất và xi măng.

Theo South China Morning Post đưa tin, ước tính hiện đã có hơn 120.000 người phải sơ tán, 190.000 ha hoa màu bị hư hại và 17.000 ngôi nhà bị sập do lũ lụt. Ngoài ra, hôm 8/10, chính quyền cũng cho biết, mưa lớn đã khiến 60 mỏ than, 372 mỏ phi than và 14 công ty hóa chất nguy hiểm phải tạm ngừng sản xuất, tạm đình công 1.035 dự án xây dựng và đóng cửa 166 danh lam thắng cảnh.

Theo số liệu thống kê từ Cục khí tượng Sơn Tây, lượng mưa trung bình ở Sơn Tây trong tháng 10 là 31,1 mm, tuy nhiên, từ 20:00 ngày 2/10 đến 8:00 ngày 7/10, lượng mưa trung bình ở tỉnh Sơn Tây đạt 119,5 mm, có 18 huyện (thành phố, quận) có lượng mưa vượt quá 200 mm, 51 huyện (thành phố, quận) có lượng mưa từ 100 đến 200 mm, lượng mưa tích lũy tối đa là 285,2 mm. 

Ban tuyên truyền thị ủy Lữ Lương tỉnh Sơn Tây hôm 6/8 tiết lộ rằng lượng mưa lớn trên diện rộng trong vài ngày qua đã gây ra các thảm họa địa chất ở các mức độ khác nhau ở địa phương. Theo thống kê sơ bộ, tính đến 8 giờ ngày 6/10, tại thành phố Lã Lương đã có 1 người chết, 153 ngôi nhà bị sập, 33 con đường bị phá hủy, 1.301 người phải di tản. 

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: