Trung Quốc nói Tân Cương ‘không thể tách rời’ bất chấp xuyên tạc lịch sử
- Như Ngọc
- •
Trong một tài liệu xuất bản hôm Chủ Nhật (21/7), chính quyền Trung Quốc khẳng định rằng Tân Cương – khu vực miền tây bắc xa xôi là một phần “không thể tách rời” Trung Quốc bất chấp những kẻ cực đoan nỗ lực xuyên tạc lịch sử và sự thật để đòi ly khai.
Theo Reuters, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cụ thể là Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, hôm Chủ Nhật (21/7) đã xuất bản sách trắng về Tân Cương. Tài liệu này chỉ ra rằng việc người ta coi thành viên của cộng đồng thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đến từ Thổ Nhĩ Kỳ là không chính xác. Sách trắng nhấn mạnh rằng luận điệu sai lầm này đã trở thành công cụ chính trị của những nhóm người Turk (Thổ Nhĩ Kỳ) và người Hồi giáo muốn tách Tân Cương khỏi Trung Quốc.
Sách trắng nói: “Những thế lực thù địch trong và ngoài Trung Quốc, đặc biệt là những kẻ ly khai, cực đoan tôn giáo và khủng bố đã đang cố gắng chia tách Trung Quốc và chia rẽ Trung Quốc thành nhiều phần bằng cách xuyên tạc lịch sử và sự thật.”
Sách trắng của ĐCSTQ cho rằng Tân Cương là một phần của Trung Quốc từ triều đại nhà Hán trong thế kỷ thứ ba sau công nguyên và người dân và văn hóa dân tộc tại Tân Cương được hình thành bởi một quá trình di cư và hội nhập lâu dài.
Sách trắng cũng nói rằng Hồi giáo không phải là tôn giáo bản địa hay hệ thống tôn giáo độc nhất của người Duy Ngô Nhĩ mà giáo lý này được áp đặt do sự bành trướng của Đế quốc Ả Rập. Tài liệu của ĐCSTQ nhấn mạnh “chính trị thần quyền” và “chủ nghĩa siêu quyền lực tôn giáo” là biểu hiện cần phải bị phản đối.
“Các thế lực thù địch nước ngoài và những lực lượng ly khai, cực đoan tôn giáo và khủng bố mà đã thông đồng để xuyên tạc lịch sử… sẽ bị lịch sử và nhân dân loại bỏ,” sách trắng nói.
Trong khi đó, chế độ Bắc Kinh đã bị Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc bức hại tàn bạo người Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền ĐCSTQ được cho là đang giam giữ ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung mà giới chức gọi là “các trung tâm đào tạo, dạy nghề” nhằm làm giảm sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong phát biểu tại Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo tổ chức tại Washington D.C tuần trước đã công khai gắn nhãn cách hành xử của chế độ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là “vết nhơ thế kỷ”.
Bất chấp cáo buộc từ phương Tây với các bằng chứng và nhân chứng ngày càng rõ ràng, chế độ Bắc Kinh cho đến nay vẫn phủ nhận bất cứ vi phạm nhân quyền nào đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Hôm 8/7, Đại sứ Nhân quyền của hơn 22 nước đã ký vào một bức thư gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ trích chính sách của chính quyền ĐCSTQ đang áp đặt tại Tân Cương.
Bức thư “chưa có tiền lệ” này, gửi tới Chủ tịch Nhân quyền LHQ, được ký bởi đại diện của 22 nước, gồm có Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Úc, Canada, Nhật Bản, v.v. Bức thư không có chữ ký của Mỹ vì Mỹ đã rút khỏi Hội đồng này từ năm 2018, viện dẫn sự bất lực của Hội đồng và việc tổ chức này kết nạp cả những nước đàn áp nhân quyền tệ hại nhất thế giới như Trung Quốc, Cuba…
Bức thư của 22 nước đề nghị Trung Quốc, với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, phải có nghĩa vụ duy trì các tiêu chuẩn cao nhất.
Bức thư bày tỏ quan ngại trước những thông tin về việc giam giữ bất hợp pháp tại “các nơi giam giữ quy mô lớn, cũng như sự giám sát và những hạn chế rộng lớn, đặc biệt nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương.”
Tuy nhiên bức thư này không phải là một tuyên bố chính thức của Hội đồng Nhân quyền LHQ hoặc là một nghị quyết được Hội đồng thông qua, vốn có giá trị hơn nhiều. Lý do của điều này, theo các nhà ngoại giao nói với Reuters rằng là bởi các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa về chính trị và kinh tế.
Để đáp trả bức thư của 22 nước nêu trên, chế độ Trung Quốc đã vận động được Nga, Bắc Hàn, Cuba, Venezuela, Syria và 32 quốc gia khác hôm 12/7 viết thư gửi Liên Hiệp Quốc (LHQ) bày tỏ ủng hộ các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương.
Theo Reuters, bức thư của 37 quốc gia gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ đã khen ngợi cái mà họ gọi là những thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền.
Bức thư có đoạn viết: “Đối mặt với thách thức nghiêm trọng về chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, Trung Quốc đã đang thực hiện hàng loạt các biện pháp chống khủng bố và phi cực đoan hóa tại Tân Cương, bao gồm việc thành lập các trung tâm đào tạo và dạy nghề.”
Bức thư của 37 nước ủng hộ Trung Quốc cũng nói rằng an ninh đã quay trở lại Tân Cương và những quyền cơ bản của tất cả các nhóm sắc tộc tại đây đã được bảo vệ. Lá thư cũng nói thêm rằng trong ba năm qua tại Tân Cương đã không có bất kỳ vụ tấn công khủng bố nào và người dân đã được tận hưởng cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn và an toàn mạnh mẽ.
Ngoài Nga, Bắc Hàn, Cuba, Venezuela, Syria, lá thư nêu trên cũng nhận được chữ ký của 32 nước khác, trong đó có nhiều nước Châu Phi, Ả Rập Saudi, Belarus, Myanmar, Philippines, Lào, Campuchia, Pakistan, Oman, Kuwait, Qatar, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và Bahrain.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Tân Cương ĐCSTQ Duy Ngô Nhĩ Dòng sự kiện