Trung Quốc và kế hoạch đẩy sản phẩm dư thừa sang châu Phi khi bị phương Tây tăng thuế
- Văn Long
- •
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, Trung Quốc vẫn tăng cường sản xuất ‘sản phẩm xanh’ như pin mặt trời và xe điện lớn… khiến hàng dư thừa. Việc Trung Quốc bán ra ngoài giá rẻ khiến các nơi như Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada đã liên tiếp tăng áp đặt thuế. Được biết Bắc Kinh đang tìm cách thông qua các nghị sự như Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi… để chuyển hướng sản phẩm sang châu Phi.
Chương trình chính của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC)
Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) sẽ được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc từ ngày 4 – 6/9, cuộc họp cấp cao này được tổ chức 3 năm một lần, lần này là lần đầu kể từ sau khi thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19. Hiện nay do cạnh tranh địa chính trị đang ngày càng gay gắt, Bắc Kinh chuyển trọng tâm của dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu “Sáng kiến Vành đai và Con đường” sang cái gọi là “Vành đai và Con đường Xanh” và các dự án “nhỏ nhưng đẹp”.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc là nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới, vào năm 2023 Trung Quốc chiếm 3/4 tổng vốn đầu tư sản xuất công nghệ xanh toàn cầu và cũng sản xuất hơn một nửa số ô tô điện bán ra trên toàn cầu.
Phát triển của Trung Quốc trong các ngành này đã dẫn đến cạnh tranh ngày càng tăng với phương Tây. Mỹ và Liên minh châu Âu đã ban hành chính sách tăng thuế đối với các sản phẩm từ Trung Quốc, bao gồm xe điện, pin, tấm pin mặt trời và các khoáng sản quan trọng. EU và Mỹ muốn thúc đẩy sản xuất trong nước, cũng để tăng số việc làm trong nước.
Theo Đài VOA Mỹ ngày 29/8, nhà phân tích Cliff Mboya tại Dự án Trung Quốc Toàn cầu phương Nam (China Global South Project ở Pretoria), cho biết: “Chúng tôi thấy các sản phẩm của Trung Quốc đang phải đối mặt với những hạn chế ngày càng tăng ở Mỹ và châu Âu, tôi tin Trung Quốc sẽ tìm kiếm giải pháp thay thế tại thị trường ở châu Phi”.
Tuy nhiên, ông cho rằng các chính phủ châu Phi có thể sử dụng những khó khăn của Trung Quốc trong vấn đề này như một con bài mặc cả. Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của lục địa này, nhưng xuất khẩu của nước này sang châu Phi vẫn vượt xa nhập khẩu. “Chúng tôi biết trước đây Trung Quốc đã cam kết cung cấp khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho các sản phẩm của châu Phi, vì vậy khi Trung Quốc tìm kiếm thị trường châu Phi cho một số sản phẩm mà Trung Quốc đang phải đối mặt với mức thuế và hạn chế cao ở phương Tây… điều này mang đến cơ hội để các cuộc đàm phán mang lại lợi ích lớn hơn cho các sản phẩm của châu Phi tiếp cận thị trường Trung Quốc”, ông Mboya nói.
Phương Tây lo ngại Trung Quốc có thể “bán phá giá”, khiến sản phẩm giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường nước khác. Ông Mboya cho biết đây cũng là mối lo ngại đối với các chính phủ châu Phi. “Chúng ta cũng có thể đàm phán để đảm bảo không dẫn đến việc bán phá giá các sản phẩm Trung Quốc trên lục địa vì chúng ta, vì chúng ta cũng cần tạo việc làm cho thanh niên của mình và đảm bảo rằng chúng ta cũng có thể sản xuất một số hàng hóa cơ bản trên lục địa chúng ta,” ông cho hay.
Nhà nghiên cứu Chen Yunnan tại Viện Nghiên cứu Nước ngoài (ODI) có trụ sở tại London, cho biết: “Tại Trung Quốc, tình trạng dư thừa trong lĩnh vực công nghệ sạch hiện nay có những điểm tương đồng với tình trạng cách đây một thập niên đã dư thừa trong ngành công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng – khi đó Sáng kiến Vành đai và Con đường bắt đầu đẩy mạnh”.
Bà nói thêm rằng Trung Quốc đã sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để mang các ngành công nghiệp trong nước “ra nước ngoài”, và tạo thị trường cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, giờ đây họ đang làm điều tương tự với năng lượng tái tạo.
Sau 7 năm, lần đầu tiên vào năm ngoái các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho châu Phi đã tăng
Theo Reuters ngày 29/8, theo một nghiên cứu độc lập của Đại học Boston, vào năm 2023 số tiền cho vay tính theo năm của Trung Quốc dành cho châu Phi là 4,61 tỷ USD, đây là lần đầu tiên tăng kể từ năm 2016. Nghiên cứu chỉ ra Trung Quốc dường như đang tìm kiếm mức cho vay cân bằng bền vững hơn và thử nghiệm các chiến lược mới.
Châu Phi mỗi năm từ năm 2012 – 2018 đã nhận được khoản vay hơn 10 tỷ USD từ Trung Quốc. Những mức cao như vậy bắt đầu suy giảm sau khi đạt đỉnh 28,4 tỷ USD vào năm 2016, sau đó giảm mạnh sau đại dịch COVID-19 vào năm 2020 và tăng trở lại vào năm ngoái.
Cơ sở dữ liệu Khoản vay Trung Quốc cho châu Phi (CLA) do Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu tại Đại học Boston quản lý cho thấy, vào năm 2023 Trung Quốc đã phê duyệt khoản vay 4,61 tỷ USD cho châu Phi, gấp hơn ba lần so với năm 2022.
Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu lưu ý, vấn đề gia tăng này có thể không có nghĩa con số trở lại mức trong những năm đầu của Sáng kiến Vành đai và Con đường, ngược lại cho thấy Trung Quốc có ý định giảm thiểu rủi ro liên quan đến các nước mắc nợ cao. Trung tâm cho biết: “Trung Quốc dường như đang tìm kiếm mức cho vay cân bằng bền vững hơn và thử nghiệm các chiến lược (mới), bao gồm các biện pháp giảm thiểu rủi ro mới, ít nguồn vốn hơn và tập trung vào duy trì mối quan hệ”.
Các dự án cho vay lớn vào năm 2023 bao gồm khoản vay gần 1 tỷ USD của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dành cho Nigeria xây dựng tuyến đường sắt Kaduna-Kano, và khoản hỗ trợ thanh khoản có quy mô tương tự do ngân hàng này cung cấp cho Ngân hàng Trung ương Ai Cập.
Nhìn vào các dự án, gần 1/10 khoản vay năm 2023 dành cho 3 dự án năng lượng mặt trời và thủy điện, thể hiện sự chuyển hướng của Trung Quốc sang đầu tư vào năng lượng tái tạo thay vì các nhà máy nhiệt điện than.
Nghiên cứu cũng cho thấy hơn một nửa (tương đương 2,59 tỷ USD) số khoản vay đã cam kết năm ngoái là dành cho các tổ chức tài chính cấp khu vực và quốc gia, cho thấy Bắc Kinh đang điều chỉnh chiến lược cho vay.
Hàng Trung Quốc không ngừng bị tăng thuế vào châu Âu và Mỹ
Ngày 26/8, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố ông sẽ áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trudeau cho hay để chống lại chính sách dư thừa công suất do nhà nước chỉ đạo của Bắc Kinh: “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết Trung Quốc không chơi theo các quy tắc tương tự. Thuế quan sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay”.
Ottawa nhấn mạnh sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và các đồng minh khác để đảm bảo khách hàng trên toàn thế giới không bị trừng phạt một cách bất công bởi hành vi phi thị trường như của Trung Quốc. Ông Trudeau cũng đề cập các biện pháp trừng phạt tiếp theo cũng đang được xem xét, chẳng hạn như thuế đối với chip và pin mặt trời. Ông không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố vào tháng 5 năm nay rằng ông sẽ tăng gấp 4 lần mức thuế đối với xe điện của Trung Quốc lên 100%, tăng gấp đôi thuế đối với chất bán dẫn và pin mặt trời lên 50%, đồng thời áp dụng mức thuế mới 25% đối với pin ion và hàng hóa chiến lược bao gồm thép, mục đích để bảo vệ các công ty Mỹ khỏi tình trạng sản xuất quá mức ở Trung Quốc.
Liên minh châu Âu vào đầu tháng 8 đã áp đặt mức thuế lên tới 36,3% đối với xe điện nhập khẩu.
Chính phủ Canada đang cố gắng định vị Canada là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu, do đó phải đối mặt với áp lực từ ngành công nghiệp trong nước yêu cầu phải có hành động chống lại Trung Quốc bán phá giá.
Từ khóa châu Phi Công nghệ xanh pin mặt trời xe điện Trung Quốc quan hệ Trung Quốc - châu Phi