Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao, ngày càng có nhiều người trẻ phải đối mặt với vấn đề “nằm thẳng, cuộn lại không được”, “viện dưỡng lão thanh niên” cũng đã xuất hiện tại nhiều nơi ở Trung Quốc.

nam thang
Từ năm 2024, “viện dưỡng lão thanh niên” xuất hiện ở nhiều nơi ở Trung Quốc. (Ảnh cắt từ video)

Gần đây, các “viện dưỡng lão thanh niên” đã xuất hiện ở các vùng ngoại ô và nông thôn như tại Trịnh Châu ở Hà Nam, Đại Lý ở Vân Nam, Tây Song Bản Nạp, Trùng Khánh, Hợp Phì ở An Huy và Ninh Ba ở Chiết Giang. “Viện dưỡng lão thanh niên” không phải là viện dưỡng lão theo nghĩa truyền thống, mà là nơi để những người trẻ “đi trốn một thời gian, thư giãn, nạp lại năng lượng và chữa lành thể chất và tinh thần”.

Trên mạng xã hội Trung Quốc Đại Lục, các quán cà phê, homestay, trang trại, quán bar khắp cả nước cũng đổi mới chủ đề “viện dưỡng lão thanh niên”, tức là “viện dưỡng lão” do một nhóm thanh niên xây dựng để thu hút một nhóm thanh niên khác đến để trải nghiệm cuộc sống “dưỡng lão”.

Theo truyền thông Trung Quốc Đại Lục, “viện dưỡng lão thanh niên” thực chất là nơi nghỉ ngơi tinh thần, nơi mọi người có thể uống trà, trò chuyện, trồng trọt, tắm nắng, chăn nuôi, cùng nhau xem phim hoặc đi dép lê và mặc quần áo ở nhà để đi ăn những bữa ăn đơn giản…

Nó cung cấp một nơi để thư giãn cho những người trẻ đã ở trong trạng thái áp lực cao trong một thời gian dài, cho phép họ tránh xa sự hối hả, nhộn nhịp của thành phố và trạng thái căng thẳng; cung cấp bầu không khí tự do tự tại cho những thanh niên “vừa cạnh tranh lại vừa bất động, nằm nhưng nằm không thẳng” mà đang nằm chênh vênh 45 độ trong cuộc sống, cần xa rời thực tại.

Mới đây, một thanh niên đến từ Đông Bắc Trung Quốc, sinh năm 1993, đã chia sẻ cuộc sống hàng ngày của mình trong viện dưỡng lão trên mạng xã hội. Anh cho biết với 1.700 nhân dân tệ một tháng (gần 6 triệu VNĐ), anh có thể ở trong phòng đôi, có người dọn dẹp nhà cửa định kỳ, không cần phải lo lắng về phí điện, nước, Internet, đồ ăn cũng được cung cấp đầy đủ. Dù có đơn giản nhưng vẫn hài lòng.

Anh nói rằng đã mở một công ty và một cửa hàng. “Môi trường hiện tại hơi tệ và tôi không thể kiếm được tiền, rồi chợt nghĩ đến việc chuyển vào viện dưỡng lão.”

Ngày 7/7, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, các “viện dưỡng lão thanh niên” Trung Quốc cho phép thanh niên “cạnh tranh” công việc ở thành thị được “nghỉ hưu” sớm vì giá rẻ, gần gũi với thiên nhiên và đặc sắc văn hóa.

Ở ngoại ô Tô Châu, một viện dưỡng lão hoàn toàn mới đang chuẩn bị khai trương vào đầu tháng 7, quảng cáo mức phí lưu trú là 500 tệ mỗi tuần. Tiểu Hứa (Xiao Xu), người sáng lập “viện dưỡng lão thanh niên”, cho biết ngôi nhà vẫn đang trong quá trình nghiệm thu nhưng đã có hàng trăm người trong nhóm chờ chuyển vào ở.

id14285789 3ed29e3c6eae0309ad2a552597abdf3c
“Viện dưỡng lão thanh niên chính là để cho thanh niên khi muốn nằm thẳng thì nằm thẳng”. (Ảnh chụp màn hình)

30% thanh niên đang ở giữa cạnh tranh vươn lên và nằm thẳng

Một bài báo được Sohu.com đăng với tiêu đề “Giữa cạnh tranh vươn lên và nằm thẳng, thế hệ thanh niên này chọn sống trong viện dưỡng lão” đã chỉ ra rằng, “viện dưỡng lão thanh niên” không phải là viện dưỡng lão theo nghĩa truyền thống. Họ không có cơ sở hạ tầng y tế hoặc bệnh viện. Đó là một khái niệm, truyền tải mong muốn của những người trẻ tuổi theo đuổi một cuộc sống chậm rãi.

Bài viết cho rằng những người trẻ phải đối mặt với công việc vô tận và bị cuốn vào cuộc sống “45 độ”. Họ “cạnh tranh nhưng không cạnh tranh được, nằm thẳng nhưng cũng không thẳng được, họ rơi vào trạng thái ‘ngồi ngửa’ (45 độ)”. Dưới áp lực và sự mờ mịt về tương lai, “dưỡng lão” đã trở thành mong muốn nhiều người. Vào cuối năm ngoái, “Khảo sát phát triển thanh niên Trung Quốc” do Đại học Nhân dân Trung Quốc công bố cho thấy 28,5% thanh niên sống “cuộc sống 45 độ”, và chỉ 12,8% nằm thẳng, 58,7% thanh niên trong trạng thái cạnh tranh vươn lên.

Vào thời điểm đó, một cuộc thăm dò trực tuyến của “Sanlian Lifeweek” cho thấy 3.608 người cho rằng họ đang “nằm thẳng”, 2.442 người cho rằng họ đang sống trong “cuộc sống 45 độ”, và số người cho rằng họ đang cạnh tranh “đứng thẳng” ít nhất, chỉ có 731 người.

“Viện dưỡng lão thanh niên” là nơi người trẻ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn

Lư Bá Khắc (Lu Boke), người sáng lập “viện dưỡng lão thanh niên” ở làng cổ Mạn Đâu, tỉnh Vân Nam, nói với The Paper rằng những người trẻ cần cân bằng cuộc sống và viện dưỡng lão không chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn là nơi chữa lành tinh thần.

Ông cho rằng có hai nhóm người chính sống trong “viện dưỡng lão thanh niên”: “Một là những người làm việc tự do đến đây để tăng cơ hội xã hội; hai là những người trẻ gặp trở ngại trong công việc, cuộc sống, gia đình, tình cảm và cần điều chỉnh, nghỉ ngơi thật tốt trước khi bắt đầu lại.” 

Ông cho biết: “Trong viện dưỡng lão dành cho thanh niên của chúng tôi, chúng tôi không chấp nhận bất kỳ ai trên 45 tuổi và chúng tôi không chấp nhận bất kỳ ai chưa từng làm việc.” Ở đây, không ai yêu cầu bạn làm việc, nghỉ ngơi, không có sự lo lắng ở nơi làm việc, không có mâu thuẫn gia đình, bạn có thể “làm bất cứ điều gì bạn muốn”.

Tim, người sáng lập “viện dưỡng lão thanh niên”, tiết lộ rằng đang “trong quá trình hoạt động thử nghiệm, đã có rất nhiều người hỏi trên mạng xã hội, và tôi đã thêm hơn 100 bạn bè mỗi ngày”.

Không chỉ vậy, mô hình này còn thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đàm phán. Những người liên lạc đến từ các nơi như Quảng Châu, An Huy, Lạc Dương, v.v, với hy vọng hình thành và lên kế hoạch sâu hơn cho ý tưởng này.

Tiểu Vũ, người sinh sau 1990 và đã ở trong “viện dưỡng lão thanh niên”, cho biết: “Đối với tôi, nơi này không chỉ là viện dưỡng lão mà còn là một ‘bệnh viện’.”

id14285788 8f18799ae2f13393754388db5714f7f6
Quảng bá viện dưỡng lão thanh niên trên mạng xã hội. (Ảnh cắt chụp màn hình)

Quán Cafe biến thành “viện dưỡng lão thanh niên”

Vincent, người đã mở “viện dưỡng lão thanh niên” ở Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, nói với Jimu News rằng địa điểm được sử dụng làm viện dưỡng lão của ông ban đầu là một nhà kho cũ, sau này ông chuyển thành quán cà phê và sau đó sửa thành thương hiệu “Viện dưỡng lão Wanshiwu”.

Vincenty thừa nhận Wanshiwu vẫn là một quán cà phê, chỉ là có thêm việc giúp người tiêu dùng giải tỏa phần nào căng thẳng tinh thần.

Khác với những quán cà phê thông thường, Wanshiwu có vị trí yên tĩnh và lối trang trí “giản dị”. Mặt bằng được phủ xi măng dày và phủ vỏ cây thông thay cho gạch men, sàn gỗ, hầu hết đều là đồ nội thất đơn giản, khá gợi nhớ đến phong cách của những năm 1970, ánh đèn hoàng hôn, màu sắc mờ và trang thiết bị đơn giản.

Vincent vừa là ông chủ, vừa là nhân viên bán hàng, chính vì phong cách này mà quán cà phê đã thu hút được 30 – 40 khách hàng ghé thăm mỗi ngày, bao gồm cả cảnh sát, luật sư, bác sĩ, giáo viên, nhân viên công chức, doanh nhân, người làm kinh doanh, v.v.

Theo Vincent, một số bạn trẻ ngày nay không thể tìm được mục tiêu do áp lực cuộc sống và công việc. Họ đến “viện dưỡng lão thanh niên” để giải tỏa phần nào áp lực cuộc sống và tinh thần.

Lu, người sáng lập “Viện dưỡng lão thanh niên Wenchao” ở Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, cho biết hiện tại, những người vào ở Wenchao phải trả phí ăn ở hàng tháng là 1.500 nhân dân tệ, các chi phí khác do họ tự chịu theo nguyên tắc tham gia.

So với dự án homestay ký túc xá thanh niên trước đây của Lu, “viện dưỡng lão thanh niên” cung cấp nhiều hoạt động xã hội hơn: mọi người cùng nhau làm ruộng và chăn nuôi, cùng nhau xem phim và trò chuyện bên bếp lửa.

Theo thống kê của Lu về khách hàng, nhóm khách hàng của “viện dưỡng lão thanh niên” chủ yếu là thanh niên trên 25 hoặc 26 tuổi, trong đó chủ yếu là thế hệ sau 90. Nhiều người “dưỡng lão” ở đây là người phải gánh vác trên vai bố mẹ.

David Xu, người sáng lập IMC Talent, một công ty săn đón người quản lý ở Hồng Kông, phân tích cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng nền tảng then chốt cho sự phát triển của viện dưỡng lão thanh niên là môi trường làm việc của Trung Quốc ngày càng trở nên khắc nghiệt và không thân thiện với giới trẻ. Cụ thể biểu hiện ở vấn đề làm thêm giờ, quan hệ nhân sự phức tạp, công việc vô nghĩa gia tăng và thủ tục hành chính kéo dài đã khiến giới trẻ nhìn chung vỡ mộng về nơi làm việc, do đó họ chọn cách trốn tránh.

Ông Vương Quốc Thần (Wang Guo-Chen), trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Trung Hoa Đài Loan (Chung-Hua Institution Economic Research), cho biết giới trẻ đang đổ xô đến “viện dưỡng lão thanh niên”, điều này phản ánh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở Trung Quốc và áp lực cạnh tranh thăng tiến trong công việc càng tăng của thanh niên, và họ “nằm thẳng” sau khi lương thấp, không có hy vọng mua được nhà và chống lại việc lập gia đình.

Ông cho rằng “viện dưỡng lão thanh niên” không thể phát triển lâu dài, trừ khi vẫn “sống dựa vào bố mẹ”, nếu không vào đó ở thì sẽ phải tốn tiền trong khi không làm việc, không có nền tảng kinh tế. Điều này không phù hợp với logic kinh tế, cứ như thế này về lâu dài thì sẽ tác động đến nền kinh tế Trung Quốc.

(*) Cái gọi là “cuộc sống 45°” đề cập đến trạng thái cuộc sống ở giữa “cạnh tranh nội bộ để vươn lên”“nằm thẳng”. Ban đầu, nhiều cư dân mạng trẻ tuổi dùng nó để chế nhạo bản thân. Họ so sánh cuộc sống với góc vuông 90 độ, hướng lên là sự theo đuổi mãnh liệt, cố hết sức cạnh tranh; hướng xuống dưới là sự chán chường suy sụp, lười nhác, nằm thẳng mặc kệ mọi thứ.