Vương Hỗ Ninh lại mất quyền trong hoạt động đối ngoại với Bắc Triều Tiên
- Trí Đạt
- •
Ngày 09/9 là kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chế độ Bắc Triều Tiên, kế hoạch lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đích thân đến Bắc Triều Tiên dự lễ quốc khánh như dự kiến trước đó đã bị thay đổi, nhân vật đại diện đi thay là Ủy viên trưởng Nhân đại Lật Chiến Thư chứ không phải ông Vương Hỗ Ninh – nhân vật phụ trách ngoại giao của Đảng. Cách bố trí này một mặt được xem là nâng cấp quy cách thăm Bắc Triều Tiên, mặt khác cho thấy quyền lực ngày càng suy yếu của nhân vật gây nhiều tranh cãi gần đây là ông Vương Hỗ Ninh.
Lật Chiến Thư đại diện đến Bắc Triều Tiên, người phụ trách cũ Vương Hỗ Ninh “nhường ngôi”
Tổng hợp thông tin vào ngày 04/9 cho thấy, ngày 04/9 phát ngôn viên Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ tuyên bố ông Ủy viên trưởng Nhân đại Lật Chiến Thư sẽ đại diện ông Tập Cận Bình dẫn đầu phái đoàn đến thăm Bắc Triều Tiên vào ngày 08/9 và tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chế độ Bắc Triều Tiên.
Ông Lật Chiến Thư được cho là thân tín số một của Tập Cận Bình, tại Đại hội 19 được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị khi đang là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, được bổ nhiệm đứng đầu Nhân đại toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội), đứng thứ ba trong Đảng.
Những tin đồn trước đó phổ biến rằng vào đầu tháng Chín ông Tập Cận Bình sẽ đích thân đến thăm Bắc Triều Tiên để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày xây dựng chính quyền Bắc Triều Tiên. Nhưng vào cuối tháng trước Nhật báo Đông Á (Dong-a Ilbo) Hàn Quốc đã dẫn nguồn tin từ một chuyên gia Trung Quốc cho rằng nếu ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên sẽ bị lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un dùng lễ duyệt binh phô trương sức mạnh, và có thể bị Trump thừa cơ công kích.
Về người đại diện thay ông Tập Cận Bình đến Bắc Triều Tiên, trước đó phổ biến suy đoán cho rằng sẽ là “nhân vật thứ năm” trong Thường ủy Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh.
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) ngày 29/8 đã trích dẫn nguồn tin của quan chức ngoại giao ĐCSTQ trú tại Mỹ cho biết, nếu ông Tập Cận Bình hủy chuyến thăm đến Bắc Triều Tiên thì có thể phân công các quan chức cấp cao đi thay như Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh, hoặc Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn. Quan chức ngoại giao này còn cho biết, cũng không loại trừ khả năng các thành viên khác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ thay thế.
Trong hệ thống ngoại giao Trung Quốc hiện nay, ông Vương Hỗ Ninh tiếp quản nhiệm vụ cũ của ông Lưu Vân Sơn với cái gọi là “công tác ngoại giao quốc tế của Đảng”.
Hồi tháng 10/2015, ông Lưu Vân Sơn đã đại diện nhà cầm quyền Trung Quốc đi tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Bắc Triều Tiên, khi đó ông Lưu Vân Sơn đứng ở vị trí thứ năm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cũng chính là vị trí của ông Vương Hỗ Ninh hiện nay.
Năm nay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thăm Trung Quốc ba lần, cả ba lần ông Vương Hỗ Ninh đều tham gia trong hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un, truyền thông Bắc Triều Tiên đã đưa tin toàn bộ chi tiết hành trình. Động thái này được lý giải là ông Vương Hỗ Ninh có mối quan hệ làm việc đặc biệt với ông Kim Jong-un và Bắc Triều Tiên.
Trang Đa Chiều (DuoWei News) tại Mỹ đưa tin, sau Đại hội 19 ĐCSTQ, ông Vương Hỗ Ninh vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, tiếp quản công tác Đảng và tuyên truyền ý thức hệ. Theo thông lệ ĐCSTQ và và tính đặc thù của quan hệ Trung – Triều, ông Vương Hỗ Ninh sẽ phụ trách ngoại giao quốc tế của Đảng đối với Bắc Triều Tiên. Thông tin nhận định rằng ông Vương chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền tư tưởng và vấn đề Bắc Triều Tiên, là vị trí phù hợp nhất đại diện cho ông Tập Cận Bình trong những chuyến đến thăm Bắc Triều Tiên.
Ngày 09/4, Nhật báo Đông Á của Hàn Quốc đưa tin, nhiều khả năng Vương Hỗ Ninh sẽ tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chính quyền Bắc Triều Tiên. Thông tin trích lại những quan điểm cho rằng ông Vương là ứng viên phù hợp nhất.
Nhật báo Triều Tiên (Chosun Ilbo) của Hàn Quốc đưa tin vào ngày 04/9 cho biết, việc phía Trung Quốc cuối cùng quyết định lựa chọn “nhân vật số ba” Lật Chiến Thư thay cho “nhân vật thứ năm” Vương Hỗ Ninh đi đến Bắc Triều Tiên tham dự sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chính quyền Bắc Triều Tiên cho thấy ĐCSTQ xem trọng Bắc Triều Tiên hơn trước.
Tuy nhiên, vì trong hai tháng qua phổ biến tin đồn ông Vương Hỗ Ninh bị thất thế tại Trung Nam Hải, và thực tế cũng cho thấy trong nhiều công việc đều có dấu hiệu ông Vương phải “nhường quyền”, vì thế việc lần này Vương không được đại diện cho Tập trong công việc Bắc Triều Tiên cũng gây nhiều suy đoán về vai trò của Vương hiện nay.
Chiến tranh thương mại làm lung lay vị thế của Vương Hỗ Ninh?
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã kéo dài trong nhiều tháng, bầu không khí chính trị Trung Nam Hải ngày càng nhạy cảm. Giới quan sát có phát hiện vấn đề vài năm qua truyền thông và quan trường ĐCSTQ đã hủy bỏ cổ súy khẩu hiệu “bốn tự tin”, thay thế bằng một loạt các chính sách đong đưa và tiến thoái thất thường.
Ngày 26/8, trang tiếng Trung Deutsche Welle của Đức công bố bài viết của một nhà quan sát chính trị độc lập tại Bắc Kinh chỉ ra, nhiều tin đồn trong dân chúng đã dành sự tập trung vào ông Vương Hỗ Ninh cho rằng ông ta là “cận thần” đặc biệt bảo thủ, là người chủ trương xây dựng chủ nghĩa độc tài kiểu mới, đẩy mạnh tệ sùng bái cá nhân và doanh nghiệp nhà nước độc quyền, thổi phồng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vì thế đã gây trở ngại lớn đối với phái kỹ trị thực dụng, bị nhiều tiếng nói truy cứu trách nhiệm.
Hồi tháng trước đã có tin đồn cho rằng nhiều nguyên lão đã tức giận phải lên tiếng can thiệp khuyên giải ông Tập Cận Bình; ông Vương Hỗ Ninh đã bị truy cứu trách nhiệm do cuộc chiến thương mại…. Vì những chuyện này mà buộc ông Vương Hỗ Ninh phải tạm thời ẩn thân để tránh phiền phức.
Reuters đã dẫn nguồn tin từ người trong cuộc cho biết, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã dẫn đến chia rẽ trong nội bộ ĐCSTQ, ông Vương Hỗ Ninh đã gặp rắc rối lớn.
Ngày 21/8, trang web của Chính phủ Trung Quốc công bố thông tin bổ và miễn nhiệm nhân sự, theo đó thân tín Từ Lân của Tập Cận Bình chính thức nhậm chức Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Chính phủ, người thay từ Từ Lân đảm nhận chức Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia cũng là một cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình thời ở Phúc Kiến là Trương Vinh Văn. Từ Lân 56 tuổi từng làm việc cùng Tập Cận Bình ở Thượng Hải, vào tháng 06/2015 nhậm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia (trước đó là Trưởng ban Tuyên truyền Thượng Hải), một năm sau được thăng chức Chủ nhiệm kiêm Phó Ban Tuyên truyền Trung ương. Trương Văn Vinh 57 tuổi đã từng làm việc cùng ông Tập Cận Bình ở Phúc Kiến, khi đó ông Tập Cận Bình là Bí thư tỉnh Phúc Kiến.
Từ Lân, Trương Văn Vinh, cộng thêm Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Hoàng Côn Minh cũng là cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình, cho thấy những cánh cổng tuyên truyền của ĐCSTQ bị ông Tập Cận Bình kiểm soát vững chắc.
Sau Hội nghị Bắc Đới Hà, cuối cùng ông Vương Hỗ Ninh đã xuất hiện trên truyền thông của ĐCSTQ sau thời gian ẩn thân hơn một tháng. Ngày 21/8, Tân Hoa xã Trung Quốc công bố bài viết tựa đề “Quan điểm của Tập Cận Bình về công việc truyền thông tin tức”, bài viết một lần nữa nhấn mạnh tính Đảng đối với truyền thông của Đảng. Bài viết đã được dư luận nhận định nhằm phê bình cơ công tác truyền thông dưới sự chỉ đạo của Vương Hỗ Ninh.
Trong một tháng qua, bao gồm cả Hội nghị Bắc Đới Hà đã kết thúc, vẫn chưa có bất kỳ thông tin bất lợi nào liên quan đến ông Vương Hỗ Ninh.
Tại hội nghị công tác tư tưởng tuyên truyền toàn quốc sau Hội nghị Bắc Đới Hà vừa kết thúc, ông Tập Cận Bình cho biết thực tế đã chứng minh quyết định về việc triển khai công tác tuyên truyền của Trung ương ĐCSTQ là “hoàn toàn đúng”, đa số cán bộ mặt trận tư tưởng tuyên truyền là “hoàn toàn đáng tin cậy”.
VOA Mỹ đăng bài bình luận cho rằng, khẳng định công khai gần đây của ông Tập Cận Bình cho thấy ông Vương Hỗ Ninh vẫn được trọng dụng, vẫn được phụ trách công tác tuyên truyền tư tưởng.
Nhưng vào ngày 02/9 ông Vương Đan (Wang Dan) một trong những thủ lĩnh phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989 chia sẻ trên RFA Mỹ rằng, việc Vương Hỗ Ninh không được cùng Tập Cận Bình hội đàm với Thủ tướng Malaysia Mahathir mà chỉ được tiếp nhân vật cấp thấp hơn nhiều là Trần Quốc Vượng ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Việt Nam cho thấy rằng những tin đồn về địa vị của ông Vương Hỗ Ninh đã bị lung lay là có cơ sở.
Vị trí yếu thế của Vương Hỗ Ninh trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị
Ông Vương Hỗ Ninh xuất thân từ môi trường hàn lâm đại học, bắt đầu quan trường vào thời ông Giang Trạch Dân nắm quyền, làm quan to trải qua cả thời ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, được mệnh danh là “quốc sư ba thế hệ”, bởi vì trường kỳ phụ trách Phòng Nghiên cứu chính sách Trung ương nên được coi là “bộ não” của ĐCSTQ. Đại hội 19 năm ngoái, ông Vương Hỗ Ninh vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách nhiệm về tư tưởng, công tác tuyên truyền và tổ chức cố vấn chiến lược cho ĐCSTQ.
Tuy nhiên, ông Vương Hỗ Ninh rõ ràng là một ủy viên Ban Thường vụ yếu thế. Vị trí tiền nhiệm Lưu Vân Sơn trước đây được phụ trách cả tổ chức nhân sự và hệ thống trường Đảng, hiện công việc này đã được bàn giao cho thân tín Trần Hy (Chen Xi) của ông Tập Cận Bình, còn gần đây những cánh cổng tuyên truyền đã được bố trí cho những cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình.
Theo thông tin chính thức của ĐCSTQ, từ 03 – 04/7 ông ông Vương Hỗ Ninh tham dự Hội nghị Công tác tổ chức quốc gia nhưng không được phát biểu chào mừng như thời người tiền nhiệm Lưu Vân Sơn. Hội nghị này đích thân ông Tập Cận Bình chủ trì và phát biểu khai mạc.
Tại Hội nghị Công tác Chính trị của Ủy ban Trung ương và các cơ quan nhà nước (thuộc công tác xây dựng Đảng) tổ chức tại Bắc Kinh ngày 12/7, ông Tập Cận Bình đã giao cho Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đinh Tiết Tường chủ trì. Trong khi ông Vương Hỗ Ninh là Bí thư Ban Bí thư Trung ương phụ trách “xây dựng chính trị” lại không tham dự.
Ngày 04/8, ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy và Hồ Xuân Hoa đã cùng đi thăm hỏi Bắc Đới Hà và tổ chức một diễn đàn cùng các chuyên gia. Trong hoạt động này ông Vương Hỗ Ninh đã không tham dự như người tiền nhiệm Lưu Vân Sơn.
Trong vài năm qua, nhiệm vụ thăm hỏi chuyên gia Bắc Đới Hà thuộc về Lưu Vân Sơn, ông Vương Hỗ Ninh phụ trách tuyên giáo và xây dựng Đảng nhưng nhiệm vụ này lại giao cho Trưởng Ban Tổ chức Trần Hy, vì thế nhiều người đặt dấu hỏi về vai trò của ông Vương Hỗ Ninh.
Bài viết trên trang Đa Chiều chỉ ra, rõ ràng quyền lực của ông Vương Hỗ Ninh hiện nay yếu thế hơn so với người tiền nhiệm Lưu Vân Sơn trước đây.
Ông Vương Hỗ Ninh hiện là Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Cải cách sâu sắc toàn diện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn minh Trung ương; người tiền nhiệm là ông Lưu Vân Sơn là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, Chủ nhiệm Ban Chỉ đạo Văn minh tinh thần Trung ương. Rõ ràng so với ông Lưu Vân Sơn, ông Vương Hỗ Ninh không có chức Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, và chức này do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Hy phụ trách. Nhìn chung, ông Vương Hỗ Ninh không chỉ không phụ trách tổ chức nhân sự, ngay cả công tác Đảng cũng đã phải bàn giao quyền lực, như vậy quyền hạn của ông Vương còn được bao nhiêu?
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Kim Jong Un Bắc Triều Tiên Vương Hỗ Ninh Lật Chiến Thư