Nhà Hán có một gia môn sĩ tộc vô cùng danh giá, đó chính là họ Ban. Họ Ban thời Tây Hán có Ban Tiệp Dư là phi tần, thời Đông Hán có Ban Cố là tác giả của Hán Thư, có Ban Siêu đi sứ Tây Vực, có Ban Chiêu là nữ sử gia đầu tiên. Trong đó Ban Tiệp Dư là người phụ nữ giỏi từ phú nổi tiếng, là phi tử được Hán Thành Đế nể trọng nhất. Bà có vẻ ngoài xinh đẹp, hiền đức lại hiểu biết lễ nghi nên rất được Hoàng đế sủng ái. Mặc dù được sủng ái, nhưng bà không sinh tâm kiêu ngạo, rất biết phép tắc, không nói chuyện thị phi, không khoa trương. Bởi vậy bà là một phi tần được hậu thế kính ngưỡng.

Ban tiep du 02
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Ban Tiệp Dư sinh ra trong một gia đình có nhiều công trạng ở Lâu Phiền. Cha của Tiệp Dư là Ban Huống, là người đã rong ruổi trên chiến trường thời Hoàng đế Hán Vũ Đế và đã có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc chiến chống Hung Nô.

Ban Tiệp Dư ngay từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, dung mạo xinh đẹp, tài năng văn chương hơn người, am hiểu thơ phú. Bà được lịch sử tôn xưng là “Thiện thi phú, hậu mĩ đức”

Vào năm Kiến Thủy thứ nhất thời Hán Thành Đế, Ban Tiệp Dư được tuyển chọn vào cung. Ban đầu bà là “Thiếu sử”, là cấp thấp nhất trong cung. Nhưng bởi vì Tiệp Dư thông thạo văn học và lịch sử, nổi bật trong số các phi tần nên đã trở thành sủng phi của Hoàng đế Hán Thành Đế. Thân phận của bà cũng từ “Thiếu sử” trở thành “Tiệp dư”.

Hán Thành Đế Lưu Ngao, vị hoàng đế thứ 12 của nhà Tây Hán, có vẻ ngoài tuấn tú và nghiên cứu kinh điển Nho gia từ khi còn nhỏ. Ông cũng có lòng dũng cảm và chí hướng. Sau khi lên ngôi, ông đã thăng chức cho nhóm học giả Nho giáo đã bị đàn áp dưới thời Hán Nguyên Đế. Trong cuốn Hán Thư ghi lại việc Hán Thành Đế đã ra lệnh cho Lưu Hướng tập hợp rất nhiều Nho sinh lại để học tập kinh điển khác nhau, thúc đẩy sự phát triển của văn học thời Tây Hán. Trước khi gặp Triệu Phi Yến và bị trầm mê, để lại tiếng xấu, Hán Thành Đế đã có hai nữ nhân tài sắc ở bên là Hứa hoàng hậu và Ban Tiệp Dư. 

Hứa hoàng hậu là người có sở trường viết văn còn Ban Tiệp Dư là phi tử mà Hoàng đế yêu thích nhất. Bà thường khuyên can Hoàng đế và khuyên ông chăm lo việc triều chính. Bà thuộc nhiều chuyện lịch sử và những điển cố cổ xưa ấy được bà dẫn chứng để khai mở những khúc mắc trong nội tâm của Hán Thành Đế. Ban Tiệp Dư cũng am hiểu âm nhạc. Bà không chỉ là một phi tử ôn nhu dịu dàng mà còn giống như “bạn hiền” của Hán Thành Đế.

Ban Tiệp Dư được sủng ái hơn mười năm, từng sinh ra một hoàng tử nhưng người con này lại mất sớm. Tuy nhiên, điều bất hạnh này không làm ảnh hưởng đến địa vị của bà là dùng đức hạnh hiền thục phụ trợ quân vương.

Bởi vì Ban Tiệp Dư được Hoàng đế sủng ái nên Hứa hoàng hậu dần dần bị thất sủng. Nhưng Ban Tiệp Dư không có ý định thay thế Hoàng hậu mà còn thường tìm cách để tránh Hoàng đế sủng ái quá mức, tạo nên mâu thuẫn. Vì vậy Ban Tiệp Dư được ca ngợi cả trong và ngoài cung nhờ hiền đức và tài năng. 

Hán Thành Đế vì muốn luôn có Ban Tiệp Dư ở bên cạnh nên đã sai người chế tạo một chiếc xe ngựa sang trọng có thể ngồi được hai người và muốn cùng bà đi ngao du khắp nơi. Nhưng Ban Tiệp Dư biết chuyện này đã cự tuyệt. Bà nói: “Quân vương thánh hiền thời cổ đại đều có danh thần ở bên cạnh. Chỉ có ba vị vua cuối thời Hạ, Thương, Chu là Hạ Kiệt, Thương Trụ Vương và Chu U Vương là có phi tần sủng ái ở bên, cuối cùng đều rơi vào hoàn cảnh vong quốc hủy thân. Thần thiếp nếu ngồi trên cùng cỗ xe với Hoàng đế thì chẳng phải cũng giống như họ sao?” Hán Thành Đế cho rằng những lời bà nói là có lý nên đã từ bỏ ý định chế tạo xe.

Cố Khải Chi thời nhà Tấn đã vẽ bức tranh “Nữ sử châm đồ”, trong đó có miêu tả Ban Tiệp Dư cự tuyệt ngồi chung kiệu với Hán Thành Đế. Các nhân vật trong tranh sống động, chi tiết tinh tế, người phụ nữ trong tranh đặc biệt đoan trang và trầm lặng. Mục đích của bức tranh là khuyên răn các phi tần phải thận trọng trong lời nói và việc làm của mình.

Ban tiep du 01
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Ban Tiệp Dư khéo léo từ chối sự sủng ái của Hoàng đế Hán Thành Đế nhưng lại giành được sự tán dương của thái hậu Vương Chính Quân. Tháu hậu đã nói: “Thời cổ có Phàn Cơ, ngày nay có Tiệp Dư”. Phàn Cơ cũng là một người phụ nữ hiền đức thời Xuân Thu ở nước Sở, đã giúp Sở Trang Vương trở thành minh quân. Thái hậu so sánh Ban Tiệp Dư với Phàn Cơ, nhưng đáng tiếc là Hán Thành Đế lại không được như Sở Trang Vương. 

Vào năm Hồng Gia thứ ba (năm 18 TCN), Hán Thành Đế cải trang đi vi hành, gặp Triệu Phi Yến. Với vẻ ngoài tuyệt đẹp, Triệu Phi Yến đã khiến Hoàng đế mê mẩn. Sau đó, chị em Triệu Phi Yến lập tức vào cung, ngày đêm làm khuynh loạn hậu cung.

Triệu Phi Yến đã vu khống Hoàng hậu, khiến Hán Thành Đế trục xuất Hoàng hậu đến cung Chiêu Đài và còn chặt đầu em gái của Hoàng hậu. Hai chị em Triệu Phi Yến còn mê hoặc Hoàng đế để ông trách tội Ban Tiệp Dư trong vụ việc này. Đối mặt với sự vu khống, Ban Tiệp Dư đã nói: “Thiếp nghe nói sống chết có số, phú quý do trời, làm điều lành còn chưa chắc được phúc, làm điều ác có hy vọng gì? Nếu quỷ thần có sự hiểu biết, chắc chắn quỷ thần sẽ không bao giờ nghe những lời gièm pha hại người. Nếu quỷ thần chẳng có sự hiểu biết, những lời nguyền rủa phỏng có ích gì? Chuyện bệ hạ hỏi, thần thiếp không dám làm, chẳng đáng làm!”

Hán Thành Đế không phải là người ngu dốt nhưng bị sắc dục mê hoặc. Nghe Ban Tiệp Dư nói vậy, Hoàng đế bị sự thẳng thắn thành khẩn của Ban Tiệp Dư làm cho cảm động, lại nhớ đến ân tình trước đây nên đã ban thưởng cho Ban Tiệp Dư một trăm cân vàng, lệnh cho bà lui vào hậu cung và miễn trị tội. Sau đó Hán Thành Đế lập Triệu Phi Yến làm hoàng hậu, lại phong cho em gái Triệu Phi Yến là Triệu Nghi Đức làm Chiêu Nghi, ở trong cung Chiêu Dương. Cung điện được trang trí bằng vàng, bạch ngọc, ngọc trai và lông chim, vô cùng xa hoa. 

Đối với hoàn cảnh này, Ban Tiệp Dư vô cùng thất vọng. Bà xin được trở về cung Trường Tín để hầu hạ Thái hậu và được Hán Thành Đế phê chuẩn. Khi Hán Thành Đế băng hà, Ban Tiệp Dư đã tình nguyện đến lăng tẩm của Hán Thành Đế. Bà sống cuộc sống đơn giản đầy đạo hạnh cao khiết, bỏ mặc mọi chuyện tranh giành quyền lực, xem thường phú quý công danh, dùng phần đời còn lại lo việc hương khói cho Hán Thành Đế.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Giả Tiểu Phàm
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: