Bí quyết để sống vui vẻ của nhà tiên tri Thiệu Ung
- An Hòa
- •
Cuộc sống như thế nào mới là cuộc sống vui vẻ hạnh phúc? Từ xưa đến nay, có lẽ cũng đã có rất nhiều người tự hỏi về điều này và mỗi người khác nhau thì sẽ có những đáp án, những cách lý giải khác nhau. Có người cho rằng sống khỏe mạnh là hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận con cái hiếu thảo là hạnh phúc, có người lại cho rằng kiếm được nhiều tiền tài là hạnh phúc… Nhưng trong cuộc sống vẫn luôn có người ăn ngon mặc đẹp mà lại không vui, có người trà thô cơm đạm lại thấy hạnh phúc trong lòng. Thiệu Ung, nhà tiên tri thời Bắc Tống, để lại cảm ngộ sâu sắc của ông về vấn đề này.
Trong nền văn hóa phương Đông, Thiệu Ung là một nhân vật kiệt xuất. Ông là một người có đạo đức cao thượng, đồng thời cũng là một bậc thầy về Dịch học và Lý học thời Bắc Tống. Theo Tống sử, rất nhiều sự việc sau khi xảy ra rồi, người ta mới nhận ra rằng Thiệu Ung đã nói về việc đó từ lâu. Cả đời Thiệu Ung đã viết rất nhiều dự ngôn và sách về phương pháp dự đoán, như “Mai hoa thi”, “Mai hoa dịch số”, “Thiết bản thần số”, “Hà lạc chân số”. “Mai hoa thi” tổng cộng có mười tiết, mỗi tiết có bốn câu thơ viết theo thể thất ngôn, dự đoán về quá trình diễn biến và những sự kiến lớn xảy ra từ thời Bắc Tống cho đến ngày hôm nay, những điều đã qua cũng đã được lịch sử chứng thực. (Xem bài: Vài nét về thơ tiên tri “Mai Hoa Thi” của Thiệu Ung)
Cả cuộc đời mình, Thiệu Ung luôn coi trọng tu dưỡng phẩm chất đạo đức và ông cho rằng sở dĩ thánh nhân có thể tự do tự tại là bởi họ luôn tu dưỡng nội tâm. Trong bài thơ “Hoan hỷ ngâm”, Thiệu Ung chỉ dùng mười từ liền có thể nói rõ ràng về đạo lý sống làm sao để vui vẻ.
Nguyên văn bài thơ “Hoan hỷ ngâm” như sau:
Dương thiện bất dương ác, kí ân bất kí cừu,
Nhân nhân tự hoan hỉ, hà hoạn thiểu giao du.
“Dương thiện bất dương ác, kí ân bất kí cừu” chính là đạo lý mà Thiệu Ung nói đến: nên hoằng dương cái thiện không nên hoằng dương cái ác, nên ghi nhớ ân huệ của người khác đối với mình, không nên ghi nhớ tội ác mà người khác đối với mình. Câu này bên cạnh việc khuyên răn con người hoằng dương thiện không hoằng dương ác thì còn khuyên con người cần phải nghĩ nhiều đến những việc thiện việc tốt, quên đi những việc ác việc xấu. Người nào làm được như vậy thì trong tâm tự nhiên sẽ khoái hoạt vui vẻ.
Thông thường con người thường hay nghĩ đến và ghi nhớ những điều xấu tệ mà người khác đã đối xử với mình, và càng nghĩ thì lại càng thấy khó chịu, đến nỗi ngay cả cơm cũng không còn muốn ăn nữa. Người đối xử tệ với chúng ta thì không sao, nhưng bản thân chúng ta lại cảm thấy tức giận đến mức đau tức trong lòng, sinh ra tâm bệnh. Đây chính là tự mình hại mình.
“Nhân nhân tự hoan hỉ, hà hoạn thiểu giao du”, câu này nói rằng nếu một người có thể làm được như ý của câu trên thì bản thân sẽ vui vẻ thoải mái, hơn nữa còn có thể kết giao được không ít bạn bè. Trong cuộc sống, khi ai đó đối xử tệ với chúng ta, nếu chúng ta có thể lấy ơn báo oán thì hiềm khích cũ sẽ được tiêu tan. Đối phương sẽ biết được chúng ta là người tốt, sẽ nguyện ý kết giao với chúng ta, thậm chí sẵn sàng trợ giúp khi chúng ta cần. Có thêm một người bạn thì sẽ có thêm một con đường, cho nên con đường nhân sinh của chúng ta sẽ bốn phương thông suốt.
“Lấy ơn trả ơn, lấy oán trả oán” là cái lý ai cũng biết, dù không phải ai cũng làm được “lấy ơn trả ơn”. Người có đức hạnh cao thượng lại có thể buông bỏ ân oán, thậm chí là lấy ơn báo oán. Người khác có thể thấy bất công oán giận thay cho họ, nhưng với họ thì đây lại là niềm vui trong cảnh giới, là một sự thăng hoa nội tâm không gì sánh được. Một ý nghĩa của “từ bi” chính là có thể yêu thương tất cả, không coi ai là “kẻ thù”, chính là “yêu cả kẻ thù”.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Xu Tuệ
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nhân sinh cảm ngộ Thiệu Ung lựa chọn thiện ác