Chuyện hai lão tướng ngoài 70 tuổi của nước Vạn Xuân
- Trần Hưng
- •
Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng trước sự an nguy của Giang Sơn Xã Tắc, cả 2 lão tướng đứng đầu nước Vạn Xuân vẫn anh dũng xông pha trận mạc, trở thành tấm gương to lớn cổ vũ cho các tướng sĩ.
Triệu Túc
Vào thời thuộc Lương, đất Chu Diên (đầm Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay) là vùng trù phú, trên bến dưới thuyền, dân cư đông đúc. Năm 470, nhà họ Triệu ở đây đón một đứa bé mới chào đời, đặt tên là Triệu Túc.
Lớn lên Triệu Túc giúp dân mở đất, khai phá vùng Chu Diên, lập thêm các làng mới. Dân chúng chịu ơn, suy tôn ông lam Tù trưởng vùng đất Chu Diên.
Phạm Tu
Cũng thời gian này theo “Thần tích” trang Quang Liệt (tức là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) thì năm 476, ông Phạm Thiều người gốc Yết (Hung Nô) cùng bà Lý Thị Trạch sinh hạ được người con trai, đặt tên là Phạm Tu.
Lớn lên Phạm Tu có khuôn mặt phương phi, khôi ngô tuấn tú, thông minh lại học giỏi, thích đọc sách nghiên cứu binh pháp. Ông là đô vật nổi tiếng nên dân chúng thường gọi ông là Phạm Đô Tu. Phạm Tu cũng nổi tiếng bơi tài, cưỡi ngựa bắn cung thiện xạ, nên hay được gọi là Đô Hồ, ý chỉ là gốc người Hồ.
Trang Quang Liệt là vùng đất trù phú, nhưng sống dưới ách đô hộ của nhà Lương, Phạm Tu đã có tầm nhìn xa, ông sớm khuyên nhủ dân chúng nên thực hiện “Cửu niên tam tích”, tức là tích trữ ngũ cốc, tích trữ y phục, tích trữ vũ khí.
Đánh bại quân Lương
Lúc này ở trong nước, Vũ Lâm hầu Tiêu Tư được cử làm Thứ sử Giao Châu, thực hiện chính sách bóc lột vô cùng hà khắc với dân chúng khiến người Giao Châu bất bình. Giám quân Lý Bí từ quan về quê, đến tháng 1/542 thì chiêu mộ binh mã chống lại chính quyền đô hộ.
Nhiều người hưởng ứng nghĩa quân, Tù trưởng Triệu Túc khi ấy dù 73 tuổi vẫn cùng con trai Triệu Quang Phục đưa toàn bộ quân của mình ở Chu Diên đến gia nhập nghĩa quân. Phạm Tu năm ấy đã 67 tuổi nhưng vẫn hăng hái tập hợp trai tráng rồi cùng đến đầu quân với Lý Bí.
Lý Bí chia quân tiến đánh các nơi, rồi tiến vào thành Long Uyên (đến thời nhà Đường đổi tên là thành Long Biên, sau này đổi tên là thành Thăng Long). Quân Lương thua chạy về nước. Triệu Túc đưa quân vào thành Long Uyên, ổn định dân chúng. Lý Bí tiếp tục đưa quân xuống phía nam thu phục lại toàn bộ Giao Châu.
Cuối năm 542, Triều đình nhà Lương sai Tôn Quýnh và Lương Tử Hùng đem binh sang lấy lại Giao Châu. Lý Bí đã họp bàn với Tinh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu, cùng các tướng trẻ là Phùng Thanh Hòa, Triệu Quang Phục. Cuối cùng mọi người quyết định đưa quân đến tận Hợp Phố (khu vực huyện Hợp Phố thành phố Bắc Hải tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay) để đón đánh quân Lương.
Quân Lương đến Hợp Phố thì bất ngờ bị quân của Lý Bí đổ ra đánh, 10 phần thì chết 6, 7 phần, hoàn toàn tan rã.
Đánh bại Lâm Ấp
Lợi dụng lúc quân Giao Châu tiến đến phía bắc đánh quân Lương, thì quân Lâm Ấp ở phía nam vượt dãy Hoành Sơn chiếm quận Nhật Nam, rồi kéo quân tiến đánh quận Cửu Đức.
Lý Bí liền sai tướng Phạm Tu xuống phía nam đánh Lâm Ấp. Nữ tướng Phạm Thị Toàn vừa đánh tan quân Lương ở phía bắc xong cũng xuống nam cùng tướng Phạm Tu đánh Lâm Ấp.
Quân Giao Châu thắng lớn, lão tướng Phạm Tu lập công to đánh tan hàng vạn quân giặc, suýt bắt được vua Lâm Ấp. Từ đó Lâm Ấp không còn dám dòm ngó Giao Châu nữa.
Kiến lập nước Vạn Xuân
Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, định đô ở cửa sông Tô Lịch, đặt tên nước là Vạn Xuân với mong muốn Giang Sơn Xã Tắc mãi đến muôn đời.
Triệu Túc được cử làm Thái Phó, Phạm Tu đứng đầu quan võ, Tinh Thiều đứng đầu quan văn, Triệu Quang Phục làm tả tướng, Phùng Thanh Hòa làm hữu tướng.
Hai lão tướng Vạn Xuân cùng hy sinh
Không muốn mất vùng đất Giao Châu, tháng 5 năm 545, nhà Lương cho viên tướng giỏi nhất của mình là Trần Bá Tiên đem 8 vạn quân sang đánh Vạn Xuân.
Triệu Túc, Phạm Tu cùng 3 vạn quân xây dựng tuyến phòng thủ vùng đồng bằng sông Hồng để chặn đánh.
Trần Bá Tiên đưa 8 vạn quân tấn công, một cuộc chiến không cân sức diễn ra. Triệu Túc và Phạm Tu đốc thúc quân trấn giữ những nơi hiểm yếu chặn quân Lương.
Trần Bá Tiên cho cả quân thủy và bộ cùng đánh, quân Vạn Xuân ít hơn nhiều không thể cầm cự nên phải lùi dần.
Sau 6 tháng quân Lương đến được cửa sông Tô Lịch, nơi vào thành Long Uyên. Hai lão tướng Triệu Túc dù 76 tuổi và Phạm Tu 70 tuổi vẫn đốc quân, tả xung hữu đột, trở thành tấm gương cổ cũ vũ rất lớn cho các tướng sĩ Vạn Xuân. Cuối cùng cả 2 lão tướng của Vạn Xuân đều ngã xuống trong cuộc chiến này.
Nhận thấy tình thế dần bất lợi, Lý Nam Đế phải cho toàn quân rút đến thành Gia Ninh (tức Phong Châu cũ, nay là xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Quân Lương cũng kiệt quệ trước sự kháng cự dũng mãnh của quân Vạn Xuân, nên phải đến tháng 7/545 mới tiến đánh thành Gia Ninh.
Tưởng nhớ
Sau này con trai của Thái phó Triệu Túc là Triệu Quang Phục nhận sự ủy thác của Lý Nam Đế khôi phục nước Vạn Xuân. Triệu Quang Phục đã thành công khi đánh đuổi được quân Lương về nước, lên ngôi Vua với hiệu là Triệu Việt Vương. Hiện nay, nhiều đình đền dọc sông Hồng vùng đất Khoái Châu thờ hai cha con Triệu Túc – Triệu Quang Phục.
Về lão tướng Phạm Tu, người dân làng Thanh Liệt vô cùng thương tiếc, đã lập miếu thơ ông, đồng thời còn có miếu thờ phụ mẫu của ông là Phạm Thiệu và Lý Thị Trạch. Ngoài ra còn có 74 làng xã lập đền thờ ông. Các Triều đại sau này có 69 đạo sắc, đánh giá rất cao tấm gương và cống hiến của lão tướng Phạm Tu trong lịch sử dân tộc.
Lịch sử như tấm gương, mỗi lần soi vào đó là mỗi dịp người ta nhìn lại bản thân mình xem đã sống trọn vẹn với đạo nghĩa hay chưa. Đó cũng chính là điều khiến lịch sử được trường tồn mãi mãi.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Thụy Sĩ và lịch sử trở thành quốc gia trung lập lâu đời trên thế giới
- Câu chuyện trung nghĩa đằng sau cuộc chiến tại thành Bình Định
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Vạn Xuân